Thiết kế

Khôi phục đồ chơi Trung Thu cổ truyền 10. 09. 19 - 10:58 am

Trịnh Bách

Về con giống bột

Việt Nam là nước độc nhất trên thế giới lấy ngày rằm Tháng Tám làm Tết Nhi đồng, hay Tết Trung Thu. Sự rộn rã háo hức chờ đón Trung Thu của trẻ em Việt Nam do đó chỉ một phần nào kém Tết Nguyên Đán mà thôi. Và Việt Nam cũng là đất nước độc nhất có tục lệ nặn con giống bột làm đồ chơi trẻ em cho dịp tết Trung Thu.

Trước những năm 1960, mỗi dịp Rằm tháng Tám là các con giống nặn bằng bột lại được bầy bán khắp nơi ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam, như thành phần không thể thiếu cho mâm cỗ Trung Thu. Người Hà Nội di cư vào Nam cũng đem con giống bột này vào phổ biến ở Sài Gòn và các vùng phụ cận.

Mâm cỗ Trung Thu cổ truyền

Không hiểu con giống nặn bằng bột xuất hiện từ khi nào. Hiện vẫn còn tồn tại những con giống đồ chơi nho nhỏ nặn hình voi, ngựa, trâu, chim, cóc, bằng đất nung phủ men từ cả thiên niên kỷ trước. Viện Viễn đông Bác Cổ (EFEO) và các bảo tàng ở Pháp cũng còn lưu giữ những con giống bột, cả hiện vật lẫn hình ảnh, từ đầu thế kỷ 20, và chú thích là ‘Đồ chơi bằng bột nhuộm mầu của Tết Nhi Đồng Hà Nội’.

Con giống đất nung phủ men (thế kỷ 13-14)

Con giống bột thành thị

Theo các cụ trong nghề thì con giống bột Trung Thu kiểu thành thị được sản xuất tại Hà Nội. Vùng các phố Đồng Xuân, Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Đường là trung tâm của các con giống “Ta”, hay con giống Đồng Xuân. Trong khi Mã Mây, Hàng Buồm là lò của các con giống “phố Khách”. Đấy là các gốc xuất phát, rồi từ đấy các con giống này được sản xuất rộng ra nhiều nơi trong thành phố. Người từ các tỉnh đến mùa Trung Thu thì lên Hà Nội buôn sản vật này về bán lại ở địa phương.

Con giống bột Hà Nội được làm bằng bột hoành tinh pha bột nếp. Rồi để khô và quang dầu cho bóng, lâu mốc, và để đỡ bị mọt ăn. Vì bột chỉ trộn lên, vẫn để sống rồi nặn và sau đó lại quang dầu, cho nên không ăn được, dù trong bột có lẫn đường gần như bột làm bánh dẻo. Con giống bột Hà Nội được nặn đồng nhất về kiểu dáng, và rất tinh xảo.

Đề tài thông dụng nhất của con giống bột Trung Thu Đồng Xuân căn bản được lấy từ các loại vật nuôi gần gũi với con người thời xưa, mà phổ biến nhất là sáu con vật có ích với chủ nuôi. Đó là các con trâu, ngựa, dê, chó, gà và lợn; gọi chung là lục súc trong văn hóa cổ. Ngoài ra cũng còn có các đề tài thân quen với đời sống thường ngày như con cua, con cá vàng, đôi hài, mâm ngũ quả, v.v. Ngày xưa các mầu sắc lấy từ vật liệu thiên nhiên như hoa, lá, nghệ, gấc, mực, nhọ nồi… Nhưng về sau các chất tạo mầu thực phẩm nhân tạo, hay ngay cả các phẩm mầu quét vôi tường, được dùng để thay thế.

Bộ lục súc (Đồng Xuân)

Con giống Phố Khách cầu kỳ, tinh xảo hơn. Người ta có hẳn những bộ dụng cụ xúc tích để tạo ra những con giống này. Đề tài của các con giống Phố Khách có vẻ thiên về thần thoại, ví dụ như tứ linh (long, ly, quy, phượng), nghê hý châu, sư tử hý cầu, cá hóa long, con thiềm thừ (cóc 3 chân trên cung Trăng) hý nguyệt, v.v.

Bộ tứ linh (Phố Khách)

Con giống bột làng quê

Loại con giống bột làng quê làm bằng bột tẻ pha ít bột nếp, mà sau khi chơi đêm rằm xong có thể hấp lên ăn được. Loại này nguyên thủy gọi là bánh chim cò. Làng Xuân La, huyện Phú Xuyên ở ngoại ô Hà Nội được xem là cái nôi của loại con giống này. Gọi là bánh chim cò, nhưng thật ra đề tài phong phú hơn nhiều. Theo các cụ già ở Xuân La thì ngày xưa trẻ con trong vùng thiếu thốn đồ chơi, cho nên bánh chim cò được tạo ra để thay thế. Và vì tính thực tiễn của làng quê, cho nên bánh không chỉ để chơi mà còn có thể ăn được, đỡ phí.

Có hai thể loại bánh chim cò. Một loại cầu kỳ hơn, có đế làm bằng khung nứa, gọi là ‘con tròn’. Một loại nữa không có đế, làm dễ, bán nhanh. Loại này phổ biến hơn, gọi là ‘con bệt’. Khác với con giống bột Hà Nội, bột làm bánh chim cò sau khi pha trộn phải được nấu chín trước khi nặn. Đề tài của bánh chim cò đa dạng, tự do. Mỗi nghệ nhân hay mỗi gia đình đều có cách nặn và đề tài riêng. Cùng một đề tài con gà chẳng hạn, nhưng mỗi người, mỗi nhà nặn ra một con gà với hình dạng và chi tiết khác nhau…

Con giống bột Phú Xuyên không có đối tượng nhất định. Tuy cho đến nay dịp Tết Trung Thu vẫn là thời điểm hoạt động sản xuất đạt đỉnh trong năm, nhưng về sau này con giống cũng được nặn quanh năm, với quy mô nhỏ hơn, cho các mục đích khác. Ví dụ như trong thời chiến tranh các con bánh chim cò cổ truyền gần như bị bỏ đi để thay thế bằng các đề tài xe tăng, máy bay, xe tải… Hay phổ biến nhất là hình tượng các anh bộ đội, đến nỗi tên gọi bánh chim cò bị cả một thế hệ quên tên, và thay vào đó là tên gọi ‘bánh chiến sỹ’…

Con tròn Phú Xuyên (trái) và tranh vẽ con tròn Phú Xuyên đầu thế kỷ 20 (Henri Oger)

Ở miền Trong như Huế, Quảng Nam thì con giống làm bằng bột lọc gọi là con bột, hay con bột lọc, có thể hấp lên ăn được. Đề tài của con giống bột Thuận Quảng cũng đa dạng. So sánh những con bột lọc Huế ở các vùng khác nhau, do một số nghệ nhân đứng tuổi hiện còn sản xuất, thì thấy đề tài và cách nặn khá đồng nhất. Các con bột Huế có mầu sắc sặc sỡ hơn con giống Bắc.

Con bột lọc Huế

Cuối cùng, ở Phú Xuyên còn có loại con giống nặn bằng bột có cắm cái ống tre có gắn lưỡi gà để thổi ra tiếng còi, gọi là con tò te. Trong Quảng Nam, Đà Nẵng cũng có con giống bằng đất nung thổi thành tiếng còi được, gọi là con tò he.

Khôi phục con giống bột

Vì hoàn cảnh đất nước, các con giống bột Trung Thu nay không còn được thấy nữa. Một phần vì nguyên liệu dần trở nên đắt đỏ, khó tìm. Lại thêm thời chiến tranh, thiếu thốn càng làm cho các con giống trở thành thứ xa xỉ. Sau chiến tranh có sự hồi phục nhen nhúm của con giống Đồng Xuân. Nhưng chỉ thoi thóp thôi, vì nguyên vật liệu không có. Và người nặn cũng không còn. Riêng con giống phố Khách thì vì hoàn cảnh lịch sử mà hoàn toàn biến mất từ đầu thập niên 1980.

Từ năm 1998 tôi đã gặp được em Đặng Văn Hậu, là một thiếu niên nặn con bánh chim cò Phú Xuyên rất khéo tay. Lúc đó hỏi Hậu và ông ngoại về con giống bột Trung Thu Hà Nội thì cả hai đều không biết. Đến năm 2017 Hậu may mắn được gặp bà Phạm Nguyệt Ánh ở Nhân Hòa, Hà Nội. Bà Nguyệt Ánh, trước kia ở Đồng Xuân, là nghệ nhân cuối cùng của dòng giống bột Đồng Xuân còn sót lại hiện nay. Với kiến thức của bà Nguyệt Ánh, tay nghề của Đặng văn Hậu, và ký ức của tôi, chúng tôi đã hồi phục lại được cả 2 dòng con giống bột Hà Nội nói trên.

Đầu thế kỷ 20 (EFEO) – Bà Nguyệt Ánh (2019)

Con giống bột Phú Xuyên có vẻ cũng dần đi vào quên lãng từ sau chiến tranh. Nhưng khoảng năm 1984 có một sự hồi sinh của giòng con giống này.

Trong đợt hồi sinh của con giống bột Phú Xuyên có một việc làm thay đổi hẳn hình thức của con bánh chim cò của địa phương. Đó là việc cụ Vũ Văn Xai, tức cụ Hai Xai (1914-1992) ở làng Xuân La, có sáng kiến cắm các con bột này vào que tre, để việc phơi phóng được dễ, và ít tốn chỗ hơn. Và cũng để giải thoát những con bánh chim cò này ra khỏi sự hạn chế về hình dạng của các con tròn con bệt cũ. Nhờ đó mà sau này các đề tài mới hợp với thị hiếu của giới trẻ ngày nay, được sao ra từ các chuyện tranh Nhật Bản, hay từ phim hoạt hình, như Pikachu, Angry bird, nàng tiên cá, gấu trúc… được thoải mái nặn với đầy đủ hình hài trên những que tre này.

Bánh chim cò cải tiến cắm lên que tre

Năm 1993 con bánh bột tẻ Xuân La lần đầu tiên được tham dự một hội chợ Thủ công Làng nghề, lúc đó ở Trung tâm Vân Hồ, Hà Nội. Có nhà báo khi viết bài tường thuật về buổi triển lãm vì không hiểu đã viết nhầm tên gọi của những con giống bột, hay bánh chim cò này, thành con tò he. Ở thời điểm đó chỉ còn ít người biết đến con giống bột và bánh chim cò, cho nên cái tên gọi tò he trở nên phổ biến. Cho đến nay các cụ cao tuổi trong Phú Xuyên vẫn than vãn về việc hiểu nhầm này. Vì bài báo đã xóa mất sự hiện hữu của những con giống bột Trung Thu độc đáo có lịch sử nhiều thế kỷ của đất nước. Chỉ có các con giống có gắn còi thổi được ra tiếng mới gọi là ‘tò he’ hay ‘tò te’ mà thôi…

Tò te

Tò he

Khôi phục đèn Trung Thu cổ truyền

Bên cạnh đó, mấy năm sau khi đã về lại quê hương, tôi thấy trẻ em không được biết đến những đèn lồng Trung Thu cổ truyền độc đáo của nước mình. Cho nên song song với việc phục dựng lại con giống bột Trung Thu, tôi cũng đã tìm cách cố gắng đem các đèn lồng trở lại cho các em.

Làm đèn Trung Thu với hình dáng các con thú hay hoa, quả cho trẻ em vào dịp Tết Trung Thu cũng là một phong tục rất đẹp của riêng Việt Nam.

Từ năm 2007 tôi đã mầy mò ở khu Phú Bình, Quận 11 trong Sài Gòn, là chỗ vẫn sản xuất đèn Trung Thu từ khi tôi còn bé, tìm nghệ nhân tâm huyết để phục hồi lại nghệ thuật quý báu này.

Đèn Trung Thu Sài Gòn 1966 (ảnh Douglas Ross)

Mãi đến 2017 tôi mới có cơ duyên gặp được gia đình cụ quả phụ Nguyễn Trọng Văn ở đấy. Gia đình Cụ Văn đã có truyền thống làm đèn Trung Thu từ nhiều đời ở làng Báo Đáp, Nam Trực, Nam Định. Từ khi di cư vào Sài Gòn họ vẫn tiếp tục giữ nghề, dù rằng có phải thay đổi một ít về hình thức của những chiếc đèn này. Người làm việc trực tiếp với tôi là các em Nguyễn Trọng Bình, Nguyễn Trọng Thành, con trai cụ Văn. Họ rất kiên nhẫn, sáng dạ và quan trọng nhất là cầu tiến, yêu nghề…

Ngày xưa ở Bắc Bộ có nhiều nơi làm đèn Trung Thu cho trẻ em. Nhưng nổi trội nhất phải kể đến làng Báo Đáp. Đèn Trung Thu của người làng Báo Đáp nổi tiếng đến nỗi nhiều bảo tàng bên Pháp hiện vẫn còn giữ được những cái đèn Trung Thu rất đẹp, tinh xảo của họ làm từ những thập niên đầu thế kỷ 20.

Đèn con cua luộc thập niên 1920 Hà Nội (Bảo tàng Quai Branly, Pháp)

Người Báo Đáp phần lớn dán đèn Trung Thu bằng giấy nhiễu, hoặc có khi bằng vải. Đến những năm 1940 trở đi họ cũng đã bắt đầu dán đèn bằng giấy bóng kính. Khi vào Sài Gòn, họ đổi theo phong cách và thị hiếu của các nhà buôn Chợ Lớn mà đổi sang hoàn toàn dán đèn lồng bằng giấy bóng kính, thường là mầu đỏ. Theo phong cách của người Hoa Chợ Lớn, đèn nhiều khi còn được gắn thêm lông thỏ và mặt mài gắn kính.

Đèn con cá tái tạo theo phong cách Sài Gòn trước 1975

Năm 2017 chúng tôi bắt đầu phục dựng lại đèn của phong cách Sài Gòn cũ mà tôi vẫn được thấy và được chơi khi còn nhỏ. Sau đó, từ ký ức của cụ Văn, chúng tôi cũng đã hồi phục được một số đèn theo phong cách Báo Đáp xưa, của những năm trước 1950. Các đèn này đã được bàn giao cho Bảo tàng Hà Nội để phục vụ công chúng.

Đèn con cua sống (Hà Nội 1921) Đèn con cua sống (2017)

Từ khi bắt đầu được phục dựng trở lại, các con giống bột và đèn lồng Trung Thu cổ truyền chỉ được giới thiệu qua các bảo tàng và các trung tâm văn hóa. Năm nay, 2019, chúng tôi thử giới thiệu cả hai nghệ thuật này ra công chúng, ở chợ Tết Trung Thu phố Hàng Mã Hà Nội. Một không gian xưa cũ đơn giản đã được dựng tạm và có vẻ đã đạt được ý nghĩa và mục đích của nó. Gian hàng này lúc nào cũng nườm nượp khách.

Chợ Tết Trung Thu Hà Nội 2019

Khi còn thơ ấu, mặc dù đồ chơi hiện đại của Tây Phương đã tràn ngập, nhưng mỗi năm đến dịp Trung Thu là lũ trẻ chúng tôi lại bị mê hoặc bởi các con giống bột và đèn lồng ngây ngô, ngộ nghĩnh. Ở phố Hàng Mã năm nay cũng thế. Thật cảm động khi thấy trẻ em, và cả người lớn, khi đi qua gian hang bán con giống bột và lồng đèn Trung Thu cổ truyền đều bị cuốn hút một cách tự nhiên. Không hiểu tại sao mà tụi trẻ lại thích những con giống bột cổ truyền đến thế. Sản phẩm có vẻ đã bị cháy hàng, dù còn cả tuần lễ nữa mới đến Trung Thu.

Con giống bột cổ truyền cuốn hút trẻ em

Đèn lồng cũng được hưởng ứng nồng nhiệt. Nhưng phần nhiều khách hàng quyết định mua đèn đều là người lớn. Và mua về để treo trang trí và để ngắm nhiều hơn là để con trẻ đi rước đêm Trung Thu như ngày xưa. Cái phong tục rước đèn Trung Thu thật đẹp đầy dân tộc tính đó của trẻ em Việt Nam đã mất rồi. Muốn hồi phục lại cần phải có nỗ lực của toàn xã hội. Và nhất là khi Tết Nhi Đồng được quay trở lại thành ngày nghỉ lễ như mấy mươi năm trước…

*

Các bài tương tự của cùng tác giả:

- Nguồn gốc các mũ Phật giáo phổ thông ở Việt Nam

- Tết Trung thu

- Lễ phục Việt Nam, bài 1: Âu phục?

- Lễ phục Việt Nam một thời: Áo dài

- Tết người Bắc ở Sài Gòn xưa

- Áo dài Việt: từ năm thân tới hai thân

- Vẽ lại chân dung các vua triều Nguyễn: cần kỹ lưỡng, không nên tùy tiện

- Ăn vặt đơn giản: mía ướp hoa bưởi

- Cháo Huế

- Về nền văn hóa Hán Nôm

- Trâm anh thế phiệt

- Áo dài Cát Tường

- Những điều thất truyền: từ “con đĩ đánh bồng” tới chiếc đèn lồng màu đỏ

- Phuở ê! Phuở ê!

- Hủ tiếu và Tả pín lù

- Bát chiết yêu

- Khôi phục đồ chơi Trung Thu cổ truyền

Ý kiến - Thảo luận

9:29 Thursday,15.10.2020 Đăng bởi:  Nguyen Hong Nang
Đọc bài này xúc động quá. Cám ơn tác giả và những người đã bro công sức phục dựng lại truyền thống này..
Mong sao độ phủ của các sản phẩm rộng hơn để công chúng dễ tiếp cận và giữ được truyền thống.
...xem tiếp
9:29 Thursday,15.10.2020 Đăng bởi:  Nguyen Hong Nang
Đọc bài này xúc động quá. Cám ơn tác giả và những người đã bro công sức phục dựng lại truyền thống này..
Mong sao độ phủ của các sản phẩm rộng hơn để công chúng dễ tiếp cận và giữ được truyền thống. 
16:04 Thursday,12.9.2019 Đăng bởi:  Nguyen Thu Thuy
Chị Hồng ơi đèn con cá chị qua quán ăn Ngon địa chỉ 18 Phan Bội Châu để xem và mua hàng nhé, còn đèn con cua đã hết rồi ạ
...xem tiếp
16:04 Thursday,12.9.2019 Đăng bởi:  Nguyen Thu Thuy
Chị Hồng ơi đèn con cá chị qua quán ăn Ngon địa chỉ 18 Phan Bội Châu để xem và mua hàng nhé, còn đèn con cua đã hết rồi ạ 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Duỗi não

Vũ Lâm

U LÀNH TÍNH: Lại "thế này mà là nghệ thuật ư?"

Canvas - Ảnh dùng lại của Tịch Ru

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả