Kiến trúc

Tranh luận về kiến trúc: khác cứ khác, nhưng đừng bịt mồm nhau 24. 06. 13 - 1:53 pm

Võ Phi Ngư

 

Tôi đã nói từ đầu rằng tôi không phải dân kiến trúc, cho nên chỉ xin bàn với anh Phó Đức Tùng về phương pháp lập luận trong bài viết của anh. Và tôi cũng không phải dân ngôn ngữ, nên xin bàn với anh một cách nôm na thôi.

1.    
Khi bàn về căn nhà của Võ Trọng Nghĩa có thích hợp với điều kiện Việt Nam không, anh Phó Đức Tùng nói: “Không nên kết luận chung chung là kiểu: tâm lý Việt Nam thế này, điều kiện Việt Nam thế kia: vì rằng cho dù số đông có tâm lý thế nào thì cá nhân một số người, cụ thể là chủ nhà vẫn được phép có tâm lý khác. Đó là chưa kể người viết cũng chưa chắc đại diện được cho số đông. Điều kiện Việt Nam cũng vậy, có thể nhiều nơi như vậy, nhưng cụ thể tại vị trí công trình lại khác.”

Thưa anh Tùng, đọc sơ qua thì thấy anh nói đúng đấy, nhưng thử ví dụ khi anh qua Campuchia làm nhà, dĩ nhiên trong đầu anh phải có ngay những gạch đầu dòng:
–    đây là Campuchia, xứ nóng
–    đây là xứ cũng không an toàn lắm
–    đây là nơi lắm bụi
–    v.v…

Tâm lý chủ nhà có khác thường đến mấy thì vẫn là sống ở đất Campuchia, chịu những thứ thuộc Campuchia mà anh ta không có quyền quyết định trăm phần trăm như bụi, nắng, mưa, an toàn… Trừ phi anh Tùng là loại kiến trúc sư chỉ làm theo ý gia chủ, nhất nhất theo gia chủ, còn thì kiến trúc sư nào có lương tâm cũng sẽ khuyên gia chủ thì ý thích ông bà là thế đấy, nhưng nên gia giảm với những yếu tố ngoại cảnh thành thế này, thế kia… Có thế người ta mới cần các anh chứ.

2.
Con người cũng là một thứ thời tiết. Khói xe, bụi bẩn cũng là một loại khí hậu, những thứ đó anh không thể bỏ qua khi làm một ngôi nhà, vì muốn gì thì muốn, nhà cuối cùng vẫn là một nơi để người ta trú thân, để hoặc là tránh hẳn, hoặc là ngăn cách bớt với những thứ kia.

Chính anh Tùng cũng thấy điều đó. Nhưng anh lại nói: “Nếu môi trường quá ồn, bụi, không thể chịu được thì tốt nhất tìm những môi trường khác tốt hơn. Còn nếu xác định kiến trúc có mục đích là phải ngăn cách với bên ngoài, phải không mất công động chân động tay, không bị bụi bẩn v.v… thì e rằng nó sẽ giống với một ngôi mộ để ướp xác hơn là một môi trường sống.”

Như vậy theo anh, nếu người ta không thể tìm môi trường khác tốt hơn (vì phải ở gần phụng dưỡng cha mẹ già chẳng hạn), và môi trường xung quanh nhiều bụi, nhiều khói, nhiều tiếng ồn chẳng hạn, thì người ta không có quyền yêu cầu kiến trúc sư làm một ngôi nhà để ngăn cách với những thứ ấy à? Nếu yêu cầu thì thành ra là đòi làm mộ ướp xác à? Còn để cho kiến trúc sư tha hồ tung tẩy “chơi” với vật liệu, với cấu trúc, thì mới gọi là “cool” à?

3.
Dĩ nhiên có thể chủ nhà rất tâm đắc với căn nhà của anh Võ Trọng Nghĩa. Nhưng với những người bàn ra tán vào như tôi đây, chúng tôi đang bàn tán theo một giả thiết trong đầu: “Nếu nhà này mà là nhà mình thì…”. Tôi bàn về căn nhà ấy theo sở thích cá nhân tôi, nỗi lo sợ trộm, sợ bụi, sợ ồn của cá nhân tôi. Dĩ nhiên tôi không phải là cá để biết cá nghĩ gì, nhưng nếu quy định chỉ chủ nhà biết, chủ nhà mới có tư cách viết, thì vĩnh viễn chúng ta chẳng bao giờ có các diễn đàn bàn về nhà ở, kiến trúc.

Tôi đặc biệt thấy anh Tùng không hay khi gọi những người chồng ngồi ăn trong những nhà bếp sạch là những ông chồng xấu số, những đứa bé ăn trong đó là những đứa bé bị bắt nạt. Anh Tùng thích ăn trong bếp bừa bộn là việc của anh, không sợ trộm là việc của anh, thích làm chuyện ấy ngoài trời cũng là chuyện của anh nốt…, anh cứ việc khen căn nhà của Võ Trọng Nghĩa, nhưng anh không nên phê bình người nào nhận thấy ở cái nhà này có những nét thất cách, rối rắm, phức tạp hóa, duy mỹ. Nói như anh đấy, thì mỗi người mỗi sở thích, tôi không tấn công những sở thích của anh, tôi chỉ bàn đến căn nhà và tưởng tượng cho mình sống trong đó thì mình sống ra sao; thì anh, anh cũng chỉ nên bàn đến anh yêu căn nhà này thế nào, được thoáng gió và nhiều view thay đổi thế nào, chứ không nên phê bình cái sự phê bình của người khác.

.

4.
Vì sao tôi không bàn về cái nhà này nữa mà bàn về cách bàn của anh Phó Đức Tùng? Vì thứ nhất, tôi chẳng biết gì về kiến trúc, nhận xét của tôi về căn nhà chỉ dừng ở mức đó – của một người sắp xây nhà. Thứ hai, tôi muốn nói rằng, cách nhiều người tranh luận trên Soi chỉ đẩy mọi việc vào ngõ cụt công kích nhau vì cứ nôn nóng dập vùi nhau cho mình mau thắng. Người này thì mắng kẻ nọ là không có nghề, người nọ lại mắng kẻ khác là ngu dốt, thiển cận. Biết nói là đến Wright, đến LeCorbusier còn bị chê thì đáng ra cũng phải có được thái độ bình thản biết đến Chúa còn bị đóng đinh, đằng này thấy người khác nói ngược ý mình đã nhảy đong đỏng lên, không bắt im miệng thì cũng mỉa mai sao chỉ thấy rặt cái xấu, rồi thách nhau “nếu thấy cái gì đẹp hơn thì đưa lên xem nào”.

Thưa anh Phó Đức Tùng, qua phân tích của anh về căn nhà của Võ Trọng Nghĩa, bản thân tôi cũng được mở mang, hiểu biết thêm, nhưng có thích cái ý ấy hay không còn tùy sở thích. Cho nên sau này, tôi hy vọng anh còn viết thêm nhiều bài, bàn về những cái tích cực trong các công trình (mà có người đang chê ỏm tỏi). Nhưng mong anh đừng bịt mồm người khác chê, dù hình thức bịt mồm của anh rất khôn khéo, khoác một vẻ “khách quan”. Anh hãy cứ tự nhiên khen và để mọi người cứ tự nhiên chê. Anh cũng không cần phải ủy lạo nền kiến trúc nước nhà bằng cách kêu gọi mọi người giảm chê tăng khen. Anh cứ khen cho hết ý của anh đi, tập trung vào chuyên môn đi, khi đó không chỉ những kẻ trong ngành kiến trúc đắc lợi, mà cả những kẻ ngoài ngành như chúng tôi cũng được hưởng sái theo. Ai thấy xấu cứ nói xấu, ai thấy đẹp cứ nói đẹp, chẳng việc gì phải bớt tối tăng sáng cho bức tranh kiến trúc Việt Nam nó được hồng hồng.

*

 

Bài liên quan:

– Nhà tích bụi và tốn điện của Võ Trọng Nghĩa
– Tranh luận về kiến trúc: khác cứ khác, nhưng đừng bịt mồm nhau
– Có nhiều thứ rất nên học hỏi từ công trình của Võ Trọng Nghĩa
– Nhân ngôi nhà của Võ Trọng Nghĩa thiết kế – xin bàn một chút về thông gió và chiếu sáng trong kiến trúc
– Góp thêm vài nhận xét về căn nhà do anh Nghĩa thiết kế (cập nhật 2)
– Thực sự là buồn cho cuộc tranh luận này 
– Lạm bàn về thể loại nhà “lạ” 
– Tầng trệt và tầng 1 nhà Bình Thạnh của anh Nghĩa: Khỏe chân thì ngon miệng
– Tầng 2 và 3 nhà anh Nghĩa: rối tinh giao thông và mất vệ sinh

– Tầng 4 và 5 nhà anh Nghĩa: lúng túng khi cần cấp cứu  
– “Vì sao không phỏng vấn chủ nhà? Tôi nghĩ là thừa”

Ý kiến - Thảo luận

9:19 Tuesday,9.5.2023 Đăng bởi:  Quân
Đơn giản là Chủ đầu tư có yêu cầu. Kiến trúc sư là người thể hiện các yêu cầu đó. Tailoring. Trước khi yêu cầu Kiến trúc sư design, Chủ đầu tư phải ra đầu bài. 
...xem tiếp
9:19 Tuesday,9.5.2023 Đăng bởi:  Quân
Đơn giản là Chủ đầu tư có yêu cầu. Kiến trúc sư là người thể hiện các yêu cầu đó. Tailoring. Trước khi yêu cầu Kiến trúc sư design, Chủ đầu tư phải ra đầu bài.  
10:29 Friday,20.6.2014 Đăng bởi:  Cậu Tốn.kts.xanh
..."Tôi đã nói từ đầu rằng tôi không phải dân kiến trúc, cho nên chỉ xin bàn với anh Phó Đức Tùng về phương pháp lập luận trong bài viết của anh. Và tôi cũng không phải dân ngôn ngữ, nên xin bàn với anh một cách nôm na thôi."...Theo t&oc
...xem tiếp
10:29 Friday,20.6.2014 Đăng bởi:  Cậu Tốn.kts.xanh
..."Tôi đã nói từ đầu rằng tôi không phải dân kiến trúc, cho nên chỉ xin bàn với anh Phó Đức Tùng về phương pháp lập luận trong bài viết của anh. Và tôi cũng không phải dân ngôn ngữ, nên xin bàn với anh một cách nôm na thôi."...Theo tôi thì người viết "không phải dân ngôn ngữ" nhưng rất biết cách dùng ngôn ngữ."không phải dân kiến trúc" nhưng cũng có những hiểu biết nhất định về kiến trúc đấy.Và người viết bài cũng nói ..."tôi chỉ bàn đến căn nhà và tưởng tượng cho mình sống trong đó thì mình sống ra sao"...Xin thưa với người viết, đừng tưởng tượng! Hãy sống thật trong đó, trong không gian của một công trình xanh đi, cảm nhận, rồi hãy bàn tiếp! Hoàn toàn không giống như trong tưởng tượng!
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả