Gẫm & Bình

Bếp núc: Người cha 27. 07. 11 - 6:26 am

Hồ Như Mai dịch

(Các bạn nhớ bấm vào TÊN tác phẩm để xem chi tiết)

.

ATUL DODIYA (sinh 1959)
Father (Cha)
Sơn dầu trên canvas
122 x 183.3 cm
Vẽ năm 1989

Giá ước lượng: $246,150 – $410,250
Giá bán được: $435,500
Ngày bán: 9. 6. 2011

 

Là một trong những nghệ sĩ hàng đầu của thế hệ mình, Atyl Dodiya được công nhận rộng rãi là một cây đa cây đề trong nghệ thuật đương đại Nam Á, có ảnh hưởng đến nhiều nghệ sĩ trẻ mới nổi trong nước ông.

Tác phẩm Father từng có mặt trong triển lãm solo đầu tiên của Dodiya, năm 1989, một ví dụ tuyệt vời của phong cách hiện thực “như nhiếp ảnh”, là phong cách chủ chốt trong sự nghiệp của ông vào những năm 1980s và khiến ông được tán thưởng nhiệt liệt. Kết hợp sự hóm hỉnh, hài hước cùng một phong cách hiện thực thẳng thắn, thông minh đến gây choáng, Dodiya tạo nên nét bí ẩn trong tác phẩm, và mời gọi người xem trải nghiệm, suy ngẫm về câu chuyện được bày ra.

Tác phẩm này là phần nào trong hành trình nghệ sĩ của ông?

Từ năm 87 trở về sau tôi bắt đầu theo đuổi một thứ chủ nghĩa tự nhiên, tức là vẽ chân dung gia đình, bạn bè, hàng xóm, ở những bối cảnh trong nhà và ngoài trời rất cụ thể. Mối quan tâm lớn nhất của tôi lúc đó là làm sao vẽ được sự cô đơn và sự yên lặng, và làm sao chuyển tải được một tâm trạng cụ thể- một tâm trạng tỉnh táo hoặc chỉ đơn giản là tâm trạng của một người đang giết thời gian. Tôi thường vẽ một người đứng ngay ô cửa, hay nhìn ra cửa sổ, hay đôi khi chỉ là một căn phòng trống. Bức tranh này với tôi rất quan trọng bởi vì nó chính là chân dung của cha tôi. Tôi thường vẽ cha và tác phẩm này là từ triển lãm solo đầu tiên của tôi năm 1989. Ở tác phẩm này, cha tôi xuất hiện lần đầu tiên theo một cách hết sức trực tiếp.

Ông có thể kể thêm một chút về quan hệ với cha mình? Cha ông có ủng hộ việc ông trở thành một nghệ sĩ hồi những năm tám mươi?

Cha tôi là người bạn thân nhất của tôi. Tôi chia sẻ rất nhiều thứ với ông- về tranh, về những thứ xảy ra trong thế giới nghệ thuật, về việc tại sao tôi lại sáng tác một kiểu nhất định. Cha rất tò mò về những thứ tôi làm và muốn biết tôi nhìn mọi thứ như thế nào. Năm tôi vào đại học, mặc cho người ta có nói gì, cha chính là người hoàn toàn tin tưởng vào tôi. Trong những ngày đầu chập chững, tôi được cha hỗ trợ (về tài chính) hoàn toàn. Cha tôi là người có khiếu hài hước và tính cách đặc biệt (cha cũng là người rất cao lớn), và tôi rất thích vẽ cha. Hồi đó cha tôi làm nhà thầu xây dựng. Sự liên hệ với những chất liệu cứng và công nghiệp thường thấy trong tác phẩm của tôi đến từ những kỷ niệm xa xưa, khi tôi đi cùng cha ra công trường. Trong bức tranh này ta thấy một cái cửa gỗ, với một cái bản lề lớn ở một phía của tranh, còn bên kia là mặt sau của canvas và khung căng bằng gỗ. Những khía cạnh vật chất của một chủ thể liên tục đi vào tranh của tôi, cho đến ngày nay, kể cả cánh cửa lật bằng kim loại mà tôi hay vẽ.

Tác phẩm này có gì đó rất gần gũi và riêng tư. Nhưng những tác phẩm cùng thời khác của ông thường dùng bút pháp hài hước, mai mỉa, như đang trêu chọc người xem. Có phải vì đây là một chủ đề nghiêm túc hơn không?

Đây phần nào cũng là chân dung một người xem tranh. Không phải thế ư? Người xem thường đứng bên ngoài canvas nhưng ở đây ta lại thấy người xem chính là chủ thể của tác phẩm! Cấu trúc ngữ pháp của bức tranh cũng là một phần trong tác phẩm của tôi. Một đàn ông đang ngồi ghế tựa, nhìn vào một bức tranh- đó là những gì ta thấy được trên canvas. Thế rồi lại có một người xem khác ở ngoài bức tranh, nhìn vào bức tranh của một người xem tạo nên một thứ trò chơi soi gương trừu tượng. Là người xem chúng ta biết được mình đang nhìn thấy gì, nhưng chúng ta không biết được người đàn ông ngồi kia đang nhìn gì. Chúng ta chỉ thấy được đằng sau của bức canvas ấy. Tôi nhớ đến một câu nói nổi tiếng của họa sĩ bậc thầy người Pháp Henri Matisse “Tôi mơ ước một thứ nghệ thuật của sự cân bằng, của sự thuần khiết, và sự thanh thản, không có phiền muộn- một tác động dịu nhẹ, trầm lắng lên tâm trí, như một chiếc ghế tựa có tác dụng giúp thư giãn làm dịu đi những mệt mỏi thể chất.” Nhưng để tôi thêm vào một chút, tôi muốn đánh đố người xem, tôi thích trêu chọc họ, tôi thích chơi một thứ trò chơi tâm lý, làm cho người xem cảm thấy bối rối khi đang trải nghiệm một bức tranh.

Ông có bao giờ tưởng tượng hay nghĩ là người trong tranh đang nhìn gì không? Ông có thể cho chúng tôi một gợi ý, hay là để tùy sự tưởng tượng của người xem?

Không, tôi không biết trong tranh cha tôi đang nhìn gì. Mối quan tâm của tôi là chúng ta đang nhìn gì. Những giọt màu sơn ở mép canvas gợi ý rằng chắc là thứ gì đó rất màu sắc.

Khi thực hiện series này ông có chịu sự ảnh hưởng lớn từ ai không?

Có hai nguồn ảnh hưởng cùng lúc, rất khác nhau về bản chất. Thứ nhất là họa sĩ người Anh David Hockney và thứ hai là một họa sĩ ở thế hệ trước, bậc thầy người Mỹ Edward Hopper. Điều tôi thích ở Hockney là sự hài hước hóm hỉnh, còn ở Hopper là sự lột tả nỗi cô đơn, tông màu buồn thảm, tạo nên những câu chuyện sâu sắc trong tranh. Trong series năm 88-89 bạn không thấy được một ảnh hưởng trực tiếp, nhưng tôi chắc chắn rằng Edward Hopper chính là một nguồn cảm hứng của mình.

Về cả series và triển lãm solo đầu tiên, khi đó ông đang nghĩ gì?

Tôi học ở trường nghệ thuật J.J, Bombay và hồi đó ai cũng chịu ảnh hưởng của trừu tượng thuần khiết. Tôi thích văn chương và điện ảnh; thích cái ý tưởng về tự sự và những câu chuyện đan cài với nhau, qua những cuộc đối đáp và kỷ niệm. Đó là điều làm tôi thích thú khi bắt đầu rời khỏi trường phái Bombay, bắt đầu vẽ những bức theo kiểu figurative (nệ hình). Những năm 84 đến 87 tôi gặp nhiều khó khăn khi xử lý tác phẩm và chỉ đến giai đoạn 87-88 tôi mới thực sự thấy thích phương pháp vẽ hình người như thế.

Những hình ảnh trong tranh của ông có phải là từ hình chụp không?

Năm 1986 tôi có chiếc máy ảnh Nikon F2A đầu tiên, ban đầu tôi nghĩ tôi sẽ làm cả nhiếp ảnh nhưng sớm nhận ra rằng có được một hình ảnh đẹp từ nhiếp ảnh là không dễ tí nào. Tôi nhận ra tất cả những hình tôi chụp là một thứ phác thảo cho tranh sẽ vẽ. Vậy là khi tôi đi đây đó, thay vì đem theo sổ phác họa và bút chì, tôi lại đem theo máy ảnh. Tấm này chụp năm 1988 ở Chorwad, Saurashtra (Gujarat) nơi chú tôi sống. Chúng tôi lúc đó đang ngồi trong khách sạn bên bờ biển và tôi chụp ảnh cha tôi. Đương nhiên, cái cửa không có ở đó, canvas cũng không- chỉ có cha tôi ngồi trên ghế, đằng sau là cửa sổ. Tôi vẽ phác thảo khá nhiều trước khi nghĩ ra tông màu tôi muốn dùng trong tác phẩm này. Tôi vẫn nghĩ đây chính là tác phẩm tôi thích nhất trong triển lãm đó.

Ý kiến - Thảo luận

12:12 Tuesday,9.8.2011 Đăng bởi:  Candid
Mình cũng đi xem triển lãm thầy gì vẽ tranh gái mặc yếm mà bạn em-có-ý-kiến nói. Mình chả hiểu gì về hội họa lắm nhưng cũng thấy gượng và sến.
...xem tiếp
12:12 Tuesday,9.8.2011 Đăng bởi:  Candid
Mình cũng đi xem triển lãm thầy gì vẽ tranh gái mặc yếm mà bạn em-có-ý-kiến nói. Mình chả hiểu gì về hội họa lắm nhưng cũng thấy gượng và sến. 
10:20 Wednesday,27.7.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Tranh vẽ lại từ các bức ảnh chụp (thay vì ký họa) thường có cái gì đó sống sượng.

Trước đây em biết có thầy rất giỏi vẽ lại các ảnh chụp các cô mẫu tân thời bận yếm sồi váy lĩnh quấn khăn mỏ chim, rất hay tha thẩn ở vệ ao hoặc kì cọ cạnh chum nước. Thế nhưng ai xem cũng biết thầy ngại vẽ mẫu sống, thầy chép i chang từ ảnh (màu) cho nó nhanh (thầy
...xem tiếp
10:20 Wednesday,27.7.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Tranh vẽ lại từ các bức ảnh chụp (thay vì ký họa) thường có cái gì đó sống sượng.

Trước đây em biết có thầy rất giỏi vẽ lại các ảnh chụp các cô mẫu tân thời bận yếm sồi váy lĩnh quấn khăn mỏ chim, rất hay tha thẩn ở vệ ao hoặc kì cọ cạnh chum nước. Thế nhưng ai xem cũng biết thầy ngại vẽ mẫu sống, thầy chép i chang từ ảnh (màu) cho nó nhanh (thầy bảo: nếu cần tao vẽ mỗi bức 3 ngày xong), nên xem rất cứng, rất khô, rất dại. .

Nhưng: bức tranh này không có cái sượng đó, do tài năng hay do công sức lao động nghệ thuật họa sĩ đã bỏ ra?

Cám ơn chú DODIYA (sinh năm 1959), cám ơn Như Mai ạ. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Về một cách nhìn nghệ thuật!

Một thành viên của Khoan Cắt Bê Tông

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả