Đi & Ở

Quý tộc cu ly 11. 01. 17 - 6:58 am

Pha Lê

Galdeano là một ngôi làng, bé xíu, nằm ở phía bắc, thuộc xã Allín, tỉnh Navarre, Tây Ban Nha. Cả xã Allín có chừng 819 người, bản thân Galdeano cũng lác đác vài cụm nhà, và duy nhất một khách sạn.

Muốn đi chơi rừng, đi bộ lên núi, thăm làng cổ bình yên xinh đẹp ở Navarre là không có nhiều lựa chọn về chỗ ở. Tiện để đi lại nhất là mướn khách sạn trong thành phố lớn như Estella – dù gọi là lớn chứ nó chỉ lớn hơn so với các làng xung quanh, và chỉ có vài ba khách sạn ở trung tâm. Còn chịu giao thông bất tiện một tí để ở ngay làng thì Galdeano có đúng một khách sạn là Palacio Dos Olivos, nơi từng là lâu đài cổ, giờ tu sửa lại để phục vụ khách du lịch.

Palacio Dos Olivos. (Hình từ trang web khách sạn)

Ngày đầu đến khách sạn Palacio Dos Olivos ở Galdeano, Tây Ban Nha đã gặp phải điều khó hiểu. Tôi cùng bạn đến vào lúc nửa đêm, vì khuya nên cả khách sạn chỉ có một nữ tiếp tân, khách sạn vùng quê nên tiếp tân chẳng biết nói tiếng Anh. Điều này không gây cản trở gì, mình đặt chỗ bằng tên mình, cô ấy chỉ việc nhìn giấy tờ rồi dẫn mình lên phòng là ổn.

Điều khó hiểu bắt đầu từ cái tủ lạnh.

Đứa bạn đi cùng là một người mỏng manh như mèo ướt, ngày phải bôi hết bao nhiêu thuốc trị cái này rồi uống thuốc trị cái kia. Mà thuốc của nàng lại là thuốc cần nâng niu, gặp thời tiết nóng là chúng… hư, mất tác dụng. Miền bắc Tây Ban Nha chủ yếu lạnh, khổ nỗi tháng 9 là tháng giao mùa, lúc se lạnh như mùa thu, lúc lại trở nóng như hè. Ngày hôm ấy trời nóng, nàng sợ thuốc để ở ngoài sẽ hỏng nên đòi quăng thuốc vào tủ lạnh. Mà tủ lạnh trong phòng không hoạt động.

Kiến trúc lâu đài cũ ở khu tiếp tân. (Hình: Pha Lê)

Chị tiếp tân bèn nhờ người lên sửa cái tủ lạnh, thế là xuất hiện một anh, dáng cao ráo, mặt mày sáng sủa. Anh mặc áo trắng của đầu bếp, thấy bạn tôi nói được tiếng Pháp, anh nói tiếng Pháp, xong quay sang tôi anh lại nói bằng tiếng Anh. Chàng ta bảo không mấy ai cần dùng tủ lạnh khi tới đây nên anh ngắt dây, giờ bật công tắc xong chỉ cần chờ 10 phút là dùng được.

Anh chàng đầu bếp, tên là Josu. (Ảnh: Pha Lê)

Tôi và bạn cảm ơn rồi nhìn nhau bối rối. Quái, đầu bếp nào lại kiêm luôn nghề lên tận phòng thăm dò tủ lạnh, đã vậy ở vùng làng quê heo hút này moi đâu ra người nói được tiếng Anh lẫn Pháp trôi chảy. Bối rối một lúc thì cũng mệt, khuya rồi phải đi ngủ để sáng mai còn lội rừng leo núi, nghĩ bụng chắc khách sạn nơi hẻo lánh vốn thuê ít nhân sự nên một người sẽ kiêm đủ thứ việc.

Hôm sau dậy thật sớm ăn sáng, do Palacio Dos Olivos từng là lâu đài nên mò một hồi mới ra phòng ăn vì đi lộn sang phòng tiệc có đặt bàn dài và quầy bar.

Phòng tiệc có cửa sổ vòm và bàn ăn dài. (Ảnh: Pha Lê)

Phòng ăn có cửa sổ nhìn ra vườn, thấy núi, thấy cả luống rau con con trong khuôn viên khách sạn. Thoắt cái, quay mặt vào nhìn bàn buffet là lại bắt gặp ngay anh đầu bếp tối hôm qua đang đôn đáo bày bánh mì, gắp thịt nguội, đổ sữa chua nhà hàng tự ủ để mời khách ăn sáng.

Hai đứa con gái tiếp tục tò mò, không hiểu mô tê gì nên chụm đầu vào tự hỏi nhau: sao tối hôm qua đã làm việc tới khuya rồi mà sáng sớm nay lại thấy mặt? Đầu bếp gì cũng phải chia ca sáng ca tối, khách sạn châu Âu nào cũng có luật lao động mà? Bắt nhân viên làm quá tiếng chính phủ sẽ phạt cho cong đuôi. Hay anh chàng làm hai ca liên tục để sau đó nghỉ? Chắc vậy.

Ăn sáng xong, chạy ra bàn tiếp tân, gặp ngay… anh đầu bếp đó. Anh hỏi hai cô có cần taxi không tôi gọi nhé? Hai cô có bản đồ chưa? Muốn leo núi đi thăm công viên quốc gia Urbasa gần đây không?

Thật là một mớ thông tin bòng bong về cái anh này, mà mình chẳng biết phải làm gì với đống thông tin ấy. Anh là đầu bếp kiêm sửa chữa vặt kiêm tiếp tân?

Thôi chưa biết làm gì thì làm chuyện mình biết, nên hai đứa gọi xe, cảm ơn anh rồi đi chơi. Bên cạnh Galdeano là làng Baquedano – nơi giáp công viên Urbasa nên tôi nhờ taxi chở tới đấy, vào công viên Urbasa vượt đèo lội suối luôn. Gọi là công viên nhưng Urbasa giống rừng núi quốc gia hơn, vô cùng hoang dã.

Hồ xanh trong công viên quốc gia Urbasa. (Hình: Annabel Berrié)

 

Rừng cây, núi và suối trong công viên Urbasa. (Hình: Annabel Berrié)

Tưởng chơi bời đến 12 giờ trưa sẽ được về nhưng ai dè 2 giờ chiều mới lê xác trở lại khách sạn vì đường rừng trong công viên hơi khó đi. Khung cảnh thiên thiên ở đây quả đẹp thật, chỉ tội cái bao tử đi bộ nhiêu đó tiếng mà chưa ăn gì nên không tức cảnh sinh ra nổi một bài thơ nào cả. Đứa bạn mèo ướt cũng lầm bầm rất khó chịu bên tai rằng tụi mình về trễ quá, giờ này ai phục vụ cơm nước nữa, khách sạn miền quê đâu thể có thức ăn 24 trên 24 được, mà làng bé xíu này chẳng có lấy một nhà hàng, quán xá.

Bực dọc bảo mèo ướt chưa gì đã nhặng lên, để vào khách sạn hỏi đã. Thế là lại đụng anh chàng đầu bếp cao ráo ấy ngay tiếp tân, rụt rè hỏi anh hiện có còn là giờ phục vụ ăn trưa không vì công viên Urbasa rộng quá, bọn tôi đi bộ không lường kịp thời gian nên về trễ.

Anh vui vẻ bảo giờ này không ai ăn trưa nữa nhưng muốn là anh sẽ nấu, anh là đầu bếp mà. Tôi cùng mèo ướt nhíu mày, không thể hiểu nổi tại sao cứ thấy mặt anh từ lúc tối khuya cho đến giờ, như thể anh làm ba ca không nghỉ. Anh mời hai đứa vào phòng ăn, đưa menu ba món khai vị, món chính, với tráng miệng ra rồi bảo không thích gì trong đấy thì nói anh, anh sẽ đổi cho. Tôi và mèo ướt ngại, đã về trễ còn đòi hỏi nên tính menu viết gì là mình ăn vậy. Nhưng bỗng nhiên trong đầu nghĩ ra sáng kiến nên bảo anh: hay là anh thấy cái gì ăn ngon và tiện, anh cứ tùy hứng nấu từ nguyên liệu anh có rồi bưng ra, không cần menu đâu bởi du khách bọn này có khi không rành món bằng đầu bếp đã làm ở đây bao năm. Cả phòng ăn có hai đứa nên chơi trò “thích gì nấu nấy” cũng dễ.

Phòng ăn ở Palacio Dos Olivos. (Hình từ trang này)

Anh cười rồi gật đầu, thế là lúc sau anh bê ra các món địa phương. Tây Ban Nha nổi tiếng có cà chua ngon không kém gì Ý. Galdeano lại đang mùa đầu thu, nông dân cần bán hết các kiểu rau củ từ mùa hè cho “xong vụ” nên anh dư cà và rau, anh bèn mời hai đứa món súp cà chua đặc sản. Trên đĩa súp cà anh rưới xíu mật ong cho ngọt, giúp món súp dễ trôi hơn, lại không có vị chua hăng thường thấy. Món xa-lát cá ngừ truyền thống anh không dùng cá ngừ, mà dùng… dưa hấu do đang Galdeano đang trúng mùa dưa. Dưa hấu anh cắt mỏng ra, nom y chang cá ngừ sống có màu đỏ quạch của Nhật vậy. Nhìn món cứ ngỡ đây là xa-lát cá ngừ nhưng ăn vào lại hóa trái cây.

Món cá “một nắng” là món chính, thay vì cắt ra kẹp bánh mì như truyền thống, anh lại bày lên đĩa, ở trên anh rải thịt heo muối nướng giòn. Cá và thịt tưởng không hợp nhau, nhưng hóa ra độ giòn và mặn của thịt muối lại thêm tính cách cho món cá mềm mịn màng.

Món cá “một nắng” rải thịt heo muối nướng giòn. (Ảnh: Annabel Berrié)

Tráng miệng ngon ngây ngất, anh tự làm kem chứ không mua sẵn, anh tự nghiền cả hạt óc chó để tạo hương vị cho kem. Nên kem tươi làm tay ăn ở Galdeano hóa ra lại ngon hơn kem hiệu nọ kiệu kia ở thành phố lớn như Madrid. Chúng tôi cảm ơn anh đã nấu ra một bữa ngon thế, anh cười sung sướng.

Nghỉ ngơi một lúc cho tiêu, xong hai đứa dắt nhau đi thăm làng. Bao quanh Galdeano là núi non vừa hùng vĩ vừa có gì đó khổ hạnh trơ trọi. Làng lại cổ nên toàn bộ nhà trong làng là nhà có móng đá chắc nịch, tường xung quanh cũng bằng đá nốt.

Cảnh núi non nhìn từ khách sạn vào buổi tối. (Hình: Pha Lê)

Galdeano có nhiều nhà cửa gỗ, nhìn mỏng manh dễ đột nhập đúng kiểu cơ ngơi thuộc vùng xa tít mù tắp đến trộm còn ghét. Nhà nào vườn cũng rộng, cũng đầy dây xanh leo kín, hàng rào thì thấp chẳng ngăn nổi ai. Có nhà trồng cải kale, hành Tây, ớt. Có nhà chăm nguyên bụi cà chua to, nhìn trái cả khổng lồ đỏ rực là lại nảy sinh ý gian, muốn mon men xông vào hái.

Cửa nhà gỗ sơn xanh, tường đá đầy dây leo ở Galdeano. (Hình: Pha Lê)

 

Vườn của một nhà ở Galdeano, trong trồng cải kale, hành, rau thơm… (Hình: Pha Lê)

 

Vườn trồng cà chua với quả cà vừa đỏ vừa to. (Hình: Pha Lê)

Ngay cạnh khách sạn là một nhà thờ cổ bằng đá đang… bỏ không, ai muốn vào thì vào, trong khuôn viên nhà thờ thấy có mộ phần chