Văn & Chữ

Ví dụ “kịch tính” mà Nguyễn Kim đưa ra có “khả năng” là không đúng 27. 02. 16 - 12:42 pm

Phó Đức Tùng

Nhân đọc bài của Nguyễn Kim, theo mình thì cần phân biệt rõ hai trường hợp.

Thứ nhất là việc dùng từ không đắt của một ai đó trong trường hợp cụ thể nào đó. Điều đó luôn xảy ra, bởi lẽ không phải ai, lúc nào cũng có khả năng sử dụng từ ngữ một cách hiệu quả. Việc chê trường hợp này hay trường kia dùng từ chưa hay là vô cùng và vô nghĩa. Việc rất nhiều người dùng từ dở không làm cho một ngôn ngữ nghèo đi, vì trong ngôn ngữ đó, vẫn có người dùng từ hay, và người ta vẫn biết thế là hay. Chẳng hạn sẽ chẳng có nhà văn nào luôn dùng từ hoành tráng mà quên mất những từ hùng vĩ, nguy nga, tráng lệ v.v. vì việc sử dụng lặp lại một từ, cho dù để diễn tả cùng một nội dung, vốn dĩ bị coi là dở trong việc viết lách, diễn đạt. Bởi thế mới có hàng đống từ đồng nghĩa.

Từ hí họa của Joseph Mayton

Trường hợp thứ hai là có những từ được dùng một cách chính thức, ai cũng công nhận và dùng như vậy, nhưng chưa chính xác, chẳng hạn như kháng sinh và trụ sinh. Cái này thì nên sửa. Tuy nhiên, phát hiện được ra những từ đó cũng không dễ dàng, hiển nhiên.

Bác Nguyễn Kim đưa ra từ kịch tính là không thuyết phục. Chữ kịch tính vốn được hiểu là một tổ hợp: hành động, thường được trình diễn bởi một nhóm, có tính chất bất ngờ, đột ngột, cực đoan, mang lại hiệu ứng tâm lý mạnh cho đám đông người xem. Tổ hợp này không dễ thay bằng những từ như ngoạn mục, căng thẳng. Vở kịch và kịch tính luôn được xác định hình thành bởi hành động trình diễn. Kịch bản chưa phải là kịch và cũng không tạo ra được hiệu ứng kịch tính và không phải đặc điểm định nghĩa của kịch tính. Một trận đá bóng do đó hoàn toàn có thể có kịch tính, cho dù nó có kịch bản hay không. (Việc trận bóng có kịch bản cũng không loại trừ).

Tương tự từ qualityquantity cũng không thật hiển nhiên. nếu chỉ dùng một âm, tất nhiên ai cũng nói một cái là chất, một cái là lượng. Nhưng nếu dùng hai âm thì chữ phẩm chất là từ lặp của hai âm gần như đồng nghĩa. Và đối với nó sẽ không có từ tương ứng cho quantity. Ngược lại, người ta có thể dùng cặp: chất lượng và số lượng để chỉ hai khái niệm này. chữ lượng ở đây để nói lên có một tỷ lệ nhất định của một đặc tính, trong đó chất lượng thì lượng đó chỉ được tính bằng chất, chỉ có thể mô tả, còn số lượng thì lượng đó có thể quy ra số bằng đơn vị đo lường.

Hí họa của Charles Barsotti

Chữ khả năng là một từ nhập ngoại. Với tiếng Hán, chữ này rõ ràng bao gồm hai nghĩa: năng lực và xác suất xảy ra. Chữ tiếng Việt tương ứng là “có thể”, cũng bao hàm hai nghĩa này. Hai nghĩa này không mâu thuẫn với nhau. Chữ khả năng thường dùng khi không thể quy rõ ràng về một trong hai nghĩa. Chẳng hạn khi việc định mô tả có liên quan đến một việc có thể xảy ra, nhưng không hoàn toàn rõ chủ thể khiến cho nó xảy ra là ai. Nói ông A có thể, hay có khả năng làm tổng thống, vừa có nghĩa là A có năng lực để làm tổng thống, nhưng vừa bao hàm là các điều kiện môi trường có thể dẫn tới việc A trở thành tổng thống. Còn nếu nói A có triển vọng trở thành tổng thống thì sẽ nhấn mạnh yếu tố bối cảnh.

Ngoài ra, chữ khả năng là một chữ trung tính, trong khi chữ triển vọng bao gồm hy vọng, tức là người nói mong ông ta thành tổng thống. Nếu tôi là kẻ thù của A, tôi không bao giờ nói “triển vọng”, mà sẽ nói A có “nguy cơ” thành tổng thống. Tóm lại, tùy bối cảnh, người nó có thể muốn nói là “khả năng” hay là “triển vọng”, không thể xét từ đầu là nói thế này là sai, thế kia là đúng.

*

SOI: Đây là cmt của bài “Đừng dùng sai để tiếng Việt nghèo đi“. Soi xin đưa lên thành bài để các bạn dễ theo dõi và thảo luận. Tên bài do Soi đặt.

Ý kiến - Thảo luận

12:15 Sunday,28.2.2016 Đăng bởi:  ong Bắp
Nghệ thuật ngôn từ
...xem tiếp
12:15 Sunday,28.2.2016 Đăng bởi:  ong Bắp
Nghệ thuật ngôn từ 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả