Đi & Ở

Bưu thiếp Trung Đông: Không khí thời chinh chiến 02. 12. 14 - 5:57 pm

 

Cầu vượt Bosta-Bachoura, Tây Beirut (Ảnh: Sáng Ánh)

 

Cái ảnh này thì chẳng có gì ấn tượng cả, 2014, một căn nhà bỏ không đang đợi được trùng tu, xây dựng lại, bên cạnh một cầu vượt nghẽn mấy làn xe.

Năm 1982, ngay tại nơi này, chưa xây cầu vượt.

Giữa cái vỉa rộng đất còn đang đào xới ngăn đôi con lộ, 50 hay 70 người Ấn Độ hay Pakistan đang túm tụ lại như một pháo đài di động, chỏng chơ hành lý làm thành quách bập bềnh, một bước tiến hai bước lùi, thanh niên bên vòng ngoài bảo vệ phụ nữ ở vòng trong.

Khi thấy tôi, họ như tìm ra đường sống. Hai thanh niên băng đường tiến ngay về phía tôi đang đến, từ bên trong, một ông lớn tuổi ra dáng lãnh đạo nhóm người này hổn hển chạy ra theo. Có lẽ tôi là người đầu tiên ngày hôm nay họ gặp mà không đeo súng, không thuộc vào vệ binh các phái, không khăn rằn, quần trận, tên lửa cầm tay. Tôi không hẳn là người Ấn, nhưng nhất định không là người địa phương.

Câu hỏi của vị đứng tuổi làm tôi ngẩn cả người:

“Ông có biết hướng nào là sứ quán Anh quốc?”

Beirut Tây đang bị vây hãm, không bóng người ngoài phố, chung quanh ẩn hiện là các chiến binh lạch cạch khí cụ trên người, con lộ xì xèo khói. Một chốc lát yên lành tạm bợ nhưng chẳng biết đến bao giờ, vu vơ tiếng bắn lẻ gần xa. Đây là một đoàn người nước ngoài loại hạng nhì đang tìm chỗ thoát, người nước ngoài loại hạng nhất đã di tản mấy ngày trước rồi cùng với các sứ quán chính hiệu Tây phương con nai.

“Sứ quán Anh đã đi sang khu vực Đông mất rồi!”

Tôi trả lời mà ái ngại, trong mắt họ như mặt trời vừa mới tụt thẳng tòm xuống biển cách đâu đây. Thì trên thế giới mặt trời Anh quốc cũng có lúc lặn chứ.

“Các bạn đi đâu thì đi, tôi chẳng biết nói gì, nhưng phân tán ra từng nhóm nhỏ theo nhau, dọc hai bên lộ này sát các căn nhà, có gì còn chạy vào mà trú chứ đừng ở giữa đường đôi như vầy, rớt một quả pháo là đi đời.”

Xe trên cầu vượt vẫn không nhúc nhích được, cô cầm lái bên cạnh tôi bực mình, “anh lên kính đi” khi các em tỵ nạn người Syria bán quà và hàng xén mời chào chìa tay vào tận trong ngay trước mặt.

32 năm trước, trong thành phố này, dáo dác thấy mà tội, người Syria chỉ có Lữ đoàn 85 cơ giới chậm chân bị kẹt lại.

.

*

(Những bưu thiếp từ Trung đông này gửi đến bạn đọc nhân chuyến đi mươi ngày sang Lebanon và Jordan vào đầu tháng 11. 2014 để giới thiệu tiểu thuyết “Saigon Samedi” của Sáng Ánh, tức Đỗ Kh. tham gia Hội chợ sách Pháp ngữ tại Beirut 

Đây là một thành phố quen thuộc với tác giả, nhưng không gần gũi quá mức đến độ chán ngấy, và vừa ghét lại vừa thương. Bưu thiếp thì vài dòng, và phần ảnh cũng quan trọng, tuy là vớ vẩn cũng chẳng kém phần thư.)

 

 

Ý kiến - Thảo luận

2:55 Wednesday,3.12.2014 Đăng bởi:  SA
1972, Uganda lên cơn quốc gia chủ nghĩa, trục xuất 70.000 người gốc ấn (pakistan, sri lanka...) và tịch thu tài sản của họ. Trong số này, mẫu quốc Anh đành phải nhận có khoảng 1/3 sang Anh quốc, số còn lại phân tán khắp nơi.
...xem tiếp
2:55 Wednesday,3.12.2014 Đăng bởi:  SA
1972, Uganda lên cơn quốc gia chủ nghĩa, trục xuất 70.000 người gốc ấn (pakistan, sri lanka...) và tịch thu tài sản của họ. Trong số này, mẫu quốc Anh đành phải nhận có khoảng 1/3 sang Anh quốc, số còn lại phân tán khắp nơi. 
2:41 Wednesday,3.12.2014 Đăng bởi:  SA
Vào dạo đó, Anh quốc có 2 chế độ thần dân, loại chính cống, tức là có quyền cư ngụ tại chính quốc và loại thần dân của Anh quốc ở nước ngoài, được sự bảo vệ của Anh quốc.
Thành phần này là Hong Kong, hay ấn kiều, pakistan v.v. còn sinh sống tại các thuộc địa cũ châu Phi,Caríb... ấn chẳng ra ấn và Anh chẳng ra Anh, cũng chẳng phải châu Phi.
Câu "người nước
...xem tiếp
2:41 Wednesday,3.12.2014 Đăng bởi:  SA
Vào dạo đó, Anh quốc có 2 chế độ thần dân, loại chính cống, tức là có quyền cư ngụ tại chính quốc và loại thần dân của Anh quốc ở nước ngoài, được sự bảo vệ của Anh quốc.
Thành phần này là Hong Kong, hay ấn kiều, pakistan v.v. còn sinh sống tại các thuộc địa cũ châu Phi,Caríb... ấn chẳng ra ấn và Anh chẳng ra Anh, cũng chẳng phải châu Phi.
Câu "người nước ngoài hạng nhì" ở đây là theo nghĩa đen. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Phê bình: siêu nghệ thuật?

John Ryan Recabar – Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả