|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhTrần Đức Quỷ trả lời: Lời nào cũng quý 04. 08. 10 - 7:11 pmTrần Đức QuỷThưa bạn Người xem Hanoi, trước hết tôi cảm ơn bạn vì “phát hiện” của bạn về 7 con vịt của ông nghệ sĩ Bỉ và đàn vịt của tôi. Trước hết tôi muốn cảm ơn bạn vì do phát hiện của bạn, mà tôi được tham khảo thêm một tác giả thế giới mà tôi chỉ nghe kể chứ chưa được biết tác phẩm (tôi sẽ nói rõ là tôi nghe kể về tác giả này như thế nào sau). Nghệ sĩ Wim Delvoye (sinh năm 1965, hơn tôi gần 10 tuổi) quả là một nghệ sĩ đa tài, không chỉ với góc độ những tác phẩm kỳ quái, công phu, gây sốc bởi sự đánh tráo khái niệm, đánh lừa cảm giác của ông. Mà dưới góc độ chuyên môn thì tôi thấy phục ông ta thực sự. Bởi những kỹ năng thao tác trên đủ mọi loại chất liệu giữa tạo hình hai chiều (vẽ) và ba chiều (điêu khắc, tạo tác vật thể, sắp đặt) và số lượng tác phẩm khổng lồ của ông. Cũng bởi do tôi không thạo sử dụng internet và bận đi làm việc để nuôi vợ con (vì tôi là người làm việc tự do, không có cơ quan nào trả lương cho tôi để tôi nhàn rỗi ngồi chơi game trên máy tính nhà nước), không có thời gian ngồi tỉ mẩn chat chit hoặc vào mạng xem linh tinh như đám em tôi. Nên tôi cũng không rành thông tin về các tác giả trên thế giới lắm. Những thư và ảnh tôi liên lạc qua mạng thì hầu hết đều do vợ và chị gái, hoặc bạn bè tôi gửi hộ. Đây là chuyện hoàn toàn thực. Tôi có thể cảm thấy sự khoái trá của bạn Người xem Hanoi trước phát hiện “giống nhau” này, cũng như một tiếng reo ngầm: Ơ–rê–ka, mày chết với tao rồi, cả làng sẽ rất thích chuyện này đây (đằng sau những lời thắc mắc có vẻ lịch sự ban đầu) của bạn: Nhân lên mạng đọc tin tức, tôi có tìm ra một số thông tin sau và lấy làm thắc mắc. Xin gửi Soi và mọi người cùng xem và nhận định. Cũng mong nhận được câu trả lời của họa sĩ Trần Đức Quỷ. Phần trình bày ảnh minh họa tác phẩm của ông Wim và tôi sau đó với ý rất “gồng mình” (lời comment của bạn Hanoi). Và cuối cùng là lời buộc tội thẳng thừng cuối cùng của bạn như sau: Thiết nghĩ giống nhau trong nghệ thuật thì cũng có thể và nhiều trường hợp là chấp nhận được. Nhưng giống một cách có hệ thống thế này thì nên xem xét. (Hy vọng một lúc nào đó bạn có thời gian giải thích và dẫn chứng kèm theo nhận xét của bạn: Giống nhau trong nghệ thuật thì cũng có thể và nhiều trường hợp là chấp nhận được. Cái nhiều trường hợp là chấp nhận được này là thế nào. Mong bạn có thể đưa ra vài ví dụ thích hợp để mọi người cùng thưởng thức được không?) Sau khi được thông báo về bài viết của Người xem Hanoi trên trang Soi, thì tôi đã vào ngay để xem bài viết Delvoye có giống Quỷ không? Và ngay sau khi xem, thú thực cảm giác đầu tiên của tôi là thật bất ngờ và thú vị khi thấy rất giống. Cũng nói luôn là cách đây khoảng 2 tuần, khi thời gian triển lãm “Hợp thể – Những cái đuôi” đang diễn ra, có một bạn tên là Thông – nghiên cứu viên ở Viện Mỹ thuật có nói với tôi rằng em xem trên mạng, có một tay nghệ sĩ Bỉ cũng làm một đàn vịt rất giống anh. Nghe thì nghe vậy, nhưng tôi cũng chưa được xem nên tôi không biết nói thế nào… Mới đầu tôi còn nghĩ (xin lỗi các bạn, đây là ý nghĩ thực thà của tôi). Hay đó chính là đàn vịt của mình, được ông người Bỉ mua đem về, rồi bán lại cho người khác? Và sau đây là bài trả lời chính thức của tôi, khi lần đầu tiên nhìn thấy tác phẩm Đàn vịt đang đi của ông Delvoye qua ảnh trên trang Soi – đây cũng là lời tâm sự xin gửi tới tất cả các bạn đã quan tâm tới những tác phẩm của tôi trong suốt thời gian qua. Nhân tiện nói thêm là những lời viết dưới đây của tôi không phải là lời thanh minh hay biện hộ gì hết. Tôi chỉ thấy đây là một cơ hội rất hay để tôi có thể bộc bạch một chút ý nghĩ của tôi về nghề nghiệp và cuộc đời. Điều nói ra này đã ở trong tác phẩm, rất ít khi có thể hay có dịp nói ra bằng ngôn ngữ viết. Tôi cũng cảm ơn những người làm trang mạng Soi cho tôi cơ hội này. 1. Chuyện đàn vịt mất đầu và chân dung cuộc sống Đầu tiên tôi xin phép kể một chút về tiểu sử sinh ra đàn vịt của tôi như thế nào. Năm 2008, tôi nhận được tài trợ của Lespace cho dự án 100 quả trứng thủy tinh tráng gương. Nhưng Lespace cho thời gian rất ngắn, tôi không thể làm được nên từ chối. Họ hỏi rằng có tác phẩm nào khác không. Tôi nói là Không. Và lúc đó tôi lại đang trên đường đi về Bắc Ninh, làng gốm Phủ Lãng, là nơi tôi hay nặn và nung gốm ở đó. Con lợn “hợp thể” đầu tiên là con lợn bằng đất nung, tôi cũng nặn ở đây (ra đời trước đàn vịt rất lâu). Đột nhiên tôi nhìn thấy một đàn vịt đang dắt díu nhau đi trên đường, con nọ mổ vào đít con kia (vịt nó ăn thóc, ỉa cứt sót thóc, nên con nọ mới mổ đít con kia là vì vậy). Tôi chợt nghĩ ra ý tưởng làm một đàn vịt như thế, con nọ rúc vào đít con kia, trồi hẳn đầu phía trong lồi lên lưng con kia. Sau đó tôi gọi cho một người bạn là họa sĩ Đoàn, học cùng khóa với tôi, một cuộc điện thoại mất 80 phút, để trao đổi về ý tưởng này. Đây là một cách làm việc của tôi, khi tôi chợt nảy ra ý tưởng gì, thì tôi thường trao đổi với bạn bè, như một cách làm việc nhóm. Để ý tưởng có thể hoàn thiện và hợp lý. Đoàn khuyên tôi rằng không cần làm đầu con nọ đội lên lưng con kia làm gì, chỉ rúc đầu vào là hay rồi. {Về chuyện làm một đàn vịt, tôi còn nhớ khi còn là sinh viên (khoảng 2001 – 2006), tôi đã trao đổi bâng quơ một lần với bạn Bách (là nhà điêu khắc, con của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp). Tôi nói rằng: Nếu mình làm cả một đàn vịt dính liền vào nhau thì hay đấy nhỉ? Bách nói: Nếu đem gắn chúng lên tường trông như một bức tranh hay phù điêu thì trông cũng đẹp. Tôi lại nói: Không, nếu thả chúng xuống nước để chúng trông như một cái bè làm bằng vịt và thả nổi lềnh bềnh trên mặt nước để mình có thể cưỡi lên chúng thì hay hơn.} … Tiếp theo đó, tôi gọi lại cho người ở L’ Espace, nói rằng tôi có một ý tưởng triển lãm mới, và họ đã cho tôi một cuộc hẹn. Tôi nhớ, khi tôi đến gặp chị Vân, và một cô người Pháp, trong người tôi chỉ mang theo một túi gạo. Chị Vân (người mà tôi thường gặp lúc đó) xé một tờ lịch treo trên tường tại Lespace và đưa cho tôi, và tôi đã vẽ phác thảo ngay trên tờ lịch ấy rồi đưa trả người ở L’Espace xem. Họ xem xong thì cười rất thích thú. Họ hỏi thêm, là tôi muốn làm bao nhiêu con vịt. Tôi lấy túi gạo đã mang theo ra và đổ dàn ra đầy trên mặt đất, tôi nói, tôi muốn làm cả đàn bấy nhiêu con vịt, dày đặc, không đếm được như cả đám gạo này. Xong, tất cả 3 chúng tôi đều cười. Như vậy, họ đã đồng ý tài trợ cho triển lãm của tôi, và tôi tiến hành làm. Bởi nhà tôi rất bé, nên cả đàn 500 con vịt thạch cao, tôi không thể xếp vào nhau được, cứ làm xong con nào thì tôi đem phơi khô rồi cất đi (mới đầu tôi tính làm 2000 con, bày từ đầu phố Tràng Tiền cho tới cửa Nhà Hát Lớn, nhưng điều này là viển vông, bởi chính quyền không thể cho phép được). Cho đến tận khi bày thì tôi mới xếp chúng lại với nhau tại sảnh L’ Espace, và hiệu quả nó bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của tôi. Việc tôi sơn sọc đen cho cả đàn vịt thạch cao trắng còn có lý do nữa như thế này. Mấy năm trước đó rộ lên nhiều vụ án tham nhũng, thất thoát. Những kẻ vừa mới đây còn là những “đại gia” gương điển hình cho việc làm ăn giỏi, thì bỗng chốc ra tòa, lộ rõ ra là những kẻ ăn cắp, mặc “thời trang áo sọc” cả. Cái sọc trên đàn vịt là có lý do vì thế, khi tôi nghĩ đến việc sơn sọc cho đàn vịt, tôi cũng hỏi ý kiến bạn bè, có người ủng hộ, có người lo cho tôi nên khuyên đừng làm. Nhưng cuối cùng thì đàn vịt cũng triển lãm êm xuôi với màu trắng sơn sọc đen.
Nhưng đó mới chỉ là lý do để hình thức tác phẩm xuất hiện. Còn ý nghĩa thật sự của tác phẩm này tôi gửi gắm vào là: Tôi rất căm ghét và khinh bỉ những kẻ đạo văn, đạo nhạc, đạo tranh, tham nhũng. Đó là những kẻ lấy mồ hôi của người khác làm son phấn trang điểm cho mình, ăn của người khác để béo mỡ miệng mình. Chính vì có những suy nghĩ như vậy, tôi nảy ra ý tưởng làm một tác phẩm bàn về lối sống, văn hóa của dân tộc mình, của thời đại mình.Và ý tưởng làm một bức chân dung cuộc sống như thế ra đời, lại rất thích hợp với hình ảnh đàn vịt kia. Tôi lấy hình ảnh con vịt để lột tả sự tham ăn, mất lý trí, sống dựa vào bầy đàn, không có bản sắc riêng. Có một thực tế là sự phức tạp ngày càng căng thẳng của cuộc sống xã hội hiện đại. Con người dường như không còn tâm lực, trí lực để suy nghĩ về số phận của mình, bởi mắt không nhìn được mắt nên chúng ta mải chạy theo cái sự hỗn loạn bên ngoài, chạy theo huân huy chương ma sáo rỗng, bằng cấp thành tích hư danh, kết bè kết đảng để cầu tài cầu lộc, tệ hại hơn là còn quên đi cả nguồn cội, đánh mất cả ký ức, lãng quên cả hiện tại, quên cả sự lãng quên. Lưu manh hóa văn hóa để mưu cầu trục lợi. Hành động thì cả vú lấp miệng em. Người thì hòn xôi đấm miệng, kẻ thì há miệng mắc quai. Căng da bụng dẫn đến tình trạng trùng da mắt. Hôn mê trong hoang lạc, cô quẩn trong chơi vơi, đến nỗi “ĐỨNG TRƯỚC TA MÀ NHƯ TA LÀ CÁI BÓNG CỦA AI ĐÓ. MÀ NHƯ AI KIA CŨNG CHỈ LÀ CÁI BÓNG CỦA TA VẬY!” Miên man trong hoang tưởng đến nỗi đứng ngay trên mảnh đất của quê hương mình mà như quá đỗi xa lạ. Phải chăng chúng ta chỉ là một sự nhân bản vô tính của lối sống mỗi thời. Tất cả đó là những ý nghĩa đằng sau để tôi hình thành ý tưởng làm tác phẩm: “Chân dung Cuộc sống” (Tức là tên chính thức của đàn vịt cả 500 con thì mỗi một con có đầu) năm 2008.
Nói thêm về ý tưởng ban đầu của tôi là làm những con vịt bằng chất liệu Inox, bóng loáng, để người xem có thể soi thấy được hình ảnh của chính mình trong những con vịt. Nhưng do điều kiện kinh tế chưa đủ, nên tôi chưa thể làm được. Tôi vẫn ấp ủ là một ngày nào đó, sẽ làm lại tác phẩm này, và thêm một vài tác phẩm tương tự cũng xuất phát từ ý tưởng đó. Ví dụ như tôi làm một đàn máy tính nhỏ, tất cả đầu các máy tính nhỏ cuối cùng nối với những sợi dây để đút vào đít một cái máy tính chủ thật to đặt ở tận Mỹ chẳng hạn. Liệu đó có phải là một hình ảnh “chân dung cuộc sống thời internet” hay không? Và tôi sẽ triển lãm lại lần nữa…
2. Ông Phillip và đàn lợn. Triển lãm Chân dung cuộc sống diễn ra được khoảng 1 tuần (tổng thời gian mười ngày) thì có một người nước ngoài tên là Phillip gặp tôi và ngỏ ý muốn mua lại đàn vịt của tôi. Ông Phillip là người Bỉ, lấy vợ Việt Nam. Khi trò chuyện với tôi, ông ta có nói ở nước ông ta cũng có một nghệ sĩ cũng có làm một tác phẩm về đàn vịt. Lúc đó tôi không để ý lắm chỉ nói hay quá, ô thế à. Sau khi trả tôi tiền đặt cọc, Phillip bảo tôi cứ dỡ đàn vịt về để ở nhà, ông ta sẽ lấy sau. Một thời gian tiếp theo, ông ta xuống nhà tôi chơi, tôi có đưa ông ta xem con lợn “hợp thể” làm bằng đất nung (tôi làm trước đàn vịt rất lâu, hiện con lợn này vẫn để tại Gallery 31A Văn Miếu). Ông ta nói rằng bằng đất thì không thích lắm, giá như bằng da sống, có lông hẳn hoi thì trông thích hơn. Đó là một gợi ý quan trọng cho tôi chuyển chất liệu, để dẫn đến việc làm đàn lợn “Hợp thể” triển lãm vừa rồi. Vì số tiền dự định làm triển lãm là rất lớn (tôi định làm một trăm con lợn “hợp thể”, tức là khoảng 200 con lợn thật. Con số 100 này cũng có một ý nghĩa liên quan đến một truyền thuyết khởi thủy của người Việt, tôi xin miễn nói ra) nên Quỹ Đan Mạch và Lespace đã đồng ý cùng tài trợ kinh phí để tôi làm triển lãm này. Ông Phillip có nhờ tôi giữ những con vịt ông ấy đã mua tại nhà tôi, và đến tận tháng 5/2010, tôi mới đóng hòm đàn vịt để gửi sang Bỉ cho ông Phillip. Mấy hôm trước đây, ngay sau khi đọc bài viết Delvoye có giống Quỷ không? Tôi đã gọi điện sang Bỉ hỏi ông Phillip rằng khi ông mua đàn vịt của tôi, ông có cho rằng tôi coppy ý tưởng của Delvoye không. Thì ông ta trả lời rằng ông ta cũng có quen biết Delvoye, và khi mua đàn vịt của tôi, ông ta cũng không nghĩ đến chuyện đó, vì đàn vịt của tôi là một câu chuyện khác hẳn.
