|
|
|
|||||||||||||
Đi & ỞĂn cái bánh, nhớ Trung thu hồi bé (phần 1) 10. 09. 19 - 3:02 pmCandidĂn bánh Sống ở Tây tuy vẫn thỉnh thoảng phải xem lịch để nhớ đi chợ mua đồ thắp hương ngày rằm, mồng 1 nhưng cảm giác về cái thời gian âm lịch nó xa vời. Hôm qua nhận được cái bánh nướng mới giật mình tưởng như vừa mới hôm qua được cho rượu nếp ăn giết sâu bọ ngày Tết Đoan ngọ. Những lúc ấy mới cảm nhận được thời gian nó đã tách thành hai dòng chảy, cái dòng chảy ngày xưa ấy nó vẫn đang chảy mà không có mình. Tưởng tượng như trong lý thuyết về các vũ trụ song song, tại một thời điểm nào đó, cái vũ trụ không mình đã tách ra khỏi cái vũ trụ có mình. Cắt miếng bánh, pha ấm trà, vốn không phải là fan của bánh nướng, bánh dẻo nhưng một miếng xa quê cũng thành câu chuyện. Ngày xưa, có thời gian đưa con gái đi học múa ba-lê trên phố Thụy Khuê, ngày nào đi qua cũng vất vả vì tắc đường mà không hiểu tại sao? Len lỏi mãi mới qua được một cửa hàng bánh trên phố này, hóa ra tắc đường vì mua bánh nướng bánh dẻo. Thật ra mấy chục năm mình sinh ra và sống ở Hà Nội cũng chưa từng ăn bánh ở đây, có thể do mình không thích bánh nướng bánh dẻo và cực ghét cái món bánh nhân truyền thống mỡ lợn, hạt bí, thịt gà, lá chanh… hay giời biển gì đó lổn nhà lổn nhổn. Mình khả dĩ ăn được món bánh nướng nhân trứng muối đậu xanh. Có lẽ là liên quan đến ngày xưa, thời bao cấp cái bánh cái kẹo còn khó khăn, trẻ con lúc nào cũng thèm kẹo. Một hôm tết Trung thu, ông mình mang về cho mình một cái bánh trung thu to đùng, tròn như mặt trăng, kích thước đúng bằng cái đĩa, cánh bánh to chưa từng thấy. Đó là một cái bánh nhân trứng muối hình như là của một hiệu bánh ở miền Nam. Từ đấy mình chỉ thích ăn bánh nhân trứng muối. Lại nói chuyện bánh nướng nhân truyền thống, mình phát hiện ra nhà mình ở gần xưởng bánh của công ty bánh kẹo Hà Nội, thấy mọi người vất vả xếp hàng quá, một hôm vào xưởng mua một đống bánh đem tặng bạn bè, ăn cũng chả khác gì mấy. Ngắm đồ chơi Trung thu với trẻ con ăn có lẽ chỉ là phụ, với mình lúc còn bé, náo nức mỗi mùa Trung Thu về là việc đi bộ lên Hàng Mã để đắm chìm vào không khí của thế giới đồ chơi, đi bộ cả đi cả về là chục cây, trong túi không một đồng, chỉ đi xem và ngắm mà vẫn thấy vui. Thời xưa, đồ chơi không nhiều như bây giờ nhưng với đứa trẻ con như mình Hàng Mã vẫn là thiên đường mỗi độ Trung thu. Tuyệt đỉnh nhất là phải kể đến những chiếc tàu thủy bằng sắt tây được sơn phết sặc sỡ. Đứa trẻ là mình vẫn băn khoăn không hiểu sao một chiếc tàu bằng sắt lại nổi được, đổ đầy dầu vào cái phao chứa dầu đốt lên là nó chạy trong chậu nước phun khói đen chả khác gì một cái tàu xịn. Chao ôi là diệu kỳ. Suốt cả tuổi thơ và đến cả bây giờ mình chưa từng được sở hữu một cái tàu thủy sắt tây này, nên với mình mỗi lần nghĩ về Trung thu lại thấy lấp lánh chiếc tàu thủy sặc sỡ. Trung thu với trẻ con ngoài màu sắc còn âm thanh. Nhớ lúc bé đang ngồi học mà nghe thấy tiếng trống múa sư tử là chỉ muốn vứt sách vở chạy ngay ra sân. Ở Hà Nội bây giờ phổ biến múa lân hơn múa sư tử, có rất nhiều đoàn lân sư rồng hoạt động, mỗi mùa Trung thu là họ tổ chức đi múa xin tiền ở các khu phố, khi mình còn bé không thấy có múa lân. Chỉ đọc về múa lân trong sách báo còn ở Hàng Mã bán nhiều nhất vẫn là đầu sư tử. Đầu sư tử trông hiền lành hơn chứ không cầu kỳ như đầu lân trông cũng hiền hòa hơn là con lân. Nhớ ngày xưa những lần nhìn chiếc đầu sư tử to đùng ở Hàng Mã mà ao ước nhưng chẳng có tiền mua. Có một năm mẹ mình mua cho mình một chiếc đầu sư tử bé, ôi chao là cả một niềm vui. Cách đây vài năm, mình đi chụp ảnh ở Hàng Mã mà tưởng đi nhầm ngày lễ Haloween ở Mỹ. Các gian hàng bán đầy những mặt nạ cao su máu me, đầy đủ các quần áo trang phục hóa trang không khác gì trên phim Mỹ. Trung thu cũng là lễ hội hóa trang của trẻ con Việt Nam nhưng ngày xưa, mặt nạ đơn giản hơn nhiều. Cao cấp nhất là những chiếc mặt nạ giấy bồi, lúc bé mình nhớ đã từng xem người ta làm mặt nạ. Trước hết người ta làm khuôn đất, xong đó bồi từng lượt giấy báo ra, đợi cho nó khô cứng lại rồi sơn vẽ hình nhân vật. Loại mặt nạ giấy bồi này là cao cấp lúc đó, không phải lúc nào cũng được bố mẹ mua cho. Thường thì trẻ con như mình bằng lòng với mặt nạ đơn giản hơn, được vẽ lên bìa rồi cắt ra, hai bên đục lỗ để luồn dây chun rồi đeo. Lúc đeo nhớ cẩn thận kẻo rách cả lỗ bìa thì hết đeo. Ngày xưa không phải lúc nào cũng được bố mẹ mua cho đồ chơi, thời bao cấp cuộc sống vất vả, nhà nào cũng nghèo, lo ăn còn vất vả nói gì đến chuyện đồ chơi. Tuy nhiên trẻ con thì bao giờ cũng sáng tạo. Mình nhớ thích nhất là lúc bổ bưởi, chỉ đợi người lớn gọt bưởi xong, cái vỏ bưởi được gọt đều từ đầu đến cuối thành một dải, thường được để phơi lên dùng để gội đầu. Thế nhưng với trẻ con chúng mình thì đó là một chiếc mũ phi công tuyệt hảo. Đội lên đầu là đã trở thành phi công lái Mig 17, Mig 21 để đánh nhau với máy bay Thần Sấm, Con Ma của Mỹ. (còn tiếp bài: “Nhìn đèn lồng, ân hận chuyện năm xưa“) Ý kiến - Thảo luận
16:57
Monday,7.9.2020
Đăng bởi:
candid
16:57
Monday,7.9.2020
Đăng bởi:
candid
Lâu lắm rồi không vào Soi nên không biết có comment nên thất lễ với bạn Quân. Về chuyện rảnh thì khắp cõi internet mình mà nhận số 2 về độ rảnh thì chắc không có ai dám nhận về số 1 nhưng mình đảm bảo là xưa nay mình chưa rảnh để lập nick clone bao giờ. Cám ơn bạn đã nhiệt tình còm đến tận 2 lần.
10:59
Thursday,24.10.2019
Đăng bởi:
Quân
Mà cái ông Candid chắc là rảnh nhất trên Soi, bài nào cũng thấy lê la liếm láp, lúc nào cũng em cũng đến đây rồi, em thử món này rồi, em cũng đọc qua sách này rồi...
...xem tiếp
10:59
Thursday,24.10.2019
Đăng bởi:
Quân
Mà cái ông Candid chắc là rảnh nhất trên Soi, bài nào cũng thấy lê la liếm láp, lúc nào cũng em cũng đến đây rồi, em thử món này rồi, em cũng đọc qua sách này rồi...
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp