Nghệ sĩ thế giới

Goyang nghệ trại.
Kỳ 1: Tiếu phật Wang Zi Won 08. 12. 12 - 7:27 am

Ghi chép của Phạm Huy Thông

Từ tháng 7 đến tháng 11 năm 2011, tôi có cơ hội được làm việc tại trại cư trú sáng tác Goyang, Hàn Quốc. Đây là trại cư trú lấy kinh phí ngân sách quốc gia, dưới sự quản lý trực tiếp của Bảo Tàng Nghệ Thuật Đương Đại Hàn Quốc. Chương trình cư trú sáng tác của Bảo Tàng bao gồm hai trại: Trại Changdong ở rìa Đông Bắc và trại Goyang ở rìa Tây Bắc thủ đô Seoul.

Mỗi năm, tổng cộng hai trại được mời khoảng 40 nghệ sĩ Hàn (mỗi nghệ sĩ 1 năm) và 6 nghệ sĩ quốc tế (mỗi nghệ sĩ 5 tháng). Việt Nam hình như đã có ít nhất 3 nghệ sĩ được mời trong các năm khác nhau là Đinh Công Đạt, Vũ Kim Thư và Phạm Huy Thông. Thể thức và thời gian nộp đơn thường được công bố vào khoảng tháng 10 trên trang web chính thức của hai trại.

Kết quả được thông báo vào khoảng tháng 12

Thông tin, hình ảnh chi tiết về các nghệ sĩ đã tham gia trại cũng được đăng tải đầy đủ.

Trong loạt bài viết này, tôi chỉ xin chọn lọc viết về một số nghệ sĩ mà tôi đã trực tiếp cùng sống và làm việc.

Trại Goyang có 24 studio với diện tích mỗi studio cho mỗi nghệ sĩ vào khoảng 80m2. Luôn có khoảng trên 20 nghệ sĩ làm việc tại Goyang. Nghệ sĩ đầu tiên mà tôi giới thiệu sẽ là nghệ sĩ có tác phẩm tôi thích nhất, vô tình cũng là người đầu tiên mà tôi gặp trong đêm tôi đặt chân đến Goyang. (Cậu ta thực ra là người đi đầu trong một nhóm nghệ sĩ cả nam lẫn nữ say xỉn, khật khừ bước về trại giữa đêm khuya).

Với đôi mắt híp, cái đầu trọc và luôn cười mím bẽn lẽn, Wang Ji Won tạo cho tôi ấn tượng đặc biệt về ngoại hình ngay khi gặp lần đầu. Tuy trông trẻ con như một cậu học sinh trung học, Ji Won đã khiến tôi rất ngạc nhiên và nể phục khi cậu cho tôi xem loạt tác phẩm mà cậu đang làm. Cả ý tưởng lẫn tay nghề đều đáng được gọi là cao thủ.

“Phật Z”, 2008, Chất liệu: B_urethane, dummy, eyeball, metallic material, machinery, electronic device (CPU board, motor, LED)

Như tôi đã nói trong một số bài ghi chép khác, trong nghệ thuật tạo hình của Hàn Quốc, mảng điêu khắc phát triển rất sâu và đa dạng. Bên cạnh đó, “mốt” ở Hàn Quốc là tác phẩm nên có chút bóng bẩy, nên kết hợp ánh sáng và nên có chút chuyển động (Kinetic Art). Tất nhiên, “mốt” thì như vậy nhưng vấn đề nằm ở chỗ, mỗi nghệ sĩ triển khai các yếu tố hợp mốt đó như thế nào.

Ultraz 3/2008, urethane, eyeball, metallic material, machinery, electronic device (CPU board, motor), size: 120 (h) x 30 (w) x 40 (d) cm

Tác phẩm tượng của Wang Ji Won luôn lấy khuôn mặt của tác giả, tức là trông rất “có đặc điểm”. Các thành phần của tượng tách rời nhau như những phần cơ thể của các con rối rồi được gắn kết với nhau bằng các cơ cấu chuyển động. Chi tiết và chất liệu làm ra tác phẩm lại đem đến cảm giác của người máy đến từ tương lai. Khi tác phẩm được cắm điện, tay chân đầu mình của nhân vật và các cụm nhân vật bắt đầu chuyển động chậm và nhẹ nhàng.

Ở triển lãm cá nhân đầu tiên, Wang Zi Won tập trung khai thác hình ảnh cá nhân mình, cũng như nhiều nghệ sĩ trẻ khác, tìm cách định danh mình trong thế giới đầy các vĩ nhân. Anh ta tự gọi mình là Z và các bức tượng có mặt mình là “Z” này.. “Z” nọ…

Với loạt tượng tiếp theo, Zi Won đã biết cách lùi lại tìm ra phương cách mới trong đặt vấn đề. Zi Won sử dụng thủ pháp đơn giản vốn đang được các nghệ sĩ đương đại dùng nhiều đó là tiếp đoạt (appropriate) vốn cổ để đưa vào đó hơi thở mới mang tính cá nhân.

“Bồ Tát máy đang trầm ngâm”, 2010. Chất liệu: urethane, metallic material, machinery, electronic device (CPU board, motor), kích thước 74(h) x 30(w) x 40(d)cm

 

Tư thế của các nhân vật giờ đây thường phỏng theo các tượng thờ Phật giáo. Các bức tượng như đang ngồi thiền, nhưng không tĩnh lặng mà chuyển động thong thả như đang ngẫm nghĩ sự đời. Hành động của các nhân vật tượng như vừa xua tay phủ nhận lại vừa gật gù tán thành một điều gì đó.

Tác phẩm của Wang Zi Won lúc này đã gộp được cả 3 yếu tố: Quá khứ (motip tượng Phật giáo), Hiện tại (lấy chính chân dung tác giả) và Tương lai (chất liệu, những yếu tố máy móc, đường rãnh, ốc vít trên thân tượng).

“Phật Z trên hoa sen thép”, 2010. Chất liệu: urethane, metallic material, machinery, electronic device (CPU board, motor), Kích thước: 83(h) x 44(w) x 44(d)cm

 

Phật “Z” ở Niết Bàn, 2010. Chất liệu: urethane, metallic material, machinery, electronic device (CPU board, motor), Kích thước: 40(h) x 33(w) x 23(d)cm (phần chất liệu tôi xin để nguyên tiếng Anh vì tôi không rành lắm về chất liêu trong điêu khắc)

 

Đa số tượng đều có kích thước nhỏ, nhưng rất tinh xảo, nuột nà đến từng chi tiết. Các kết cấu bánh răng thép không gỉ phía sau lưng tượng mô phỏng các hình ảnh hào quang hay lửa gì đó trong tượng Phật giáo, nhưng đồng thời cũng rè rè chuyển động cùng tượng.

Tôi thích nhất khi tượng của Wang Ji Won kết thành một nhóm. Một nhóm 3 hoặc 5 cứ gật gù khoa chân múa tay với nhau. Một cuộc hội thoại câm lặng và không ngưng nghỉ giữa các ông tượng. Nửa như ngúng nguẩy tranh cãi, nửa lại như vuốt ve tán đồng với nhau.

Phật Z số 7, 2009. Chất liệu: urethane, metallic material, machinery, electronic device (CPU board, motor), Kích thước: 40(h) x 230(w) x 20(d)cm

 

“Phật Z 108”, 2009. Chất liệu: urethane, metallic material, machinery, electronic device (CPU board, motor). Kích thước đa dạng.

 

Chúng ta nhìn cũng thấy, kỹ năng của một nhà điêu khắc “thông thường” là không đủ cho những bức tượng của Wang Zi Won. Nhiều khi anh ta phải làm việc như một kỹ sư thiết kế máy và kỹ sư điện tử. Ngoài việc bán tượng, Wang Zi Won còn “render” các file 3D tác phẩm của mình, in ra khổ to, bỏ khung như những bức tranh… để bán kiếm cháo.

Khi xem tác phẩm của một tác giả mới, chúng ta cũng nên xem thêm mối tương quan của tác giả đó với các tác giả khác trong cùng một nền mỹ thuật. Bởi vậy tôi xin trích thêm ra đây hai tác phẩm của hai tác giả khác rất nổi ở Hàn Quốc.

 

Tự vấn:

Khi viết về Wang Zi Won, một điêu khắc gia Hàn Quốc kết hợp thành thạo giữa tượng tròn và máy móc, điện tử, tôi lại nhớ tới ý kiến của kiến trúc sư Lại Thành Tín trong một cuộc hội thảo về điêu khắc nhân triển lãm New Form ở Hà Nội. Anh nói rằng việc tích hợp công nghệ trong tác phẩm nghệ thuật ở Việt Nam gặp nhiều hạn chế do không có hệ thống dịch vụ phụ trợ chống lưng cho nghệ sĩ. Theo ý kiến của anh, nghệ sĩ nước ngoài khi làm việc, có cả những công xưởng đầy ắp các kỹ sư đứng phía sau.

Tôi chỉ đồng ý phần nào với anh Tín. Việc có những tác phẩm nghệ thuật kết hợp công nghệ khoa học ở Việt Nam là rất khó nhưng không phải là không thể. Những tác phẩm như của Wang Zi Won đều phần lớn do họa sĩ lọ mọ một mình làm, trong một studio 80 m2 không khác gì những nghệ sĩ khác. Hãy nhìn vào kết cấu bức tượng. Phần khối nhựa trắng đương nhiên là các nghệ điêu khắc Việt Nam làm được, phần cơ cấu máy móc mạ inox, tác giả đi đặt gia công và mạ ở các cơ sở bên ngoài theo thiết kế mà anh ta tạo trên máy tính (các nghệ Việt Nam dốt máy tính thì đừng đổ cho hoàn cảnh). Các máy cắt CNC, máy cắt lazer cũng đã có mặt đây đó ở Việt Nam. Khó nhất là việc tạo bo mạch và cơ cấu cơ khí để lập trình cho tượng chạy theo ý đồ. Việc này cần phải học, nhưng phải thẳng thắn và nói rằng đây là những công nghệ điện tử và cơ khí không quá mới, mà thực ra đã tồn tại hàng chục năm nay, không hề xa lạ ở Việt Nam. Tất nhiên làm những việc trên ở Việt Nam có lẽ mệt mỏi rất nhiều lần so với Hàn Quốc, vì thợ gia công ở Việt Nam, nói một đằng họ sẽ làm một nẻo. Tôi nhớ, cái rọ mà tôi đặt làm trong performance Những con lợn vui vẻ năm 2008 thực ra cần phải là hình cầu, nhưng sản phẩm cuối cùng mà tôi nhận được là một cái rọ hình quả trứng méo. (hay hơn ý đồ ban đầu của tôi, ha ha).

Tôi thấy cản trở lớn nhất trong vấn đề đang bàn này là bản lĩnh và cái đầu người làm nghệ. Những nghệ sĩ tài năng như Đào Anh Khánh, đã nhiều lần chỉ đạo các tốp thợ thi công những tác phẩm sắp đặt hoành tráng cao hàng chục mét. Những người hay bàn lùi, ngại khó ngại khổ thì không thể làm được những tác phẩm cần hội tụ công sức của nhiều người như vậy. Mặt khác, tôi thấy các tác phẩm của Wang Zi Won ở Nam Hàn và của Đào Anh Khánh ở Bắc Gia Lâm, tuy hi-tech và low-tech khác nhau nhưng giống nhau ở một điểm đó là nó đòi hỏi những kỹ năng đa ngành mà không một trường đại học riêng lẻ nào đào tạo hết được. Với Zi Won là nặn, đúc, hàn, cơ khí, điện máy… hay với Anh Khánh là vẽ, bôi, hát, nhạc, múa, xây dựng, luật, ngoại giao… Các trường nghệ thuật ở ta thì chỉ đơn giản đào tạo kỹ năng, không đào tạo tư duy. Nhưng như trường hợp của hai nghệ sĩ vừa nêu, nếu nhà trường chỉ đào tạo kỹ năng thì biết bao nhiêu mới đủ, bao giờ mới xong.

Quay lại vấn đề mà KTS Lại Thành Tín đã bàn. Tôi thấy kỹ thuật không phải là yếu tố quyết định mà quan trọng là nhu cầu tự phát triển của nghệ sĩ. Chỗ nào có cầu, ắt sẽ có cung. Vấn đề chính là trong giới nghệ sĩ Việt, liệu có xuất hiện những nhu cầu đủ lớn hay không thôi. Chuyện này thì không phải là chuyện riêng của anh Khánh ở Bắc Gia Lâm nữa rồi.

 

*

Bài liên quan:

– Bóng mượt Hàn Quốc  
– Trại Gyeonggi, ai muốn đi Hàn Quốc nào!
 
– Goyang nghệ trại. Kỳ 1: Tiếu phật Wang Zi Won

– Goyang nghệ trại. Kỳ 2: Lee Jin Ju – Người phụ nữ tàng hình.

– Nhân bình tranh của Lee Jin Ju: Nghệ thuật là để xin (được chia sẻ)? Hay để cho (giải pháp)?

– Goyang nghệ trại. Kỳ 3: Kim Young Sup – Người Hàn Quốc Trầm Lặng

 

 

Ý kiến - Thảo luận

22:31 Wednesday,12.12.2012 Đăng bởi:  nobita

Khoá đầu tiên sẽ có mấy phần:
- Kỹ thuật điện dân dụng và giới thiệu các loại công cụ
- Hàn cắt kim loại.
Phần 2 sẽ là Hoá chất và đại cương về công nghệ vật liệu và gia công trên máy tiện. 
Đang kiếm tiền để mua máy tiện.
Hẹn c&aa
...xem tiếp

22:31 Wednesday,12.12.2012 Đăng bởi:  nobita

Khoá đầu tiên sẽ có mấy phần:
- Kỹ thuật điện dân dụng và giới thiệu các loại công cụ
- Hàn cắt kim loại.
Phần 2 sẽ là Hoá chất và đại cương về công nghệ vật liệu và gia công trên máy tiện. 
Đang kiếm tiền để mua máy tiện.
Hẹn các nghệ sỹ sau.

 
22:23 Wednesday,12.12.2012 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Nobita ơi. Bao giờ trung tâm mở cửa nhớ báo nhé. Tớ đăng ký học đầu tiên luôn
...xem tiếp
22:23 Wednesday,12.12.2012 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Nobita ơi. Bao giờ trung tâm mở cửa nhớ báo nhé. Tớ đăng ký học đầu tiên luôn 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Leonardo: Ông nói đúng!

Jonathan Jones - Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả