|
|
|
|||||||||||||
Thiết kếÁo dài Việt: từ năm thân tới hai thân 10. 03. 15 - 6:37 amTrịnh BáchMột cô bạn người Úc khi đến thăm Việt Nam đã tìm mua ngay một cái áo dài rồi hí hửng đi hỏi bạn bè xem cô mặc áo dài có hợp không. Quả thật, thân hình thon nhẹ và đôi chân dài của cô Stephanie này rất hợp với áo dài, nếu áo được may, mặc đúng cách. Nhưng chiếc áo dài may sẵn đó làm cho bụng Stephanie to ra vì eo áo bị nâng cao quá. Vạt áo cũng quá ngắn cho loại áo dài có chít eo so với cặp chân dài, cho nên áo cô mặc hơi thô. Mặc áo dài không đơn giản thế đâu. Người Việt xưa nay thường có tính kín đáo. Cristoforo Borri, một giáo sỹ người Ý sống ở vùng Thuận Hóa và Quảng Nam của xứ Đàng Trong từ năm 1618 đến năm 1623, đã nhận xét rằng tuy Việt Nam có thời tiết rất nóng, nhưng người Việt ăn mặc kín đáo nhất so với các dân tộc khác trong vùng. Các cụ ngày xưa chắc đã phải mất nhiều thì giờ nghiên cứu, để tìm cách phối hợp những nguyên tắc thẩm mỹ với quy luật kín đáo cố hữu của dân tộc vào việc may mặc. Thí dụ như khi cảm thấy cổ của người Việt thường không được cao lắm, người xưa đã biết may cổ áo thấp xuống và ôm sát cổ, trong khi tóc được vấn cao lên lộ gáy để dù cổ phải che, tóc phải dấu theo lệ, cổ của một phụ nữ Việt Nam trung bình vẫn nhờ đó trở nên thanh tú và cao, sang hơn. Kín đáo đấy, nhưng áo dài của người Việt vẫn có tiếng là gợi cảm. Từ tứ thân, năm thân… Người Việt xưa gọi áo dài là Tập phục, nghĩa là loại áo được mặc với nhiều lớp hay còn được gọi nôm na là áo mớ ba hoặc mớ bẩy. Thật ra trong đám mớ ba, mớ bẩy đó, lớp áo dài bên ngoài lại được người xưa gọi là áo lót. Vì thật ra nó chỉ là lớp lót trong của áo bào, với lớp xiêm độn ở giữa, trong các lễ trọng đại. Cho nên khi đọc sách Tây Hành Nhật Ký của Phạm Phú Thứ, thấy viết là các cụ sứ thần nước ta khoác “áo lót” (tập phục) ra đón tiếp quan khách ngoại giao của các nước đến thăm, người không hiểu lại thấy xấu hổ rằng người mình ngày xưa khiếm nhã. Có hai loại áo dài luôn đi song song với nhau từ xưa đến nay. Đó là áo dài tứ thân và áo dài năm thân (tức là năm tà). Áo dài tứ thân có hai vạt trước mở dọc thẳng từ cổ xuống đến gấu. Vạt sau gồm hai thân nối lại dọc sống áo. Cổ áo tứ thân rất thấp, gần như không có. Loại áo này đã được biết đến từ thời Hán bên Trung Quốc, và trở thành phổ thông từ thời Đường, dưới dạng áo chẽn tay khoác ngoài với tay ngắn hay dài, gọi là đoản tụ hay trường tụ tỷ giáp. Cho đến cách đây gần nửa thế kỷ, áo dài tứ thân vẫn rất được thông dụng bởi phái nữ ở vùng thôn quê Bắc bộ, và ở áo mệnh phụ, tức là áo nhật bình, trong cung. Các sư sãi Phật giáo Việt Nam hiện nay vẫn mặc loại áo tứ thân với cổ nhật bình này. Trong khi áo năm thân, tức là áo dài với cổ xây (cổ đứng) cài nút sang bên phải như cái áo dài chúng ta vẫn thấy ngày nay.
Chưa ai có thể khẳng định được áo dài năm thân của Việt Nam xuất hiện từ bao giờ và như thế nào. Tuy nhiên, pho tượng Ngọc nữ của thế kỷ 17 ở chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh, cho thấy ít nhất thời đó phụ nữ Việt cũng đã mặc loại áo dài có hình dáng của cái áo dài năm thân (mà sau thành ba thân, rồi ngày nay là hai thân) này. Thản hoặc mới thấy một vài chi tiết liên quan đến áo dài, hoặc yếu tố Việt trong trang phục, ở các sách sử. Thí dụ như một đạo dụ năm Hưng Long thứ tám (1301) thời Trần Anh Tông cấm dân thường không được mặc áo rộng tay. Hay năm 1374 Vua Trần Duệ Tông cấm dân dùng y phục theo Bắc Quốc. Tuy nhiên chuyện được biết đến nhiều hơn cả là việc Chúa Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Trong, khi xưng Vương năm 1744, đã bắt quan dân Thuận Quảng phải mặc lễ phục lấy mẫu từ sách Tam Tài Đồ Hội của nhà Minh, Trung Quốc. (Phải chăng vì thế đã có giả thuyết cho rằng áo dài Việt Nam xuất xứ từ phương Bắc?) Mặc dù phải chấp nhận việc triều cống nhà Thanh, nhưng người Việt lúc nào cũng coi người Mãn Châu là giống di địch, không phải chính thống Hán tộc. Vì thế triều phục và lễ phục của các triều đại Lê, Nguyễn Việt Nam vẫn theo mẫu của trang phục Hán tộc của triều Minh, Trung Quốc. Nhưng áo dài không phải là lễ phục. Áo dài chỉ là một loại thường phục trang trọng có thể mặc để tiếp khách, hoặc đi ra đường. Những dịp lễ lạc, người xưa phải khoác ra ngoài áo dài một cái áo lễ tay rộng (phổ phục) thí dụ như áo thụng, áo tràng ngoài dân gian; hay áo bào, áo mệnh phụ trong triều. Chỉ có các lễ phục này mới mang ảnh hưởng của phương Bắc. Trong khi đó, từ đầu đến cuối quyển sách Trung Quốc Phục Trang Sử nổi tiếng, viết và minh họa về y phục Trung Hoa từ đời Xuân Thu cho đến những năm đầu Dân Quốc (477 trước Công Nguyên đến thập kỷ 1920 Công Nguyên), không thấy đả động gì đến bì bào, tức là áo ôm người như áo dài của người Việt. Loại bì bào độc nhất có cổ cao, cài nút bên phải dành cho phụ nữ ở Trung Quốc mà ngày nay còn thấy, thường gọi là trường sam, mà người mình hay gọi theo âm Quảng Đông là sường xám, có nghĩa là áo dài, chỉ xuất hiện từ Trùng Khánh và Thượng Hải trong thập niên 1920. Sường xám trở thành nổi tiếng nhờ bà Tống Mỹ Linh, vợ Thống Chế Tưởng Giới Thạch. Giới sành trang phục thế giới bên Âu, Mỹ thường cho rằng sường xám Trung Hoa là một phiên bản không thành công từ chiếc áo dài Việt. Cũng nên để ý rằng phụ nữ của một số bộ tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam cũng mặc loại áo giống áo dài dưới đồng bằng. Trong khi người cùng những bộ tộc ấy ở các nước chung quanh lại không thấy mặc loại áo này.
Năm 1776, sau khi quân đội của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài chiếm được kinh đô Phú Xuân của xứ Đàng Trong, quan Hiệp Trấn Thủ Lê Quý Đôn của nhà Trịnh ra lệnh cho dân ở đây phải cải lại lề lối ăn mặc theo tục lệ cũ, nghĩa là giống như cách trang phục của Đàng Ngoài lúc bấy giờ, cũng như ở Đàng Trong trước biến đổi thời 1744. Theo lệnh này, về thường phục thì “Từ nay trở đi, đàn ông và đàn bà chỉ được mặc loại áo ngắn tay với cổ đứng…” Ngắn tay tức là tay áo chỉ dài đến cổ tay, thay vì dài gấp đôi chiều dài tay như trong áo lễ. Trong quyển sách Relation de la Nouvelle Mission des Pères de la Compagnie de Jesus au Royaume de la Cochinchine, xuất bản tại Lille năm 1631, Giáo sỹ Borri đã tả rõ về cách ăn mặc của người Việt ở đầu thế kỷ 17: “Người ta mặc năm sáu cái áo dài, áo nọ phủ lên áo kia, mỗi cái một màu. Cái thứ nhất dài đến mắt cá chân một cách trang trọng. Rồi những áo khác ở ngoài ngắn dần.” Chắc vị giáo sỹ này muốn nói đến cách mặc áo mớ ba, mớ bẩy của phụ nữ Việt hiện còn thấy ở các làng Quan Họ ở Bắc Ninh, Bắc Giang, hay lác đác ở Huế cách đây khoảng hơn nửa thế kỷ? “Đàn ông cũng mặc năm, sáu lớp áo dài lụa… Phần dưới thắt lưng của mấy lớp áo ngoài được cắt thành những giải dài. Khi đi lại các giải này quyện vào nhau trông đẹp mắt. Mỗi khi có làn gió thổi thì các giải đó lại bay tung lên như cánh chim công thật ngoạn mục… Đàn ông cũng để tóc dài và bao tóc như đàn bà.”” Có lẽ Giáo sỹ Borri và nhiều người khác đã hiểu lầm về số lớp áo được người Việt cổ xưa mặc mỗi khi ra ngoài. Vẫn chưa có chứng tích hay tài liệu nào về việc thường dân mặc đến bẩy lớp áo dài xưa nay, ngoại trừ những trường hợp đại liệm trong tang lễ. Có lẽ mớ ba mớ bẩy chỉ là cách nói nôm na của ba và bẩy vẫn thường thấy trong ca dao Việt Nam. Thí dụ như câu “yêu nhau bẩy bỏ làm ba, ghét nhau ba bẩy bổ ra làm mười”, hay trong cụm từ “tam sao thất bản”… Thật ra mấy lớp áo bên ngoài bị cắt thành các giải dài bên dưới thắt lưng mà Giáo sỹ Borri nhắc đến chỉ là cái xiêm cánh sen nghê thường, hoặc có nơi gọi là quầy bơi chèo, mà người xưa mặc trước ngực hay dưới thắt lưng bên ngoài áo dài. Trong Huế gọi là áo lá tua. Xiêm này có ba hoặc bốn lớp giải lụa may chồng lên nhau. Lớp giải trong cùng dài nhất, rồi các lớp bên ngoài ngắn dần. Các giải này ngày nay được đơn giản hóa bằng cách may thưa, nhỏ hơn, và dính liền ba bốn lớp với nhau như thỉnh thoảng vẫn còn thấy trong trang phục rước đình ở thôn quê miền Bắc, Trung Việt, và trong phục trang múa cung đình ở Huế. Bức tượng Ngọc Nữ tạc từ thế kỷ 17 ở chùa Dâu, là minh chứng rõ nhất cho cả áo dài, các giải cánh sen, lẫn cách vấn khăn mà giáo sỹ Borri đã mục diện từ bốn thế kỷ trước đây. Cái áo dài cũng như cách vấn khăn của bức tượng từ thời ấy cũng chẳng khác gì bây giờ. Nhưng Giáo sỹ Borri cũng có nhắc đến cái áo mầu thâm của nam giới và sỹ tử lúc ấy giống như áo ngoài của các giáo sỹ đạo Công giáo thời bấy giờ. Nghĩa là giống như cái áo dài năm thân của thời đại về sau này. Ông cho biết phần lớn đàn ông Việt hồi đầu thế kỷ 17, nhất là giới sỹ tử, đều mặc một cái áo dài lụa hay lương mầu đen phủ ra ngoài các áo khác. Năm 1819, khi thuyền trưởng Mỹ John White đến thăm Sài Gòn, cách ăn mặc ở đây vẫn giống như giáo sỹ Borri đã thấy ở Thuận Quảng từ hơn hai thế kỷ trước đó. Ông White có nhắc đến một thiếu nữ 16 tuổi mặc quần lụa đen và cái áo may sát người dài đến mắt cá chân. Ông cũng cho biết rằng đàn ông, đàn bà Sài Gòn khi ấy ăn mặc giống nhau, với nhiều lớp áo dài khác mầu. Chiếc áo trong cùng dài đến mắt cá chân, rồi các áo ngoài ngắn dần…Tuy nhiên, giống như bây giờ, lối ăn mặc đỏm đáng kể trên chỉ dành cho tầng lớp phong lưu, thời thượng. Còn phục trang của đại đa số dân chúng thì nghiêm cẩn hơn với mầu thâm. Áo dài ba thân Cho đến đầu thế kỷ 20, tuyệt đại đa số áo dài phụ nữ thành thị ở Việt Nam đều may theo thể năm thân. Mỗi thân áo trước và sau đều có hai tà, khâu lại với nhau dọc theo sống áo. Thêm vào đó là tà thứ năm ở bên phải, trong thân trước, cho kín đáo. Tay áo may nối phía dưới khuỷu tay. Sở dĩ áo phải nối thân và tay như thế là vì các loại vải tốt như lụa, sa, gấm, đoạn tơ tằm ngày xưa chỉ dệt được rộng nhất là 80 cm. Cổ, tay và thân trên áo dài phụ nữ thời ấy thường ôm theo người, rồi tà áo may rộng ra từ sườn đến gấu và không chít eo. Vạt rất rộng, trung bình là 80 cm ở gấu. Gấu của vạt trước của áo được cắt dài hơn vạt sau, và được may võng để phần giữa gấu không bị bụng và ngực áo kéo vồng lên khi mặc. Cổ áo chỉ cao khoảng 2 cm cho phái nữ, và 3 đến 4 cm cho nam giới. Nhưng phụ nữ Huế vẫn giữ cổ áo của họ cao khoảng 3cm. Riêng ở miền Bắc từ thập kỷ 1910-1920, phụ nữ thích may thêm một cái khuyết phụ độ 3 cm bên phải cổ áo, và cài khuy cổ lệch ra đấy. Cổ áo như thế sẽ hở ra cho quyến rũ hơn, và cũng để khoe chuỗi hột trang sức quấn nhiều vòng quanh cổ, bên trong cổ áo. Thủa ấy các vải áo mầu đậm được dùng nhiều nhất. Mùa Thu, Đông dùng các loại gấm đoạn, và Xuân, Hạ dùng sa, vân. Vì mầu nhuộm từ các chất liệu thiên nhiên của các loại vải ngày trước dễ phai, cho nên người xưa không giặt các áo dài may bằng vải đắt tiền, thường dùng làm áo ngoài. Các áo này chỉ được phơi nắng một năm mấy lần, rồi ướp thơm bằng trầm hay hương bài trong tráp gỗ. Phần nhiều áo dài ngày xưa đều may kép, tức là may có một lớp vải lót dính liền bên trong. Nhất là khi áo được may bằng vải mỏng, cho kín đáo. Áo kép này được mặc khoác lên cái áo dài thứ hai lót bên trong. Lớp áo lót bên trong thấm mồ hôi, vì thế được may đơn bằng vải mầu trắng để không sợ bị thôi mầu, dễ giặt. Hai lớp áo dài mặc cùng với cái áo cánh ở trong cùng tạo thành một bộ áo mớ ba. Quần may rộng vừa phải, khoảng 1 xích, tức là trên 30 cm, với đũng thấp. Thủa đó phần đông phụ nữ từ Nam ra Bắc đều mặc quần đen với áo dài, trong khi phụ nữ Huế lại chuộng quần trắng. Đặc biệt là giới thượng lưu ở Huế, cả nam lẫn nữ, hay mặc loại quần chít ba, nghĩa là dọc hai bên mép ngoài quần được may với ba lần gấp, để khi đi lại quần sẽ xòe rộng thêm. Đàn ông thường dân từ Bắc chí Nam luôn mặc quần trắng với áo dài, trừ trường hợp các lão ông, lão bà khi làm lễ thượng thọ thì mặc quần đỏ. Trong các thập niên 1930 và 1940, cách may áo dài vẫn không thay đổi nhiều, nhưng phụ nữ thành thị bắt đầu dùng các loại vải mầu tươi, sáng hơn, được nhập về từ Âu Châu. Cho đến lúc này gấu áo dài phụ nữ thường được may trên mắt cá khoảng 20 cm. Trong khi từ cổ chí kim vạt áo dài nam giới vẫn chỉ không dài quá đầu gối 10 cm. Từ đây, và tiếp tục cho đến gần cuối thế kỷ 20, thiếu nữ khắp nơi mặc quần trắng với áo dài. Quần đen để dành cho phụ nữ đã lập gia đình. Tuy nhiên phần lớn phái nữ thuộc mọi lứa tuổi ở Huế vẫn tiếp tục chỉ mặc quần trắng. Một vài nhà tạo mẫu áo dài bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn này, nhưng gần như họ chỉ bỏ được phần nối giữa sống áo, vì vải phương Tây dệt được khổ rộng hơn. Tay áo vẫn may nối. Các họa sỹ Lê Phổ và Lê Thị Lựu đi tiên phong trong việc bỏ sống nối dọc giữa thân áo, và thu gọn bớt chiều rộng của vạt áo và tay áo. Áo dài ba thân bắt đầu từ đây.
Nhưng nổi nhất lúc ấy là họa sỹ Cát Tường ở phố Hàng Da, Hà Nội. Trong những năm cuối của thập niên 1930 ông Cát Tường tung ra các kiểu áo dài được ông Âu hóa, cả về mẫu dáng lẫn tên gọi, Le Mur (do ông tự dịch tên của mình ra tiếng Pháp). Áo Lemur vẫn giữ nguyên phần áo dài may không nối sống bên dưới. Nhưng cổ áo khoét hình trái tim với mũi nhọn đằng trước ngực hay sau lưng, và một cái nơ đính vào chỗ khoét nhọn đó. Có khi áo được may theo lối cổ lọ hay gắn thêm cổ bẻ. Vai áo may bồng, tay nối ở vai, và cũng có khi áo dài Lemur khoét hở đến giữa lưng và không có tay. Khuy áo may dọc trên vai và sườn bên phải. Quần của áo dài Lemur cắt ống loe rộng. Trong bài báo đăng trên báo Phong Hóa năm 1938, họa sỹ Cát Tường cổ xúy việc phế bỏ cái cổ xây của áo dài. Ông viện dẫn rằng dù theo phong tục thì cổ phải che dấu, nhưng cái cổ áo dài nhỏ thế kia thì che được gì, mà lại vướng víu. Và tay áo cũng nên được cắt bỏ vì lý do tương tự. Vì thế mà áo dài Le Mur bị xem là táo bạo, và chỉ có giới nghệ sỹ hay thời thượng mới dám mặc. Cũng vì những tranh cãi khen chê mà áo dài Cát Tường có tiếng vang rộng. Nhưng chỉ đến khoảng năm 1945-47 thì loại áo này đã dần đi vào thất sủng.
Đến thập kỷ 1950 sườn áo dài bắt đầu được may có ôm eo, dù vẫn không xếp li. Các thợ may lúc đó đã khôn khéo cắt áo lượn theo thân người. Thân áo sau hơi rộng hơn thân áo trước, nhất là ở phần mông, để áo ôm theo thân dáng mà không cần chít li ở eo. Vạt áo cắt hẹp hơn. Thân áo trong, tức là thân áo thứ ba, hay còn gọi là vạt hò, được cắt ngắn dần từ giai đoạn ấy, rồi cuối cùng bị loại bỏ trong thập niên 1960. Cổ áo bắt đầu cao lên, trong khi gấu được hạ thấp xuống. Áo dài thời này cho đến đầu thập niên 1960 tà phải ôm, không hở quần, mới được cho là may khéo.
Áo dài được thay đổi nhiều nhất trong thập kỷ 1960. Vì nịt ngực ngày càng phổ biến hơn, nên áo dài bắt đầu được may chít eo, nhiều khi rất chật, để tôn ngực. Eo áo cắt cao lên hở cạp quần. Gấu áo lúc này vì hẹp cho nên có thể cắt thẳng ngang, và may dài gần đến mắt cá chân. Nhiều chị em trong miền Nam lúc ấy còn dùng dây gai quấn quanh bụng và xiết bụng lại cho nhỏ để mặc áo dài chít eo lưng ong. Đầu năm 1961, trong buổi trình diễn thời trang áo dài đầu tiên của Việt Nam, vị đạo diễn phim ảnh nổi tiếng Thái Thúc Nha của Sài Gòn lúc bấy giờ tung ra một mẫu áo dài mới để giúp chương trình thêm phong phú. Bà Ngô Đình Nhu, chủ tọa danh dự của buổi trình diễn rất thích mẫu áo mới này. Ngoài cái cổ thuyền lần đầu tiên xuất hiện, bà còn thích cách cắt tay ngắn gọi là troa-ca (trois-quatre), tức là ba phần tư của cái áo mới. Bà nói mẫu áo này hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, nhất là với Tây Phương. Và bà muốn thấy cái áo mới này được phổ biến ngay. Tự thân bà Ngô Đình Nhu từ đấy cũng thường mặc loại áo cổ thuyền. Nhiều người sau đó còn may áo dài với cổ khoét tròn hay trái tim.
Rồi đến gần cuối thập kỷ 1960, để theo đúng thời trang váy ngắn quần loe của phong trào Hippy, áo dài mini của nữ giới trở thành thời thượng. Vạt áo bây giờ may hẹp và ngắn, có khi đến đầu gối. Áo may nới hơn, lúc ban đầu có xếp li ở eo. Nhưng các nhà thiết kế lúc đó thấy áo dài vạt ngắn mà có chít li trông cũn cỡn, phản mỹ thuật, cho nên chỉ một thời gian sau áo dài mini không chít eo nữa, nhưng vẫn giữ đường lượn một cách tương đối theo thân thể. Cổ áo thấp xuống còn 3 cm. Tay áo cũng được may rộng ra và ngắn hơn. Đặc biệt là cũng trong khoảng gần cuối thập kỷ 1960 này, vai áo dài phụ nữ bắt đầu được cắt lối raglan để vai áo ôm hơn, nhăn ít, mà lại đỡ tốn vải. Tay áo dài từ đây được nối với thân từ vai chéo và áo dài từ đấy trở thành áo dài hai thân trọn vẹn. Trong khi đó áo dài phái nam vẫn luôn giữ cách nối tay cổ điển để vai áo vuông vức, nam tính hơn. Quần của áo dài phụ nữ khi ấy may rất dài với gấu rộng đến 60cm, và nhiều khi được lót hai ba lớp. May rộng như thế không phải theo mốt quần ống loe (patte-éléphant) chỉ rộng ra từ đầu gối của thời trang Hippy, hay của họa sỹ Cát Tường thủa xưa; mà quần được may rộng từ trên xuống. Phải may rộng như thế vì nếu quần vẫn may với ống tương đối hẹp như của vài năm trước đó, khi vạt áo dài vẫn còn dài gần đến mắt cá, thì áo dài vạt ngắn lúc này sẽ dễ bị lẫn với áo dài của người Hồi Quốc. Cho đến lúc bấy giờ nữ giới Việt Nam khi ngồi xuống vẫn còn ý nhị vén vạt áo sau đặt lên đùi trước cho kín đáo, và để vạt áo khỏi nhăn, dù trong thời đại Hippy. Từ thập kỷ 1970 đến 1990 áo dài không thay đổi nhiều lắm. Thỉnh thoảng cách mặc có đổi mới, thí dụ như quần với áo đồng mầu, nhưng không tạo ra được phong trào nào sâu đậm. Các nhà tạo mẫu áo dài bây giờ vẫn luôn nghiên cứu, tìm tòi để đưa ra mẫu mới. Nhưng phần đông chỉ lo tìm cái gì cho khác người, hoành tráng, “không chạm hàng”, mà rất thường quên đi tính thẩm mỹ và sự tôn tạo nhân dáng tế nhị, là những yếu tố tạo ra phần hồn thiết yếu làm cho áo dài nổi tiếng bao lâu nay. Áo dài trông đơn giản thế, nhưng muốn biến đổi nó thêm về hình thức sẽ rất khó. Vì nó đã được hoàn thiện từ lâu lắm rồi. * Các bài tương tự của cùng tác giả: - Nguồn gốc các mũ Phật giáo phổ thông ở Việt Nam - Lễ phục Việt Nam, bài 1: Âu phục? - Lễ phục Việt Nam một thời: Áo dài - Áo dài Việt: từ năm thân tới hai thân - Vẽ lại chân dung các vua triều Nguyễn: cần kỹ lưỡng, không nên tùy tiện - Ăn vặt đơn giản: mía ướp hoa bưởi - Những điều thất truyền: từ “con đĩ đánh bồng” tới chiếc đèn lồng màu đỏ - Khôi phục đồ chơi Trung Thu cổ truyền Ý kiến - Thảo luận
15:55
Wednesday,18.3.2015
Đăng bởi:
Lê Trâm
15:55
Wednesday,18.3.2015
Đăng bởi:
Lê Trâm
Cảm ơn.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp