Đi & Ở

Xem biểu diễn nghệ thuật Hàn Quốc (phần 2): không cần cổ, biết cách thì kim cũng tốt 10. 09. 16 - 6:59 am

Ảnh và bài: Candid

(Tiếp theo phần 1)

Đợi mãi thì cũng đến giờ biểu diễn, khán phòng khá nhỏ, phù hợp với các show diễn như kịch nói. Dù ít người nhưng chương trình phải lùi lại 2 lần vì khán giả đến muộn, biết làm sao được, giờ cao su vẫn là đặc sản ở ta.

Tiết mục đầu tiên là Pangshow nói về những đầu bếp bánh ngọt vui tính. Theo đoạn phim giới thiệu, đây là một buổi biểu diễn buổi tối trên một du thuyền ở sông Hán từ thứ Hai đến Chủ nhật, mỗi buổi dài 3 tiếng. Du thuyền có thể chứa tối đa 180 du khách mỗi suất, khi lên thuyền mỗi du khách sẽ được phát bột làm bánh, đầu bếp trên thuyền sẽ hướng dẫn làm bánh đồng thời, sau đó trong thời gian chờ bột lên men và để nướng, khách sẽ được xem các đầu bếp vui tính biểu diễn. Cuối buổi biểu diễn bánh chín, họ sẽ được thưởng thức món bánh mì do chính tay mình làm ra. Lần này ở Hà Nội không có làm bánh, nướng bánh, đành vậy, để dành cho khi nào sang Hàn du lịch.

Pangshow tại Hàn Quốc (Hình từ trang này)

Tiết mục Pangshow khá hấp dẫn, tổng cộng có 4 diễn viên ăn mặc như đầu bếp, gồm 1 bếp trưởng và 3 đầu bếp học việc, sân khấu bài trí tối giản chỉ dùng các dụng cụ làm bếp đơn giản nhưng rất cuốn hút. Tên gọi Pangshow bắt nguồn từ chữ Pang có nghĩa là bánh mì trong tiếng Hàn Quốc và theo giới thiệu show diễn này dựa theo một bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Vua bánh mì, Kim Tak Goo“. Tôi không xem phim Hàn Quốc nhưng có vẻ như đây là một bộ phim khá nổi tiếng vì thấy người xem xung quanh đều ồ lên khi nghe giới thiệu. Người Hàn Quốc đã rất thành công trong việc sử dụng các bộ phim Hallyu để đi chiếm lĩnh thị trường, đầu tiên là phim ảnh sau đấy là các sản phẩm tiêu dùng, hàng hóa sẽ đi sau.

Pangshow

Nội dung của show diễn không có gì để nói mấy, chỉ đơn giản là mấy người đầu bếp nghịch ngợm ở trong bếp, họ mô tả lại quá trình làm bánh mì bằng nghệ thuật hình thể và âm nhạc từ nhào bột, trộn bột, chuẩn bị, nướng bánh… kết hợp các tiết mục nho nhỏ khác như ảo thuật, diễn kịch câm, nhảy hip hop… so với các tiết mục nghệ sĩ Việt Nam vẫn biểu diễn thì không có gì mới mẻ. Thế nhưng tôi thấy có sự nhiệt tình trong việc trình diễn của họ. Tôi đã từng xem một số chương trình nghệ thuật của Hàn quốc ở Nhà hát Tuổi trẻ và thấy họ luôn có một điểm chung là diễn rất nhiệt tình, hoạt động không biết mệt mỏi từ đầu đến cuối biểu diễn, thể lực nghệ sĩ của họ quả là đáng nể. Ngoài ra việc tương tác với khán giả cũng rất tốt, trong lời giới thiệu, những nghệ sĩ có nói đến show diễn của họ xoá bỏ khoảng cách của ngôn ngữ để người xem có thể hiểu được. Có lẽ là vì show diễn luôn tràn ngập tiếng cười của khán giả và tiếng cười là một ngôn ngữ tốt nhất. Ngoài ra giữa các tiết mục, các nghệ sĩ luôn mời khán giả lên tham gia cùng, có khi là một cháu bé lên tham gia biểu diễn ảo thuật, có khi là người lớn lên tham gia biểu diễn động tác hình thể, có khi đang biểu diễn cả đoàn chạy rầm rập xuống sân khấu để giao lưu… các khản giả ban đầu còn khá ngại ngần nhưng sau đấy thì rất nhiệt tình tham gia cùng giao lưu.

Ở Việt Nam tôi đã từng xem buổi biểu diễn À Ố show tại Sài Gòn, đó là một show diễn rất hay, các nghệ sĩ của chúng ta rất tài năng, kết hợp các môn nghệ thuật biểu diễn để tái tạo lại cuộc sống của người dân Việt Nam lên sân khấu. Tuy nhiên tại show đó tôi vẫn thấy thiếu đi sự tương tác giữa nghệ sĩ và người xem. Ngoài ra một số màn biểu diễn mặc dù rất hấp dẫn nhưng vẫn khá khỏ hiểu kể cả đối với khán giả Việt Nam trẻ tuổi như màn dựng lại cuộc sống thời bao cấp.

À Ố Show (Hình từ đây)

Tiết mục thứ hai là buổi biẻu diễn của nhóm Fanta Stick, theo lời giới thiệu dựa vào một câu truyện cổ ngày xưa có một chàng trai và cô gái yêu nhau. Chúa Trời yêu họ và đưa cho chàng trai một cái trống thần và cô gái là một cây sáo thần. Nhưng vì chàng trai quá mê đắm với chiếc trống nên cô gái đã xé toạc mặt trống đi. Chúa trời đã giấu cây sáo của cô để trừng phạt và biến gia đình cô thành hồn ma. Chỉ có cách duy nhất biến họ trở lại thành người là chơi bản nhạc Fanta-stick với cây sáo đã mất.

Tiết mục được chia thành hai phần chính, phần biểu diễn với trống của 3 chàng trai và một cô gái, phần thứ hai là tiết mục biểu diễn với nhạc cụ dân tộc của 4 cô gái rất xinh đẹp, tuy nhiên khán giả cũng nên nhớ Hàn Quốc là một đất nước rất mạnh về phẫu thuật thẩm mỹ.

.

 

Nhóm Fanta Stick biểu diễn

Thú thực là màn biểu diễn với trống dù rất hay nhưng cũng không ấn tượng với tôi mấy vì xét ra cũng chỉ như màn trống hội Thăng Long của Việt Nam. Cũng tương tự ban nhạc dân tộc 4 cô gái ăn mặc Hanbok biểu diễn nhạc cụ truyền thống cùng các bài hát dân ca Arirang cũng chỉ làm tôi nhớ đến nhóm Giao thời của Việt Nam. Thế nhưng tổng thể lại tiết mục của họ cũng rất giải trí và cuốn hút với người xem. Có lẽ cũng vẫn là các yếu tố biểu diễn nhiệt tình, tương tác với khản giả tốt.

.

Kết thúc buổi biễu diễn, mọi người vội ra để chụp ảnh giao lưu cùng các nghệ sĩ. Tôi nhớ đến lời giới thiệu ban đầu của show diễn, người ta thường nghĩ đến Hàn Quốc là để thăm các cảnh đẹp, gặp các ngôi sao truyền hình Hàn quốc, đi trượt tuyết, hay đi mua sắm nhưng người Hàn họ có tham vọng biến Hàn Quốc thành một Broadway Châu Á với các show biểu diễn nghệ thuật. Đây là điểm tôi thấy Việt Nam có thể học hỏi trong cách làm du lịch, một buổi biểu diễn, một lễ hội có thể không có truyền thống lâu đời nhưng nếu biết cách làm thì sẽ thu hút được nhiều du khách ghé thăm. Qua buổi biểu diễn này ít ra tôi cũng có thêm được một số địa chỉ nếu đi Hàn Quốc nhất định sẽ ghé thăm.

Nhóm Pangshow chụp ảnh giao lưu

Trước kia ở Hà Nội, du khách buổi tối chủ yếu chỉ có một lựa chọn duy nhất là đi xem múa rối nước. Mặc dù múa rối nước của ta rất hay nhưng đa phần du khách chỉ xem một lần. Có một câu quen thuộc trong giới làm du lịch là “Ăn tối, múa rối” để nói về sự nghèo nàn trong các hoạt động giải trí cho du khách. Gần đây, ngay tại nhà hát này tôi thấy có quảng cáo show diễn Ionah với lời quảng cáo Show diễn Las Vegas đầu tiên tại Việt Nam. Hy vọng cùng với dự định bỏ giờ giới nghiêm ở Hà Nội ngày sẽ càng có thêm nhiều địa chỉ tương tự để thu hút du khách tới với Hà Nội.

 

Ý kiến - Thảo luận

15:09 Sunday,25.9.2016 Đăng bởi:  www
Em thì ít được xem các chương trình nghệ thuật như bác Candid, mà hồi ở Sing xem buổi diễn về cuộc đời chúa Jesus, thấy hành lang bên ngoài có trưng bày sẵn tranh ảnh ghi chú kể về cuộc đời Jesus. Khách có thể xem trước hay sau khi xem buổi diễn. Có những đoạn múa hiện đại em xem cũng chẳng hiểu (huhu) nhưng nhờ có xem cái đoạn trưng bày nên cũng ngộ ra. Nếu mình có
...xem tiếp
15:09 Sunday,25.9.2016 Đăng bởi:  www
Em thì ít được xem các chương trình nghệ thuật như bác Candid, mà hồi ở Sing xem buổi diễn về cuộc đời chúa Jesus, thấy hành lang bên ngoài có trưng bày sẵn tranh ảnh ghi chú kể về cuộc đời Jesus. Khách có thể xem trước hay sau khi xem buổi diễn. Có những đoạn múa hiện đại em xem cũng chẳng hiểu (huhu) nhưng nhờ có xem cái đoạn trưng bày nên cũng ngộ ra. Nếu mình có thể làm thế cho À Ố Show thì chắc sẽ dễ dàng hơn, em thấy bên ngoài sảnh chỗ bày biện bàn trà nơm rạ gì đó có thể tận dụng được.

Cơ mà nãy giờ chỉ toàn nói chuyện em nghĩ thôi chứ thực tế chắc sẽ khác.

Về cái thể lực em chưa xem show Hàn nhưng xem múa may và cũng có học 1 tí thì thấy là đúng đấy ạ. Không rõ các môn khác thì sao, môn múa bụng em học thì thấy có nhiều điểm cho cái việc "sung hay không sung" lắm, ví dụ như là:

-Thể lực, vẫn là vấn đề nan giải
-Thể hình: các nghệ sĩ nước ngoài cao lớn, dáng đều dong dỏng, đơn giản như khi vung tay sẽ thấy "bay" hơn nhiều so với cánh tay ngắn choẳn tròn tròn
-Kỹ thuật: cái này thì không cân nói thêm ạ
-Diễn cảm: Em thấy cái này quan trọng lắm, có lúc phải tập cười như con dê ở nhà để cười nhìn tự nhiên (mà vẫn chưa được). Nhiều chị diễn viên múa tốt rồi mà gương mặt diễn chưa được ổn nên nhìn mặt thấy khô cứng như là chị không có hứng diễn vậy, có người làm động tác khó là mặt căng thấy rõ.
-Sung: cái này quan trọng trong biểu diễn không kém diễn cảm. Sung và diễn cảm có thể che đi vấn đề kỹ thuật. Nói về "sung" thì rất khó định nghĩa, làm rồi mới hiểu đươc, ví dụ như đoạn hất tóc thì người làm đúng kỹ thuật sẽ hất đầu mạnh sang bên đúng góc độ, còn người "sung" thì sẽ hất đầu làm sao để tóc mình bay đẹp nhất, v.v...

Tóm lại biểu diễn đúng là nghệ thuật. Em xem À Ố Show xong cảm thấy show này rất có triển vọng nếu có thể đầu tư thêm về quảng bá và thông tin thì tốt (lần cuối em check cái website của show còn chưa cập nhật xong cái trang chủ, nội dung bên trong sơ sài, rõ là chán) 
14:32 Tuesday,20.9.2016 Đăng bởi:  candid
@bác www: Xem Ố À show thì em vẫn hiểu tốt nhưng khi xem thấy mấy khán giá bên cạnh sinh sau thời bao cấp cứ hỏi nhau cái này là gì, cái kia nghĩa là gì. Em nghĩ với khán giả nước ngoài chắc họ sẽ khó hiểu hơn. Những cái show như này hướng tới khách du lịch nhiều hơn.

Về vấn đề thể lực thì em cũng không rõ hơn kém bao nhiêu (không rõ có giống như bóng đá không?)
...xem tiếp
14:32 Tuesday,20.9.2016 Đăng bởi:  candid
@bác www: Xem Ố À show thì em vẫn hiểu tốt nhưng khi xem thấy mấy khán giá bên cạnh sinh sau thời bao cấp cứ hỏi nhau cái này là gì, cái kia nghĩa là gì. Em nghĩ với khán giả nước ngoài chắc họ sẽ khó hiểu hơn. Những cái show như này hướng tới khách du lịch nhiều hơn.

Về vấn đề thể lực thì em cũng không rõ hơn kém bao nhiêu (không rõ có giống như bóng đá không?) nhưng xem họ diễn thì có cảm giác như họ có 100% sức lực thì diễn với 100% sức lực còn chúng ta thì cảm giác như chưa bung hết, chưa thực sự cháy hết.

Làm gì cũng phải hướng tới vấn đề kinh tế mới tồn tại lâu dài như bác HP nói chuyện sân khấu bị khán giả cướp mất khách. Thực tế thì em thấy rạp múa rối Thăng Long ngày nào cũng sáng đèn bao suất. Tất nhiên là họ có thiên thời, địa lợi, nhân hoà nhưng bao năm khách du lịch xem mãi cũng ngán. HN có thể thêm vài địa chỉ nữa cho du khách. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bàn về gái đẹp

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả