Nghệ sĩ thế giới

CARSTEN HÖLLER: Tôi muốn cho bạn được phát điên 06. 02. 12 - 7:41 am

Pha Lê dịch

 

Tác phẩm "Trải nghiệm" 2011.

 

Trải nghiệm (Experience) – Triển lãm tổng quan đầu tiên của Carsten Holler ở New York gồm có vòng quay ngựa gỗ, những cầu tuột khổng lồ, những thùng tăng cường giác quan*, đồ treo nôi (gắn ở thành cũi em bé, có thể xoay tròn, trên hay treo thú bông), và các tác phẩm khác. Tại buổi triển lãm này, cựu khoa học gia Carsten bàn về tham vọng muốn kích thích các trạng thái “điên loạn” bằng cách sáng tạo nên một môi trường mỹ thuật đa chiều, nhằm kiểm tra những giới hạn của nhận thức loài người. Tác phẩm của nghệ sĩ sống ở Stockholm này đã chiếm hết chỗ của bảo tàng New Museum, và triển lãm kéo dài tới ngày 15. 1. 2012.

Mời bạn đọc lời diễn giải 500 chữ của Carsten Holler cho tác phẩm này.

 

CẦU TUỘT CÓ PHẢI CHỈ DÀNH CHO TRẺ CON?

Tôi không nghĩ thế, và cũng chẳng hiểu tại sao người lớn chỉ dùng cầu thang, thang máy, và thang cuốn.

Trượt (cầu tuột) rất an toàn – có giá phải chăng, lại nhanh chóng; và điều tuyệt vời nhất là nó tạo được một khoảnh khắc “điên loạn” phi thường. Thật khó khi phải tả cái cảm xúc đặc trưng của “điên loạn” bằng lời – một sự sợ hãi đầy khiêu gợi chăng? Nhưng tôi chắc rằng nếu xài cầu tuột mỗi ngày, nó sẽ khiến cuộc sống của mọi người khác đi. Theo một cách nào đấy, tôi đã dựng toàn bộ triển lãm này với mục đích làm cho bạn được phát điên.

Carsten khảo sát cảm giác nói chung của con người. Đặc biệt là tác phẩm đường ống xoắn “Trải Nghiệm” tại Tate London.

Người xem chui vào, có trải nghiệm về một đường hầm tối, trong đường hầm lại có camera ghi lại phút giây người ta tụt trong ống - khi cảm giác phấn khích lên đến cùng cực.

 

Văn hóa của chúng ta là thứ văn hóa luôn ráng kiểm soát tất cả những thứ ta đụng phải trong cuộc sống – và ta đã học cách quản lý xung quanh khá tốt.

Cố gắng “thả lỏng” là việc xa xỉ mà lúc này ta có thể “mua được” cho chính mình; đây cũng chính là ý tôi muốn thực hiện trong Trải nghiệm. Tôi hy vọng rằng những ai đến xem triển lãm sẽ có thể tự thả lỏng, cũng như xem xét xem chuyện gì sẽ xảy đến nếu họ quên đi những thứ mà họ nghĩ rằng họ cần có để dự đoán cuộc sống hàng ngày của mình. Nói theo cách khác, tôi hy vọng người xem sẽ bắt đầu để cho các trải nghiệm tự phát theo cách nó muốn, và để cho cảm xúc điên loạn cứ thế nảy sinh từ các trải nghiệm đó. Văn hóa của chúng ta từ chối khả năng này, có lẽ vì sự điên loạn là quá mức hoặc đã từng là một thứ quá mức. Vào thời xưa, sự nổi lên của ý thức đã sản xuất ra các phương tiện để kiểm soát sự điên loạn, nhưng giờ thì chúng ta có thể cho nó một không gian sống rộng rãi hơn rồi.

Bởi vì cuộc triển lãm chủ yếu là về sự tự-trải-nghiệm, tôi đã sử dụng bảo tàng như một cơ thể sống. Khi được mời tạo nên một cuộc triển lãm như thế này, thường là bạn sẽ tới một nơi mà người kiến trúc sư làm ra nó đã thực hiện một lời tuyên ngôn (statement) mạnh mẽ. Trường hợp này cũng thế. Rồi còn cái tình cảnh từa tựa truyện Moby Dick* nữa. Đó là bạn sẽ có cảm giác mình đang sống trong bụng của một con cá voi. Trong Trải nghiệm, bạn sẽ thấy như mình đang ở trong một cái đầu và một cơ thể, nhưng chúng chẳng phải của bạn; chúng là thứ bạn đã xâm nhập như một ký sinh trùng, với những suy nghĩ của bạn, những ý tưởng của bạn về bản thân, và tất nhiên, những trải nghiệm của chính bạn. Rất nhiều tác phẩm tại buổi triễn lãm là những công cụ mà bạn có thể dùng để áp dụng cho các cảm xúc về sự hiện hữu của bản thân, cho những khái niệm về “cái tôi” của bạn. Nó gần giống như việc bạn tự bóc trần mình. Nếu bạn là một cuộn phim, buổi triển lãm sẽ là ánh sáng, phát ra những hình ảnh cho riêng mỗi mình bạn, cho những thứ nằm bên trong bạn, và chỉ có bạn mới thấy được những hình ảnh này. Theo cách nào đấy, buổi triển lãm không hề có những hình ảnh được định trước.

Ống trượt ngoằn ngoèo của Carsten Holler choán hết sảnh của Tate vào 2006, biến không gian trưng bày thành sinh động. Ống lượn này cho phép quan sát người ta trong lúc trượt, đồng thời ghi lại được cảnh nhân dân hú hét sung sướng khi chạm đất.

 

Tác phẩm của tôi chỉ là lời gợi ý – bởi chúng có thể không có tác dụng gì với một vài người xem, hay nói đúng hơn, người tham gia. Bạn phải luôn coi chúng là những tác phẩm nghệ thuật, và chúng có mặt thực tiễn của chúng: bạn có thể tương tác với chúng; nhưng chúng cũng cung cấp cho bạn một số điều để suy nghĩ. Chúng ta nhận thức thế giới và bản thân thông qua lăng kính văn hóa, và vì có rất nhiều các dạng văn hóa khác nhau cùng tồn tại trên trái đất, nên không có lý do nào để ta tin rằng thực tại của ta là cái thực tại duy nhất. Phải có thứ gì đó rộng hơn.

Tác phẩm của tôi bộc phát từ sự khó chịu đã tồn đọng bấy lâu nay: rằng thực tại không thể chỉ có vậy, trải nghiệm hàng ngày của chúng ta không thể hạn hẹp như vậy. Theo cách nào đó, tác phẩm của tôi là về khoa học viễn tưởng, cố gắng tìm kiếm cái gì khác hơn, một văn hóa của sự điên loạn. Tôi thường không tin rằng chúng ta đã sẵn sàng cho cái văn hóa này, nhưng dù gì đi nữa, nó đang tiến đến với chúng ta.

*Thùng tăng cường giác quan (sensory deprivation tanks), là một thùng cách âm, rất lớn, bên trong chứa nước pha muối. Chữ “Deprivation” có nghĩa là “lấy mất“, nhưng thùng này lại có chức năng tăng cường một giác quan nhất định nào đó bằng cách lấy đi một giác quan khác. Ví dụ: nếu mắt bạn bị bịt kín trong một thời gian dài thì tai bạn sẽ trở nên thính hơn. Thùng này hoạt động theo nguyên lý trên. Người sử dụng sẽ vào đấy nằm ngâm mình (muối giúp họ nổi trên nước) và tập thư giãn, trị bệnh stress. Rất nhiều phim khoa học viễn tưởng sử dụng thùng này như một loại công cụ để tăng cường giác quan cho nhân vật chính, giúp họ luyện các khả năng siêu phàm như: đọc được suy nghĩ cũa người khác, nghe thấy sóng âm v.v…

*Moby Dick: tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Herman Melville, kể về một nhóm thủy thủ lên đường đi săn con cá voi khổng lồ tên Moby Dick.

Ý kiến - Thảo luận

18:34 Wednesday,8.2.2012 Đăng bởi:  HỒNG SƠN
Thôi thì đành tưởng tượng vậy!...thôi thì
...xem tiếp
18:34 Wednesday,8.2.2012 Đăng bởi:  HỒNG SƠN
Thôi thì đành tưởng tượng vậy!...thôi thì 
17:15 Monday,6.2.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"...Trượt (cầu tuột) rất an toàn – ...lại nhanh chóng; và điều tuyệt vời nhất là nó tạo được một khoảnh khắc “điên loạn” phi thường..."

Chuẩn không cần chỉnh, chị Pha-Lê nhề.

Nhớ ngày bé, ở trường mỗi khi đến giờ ra chơi cả bọn toàn xuống cầu thang bằng cách trượt trên tay vịn cầu thang.

Thú nhất là có các TÓC-DÀI tụt cùng, lúc bị DỒN-TOA ở c
...xem tiếp
17:15 Monday,6.2.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"...Trượt (cầu tuột) rất an toàn – ...lại nhanh chóng; và điều tuyệt vời nhất là nó tạo được một khoảnh khắc “điên loạn” phi thường..."

Chuẩn không cần chỉnh, chị Pha-Lê nhề.

Nhớ ngày bé, ở trường mỗi khi đến giờ ra chơi cả bọn toàn xuống cầu thang bằng cách trượt trên tay vịn cầu thang.

Thú nhất là có các TÓC-DÀI tụt cùng, lúc bị DỒN-TOA ở chỗ quặt, các ẻm kêu oái-oái, rất chi là nữ tính !

Nhớ kỉ niệm ấu thơ quá...

Cám ơn chị Pha-Lê quá!

Không biết tác phẩm ống XOẮN "Trải nghiệm" này có dịp du diễn sang bảo tàng TÁT-TE-TUA ở làng ta cho khán zả thưởng lãm không hè?

Mong ghê gớm ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả