Bàn luận

Muốn xem tranh thì cần có gì? 22. 06. 11 - 5:44 pm

Hieniemic

(SOI: Trong phần Thảo luận của bài “Giá tranh Claudio Bravo – bậc thầy về ánh sáng”, bạn Hieniemic có ý kiến sau. Soi xin cắt lên thành bài để các bạn thảo luận dễ hơn. Tên bài do Soi đặt. Cảm ơn Hieniemic nhiều.)

Giấy – Tranh của Claudio Bravo

Thật ra, nếu tìm hiểu kỹ về lịch sử hội họa thì có thể dễ dàng biết được rằng lối vẽ realism này (photorealism và hyperrealism) vốn có gốc rễ sâu xa từ những khám phá của Giotto về phối cảnh. Lối vẽ này từng bị giới hội họa “mới”, bắt nguồn từ thời Manet, Monet kịch liệt phản đối, tạo thành một làn sóng đối nghịch với trào lưu Tân Cổ điển (Neo-classicism) đang thịnh hành lúc đó ở Pháp. Chính là vì lối vẽ này tôn thờ hoàn toàn quan niệm về nghệ thuật của Aristotle: Nghệ thuật là bắt chước tự nhiên. Hay theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật và các nhà phê bình là chính việc quá lạm dụng phương pháp phối cảnh khiến cho thế giới quan của cả nền văn minh phương Tây bị bó hẹp trong một khuôn mẫu, hạn chế cách chúng ta nhìn thế giới chỉ bằng một cách nhìn theo phối cảnh 3 chiều của hệ trục Oxyz.

Vệ nữ – Tranh của Claudio Bravo

Tuy nhiên, sự ra đời của máy ảnh, cũng như việc áp dụng nghệ thuật nhiếp ảnh để tạo ra các trường phái tả chân mới như photorealism ở trên đã khiến cho cách nhìn phối cảnh phần nào được giải phóng. Tuy thế, việc nhìn theo phối cảnh vẫn khiến cho cách nhìn nhận của con người bị hạn chế nhiều.

Thiết nghĩ, một người xem tranh, thưởng thức hay hưởng thụ nghệ thuật có quyền được xem theo ý thích của mình. Tôi có thể cảm thấy những bức họa chân thực như thế này là tầm thường, tôi thích xem những cách nhìn mới lạ về thế giới này cơ, theo các chiều thời gian như tranh đụn cỏ hay nhà thờ của Monet, hay xem cách ánh sáng long lanh chuyển động trong các bức hoa súng của ông, hoặc xem tranh tĩnh vật được vẽ từ đủ các điểm nhìn của Cézanne. Nhưng cũng có thể tôi chả hiểu những cách nhìn mới đó là cái quái gì, làm sao tôi thích được!

Tĩnh vật với bức màn – Tranh của Cézanne

Hoặc là trường hợp tôi cũng hiểu đấy, bức Những cô nàng Avignon của ông trùm Lập thể Picasso, vẽ hàng mớ những hình kỉ hà, cắt xẻ không gian quen thuộc ra làm nhiều mảnh, tôi nhìn vào, ừ thì hay đấy, nhưng tôi chả thấy gì đẹp cả, thế cũng làm sao tôi thích được.

Những cô nàng xứ Avignon – Tranh của Picasso

Mặc kệ những tư tưởng, những cách nhìn, những lý thuyết, triết lý, bla bla bla cao siêu kia, tôi xem tranh là vì đẹp, là vì nó kích thích những chiều kích trong tâm hồn tôi, tôi có thể nói như thế. Nếu như thế, tôi thích nhìn mấy cô gái khỏa thân trong tranh Tân Cổ điển của Ingres, Bouguereau hơn chứ, bức Khỏa thân đi xuống cầu thang của Duchamp, tên nghe hot vậy chứ có gì hay ho đâu mà xem.

La Grande Odalisque – Tranh của Auguste Dominique Ingres


Khỏa thân đi xuống cầu thang – Tranh của Duchamp

Nói thì cũng nói như vậy, chứ nếu người xem tranh chỉ bó hẹp tầm nhìn của mình trong mấy bức dễ nhìn, tả chân, hiện thực, xem mãi thế nào cũng nhàm. “Phú quý sanh lễ nghĩa”, đời sống càng cao, việc thưởng thức nghệ thuật càng nâng tầm và đòi hỏi người thưởng thức phải tự nâng trình của mình lên. Như là nghe nhạc cổ điển, người nghe được mấy bản nhỏ nhỏ, có thể đi khoe với mọi người là mình nghe được cái thứ nhạc quý tộc này rồi. Thế nhưng, nghe một thời gian những bài nhỏ nhỏ ấy, thế nào cũng phát nhàm, người ta sẽ có nhu cầu muốn thưởng thức những tác phẩm to, những concerto, symphony, như thế cũng phải bỏ công ra ngồi gõ Google tìm hiểu hay vào thư viện ngồi đọc, nếu không thì chẳng thể cảm được cái thứ âm thanh hòa trộn đùng đùng ầm ầm đang dội vào hai tai.

Xem tranh cũng thế, người xem cũng cần tự trang bị cho mình những kiến thức về các trào lưu, ý nghĩa của những tư tưởng mới trong hội họa, để mình có thể nhìn nhận cho toàn vẹn. Sau khi lý trí đã cất lời, sau đó, con tim mới có đủ quyền để từ từ lên tiếng, “Ôi, tôi hiểu hết những thứ hay ho này rồi. Nhưng tôi vẫn thích tranh kiểu XYZ này hơn”.

Vài điều em suy nghĩ là như vậy.

 

Ý kiến - Thảo luận

12:25 Friday,26.1.2018 Đăng bởi:  admin
@ axto rop: Soi chưa đưa cmt của bạn lên, vì một cmt phê bình cần có lập luận. Bạn không thích thì không thích cái gì, bạn chê thì phải có lý do, chứ chê chung chung thì việc ấy dễ lắm. Bạn đọc bài mà không hiểu là không hiểu chỗ nào, còn nếu do trình độ sẵn có hạn để đến nỗi không hiểu được tí gì thì đó là chuyện của bạn, Soi rất lấy làm tiếc là không g
...xem tiếp
12:25 Friday,26.1.2018 Đăng bởi:  admin
@ axto rop: Soi chưa đưa cmt của bạn lên, vì một cmt phê bình cần có lập luận. Bạn không thích thì không thích cái gì, bạn chê thì phải có lý do, chứ chê chung chung thì việc ấy dễ lắm. Bạn đọc bài mà không hiểu là không hiểu chỗ nào, còn nếu do trình độ sẵn có hạn để đến nỗi không hiểu được tí gì thì đó là chuyện của bạn, Soi rất lấy làm tiếc là không giúp được ạ :-) 
1:08 Tuesday,28.6.2011 Đăng bởi:  Hieniemic
A, đúng là thế ạ. Trong bài của em, em không hề đặt quan điểm nhìn nhận của em vào. Em chỉ sắp xếp luận điểm theo 3 cách nhìn nhận để từ đó thể hiện phần nào cách nghĩ và cách cảm của những người suy nghĩ theo 3 hướng đó thôi.

Em không phải dân vẽ, em chỉ vẽ được mấy cái hình theo sách dạy vẽ căn bản thôi. Em chẳng học ngành vẽ, cũng chẳng có ý định
...xem tiếp
1:08 Tuesday,28.6.2011 Đăng bởi:  Hieniemic
A, đúng là thế ạ. Trong bài của em, em không hề đặt quan điểm nhìn nhận của em vào. Em chỉ sắp xếp luận điểm theo 3 cách nhìn nhận để từ đó thể hiện phần nào cách nghĩ và cách cảm của những người suy nghĩ theo 3 hướng đó thôi.

Em không phải dân vẽ, em chỉ vẽ được mấy cái hình theo sách dạy vẽ căn bản thôi. Em chẳng học ngành vẽ, cũng chẳng có ý định luyện thi để vào đại học mỹ thuật hay kiến trúc. Em hoàn toàn chỉ nhìn tranh dưới con mắt của những người thưởng thức, tìm tòi để cố hiểu cái bức tranh nó nói gì và mình có thể hiểu gì cũng như rút ra được những trải nghiệm gì mới từ đó. Tuổi em còn nhỏ lắm, nhỏ hơn mọi người ở đây nhiều, em suy nghĩ không được hay ho đâu, cái comment trên em chỉ post chơi bàn tán cho xôm, ai dè SOI cho thành 1 bài, kinh thật. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả