Đi & Ở

Câu chuyện Bình Nhưỡng, phần 5: sự nghiêm túc và thiết tha khó mà hiểu được 05. 09. 15 - 7:40 am

Hà Phạm

(Tiếp theo phần 12, phần 3, và phần 4)

Người Triều Tiên có một ngữ điệu khá đặc biệt. Nó tha thiết biểu cảm, chứ không cộc lốc khó chịu. Bạn có thể nghe các phát thanh viên ở Đài truyền hình Triều Tiên để khẳng định điều đó. Chẳng hiểu gì cũng cảm động, lạ thế.

Hôm chúng tôi vào Cung điện Thái dương, nơi an nghỉ của Chủ tịch Kim Nhật Thành và Tổng bí thư Kim Chính Nhật, một cung điện tráng lệ với những sảnh rộng mênh mông toàn đá hoa cương và cẩm thạch, những hoa văn dát đồng ở mỗi chân tường đều đẹp. Cung điện rộng vô cùng, phải bốn, năm lần đi những cầu thang cuốn hàng chục mét, qua những cái phòng rộng hàng trăm mét mới đến những nơi trưng bày hiện vật về hai cha con lãnh tụ Triều Tiên.

Bên ngoài Cung điện Thái dương. Ảnh từ trang này

Cảm giác đầu tiên của tôi là xót xa nghĩ đến những người dân đói khát, những người thiếu ăn mà lao động vất vả để xây nên những công trình vĩ đại xa hoa nhường này. Nhưng những người dân ấy vào viếng đông lắm, từng đoàn dằng dặc, trật tự, nghiêm túc, và khóc. Cô hướng dẫn viên ở gian cuối cùng trước khi chúng tôi rời cung điện, mặc trang phục truyền thống bằng nhung đen, cất giọng nghẹn ngào nói về ngày cuối của Chủ tịch Kim Nhật Thành, giọng trầm, thống thiết không tả nổi. Nghe chưa dứt cũng muốn rưng rưng khóc theo…
 

Ngồi trên quảng trường tập xếp chữ cho ngày 10. 10 tới, ngày thành lập Đảng

Người Triều Tiên thường kéo dài câu nói bằng một âm tiết không dấu, nên trầm bổng hơn hẳn. Chẳng hạn, nói câu cám ơn, gamsa hamnida, chữ hamnida kéo dài. Nói đã tha thiết, hát còn tha thiết hơn nhiều. Cứ ngồi lên xe, lái xe của báo Rodong Shinmun lập tức bật nhạc. Một giọng nữ rất da diết. Tôi nghĩ đó là một bài tình ca lứa đôi, kiểu lái xe nhà mình ngồi lên xe có khi phải nghe Đàm Vĩnh Hưng suốt chuyến đi mấy ngày trời. Nhưng không, hôm có phiên dịch người Việt trên xe, tôi nhờ dịch lời bài hát. Thì ra điệp khúc da diết nhất chính là gọi tên Bí thư thứ nhất, nội dung thì đại khái như Người là lẽ sống niềm tin, chúng tôi trọn đời theo Người!

Người Triều Tiên đến Đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh để khóc than trước cái chết đột ngột của lãnh tụ Kim Jong-il vào hôm 17. 12. 2011 do nhồi máu cơ tim. Ảnh chụp hôm 29. 12. 2011 của Lintao Zhang/Getty Images)

Không nhà thờ, không chùa chiền. Ngôi chùa Pohyon có từ thế kỷ 11 chúng tôi đến không phải nơi để lễ bái mà là một bảo tàng, được giữ lại theo chỉ đạo của Kim Chủ tịch. Tôn giáo duy nhất, tín ngưỡng duy nhất, là thờ ba vị thánh tiếp nối họ Kim. Có lẽ không xứ sở nào lạ lùng như vậy.

Chùa Pohyon. Ảnh từ trang này

Không có nhu cầu nào khác về mặt thần thánh, đời sống người dân có lẽ cũng giản đơn đi nhiều lần. Vấn đề là họ có bằng lòng với cuộc sống không? Cái phần mà chúng tôi được biết, thì là có. Không phải được dẫn đi đâu thì quan sát đấy, mà những gì nhìn ngắm từ cửa xe ô tô, những sân chơi bên đường, bãi cỏ vườn hoa, thác nước, những ngày nghỉ người ta đi picnic… Họ cười và hát. Họ không biết chúng tôi là ai nên không diễn, họ sống cuộc sống của họ, và nó cũng hân hoan, dù trên những tấm khăn họ trải trên cỏ, tôi nhìn thấy thức ăn chẳng là bao.

Cuộc picnic trên đường

Một điều nữa, như cán bộ sứ quán Việt Nam nói với tôi là dù nghèo đói thì trẻ em đi học tiểu học là học nhạc cẩn thận. Người dân Triều Tiên hầu hết biết sử dụng ít nhất một loại nhạc cụ. Họ mang đàn đến vườn hoa và hát. Tối hôm trước Lễ Chiến thắng (27. 7 hàng năm là ngày ngày kỷ niệm ký hiệp ước đình chiến 1953 với Mỹ, Triều Tiên gọi đó là Lễ Chiến thắng), diễn ra cuộc bắn pháo hoa rất tưng bừng, pháo do Triều Tiên chế tạo. Bí thư thứ nhất nói rằng cần bắn pháo hoa cho người dân vui. Cầm quyền ở những nước nghèo chẳng hiểu sao hay nghĩ thế!

Trẻ em trình diễn guitar. Ảnh từ Internet

Một đất nước trại lính, điều đó có lẽ không sai. Luôn sẵn sàng chiến đấu! Trẻ em được học căm thù đế quốc Mỹ từ mẫu giáo. Ngày 23. 8 vừa rồi, căng thẳng quân sự (sau đó đã được tháo gỡ ngay giữa hai miền nam bắc Triều) vừa xảy ra, khoảng 1 triệu thanh niên lập tức ký đơn nhập ngũ. Đấy cũng có thể là diễn. Nhưng chắc chắn chỉ diễn được ở Triều Tiên chứ không ở các quốc gia khác. Những gì chúng ta quen gọi là lý tưởng và niềm tin, chúng ta sao nhãng thậm chí cợt nhạo nó khá thoải mái trên mạng xã hội, nhưng ở Triều Tiên thì tuyệt đối không, tất cả nhìn về một hướng, nơi những lãnh tụ của họ tươi cười.

Ảnh từ trang này

Nhưng nghĩ rằng họ như một bầy cừu chỉ biết vâng lời thì chưa hẳn. Hôm chúng tôi được đưa đi xem xiếc (xiếc ở Triều Tiên cũng là một đặc sản, nhất là môn đu bay và xếp hình, hay xiếc ngựa… họ đã có rất nhiều giải quốc tế) Rạp rất đông, chúng tôi đi muộn một chút nên vé không ngồi cùng một chỗ. Chú phiên dịch và cán bộ ngoại vụ của báo Rodong ra sức dàn xếp với những người ngồi giữa hàng ghế định dành cho chúng tôi, họ cương quyết lắc đầu. Lý do họ đã ngồi trước và không muốn chuyển. Chú phiên dịch nóng mắt rút thẻ ngoại giao, rồi cán bộ ngoại vụ cũng nóng mắt chìa thẻ gì đó ra. Nhưng không, không chuyển. Tôi phải can thiệp bằng cách nói mình ngồi đâu cũng được, miễn là có chỗ và giờ diễn đến rồi.

Không internet, hình như có mạng nội bộ nhưng người nước ngoài không truy cập được, nên đường phố Bình Nhưỡng không có cảnh toàn dân đi đường mặt úp vào smartphone. Thong thả, đi bộ là chính, xe đạp chưa nhiều vì để mua xe đạp cũng phải có tiền, giống Hà Nội thời xe đạp là tài sản lớn, chủ yếu dùng các phương tiện giao thông công cộng. Rất nhiều người vừa đi đường vừa đọc sách. Người dân Bình Nhưỡng chăm đọc sách. Tôi thấy cô bán vé trong rạp xiếc cá heo đọc một cuốn sách dày. Hỏi chú phiên dịch bé nhỏ là cô ấy đọc gì? Một cuốn sách về đất đai và thổ nhưỡng, không liên quan đến nghề, nhưng chắc chắn là cô ấy tìm kiến thức.
 
“Đặc sản” được nói đến nhiều nhất ở Triều Tiên là tư tưởng chủ thể. Và tháp đá cao 150m ở Bình Nhưỡng mang tên Tháp Chủ thể (Juche) là biểu tượng cho tư tưởng đó. Người ta nói về nó như một điều quái lạ. Song quái lạ không nằm ở nội dung. Độc lập về chính trị; Tự chủ về kinh tế; Tự vệ về quốc phòng – ba nguyên tắc chính của tư tưởng này thực ra là mong ước của nhiều quốc gia. Sự lạ là ở chỗ khác: Mỗi viên đá ở đấy tượng trưng một ngày trong đời Kim Chủ tịch, và nó được xây kỷ niệm năm sinh thứ 70 của ông, cứ thế mà tính.
 

Tháp Juche

Hôm lên tham quan tháp Juche, tôi thấy một người đàn ông ngồi rất lâu, với cuốn sổ tay và cái bút, ghi chép rất cẩn thận những hàng chữ trên tấm bia khổng lồ trước mặt. Đi đâu cũng chép cũng ghi là một thói quen nữa của dân Triều Tiên. Giữa trưa nắng, người đàn ông ấy ngồi đấy, một mình; Có lẽ đến hơn một tiếng đồng hồ đi quanh khu vực ấy, tôi thấy anh ta vẫn ghi chép miệt mài. Không hiểu được, và sẽ không bao giờ hiểu được sự nhẫn nại phi thường ấy. Nhưng không hiểu, thì cũng chắng nên kỳ thị. Giữa người với người, có ai giống ai đâu. Không chỉ có những cá nhân “khác người” mà có cả một dân tộc “khác người”. Điều ấy có thể lắm chứ.
 

Tấm bia

 

Người đàn ông ngồi ghi chép bên tấm bia

Điều quan trọng nhất, rời Bình Nhưỡng, tôi cảm thấy lưu luyến và quý mến thật sự những đồng nghiệp ở Rodong Shinmun. Những ngày cùng đi, tôi bố trí được vài cuộc nhậu và khi uống cẩn thận rồi thì cùng hát; ai hát tiếng nước người ấy, nhưng vẫn vui. Tôi được phép hỏi thẳng những câu hỏi về tín ngưỡng và tem phiếu, và cũng hiếm khi như thế, đòi hỏi được thêm một số địa điểm tham quan, chẳng hạn ga điện ngầm, bảo tàng mỹ thuật, chỉ trừ có chợ là không đi được. Lúc chia tay ở sân bay, cảm giác sẽ không bao giờ gặp lại họ nữa làm tôi ứa nước mắt. Hôm đó, máy bay bị chậm hơn 7 tiếng, nhẽ ra bay lúc 5h20, thì 23h30 mới bay. Ở trong phòng cách ly, chúng tôi nhìn những người bạn Rodong Shinmun đứng ngoài, họ cương quyết không về khi chúng tôi còn ở lại. Không cử người ở lại, vì không coi đó chỉ vì trách nhiệm, tất cả năm người, cùng với ba lái xe, cứ quanh quẩn ở sân bay đến lúc chúng tôi đi, để vẫy chào lần cuối cùng.

Ý kiến - Thảo luận

12:48 Monday,7.9.2015 Đăng bởi:  Đặng Thái
Chẳng ai đeo huân chương xuống quần bao giờ cả, dù sao họ cũng là tướng lĩnh quân đội chứ không phải nghệ sĩ hài. Đây là ảnh chưa bị sửa:
http://beforeitsnews.com/alternative/2013/03/who-is-really-calling-the-shots-in-north-korea-is-it-29-year-old-kim-or-the-antique-generals-2608276.html
Những vị này trong một góc chụp khác:
http://www.baodoi.com/tintuc/the-gioi/Cuu-binh-Trieu-Tien-deo-huan-chuong-kin-ao-tr
...xem tiếp
12:48 Monday,7.9.2015 Đăng bởi:  Đặng Thái
Chẳng ai đeo huân chương xuống quần bao giờ cả, dù sao họ cũng là tướng lĩnh quân đội chứ không phải nghệ sĩ hài. Đây là ảnh chưa bị sửa:
http://beforeitsnews.com/alternative/2013/03/who-is-really-calling-the-shots-in-north-korea-is-it-29-year-old-kim-or-the-antique-generals-2608276.html
Những vị này trong một góc chụp khác:
http://www.baodoi.com/tintuc/the-gioi/Cuu-binh-Trieu-Tien-deo-huan-chuong-kin-ao-trong-le-tuong-niem-43189
Mấy bác này sao nhiều bằng các cụ bên Liên Xô:
http://img.rasset.ie/0008e6ae-642.jpg 
21:15 Sunday,6.9.2015 Đăng bởi:  Nghiêm Toàn
Hì, vì mình đã xem ảnh gốc, tính gởi cho Soi mà kiếm mãi không ra, không còn nhớ ở đâu.
...xem tiếp
21:15 Sunday,6.9.2015 Đăng bởi:  Nghiêm Toàn
Hì, vì mình đã xem ảnh gốc, tính gởi cho Soi mà kiếm mãi không ra, không còn nhớ ở đâu. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả