Đi & Ở

Cưỡi ngựa xem nho, mò nghêu đáy bể 23. 02. 16 - 6:32 am

Chang Chang

Kì thi cuối năm kết thúc, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm như vừa trút được một gánh nặng. Phần lớn số điểm của các môn kỹ thuật trong chương trình đại học ở Australia được quyết định bởi bài thi cuối kì. Vì thế nội dung thi rất rộng, khối lượng bài vở nhiều và quan trọng là kì thi được tổ chức cực kỳ nghiêm ngặt, đặt bút viết một chữ thôi trong thời gian đọc đề cũng đủ để bị mời ra khỏi phòng thi. Lũ sinh viên chúng tôi bước ra khỏi phòng thi môn cuối, một phòng thi với 600 thí sinh rộng mênh mông mà ngột ngạt đến khó tả, nhìn nhau cười sảng khoái: “Có phải hình như trời hôm nay cũng xanh hơn?”. Mà đúng là trời xanh hơn thật vì cuối tháng mười một là bắt đầu vào hè, và những chuyến đi lên rừng, xuống biển đã bàn nhau từ lúc còn ôn thi phải được thực hiện ngay lập tức.

Lời tỏ tình cuối mùa xuân. Một anh chàng nào đấy đã thuê máy bay nhả khói để viết lên bầu trời xanh ngắt lời cầu hôn với người mình yêu.

Hằng năm, cứ vào ngày thứ ba đầu tiên của tháng mười một, ở thành phố Melbourne diễn ra một giải đua ngựa truyền thống, đã có hơn 150 năm lịch sử gọi là Melbourne Cup. Ngày tổ chức cuộc đua là ngày nghỉ lễ chính thức của tất cả trường học, công sở ở Melbourne, ai ai đi xem đua ngựa cũng đều ăn mặc thanh lịch, phụ nữ mặc đầm, đội mũ gắn hoa, gắn mạng che mặt cầu kỳ, nam giới mặc com-lê, thắt ca-vát, tóc vuốt sáp, đi giày da bóng. Không chỉ cả Melbourne tưng bừng lễ hội, mãn nhãn vì quần áo đẹp, cuộc đua còn nhận được sự theo dõi sát sao của truyền thông và giới cá cược trên cả nước vì tiền thưởng cho con ngựa về nhất rất lớn, khoảng 6 triệu đô la, do vậy nó được mệnh danh là “Một cuộc đua làm tê liệt cả quốc gia”. Giới thiệu về một Melbourne Cup xa hoa, náo nhiệt như vậy là để nêu bật lên tình yêu dành cho ngựa, đam mê với đua ngựa của người Úc, thừa hưởng trực tiếp từ tổ tiên họ ở Anh mang sang.

Có rất nhiều lí do khiến người Anh không ưa người Pháp nhưng trong số đó có thể kể đến một sự khác biệt giữa hai dân tộc này: người Pháp ăn thịt ngựa còn người Anh tuyệt đối không. Người Anh coi ngựa là bạn đồng hành của con người và ngày nay chỉ sử dụng ngựa cho mục đích thể thao chứ tuyệt nhiên không nuôi lấy thịt. Đua ngựa có mặt ở nhiều quốc gia nhưng việc phổ biến đến mức thành một biểu tượng quý phái vẫn thuộc về người Anh. Môn thi đấu duy nhất trong thế vận hội Bắc Kinh 2008 không diễn ra ở Trung Quốc đại lục là môn Đua ngựa nghệ thuật, được tổ chức ở Hong Kong – một thuộc địa cũ của Anh. Trên lục địa Úc vốn không có ngựa, người Anh cho nhập khẩu ngựa để phục vụ chăn nuôi gia súc trên những thảo nguyên mênh mông và ngày nay cưỡi ngựa trở thành môn thể thao phổ biến, ngành công nghiệp thể thao bạc tỉ ở đây. Tôi quyết định đưa cả nhóm đi cưỡi ngựa một lần cho biết. Chương trình là cưỡi ngựa đi qua những quả đồi trồng nho và nếm thử rượu vang.

.

Đối với nhiều bạn thì đây là lần đầu tiên được thấy, được sờ và được ngồi lên yên ngựa. Những con ngựa được chủ trang trại dắt ra cao to lừng lững, dù tôi đã từng ngồi lên ngựa ở Việt Nam cũng phải ngạc nhiên trước giống ngựa bên này. Mỗi người đều phải đội mũ bảo hiểm và được cho một thời gian ngắn để làm quen và học thuộc tên người bạn mới của mình. Một bạn nữ bắt đầu sợ khi ngồi ngất ngưởng trên độ cao một mét bảy, nhưng rồi nhìn thấy phía xa xa một cô bé tầm 6 tuổi đang thoăn thoắt điều khiển một chú ngựa nhảy qua những thanh gỗ thấp thì lại thấy tự tin lên rất nhiều. Tôi xoa mái bờm sạch sẽ, được chải gọn gàng của “tuấn mã” rồi theo hiệu lệnh của người hướng dẫn thúc nhẹ hai chân vào ngựa để lên đường.

.

Đoàn người ngựa đi thành hàng một, với một người dẫn đoàn trên cùng và một người giám sát đi bên cạnh để đảm bảo an toàn. Vừa đi được một đoạn, mấy bạn đã bảo nhau rằng ngựa được huấn luyện rồi nên yên tâm, lại đi theo hàng nên chẳng sợ không điều khiển được, nhưng sự việc đâu có dễ dàng thế. Cậu bạn đi sau tôi cứ thả lỏng dây cương, con ngựa háu ăn vừa đi vừa quay bên này, ngoái bên kia để gặm cỏ, có lúc đứng hẳn lại để ăn, lúc thì đi chệch khỏi hàng, bắt mọi người phải đợi, thúc cũng không buồn đi. Thì ra con ngựa nhanh chóng nhận ra sự yếu mềm, dễ dãi của chủ mà ngang nhiên lộng hành. Người hướng dẫn bắt cậu bạn tôi phải cứng rắn hơn nữa, đâu phải ngẫu nhiên mà hai chữ “cương” trong “dây cương” và “cương quyết” lại đồng âm?

Người Trung Hoa có câu: “Nam chi chu, Bắc chi mã” nghĩa là người miền Bắc (Trung Quốc) thạo về cưỡi ngựa (do địa hình thảo nguyên, đồi núi) còn người phương Nam (Trung Quốc) bao gồm cả Việt Nam thì giỏi dùng thuyền hơn (do nhiều sông suối kênh rạch). Qua đó cũng thể hiện được tính cách dân tộc, vì thế mà lịch sử đã dùng hình ảnh “vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu thì cỏ ở đấy không mọc được”. Những dân tộc thạo cưỡi ngựa đều có bản tính mạnh mẽ và khảng khái. Tôi đã mê mẩn hình ảnh cậu bé Trung Á ngồi oai phong trên lưng ngựa từ khi còn nhỏ, lúc đọc “Đaghextan của tôi”. Ở Hà Nội hiện nay có phương pháp chữa bệnh tự kỷ cho trẻ em bằng cách dạy cưỡi ngựa cũng rất hiệu quả.

.

Khi đã nắm được tinh thần của môn cưỡi ngựa thì thực sự không muốn rời yên cương nữa. Tôi cảm thấy sảng khoái vô cùng khi gò lưng trên mình ngựa, tay nắm chặt dây cương, phi nước đại qua những cánh đồng nho bạt ngàn xanh mướt, để gió cuối xuân lướt qua hai bên má, mang theo mùi đất, mùi lá nho ngai ngái đầy sức sống. Nhưng các bạn của tôi thì có vẻ đang không tận hưởng được điều ấy. Người và ngựa phải phối hợp nhịp nhàng, lưng ngựa đưa lên thì mông mình phải nhấc lên theo, lưng ngựa hạ xuống thì mình đặt mông xuống, cứ thế đều đặn. Cậu bạn tôi thì mãi vẫn không học được kỹ thuật nên làm ngược lại, khi cả đoàn ngựa chạy thì con ngựa của cậu ấy cũng tự động chạy theo, lưng nó đưa lên, cậu này không kịp chuẩn bị liền hạ trọng tâm xuống, và rồi… lặp đi lặp lại, lãnh đủ suốt một cây số đến khi cả đoàn dừng hẳn. Cô bạn phía trước thì hốt hoảng kêu ầm trời khi con ngựa đi trước bỗng dừng lại và… thả xuống một bãi mìn nóng hổi, to tướng, cô này tru tréo, kéo dây cương xiên xẹo để ngựa mình không dẵm lên khiến suýt nữa ngã luôn khỏi mình ngựa xuống… chỗ ấy. Mỗi lần như thế cả hội lại cười đến chảy nước mắt.

Phần thưởng xứng đáng cho chuyến hành trình là một ly rượu vang trắng Chardonnay sóng sánh mới lấy ra từ thùng ủ còn thơm ngào ngạt mùi hoa quả cùng với pho mát tươi ngon của nhà làm. Nhìn những gốc nho sần sùi, cong queo hàng chục, thậm chí cả trăm năm tuổi trên mảnh đồi khô cằn, nắng chói chang bỏng rát, tôi hiểu vì sao có chất rượu ngon như thế. Tôi nhanh chóng nghĩ đến vùng nho Ninh Thuận với thời tiết cũng khắc nghiệt không kém, nếu chúng ta biết nghĩ đến tương lai lâu dài hẳn sẽ không thua kém đây là mấy.

Thiên nhiên ban tặng cho nước Úc vô vàn tài nguyên giá trị. Australia là một trong số ít các nước phương Tây phát triển thu nhập chính dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô. Mỏ kim loại trên bản đồ địa chất của họ nhiều như sao sa, 3200 km bờ biển nước ta sẽ không là gì nếu so với 29000 km bờ biển của Úc, nhưng họ tuyệt nhiên không bao giờ tự hào vì điều ấy bởi họ thấy áp lực cần bảo vệ và họ luôn gìn giữ những gì sẵn có rất cẩn thận. Thành thị của nước Úc không tráng lệ như châu Âu hay đông vui như châu Mỹ nên các điểm du lịch chủ yếu là dã ngoại, bởi người Úc đã giữ được môi trường sạch sẽ tuyệt vời.

.

Ngày hôm sau chúng tôi ra biển để tự tay bắt hải sản. Mỗi người phải mua một giấy phép khai thác mất 6 đô la, thủ tục mua qua mạng cực kỳ đơn giản, không có ai kiểm tra nhưng người nào cũng tự giác mua sẵn, tiền thu được này Nhà nước sẽ dành để trả lương lực lượng kiểm ngư và đầu tư cho bảo vệ môi trường. Bãi biển nổi tiếng có nhiều nghêu sáng hôm thứ bảy ấy… đông nghịt người. Người nằm phơi nắng, người xây lâu đài cát cùng con, người thì gù lưng cào cát tìm nghêu. Vừa bước xuống cát đã thấy có một tấm biển ghi bằng ba thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Việt với nội dung: “Không được bắt những con nghêu còn quá nhỏ và mỗi người chỉ được mang về tối đa 2kg”. Chúng tôi ra mép nước đào mãi mà chẳng thấy nghêu, một bác Tây thấy vậy liền nói: “Ở đây người ta bắt nhiều quá, khi trước thì nhiều nghêu lắm nhưng giờ chúng chạy hết ra xa rồi, các cháu phải đi bộ dọc bãi cát chừng năm, sáu cây số nữa mới có”. Thế là chúng tôi cũng quyết đi. Đi miệt mài mà những người đi chiều ngược lại vẫn nói:“Còn xa lắm, cứ đi đi”. Có những gia đình người châu Á xách những xô nghêu về mà nhìn bên trong toàn những con bé như cái móng tay, thứ nhất là họ không ăn được, thứ hai là tàn phá môi trường. Bắt nghêu cốt để vui là chính, ăn là phụ còn thế này là tận diệt, những sự vô ý thức này đã khiến chúng tôi phải đi xa thế này đây. Rồi sẽ đến ngày đi mãi cũng không còn nghêu để bắt.

Ở Úc vẫn còn rất nhiều bãi biển hoang sơ. Chúng tôi đùa nhau: “Cứ bơi qua biển là đến Nam Cực”. Những dòng hải lưu lạnh khiến cho nước biển ở Úc lạnh quanh năm, không thích hợp để tắm.

Nhiều người đi cùng chúng tôi đã bỏ cuộc quay về, chúng tôi kiên trì mãi rồi cũng đến nơi, lác đác mấy người đang lội nước ngoài kia đến bắp đùi. Chúng tôi nhanh chóng quên hết mệt, liền nhảy ùm xuống biển. Nước biển đầu hè mà vẫn lạnh lắm nhưng rồi cũng quen, dùng chân đạp đạp xuống cát một lúc là thấy có vỏ cứng của con nghêu trồi lên, cúi xuống lấy tay nhặt là được. Mừng như bắt được vàng, tất cả lao vào một cuộc thi thú vị. Có điều sóng rất to, khi cúi xuống nhặt nghêu mà không bật dậy nhanh sẽ bị đánh ngã lăn quay. Mấy cô gái thị thành chân yếu tay mềm, đời chưa một lần mò cua bắt ốc, cứ bị sóng đánh cho xoay tít như cái gụ.

Nước Úc không tươi đẹp như người ta vẫn tưởng. Hạn hán, lũ lụt, cháy rừng, bão cát đang diễn ra hằng ngày hằng giờ trên lục địa khổng lồ này. Những con nghêu rút lui từ bờ cát ra sống ở chỗ nước ngang bụng người là một biểu hiện của biến đổi khí hậu. Băng tan từ Nam cực và nước biển nóng lên đang tẩm ngẩm tầm ngầm phá hủy môi trường biển nơi này. Chúng tôi chỉ nhặt những con nghêu lớn nhất còn đám lỡ nhỡ dù được phép bắt, vẫn đem thả lại về biển. Kết thúc một chuyến đi cực vui lại thu được nhiều bài học.

.

Xe chầm chậm tiến vào thành phố vì bắt đầu xuất hiện các cột đèn giao thông. Hai bên đường, những người công nhân đã bắt đầu giăng đèn kết hoa, cuốn dây trang kim quanh chân các biển báo để chuẩn bị cho lễ Giáng sinh. Noel là kì nghỉ dài nhất trong năm ở phương Tây, là dịp để các đại gia đình sum họp, ăn một bữa cơm đầm ấm với nhau. Không ai bảo ai, tất cả anh em đều nghĩ về Tết. Chúng tôi kể cho nhau nghe Tết ở nhà mình ra sao, kẻ Bắc người Nam, đứa đồng bằng đứa miền núi đứa vùng biển, mỗi một câu chuyện là một phát hiện mới mẻ. Cũng là Tết, cũng chuẩn bị đồ ăn, dọn dẹp sắm sửa, mùng một mùng hai nhưng mỗi nơi mỗi khác. Rôm rả cả tiếng đồng hồ trong khi vẫn nhích từng tí một giữa biển xe dồn về cửa ngõ thành phố, thế rồi im lặng. Không ai dám thở dài một tiếng. Trong dòng xe đang chờ đợi, mối ô kính cửa xe là một tâm trạng khác nhau, người vò đầu bứt tai, người chống cằm suy nghĩ, người lắc lư theo nhạc, hai vợ chồng giận nhau quay mặt đi… những rõ ràng là tất cả đều đang sốt ruột muốn về nhà.

“Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
Giang Nam vui mấy chẳng bằng về.”

(Quy hứng – Nguyễn Trung Ngạn)

*

Nguồn: Bài đã đăng trên Nhân Dân Hằng Tháng

 

Ý kiến - Thảo luận

6:26 Tuesday,1.3.2016 Đăng bởi:  Chang Chang

Thực ra thì cũng chẳng có gì là "tổn thương ghê lắm" anh Raumuong noigian ạ. Đây chẳng qua là một mối quan hệ hai bên cùng có lợi thôi. Bố mẹ cần con có bằng nước ngoài để sau nhét cho vào chỗ tốt trong nước, Nhà nước thực sự cần người có trình độ chuyên môn và tiếng Anh tốt để làm việc trong bộ máy, thanh niên muốn thử sức trong một môi trường rộng và đ
...xem tiếp

6:26 Tuesday,1.3.2016 Đăng bởi:  Chang Chang

Thực ra thì cũng chẳng có gì là "tổn thương ghê lắm" anh Raumuong noigian ạ. Đây chẳng qua là một mối quan hệ hai bên cùng có lợi thôi. Bố mẹ cần con có bằng nước ngoài để sau nhét cho vào chỗ tốt trong nước, Nhà nước thực sự cần người có trình độ chuyên môn và tiếng Anh tốt để làm việc trong bộ máy, thanh niên muốn thử sức trong một môi trường rộng và đa dạng, hơn hết là khát vọng nhập cư, sang học mấy năm, lấy quốc tịch và hưởng thụ những giá trị của đất nước người ta mà dân người ta mất hàng trăm năm để xây dựng. Thế thì chẳng biết thằng nào mới làm tiền thằng nào.

Dĩ nhiên em không ủng hộ việc đi du học giả để cày cuốc thật, còn những người lao động chân chính, dù có làm gà đến thối cả móng tay cũng là tiền họ làm ra hợp pháp, đã đóng thuế thu nhập. Có người xuất thân nông thôn, sang đây bán mặt cho đất bán lưng cho giời nhưng khuân được mấy tỷ về xây nhà mua xe ở Việt Nam, làm văn phòng hay dùng bằng thạc sĩ cũng không ra được chừng ấy, thì lựa chọn của họ cũng là dễ hiểu. Những người như vậy chỉ đáng thương chứ không đáng bị giễu cợt, còn những kẻ như anh Đinh Rậu kể, có thu nhập (nhiều là đằng khác) mà vẫn mặt trơ trán bóng, không có tự trọng đi nhận trợ cấp thất nghiệp, những kẻ ấy mới đáng bị lên án và xứng đáng với giọng văn của anh, anh Raumuong noigian ạ.

Đấy là em nghĩ thế, hay tại anh Raumuong noigian hít nhiều khói xe máy quá nên nghĩ khác?

 
6:28 Monday,29.2.2016 Đăng bởi:  dilletant
@ Raumuong: "nhờ-ục" đã được Khổng và cộng sự đề bạt lên đứng cạnh một chữ Nhẫn luôn được ca ngợi, để ngầm tháo đi những mô liên kết tạo nên một nhân cách.
...xem tiếp
6:28 Monday,29.2.2016 Đăng bởi:  dilletant
@ Raumuong: "nhờ-ục" đã được Khổng và cộng sự đề bạt lên đứng cạnh một chữ Nhẫn luôn được ca ngợi, để ngầm tháo đi những mô liên kết tạo nên một nhân cách. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Phê bình: siêu nghệ thuật?

John Ryan Recabar – Hồ Như Mai dịch

Vô cảm đến mức này thì bỏ xừ cái nền Mỹ thuật Việt

Bài của Hoàng Lan Anh từ Người Lao Động - Soi bình luận

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả