|
|
|
|||||||||||||
Ăn uốngBánh Tortilla (phần 1): Làm sao để có bột masa harina? 10. 10. 15 - 7:16 amPha LêSau bài “Mỗi tuần mổ một con bò” phần 2, có bạn thấy bánh tortilla của Mê-hi-cô nên tò mò hỏi tôi về món này. Ban đầu tôi hơi lưỡng lự vì bản thân còn nợ bài khác, và tôi biết tỏng rằng mình không quá rành ẩm thực Mê-hi-cô nên chả biết mình sẽ nặn ra được bao nhiêu chữ cho đề tài này. Tuy nhiên, nghĩ đi nghĩ lại, tôi phát hiện ra rằng tortilla liên quan mật thiết đến đề tài mình thích: bắp. Bất cứ ai nghĩ rằng bắp chán, đâu cần phải biết tới bắp, có “công thức” làm bánh là được rồi, là đang nhầm to đấy! * C-4 của châu Mỹ Từ thời xa xưa, tức mấy ngàn năm đổ lại, cây bắp là nguồn cung cấp thực phẩm chủ đạo của châu Mỹ. Người da đỏ, người Mayan – và sau này là người Aztec – trồng bắp và quý bắp như người Việt mình quý lúa. Chẳng phải do ngẫu nhiên mà bắp giành được vị trí quan trọng đến vậy. Kết cấu phân tử carbon của bắp là C-4, mà cây cối – như ai cũng hiểu – hút carbon rồi nhả ô-xy. Thế nên kết cấu carbon là một trong những yếu tố chính tác động lên quá trình phát triển lẫn “tính cách” của cây trồng. Nếu giải thích theo kiểu đơn giản nhất, kết cấu C-4 của bắp giúp loài cây này phát triển tốt trong khí hậu nóng, nắng khô, thiếu độ ẩm của châu Mỹ. Trái lại, những cây trồng có kết cấu carbon là C-3 như lúa, lúa mì, khoai Tây… ưa khí hậu mát, ẩm, nhiều mây. Chẳng lạ gì việc người châu Âu lúc di dân sang châu Mỹ đã bối rối khi phát hiện ra rằng: giống lúa mì họ đem đến lục địa mới cho ra kết quả èo uột hơn ở quê nhà, thậm chí còn thua xa cây bắp về chất lượng lẫn số lượng (*). Do đó, các món ăn truyền thống của người Aztec thường liên quan đến bắp. Ngoài ăn bắp tươi, họ còn ngâm và phơi khô bắp rồi xay thành bột để trữ dần. Người Aztec truyền nghề trồng bắp cùng các kiểu “kỹ năng” nấu nướng cho con cháu, tức người Mê-hi-cô hiện đại.
Người da đỏ thì sao? Họ không những truyền nghề trồng bắp cho con cháu mà còn hết mình hướng dẫn người da trắng. Các tù trưởng hy vọng hành động này sẽ dẫn đến hòa bình – tôi dạy bạn cách canh tác giống cây địa phương, còn bạn để tôi sống yên thân. Kết quả là người da trắng sau đó tàn sát gần hết người da đỏ, biến họ thành dân tộc thiểu số cho tới ngày nay(**) !
Người Mê-hi-cô rất quý bắp. Đây là tính cách thừa hưởng từ tổ tiên Aztec, các ghi chép cổ của Aztec kể lại rằng nếu ai thấy hạt bắp nằm lăn lóc dưới đất mà không nhặt lên thì người đó sẽ bị trời phạt. Kiểu suy nghĩ này là cái khiến nhiều người Mê-hi-cô bị “sốc” lúc di cư sang đất nước chú Sam. Với cấu trúc C-4 vốn mang nhiều lợi thế tại châu Mỹ, bắp là cây hái ra tiền vì nó đem lại năng suất cao, bản thân cây trồng còn có nhiều công dụng – thời xưa vỏ bẹ bắp sau khi phơi khô có thể đem dệt thành thảm, còn cùi bắp dùng làm… giấy toilet. Bắp đa công dụng và có giá tới nỗi dân da trắng từng dùng nó thay tiền để mua nô lệ. Với bao tính năng vượt trội như vậy, việc nước Mỹ GMO hóa cây bắp nhằm kiếm lời cũng dễ hình dung. Sự ham lời dần dẫn tới nạn độc canh, và thế là nước Mỹ tràn ngập bắp – gần 351 triệu tấn mỗi năm. Nhiều tới mức sau mỗi vụ thu hoạch là bắp cứ thế đầy ứ không còn chỗ chứa. Thế không đủ kho phải làm sao đây? Đổ… ra đất chứ sao. Bao người Mê-hi-cô khi thấy cảnh hàng ụ, hàng ụ bắp “nằm chờ kho” tơ hơ ngoài trời đã không khỏi giật mình, vì suy nghĩ “nếu thấy một bắp nằm vương vãi mà không nhặt lên thì trời sẽ phạt” đã ăn sâu vào đầu họ. Sự trân trọng từng hạt bắp này nghe có vẻ ấu trĩ nhưng ở đời ta phải quý, phải nâng niu thứ gì đấy thì ta mới cố bỏ công bỏ sức ra hòng sử dụng thứ đó theo một cách thật tốt và lành mạnh. Cách đây cả ngàn năm, tổ tiên Mê-hi-cô đã làm nên việc không tưởng khi tìm được cách “mở khóa” các chất dinh dưỡng trong bắp và nuôi lớn bao thế hệ con cháu khỏe mạnh. Khoảng những năm 1950s, các khoa học gia phát hiện rằng trong bắp có dưỡng chất tên niacin (một loại vitamin B3?), nhưng khi ăn bắp vào thì cơ thể con người gần như không chuyển hóa được cái chất ấy. Bắp chỉ giải phóng B3 để chúng ta hấp thụ khi ta đem chúng đi ngâm trong dung dịch nước vôi trong (lấy từ đá vôi tự nhiên) (***). Tổ tiên người Mê-hi-cô, tuy chẳng có công nghệ tân tiến gì trong tay, đã phát hiện ra được cô nàng B3 hay mắc cỡ. Họ đem ngâm bắp trong nước vôi rồi mới nghiền thành bột, và gọi loại bột này bằng tên masa harina – chính là bột dùng để làm bánh tortilla truyền thống. Khỏi nói cũng biết masa harina giàu B3 hơn bột bắp thông thường. Thật lòng phải nể tổ tiên người Mê-hi-cô, họ biết giải phóng B3 trong bắp từ đời tám hoánh, trước cả khi công nghệ giải thích được cách hoạt động lằng nhằng của các chất dinh dưỡng.
Trồng bắp, ngâm rồi xay bắp nghe có vẻ cực khổ (mà chúng cực thật). Tuy nhiên có bột masa harina rồi thì làm nên bánh tortilla lại không khó lắm. Bột masa pha với nước là đã nặn ra thành bánh, 150 g bột tương đương với chừng 100ml nước (muốn bánh đậm đà bạn có thể cho thêm nhúm muối hoặc dầu ô-liu). Người Mê-hi-cô xưa chỉ nhào bột, chờ cho nó “nghỉ ngơi” rồi ngắt thành từng viên và cán trên cối đá.
Có bánh rồi, dùng để chế biến ra món ra sao nhỉ? Chờ bài tiếp theo nhé. Địa chỉ mua bột: Tiệm Phương Hà (số 58 Hàm Nghi, Q.1, TP.HCM) có bán bột Masa Harina (nhưng số lượng không nhiều). * (*) Warman, Arturo. Corn & Capitalism (Chapel Hill: University of North Carolina, 2003) Pollan, Michael. The Omnivore’s Dilemma. (Penguin Press, 2006) (**) Fussell, Betty. The story of corn (New York: Knopf, 1994) Nabhan, G. P. Enduring seeds: Native American agriculture and wild plants conservation (North Point Press, 1989) (***) Languna, J và Carpenter, K. J. Raw versus processed corn in niacin-deficient diets (Journal of Nutrition, 1951) Ý kiến - Thảo luận
21:33
Friday,19.5.2017
Đăng bởi:
phale
21:33
Friday,19.5.2017
Đăng bởi:
phale
Cách làm có ngay trong bài rồi mà bạn, ở phần cuối ấy, có cả hình nữa
14:34
Friday,19.5.2017
Đăng bởi:
vương thủy
Pha Lê ơi, bạn post hướng dẫn cách làm bánh tortilla đi. Hóng lắm nà!
...xem tiếp
14:34
Friday,19.5.2017
Đăng bởi:
vương thủy
Pha Lê ơi, bạn post hướng dẫn cách làm bánh tortilla đi. Hóng lắm nà!
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp