Gẫm & Bình

Họa sĩ Nguyễn Huy An: Cuộc chiến giữa bóng và hình 25. 06. 11 - 2:47 pm

Codet - Ảnh: Codet, Rongdat, Mạnh art

(SOI: Bài viết này có từ 2008, mời các bạn đọc để hiểu rõ hơn về công việc và ý tưởng của họa sĩ.)

.

Vừa qua, Nguyễn Huy An và Nguyễn Hồng Hải, Nguyễn Trần Nam cùng triển lãm nghệ thuật-sắp đặt-ý niệm: Cái gì đó rơi, đang rơi, và sẽ rơi…. Theo nghệ sĩ Trần Lương (curator): “Dù có được nhắc đến hay không, thì sự rơi vẫn tồn tại như sự chuyển vận tất yếu của vạn vật. Bay lên rồi rơi xuống là lẽ tự nhiên, cũng như cảm giác thường trực về sự phát triển tươi mới của sự sống, sự lão hóa và phân hủy. Sự rơi bày ra những góc nhìn, những nhận biết khác nhau mà bấy lâu nay nó đặt ra rất nhiều tranh luận…

Tác phẩm của Nguyễn Huy An là một tác phẩm không có tên. Đó là một chiếc bàn cũ, cao khoảng 1m7. Và một cái bóng, nằm dưới bàn. An cho biết, cái bàn đó là một cái bàn cũ, được sử dụng từ những năm của thế kỷ 20, loại bàn ngày nay không còn được sử dụng nhiều nữa. Còn trước kia, chúng gắn bó với cuộc sống gia đình, chỗ làm việc, chỗ học hành… Một cái bàn có ngăn kéo rất quê, và cũ, một cái bàn còn sót lại ở  góc chợ, nơi nó biến thành cái phản bán thịt của một bà tuổi sồn sồn, là cái bàn chơ vơ đã bị ném đi, bởi nó đã bị lỗi mốt. Khi đi qua những chợ cóc ban đêm, có những chiếc bàn nằm chỏng chơ, hiu hắt như thế. Một thứ lạc lõng.

.

Xin mô tả sơ qua quá trình trình diễn của An như sau: “Người nghệ sĩ đứng, và trên bàn là một gói giấy buộc chặt. Nhờ một chiếc đèn chiếu, bóng của chiếc bàn xuất hiện. Chúng chỉ là một hình bóng mờ nhạt, không có gì đáng chú ý. An chui xuống gầm bàn, xoay xở trong một không gian chật hẹp rải những bụi than đen, lấp đầy bóng”.

Từ một hình thể mờ nhạt, khó nắm bắt, rất ảo và mong manh, chiếc bóng của bàn đã thành một vật hiện hữu, một sự thực, hiển hiện, và sống động. Một chiếc bóng đậm. Chúng đã được thổi hồn vào đó. Để sống, để thành một thực thể tự do, và độc lập.

Cũng có thể coi đó là một thực thể khác, không còn đơn thuần là bóng của chiếc bàn đó nữa. Nó có thể được coi là một phần khuất tối, một cái gì đó độc lập.

Dostoievski có cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên Là bóng hay là hình. Đó là một cuộc chiến giữa bóng và người. Chiếc bóng một ngày nào đó bỗng trở thành chính chủ nhân của nó – một chàng công chức vốn mang nhiều dằn vặt mặc cảm. Cuộc sống bị đảo lộn, khi con người – sau cuộc vật lộn với đời sống, với cả chiếc bóng của mình – đã thua. Ở tác phẩm của Nguyễn Huy An, dường như đã gặp điều ấy – cuộc chiến giữa bóng hình và thực tại.

.

Ở tác phẩm Những con đường, An dùng những sợi chỉ mua được từ một bà cô, và bắt đầu đo những con đường trên khu tam giác phố cổ. Có lẽ do đặc thù công việc, nên An phải đi đo vào ban đêm cùng với những người bạn của mình. Cứ một chiếc túi nhỏ, một bản đồ, cây bút, từng con chỉ màu đen mà đi đo khu tam giác đó, từ Ô Quan Chưởng, đến Hàng Hành, Hàng Bún, Hàng Đậu, Cầu Gỗ, Gầm Cầu, Hàng Gai, Hàng Gà, Hàng Bè… đi qua những con chợ, những khu phố, những ngôi nhà cổ hình ống… Mỗi một con phố không được tính bằng số km đơn thuần mà bằng từng nắm chỉ đen thu được. An thu ghém thành nắm, gắn nó trên một góc tường, chỗ giao thoa giữa hai bức tường với nhau. Từng con phố (chỉ) được đặt vào vào một chiếc hộp, có lót vải lụa mềm, hoặc túi nilon, ghi chú rõ ràng.

Nguyễn Huy An dùng sợi chỉ đen cho tác phẩm nghệ thuật của mình. Màu đen, vì nó nhẹ nhàng, duyên, mà lại kín đáo, có chút cẩn mật và huyền ảo. Một nắm chỉ rối – một con đường – một hành trình – một công việc… Góc tường, cũng là góc được ưa sử dụng, và góc thích trong ý nghĩ và cách thể hiện của Huy An. Nó là một không gian… kín đáo, và “bé bỏng”.

Huy An thực hiện tác phẩm "Những con đường"

Còn ở tác phẩm: Tóc, Huy An viết: “Một lần tôi nhặt được chiếc lược cũ của mẹ. Tôi thấy bao nhiêu sợi tóc còn vương lại. Tôi tự hỏi có bao nhiêu tóc rụng sau một lần chải, sau một đời người?...

Có thể thấy ở họa sĩ Nguyễn Huy An, những ý nghĩ rất dung dị, gần gũi, nhưng khá sâu sắc. Cũng không có gì lạ, bởi qua cuộc nói chuyện sẽ thấy ở Nguyễn Huy An không chỉ là hình dáng một anh giáo Thứ đang dạy tiểu học bộ môn Mỹ Thuật, bởi bên cạnh tính tình kín đáo, nhẹ nhàng là một người rất sâu sắc và quyết đoán. Sự sáng tạo trong nghệ thuật ý niệm của anh đã mang bao hoài nghi: “Hồi đầu, tôi còn băn khoăn, suy nghĩ, nhưng rồi cũng kết luận một cách rất chân thật rằng: Mình như con cá rô bơi trong một cái ao nhỏ, rồi lần hồi bơi ra sông, ra biển. Rất sợ, và chẳng biết được, nhưng cứ làm! Xã hội mình đi sau, nhưng mình phải vươn lên thôi. Sự hoang mang ở tôi cũng chẳng phải riêng tôi, mà là của dân nghệ nói chung. Ai cũng muốn làm cách mạng, nhưng rồi cũng đến lúc khi không còn quan trọng cũ mới nữa thì mới có thể làm được. Cái gì tự cảm nhận, thích làm, thì làm. Tôi tạm gọi đó là giảm thiểu. Đó là một sự triệt tiêu về vật chất, một hướng mà tôi ưa thích. Thực ra, mỗi khi làm, tôi phải biết rõ nguyên nhân tại sao tôi làm, tại sao tôi chọn nó. Tôi không để bị phân tán bởi những tác động bên ngoài, bởi nó sẽ gây hoang mang. Trước thì mơ cái gì to tát, nên cũng chả làm được, nhưng giờ thì sẽ vượt qua cái nhỏ bé của mình”.

Huy An cầm sợi tóc đi trên các con phố Hà Nội

Tác phẩm "Tóc"

 

 

*

Bài liên quan:

– Cần hít thở nhưng nhiều bế tắc
– Thư giải thích gửi Nguyễn Huy An của Natalia Kraevskaia

– Hàng Việt giống hàng ngoại và chuyện của Huy An

– Thư gửi bà Natalia Kraevskaia của Nguyễn Huy An

– Họa sĩ Nguyễn Huy An: Cuộc chiến giữa bóng và hình

– Hít vào ắt phải thở ra…

– Giống và/mà không giống

– Tiếp câu chuyện Thở ra hít vào…

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả