Trần Đức Quỷ: Tôi nghĩ gì khi làm NHỮNG CÁI ĐUÔI
27. 06. 10 - 4:49 pm
TRẦN ĐỨC QUỶ
(Tên cúng cơm của tác phẩm là Hợp thể, còn tên thường gọi – tên “hoạt động cách mạng” – là Những cái đuôi…)
Tôi là một đứa trẻ sinh đôi trong gia đình, nên rất nhạy cảm với những gì sinh đôi dính liền nhau. Đôi khi những cặp đôi dính vào nhau ấy là chuyện rất vướng víu, kỳ quặc. Một vật thể với một chức năng nào đó chỉ hoạt động được khi nó độc lập, toàn vẹn. Nếu bị dính dấp với một thứ gần tương tự nó, nó không thể nào vận hành được. Tôi nảy ra ý tưởng tạo ra những vật dụng dính dấp khi chắp một số thứ với nhau trên các vật dụng như đôi loa, hai chiếc quạt dính cánh vào nhau không thể quay được (2007). Và hiện tượng người xem có thể thấy là một hiệu ứng nghịch đảo rất thú vị trong nhận thức…
Năm 2008, tôi phát triển những thao tác làm tác phẩm điêu khắc “chập dính” này trên những mô phỏng động vật bằng các chất liệu thạch cao và gốm. Và tự thân các tác phẩm này sinh ra một chủ đề khác, tạo cho người xem và cả chính tôi những nhận thức khác về con người và xã hội nơi tôi đang sống.
Kết quả của tác phẩm Đàn vịt (Triển lãm cá nhân năm 2008 tại Trung tâm văn hóa Pháp) phóng chiếu hình ảnh đời sống của một cộng đồng trong tự nhiên, con nọ dính vào con kia, dắt díu.
Tác phẩm của Trần Đức Quỷ
Tôi rất ấn tượng với một số tác phẩm của họa sĩ người Bỉ Réne Magritte, một người đàn ông soi vào gương, nhưng không thấy mặt mình mà chỉ thấy gáy. Sự phản chiếu, hồi vọng trong các hành động tự nhiên như nụ hôn trong tình yêu, sự đối đầu trong chiến tranh, âm thanh vọng vào vách đá… giống như các tấm gương khác nhau làm con người có được nhận thức về ý nghĩa nhiều mặt của hành động và sự sống. Sự phản chiếu từ một góc nhìn khác biệt không tương thích có thể khiến con người ta bế tắc. Đó là cảm giác rất cá nhân của tôi. Và tôi nhận thấy cảm giác bế tắc này song trùng với rất nhiều sự bế tắc khác của đời sống xung quanh tôi.
Tác phẩm của Réne Magritte
Nhà tôi hiện tại đang ở Hải Phòng. Đó là nơi có lễ hội chọi trâu truyền thống nổi tiếng ở Đồ Sơn mà tôi đã từng xem nhiều lần. Cái cảnh ấn tượng làm cho người xem phấn khích nhất là khi hai con trâu chọi được người chủ dắt ra thả dây, và chúng chuẩn bị lấy đà lao đầu vào nhau với một tốc độ kinh khủng trong khoảng cách 40 đến 50m. Đó là sự truy hoan cao độ của một cuộc chiến, cái đỉnh điểm của kịch tính với nụ cười lấp lánh của tử thần thấp thoáng ở đằng sau. Cái sự đối đầu, lao vào nhau từ hai phía để chiến đấu hoặc yêu đương có gì đó gây ấn tượng rất giống nhau, và rất mạnh đối với tôi. Đó là khi những cái đầu sắp sửa biến mất, gãy vỡ, dính liền, tan nổ. Chỉ còn lại những cái đuôi vẫy lên cứng ngắc hân hoan và dữ dội, như một bài ca vút lên cao nhất những nốt nhạc của bản năng và cảm xúc…
Trong đời sống xã hội ở bất cứ một vùng đất nhỏ nào hay rộng ra cả thế giới, luôn tiềm ẩn (hoặc đang xảy ra) những nguy cơ chiến tranh. Nhìn những con trâu chọi nhau để mua vui cho người ta. Ta nhận thấy rõ đến rùng mình rằng chiến tranh là một sự ngu xuẩn. Chúa ban cho ta cái đầu là để suy nghĩ, để tư duy về cuộc sống chứ không phải để dùng đầu đánh nhau. Ấy thế mà đáng thương thay, không chỉ các loài vật chiến đấu để mua vui cho chúng ta, mà cả con người nữa vẫn đang dùng cái đầu để húc vào nhau, để mua vui cho những kẻ quan sát chúng ta. Khi ấy cái đầu – đại diện cho tư duy và trí tuệ trở nên hoàn toàn vô nghĩa!
Tại sao người ta không thể thay chiến tranh bằng yêu đương? Như khẩu hiệu trong một bài hát của ca sĩ nổi tiếng John Lennon “Make love, not war”. Hai con trâu lao vào nhau, những cái đầu biến mất. Đó là cuộc đối đầu không có tri thức của chiến tranh. Tôi thích hình ảnh hai chú lợn lao vào nhau, những cái đầu biến mất. Chỉ còn lại những cái đuôi quăn và những cái mông đơn giản, mũm mĩm, gợi cảm. Đó là cao trào của tình yêu chứ không phải chiến tranh. Mới đầu tôi làm hình ảnh này trên phác thảo điêu khắc bằng chất liệu đất nung. Nhưng sau đó tôi nghĩ rằng tại sao mình không thử làm trên chất liệu bằng bộ da lợn thật xem sao. Ấn tượng thị giác sẽ mạnh hơn rất nhiều, và tôi cũng như người xem sẽ có cảm giác “nghịch đảo” thích thú hơn rất nhiều. Việc thử với bộ da lợn thật được nhồi căng lên là một kỹ thuật rất khó, và tôi đã làm đi làm lại rất nhiều lần mới thành công…
Tác phẩm khi chưa sơn phết
Tôi muốn nghệ thuật của tôi đạt được những phẩm chất như người xem đối với bộ phim Tây Du Ký. Trong đó trẻ con thích thú vì xem cái hài, cái vui. Người có tuổi thì đọc được những thông điệp, hay triết lý thâm thúy đằng sau những câu chuyện hài hước sinh động. Tôi muốn tác phẩm của tôi cũng là những tấm gương, để mỗi người xem có thể soi thấy một điều gì đó thực sự trong lòng mình.
Thấy ghê. Nghệ thuật chủ đề về cuộc sống, nhưng bản thân thì giết nhiều đến thế, rồi còn chặt đâu ghép xác, dù có nghệ thuật đến mấy thì tớ cũng cương quyết phản đối nó vì quá tàn bạo và bất nhân.
Còn nếu nói tớ "không biết nghệ thuật là gì" thì tớ càng thấy ghê hơn. Bộ nghệ thuật là có quyền làm những việc giết chóc kinh tởm vầy sao? Vậy thì t ...xem tiếp
1:43Saturday,3.7.2010Đăng bởi: Bmhv
Thấy ghê. Nghệ thuật chủ đề về cuộc sống, nhưng bản thân thì giết nhiều đến thế, rồi còn chặt đâu ghép xác, dù có nghệ thuật đến mấy thì tớ cũng cương quyết phản đối nó vì quá tàn bạo và bất nhân.
Còn nếu nói tớ "không biết nghệ thuật là gì" thì tớ càng thấy ghê hơn. Bộ nghệ thuật là có quyền làm những việc giết chóc kinh tởm vầy sao? Vậy thì tớ phản đối thứ nghệ thuật này!
14:54Monday,28.6.2010Đăng bởi: Bùi Hoài Mai
Rất hay, một lời tự sự và giới thiệu công việc thật hay. Đơn giản, cụ thể và tình cảm. Tất nhiên là tớ đã thích tác phẩm của Quý từ trước rồi. ...xem tiếp
14:54Monday,28.6.2010Đăng bởi: Bùi Hoài Mai
Rất hay, một lời tự sự và giới thiệu công việc thật hay. Đơn giản, cụ thể và tình cảm. Tất nhiên là tớ đã thích tác phẩm của Quý từ trước rồi.
Còn nếu nói tớ "không biết nghệ thuật là gì" thì tớ càng thấy ghê hơn. Bộ nghệ thuật là có quyền làm những việc giết chóc kinh tởm vầy sao? Vậy thì t
...xem tiếp