Chuyện đàn lợn “hợp thể” và những con lợn xăm trên da của Wim Delvoye Về chuyện đàn lợn xăm trên da lúc sống, giết rồi nhồi xác trưng bày của Wim Delvoye, bạn Nguoi xem Hanoi có nhã ý “gồng mình” so sánh, đưa thêm cả hình trang trí trên tác phẩm Quả đấm thép rồi lại có thêm nhã ý gán thêm rằng tôi “giống một cách có hệ thống” (nói thực ra chắc bạn nghĩ là tôi ăn cắp, nhái ý tưởng của người khác liên tục thì đúng hơn, phải không ạ?). Thì tôi cũng không muốn nói nhiều. Bởi tự nhiên hình ảnh đưa ra, câu chuyện kèm theo là hai chuyện quá khác xa nhau. Cũng đề nghị bạn xem kỹ lại cái hình trang trí giữa Quả đấm thép mà bạn gọi là: tác phẩm bằng đồng và kim cương của Wim Delvoye cũng có hình hai con heo chập thân là hình con gì đã rồi hẵng nói. Mắt bạn nhìn thì là “heo chập thân”, còn mắt tôi nhìn thì nó không phải thế. Nếu bạn không nhìn ra là con gì, bạn có thể gửi email để hỏi thẳng ông Delvoye nhé. Nếu ông ta rảnh rỗi, lại quan tâm đến người hâm mộ, chắc ông ấy sẽ trả lời bạn. Nói thêm cái tác phẩm bằng đồng và kim cương của Wim Delvoye ấy là ông ta nhại lại một dụng cụ bạo lực ghê rợn thường đúc bằng gang hoặc sắt, người ta gọi là Quả đấm thép, khi dùng xỏ tay nắm lại để đấm, để tra tấn hoặc để đánh nhau. Những cái đầu mút góc gắn kim cương ấy, nếu đấm vào mặt người, thì hẳn là đáng sợ. Về triển lãm Hợp thể – Những cái đuôi của tôi vừa qua, tôi nghĩ, tôi không cần diễn giải thêm nữa, bởi những gì tôi cần nói, thì đã có trong bài viết Tôi nghĩ gì khi làm những cái đuôi đã được đăng tải trên Soi. Cuối cùng, kết lại về những cái chuyện giống nhau (mà tôi biết). Thưa các bạn, trong những năm tháng luyện thi để bước chân vào được cổng trường đại học mỹ thuật (là những năm tháng rất vất vả cực nhục của riêng tôi), thì bản thân tôi đã giác ngộ ra rằng: Nghệ thuật chỉ giành riêng những mảnh đất nhỏ bé và khô cằn để làm chỗ đứng cho những ai có tâm và nghiêm túc trên con đường sáng tạo. Nhưng nghệ thuật lại hào phóng và ban phát những mảnh đất rộng lớn để làm mồ chôn sống cho những kẻ lưu manh ẩn nấp nghệ thuật, và vùi lấp luôn những kẻ lưu manh ấy vào quên lãng. Trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình cho tới nay, tôi quan niệm rằng: Thà làm một tác phẩm nhỏ bé thôi, nhưng thật sự xuất phát từ trái tim mình, và đương nhiên nó là con đẻ của tâm hồn mình còn hay hơn là làm một tác phẩm to như tháp Eiffel, nhưng lại copy của nước Pháp. Bởi vì: Con người nào của dân tộc nào, ở thời đại nào thì nghệ thuật phải mang cá tính của Con người ấy, phải mang bản sắc của dân tộc ấy và hơi thở của thời đại ấy. Tác phẩm của tôi làm ra, là xuất phát từ trái tim và nỗi đau của tôi khi tôi nhìn ra xung quanh, nhìn đất nước, quê hương và dân tộc của tôi. Và tôi làm ra tác phẩm ấy là để cho nơi tôi đang sống, để phơi bày thản nhiên, để cảnh tỉnh một điều gì đó. Và tôi chỉ làm điều mà óc tôi nhìn thấy, chỉ làm những thứ mà trái tim tôi nghe thấy. Tôi luôn luôn nghĩ rằng đây là một tác phẩm tâm huyết và đáng tự hào nhất của tôi từ trước tới nay, bởi nó mang được một tầm khái quát xã hội nào đó, và do chính tôi nghĩ ra. Còn khi nghe tin và khi xem bức tượng đồng Running Ducks của Devoye, tôi có hai cảm giác liền đến một lúc. Cảm giác đầu tiên là tôi rất vui và vô cùng hạnh phúc, bởi ở một nước châu Âu xa xôi có một nghệ sĩ tài năng trùng ý tưởng với mình như vậy. Mặc dù những con vịt của tôi ra đời sau những con vịt của ông ta tới 5 năm. Cảm giác thứ hai là buồn, buồn bởi vì tác phẩm Chân dung cuộc sống của tôi ra đời là để lên án sự ăn cắp. Nhưng bây giờ nó lại bị “buộc tội” là ăn cắp ý tưởng. Thật là trớ trêu! Nghĩ cuộc sống cũng lắm chuyện tình cờ quái đản thật. Cuộc đời thật là nhiều điều kỳ ngộ! Còn về chuyện giống nhau, hay trùng hợp ý tưởng, tôi có được nghe kể hai câu chuyện như thế này. Chuyện thứ nhất là chuyện tôi nghe lại của một người bạn từ lời kể của họa sĩ Bùi Hoài Mai. Anh kể rằng trong thời gian anh sưu tập gốm cổ, đột nhiên thấy có những món đồ gốm cổ của hai nền văn hóa khác nhau, rất biệt lập với nhau, vào cái thời không hề có internet để có thể tra cứu xào xáo như thế này, lại rất giống nhau. Điều đó họa sĩ Bùi Hoài Mai hình như cũng chỉ chứng kiến chứ không giải thích được. Chuyện thứ hai là chuyện của một nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam rất nổi tiếng. Ông ấy sang Mỹ và tình cờ trông thấy những bức vẽ của một họa sĩ châu Phi rất giống của họa sĩ Vũ Thăng (họa sĩ trẻ rất nổi tiếng hồi thập kỷ 90). Họa sĩ Vũ Thăng thì đã vẽ như vậy nhiều năm, còn họa sĩ châu Phi kia cũng chỉ mới vẽ như vậy vài năm nay. Đặt nghi vấn về vấn đề này, thì ông loại bỏ ngay việc có thể có liên hệ hay “nhái ý tưởng” giữa họa sĩ Vũ Thăng và họa sĩ châu Phi kia, bởi chuyện đó là không thể, và đó cũng là những ý nghĩ diều quẩn gió ở tầm thấp. Nhà nghiên cứu mỹ thuật này giải thích rằng có lẽ mọi chuyện phát sinh từ việc quan sát thiên nhiên. Thiên nhiên tạo ra những cấu trúc giống nhau ở khắp nơi trên thế giới. Một bông hoa ở Việt Nam có thể khác với một bông hoa ở cực bên kia thế giới về mầu sắc, mùi vị, kích thước, giống loài. Nhưng cấu trúc của mọi bông hoa ở trên thế giới là giống nhau. Đó là sự an bài của Chúa! Hội họa hay nghệ thuật tạo hình nói chung, có lẽ là loại nghệ thuật học lại từ thiên nhiên một cách căn bản và liên tục nhất. Do đó mới có chuyện khó có thể giải thích là những câu chuyện cổ tích của nhiều dân tộc biệt lập với nhau lại khá giống nhau. Hoặc là có những tác phẩm ở hai thời đại, hai khu vực cách rất xa nhau lại rất giống nhau. Đó đơn giản như là chuyện con người từ khi chui ra khỏi hang đá, dựng một ngôi nhà từ nguyên thủy tới giờ, ở đâu cũng phải có tường và mái vậy. Tôi nghĩ rằng đây là một cách giải thích khá thú vị. Khi nhìn kỹ lại cái Running Ducks của ông Devoye, tôi cũng cảm giác được rằng trong một lần quan sát đàn vịt như tôi, ông ta cũng nảy ra ý tưởng làm một đàn vịt con nọ rúc vào đít con kia. Chỉ mỗi một con đầu đàn có đầu ngẩng lên. Nhưng con vịt đầu đàn đó đang đi về đâu, hay là đang đi về phía lò mổ? Về xuất phát thì cái “vỏ” của tác phẩm này là như vậy. Còn về nội dung ý nghĩa, tôi liên tưởng rằng nó là một tương phản hay một cách “đổi vỏ” của bức tranh Ngụ ngôn về những người mù của họa sĩ Phục hưng Pieter Bruegel the Elder (1525 –1569) thì đúng hơn. Bức tranh mô tả 6 người mù dắt tay nhau đi, người đầu tiên bị vấp ngã, thì tất nhiên mấy người kia cũng ngã theo. Bởi nghệ thuật Phương Tây có một truyền thống rất đồ sộ, các nghệ sĩ đời sau thường mượn cái “vỏ” của nghệ thuật thời trước (nhất là những tác phẩm nổi tiếng) để “nhồi” cái tinh thần thời đại mới vào. Ví dụ như bức tranh Olympia của họa sĩ Pháp Manet (1832 – 1883) lấy bố cục tranh Vệ nữ của rất nhiều họa sĩ Phục hưng như Titian (1488 – 1576) và Giorgione (1477 – 1510). Bức tranh Olympia này nổi tiếng bởi vì sau khi bức tranh ra đời, bị khán giả đương thời tẩy chay kịch liệt vì không thể chịu nổi cách vẽ Vệ nữ “phàm tục và đĩ thõa trắng trợn” của Manet. Bây giờ thì nó là bảo vật nghệ thuật của Pháp. Tất cả mọi chuyện dưới cái vỏ con vật hay cái cây, cục đất đều là chuyện về con người (Nam Cao). Tôi làm đàn vịt của tôi, là để kể chuyện về con người ở xứ sở của tôi. Còn ông Wim Devoye làm 7 con vịt của ông là chuyện của con người xứ sở ông ta. Tuy nhiên cái chuyện “cắn đuôi, rúc đít” theo nhau mất cả bản ngã thì là chuyện của đời sống bầy đàn trong giới sinh vật, con người hiện đại đến mấy cũng chẳng đứng ngoài. Tôi chắc là ở Tây cũng vậy chứ không phải chỉ riêng ở Ta! Con người đã sinh ra và tiến hóa trên thế giới này cả triệu năm. Tôi nghĩ rằng những điều hay ho tuyệt diệu nhất con người từng làm hết rồi, cả những thứ bậy bạ, những tội ác kinh khủng nhất người ta cũng làm hết rồi. Chúng ta đây là chỉ đang sống lại mà thôi. Loài người như một tảng băng trôi vậy, bảy phần đã chết, ba phần còn sống. Nếu như trên thế giới hiện nay có sáu, bảy tỷ người, thì số người chết trong lịch sử đến giờ là 60, 70 tỷ hay là 600, 700 tỷ? Chúng ta đang sống trên một đống xương trắng chất cao như núi… Có lẽ lời nói của tôi cho đến giờ là đã quá dài dòng. Xin nhắc lại một lần nữa rằng trên đây là những bộc bạch tâm sự của tôi với những người quan tâm đến việc tôi làm. Chứ không có ý nghĩa bào chữa, thanh minh, biện hộ gì hết. Bởi tác phẩm tôi làm ra. Tự thân nó đã được khẳng định. Trước hết là được những quỹ tài trợ ủng hộ tiền để làm. Để họ bỏ một số tiền lớn ra cho mình làm việc thực cũng chẳng dễ dàng gì đâu, ai từng đi xin dự án nghệ thuật đều cũng hiểu. Và với con mắt tinh đời về nghệ thuật như của người Pháp, thì nếu tác phẩm của tôi “có vấn đề” thì họ đã tẩy chay tôi và tác phẩm của tôi (đàn vịt) lâu rồi, chứ không bỏ tiền ra lần thứ hai cho tôi làm đàn lợn “hợp thể” này. Sau nữa là những bạn bè và nhiều người xem tôi chưa được tiếp xúc, tôi luôn nhận được sự ủng hộ chí tình của họ. Nếu không có những sự ủng hộ ấy, thì chưa chắc tôi đã làm được điều gì có ý nghĩa. Và cuối cùng tôi muốn nói là đã bước vào con đường nghệ thuật là đi trên con đường không có điểm dừng. Tôi còn ấp ủ trong đầu khá nhiều dự án sáng tác nữa và tôi biết trời bắt tôi sẽ còn phải làm tiếp nhiều tác phẩm nữa. Đó mới là minh chứng cuối cùng về khả năng sáng tạo và sức lao động của tôi, chứ không vì những sơ sẩy hay trớ trêu ở những bước ban đầu mà tôi sẽ ngại ngùng dừng lại. Tôi xin được cảm ơn Soi và bạn Người xem Hanoi, đã cho tôi một cơ hội để được trò chuyện với các bạn đã quan tâm đến tác phẩm của tôi, một cơ hội để tôi chia sẻ những nỗi cực nhọc trong cả tâm hồn, mỗi khi có được một tác phẩm ra đời. Những nỗi vất vả, cay đắng của người làm nghệ thuật không phải lúc nào cũng có cơ hội nói cho mọi người biết, và cũng không thể nói, nên được nói thế này thì tôi cũng thấy vui vui cảm động. Tôi rất cảm ơn và xin gửi những lời cảm ơn chân thành này qua trang mạng Soi đến những người đã quan tâm đến tác phẩm của tôi cũng như những người quan tâm tới nghệ thuật nói chung. Và tôi cho rằng: Khen là lời động viên, chê là lời nhắc nhở, và: LỜI NÀO CŨNG QUÝ.
* Bài liên quan: – Đàn lợn mất đầu của Quỷ
Ý kiến - Thảo luận
18:29
Thursday,19.8.2010
Đăng bởi:
Nam
18:29
Thursday,19.8.2010
Đăng bởi:
Nam
Tôi là người đã từng chơi và triển lãm cùng anh Quỷ một lần. Tính khí anh Quỷ như thế nào tôi hiểu rõ, việc các bạn tranh luận là quyền của các bạn.
Nhưng tôi đọc bài ý kiến thảo luận của bạn Hug trong bài Vịt Nhà Ai Lưu Lạc Nhà Ai mà thấy sợ quá. Đọc bài đó tôi cảm nhận được màu sắc của từng khúc ruột bạn Hug. Vì bức xúc quá nên tôi viết mấy dòng để nhắn gửi bạn Hug thông tin về anh Quỷ. Khi triển lãm ở 31A Văn Miếu, anh ấy viết: "Tôi là Quỷ - người nông dân Trần Đức Quỷ - nghề nghiệp chính là trồng trọt, nghề phụ là vẽ tranh và làm tượng..." Tôi đã từng chứng kiến trong những lần triển lãm của anh Quỷ, không bao giờ anh Quỷ viết về quá khứ hay thành tích của mình (nếu có) và cũng không bao giờ nhận mình là nghệ sĩ, chỉ coi mình là một người thợ khéo tay như những người thợ khảm chai ở làng Thường tín Hà Tây vậy. Nên việc bạn Hug phủ nhận anh Quỷ là nghệ sĩ làm việc làm quá thừa đó, tôi nghĩ nếu bạn có nhiều thời gian thì nên dành thời gian đó vào việc đọc một cuốn sách, hay đi rửa cái mặt thì hay hơn.
17:52
Wednesday,18.8.2010
Đăng bởi:
Do Manh Ha
RauMuongNoiGian ơi, tại tôi không nói rõ ý, nên bạn hiểu nhầm tôi rồi. Nhưng thật là may, vì như thế nên mới được đọc một bài thật hay của bạn như thế, tôi rất là thích, những cmt của bạn lúc nào cũng có ích với tôi.
Còn cmt trước, tôi nói là: "Những cái cmt như của bạn Trung kia, lại tốt cho bạn Quỷ" là theo ý khác cơ, thật khó giải thích lắm RauMuongNoiGian ạ. ...xem tiếp
17:52
Wednesday,18.8.2010
Đăng bởi:
Do Manh Ha
RauMuongNoiGian ơi, tại tôi không nói rõ ý, nên bạn hiểu nhầm tôi rồi. Nhưng thật là may, vì như thế nên mới được đọc một bài thật hay của bạn như thế, tôi rất là thích, những cmt của bạn lúc nào cũng có ích với tôi.
Còn cmt trước, tôi nói là: "Những cái cmt như của bạn Trung kia, lại tốt cho bạn Quỷ" là theo ý khác cơ, thật khó giải thích lắm RauMuongNoiGian ạ. Tôi chỉ cảm thấy rằng, nếu tôi là bạn Quỷ, thì một cái cmt như của bạn Trung kia thì không thể làm tôi buồn được, mà chỉ có thể làm cho mình kiêu hãnh hơn mà thôi. Và RauMuongNoiGian ơi, sao lại ví tôi là bạn của bạn Trung kia, tôi không thể như thế được đâu, bạn nói "văn là người mà", văn bạn ấy như thế, tôi không muốn là bạn của bạn ấy đâu. A, tặng bạn Quỷ đây: "Chúng ta là lũ Quỷ, ở tận rừng xanh, ở tận núi cao. Chúng ta cùng thương nhau, như anh em một nhà, như anh em một nhà...." _:). Vẫn nhắc bạn Quỷ, là nếu cần, cứ nói tôi nhé. Tôi thì lại thấy cái tên Quỷ rất khác người, duy nhất đấy -:), cả nước Việt Nam này, cũng chỉ có mỗi tên bạn là Quỷ thôi, mà cũng không phạm húy cái gì cả. Bạn cứ giữ tên này đi bạn ạ. Tôi thử gọi, Quỷ ơi, Quỷ ơi, xem nhé, hihi, nghe cũng đáng yêu nhỉ? Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Nhưng tôi đọc bài ý kiến thảo luận của bạn Hug trong bài Vịt Nhà Ai Lưu Lạc Nhà Ai mà thấy sợ quá. Đọc bài đó tôi cảm nhận được màu sắc của từng khúc ruột bạn Hug. Vì bức xúc quá nên tôi viết mấy dòng
...xem tiếp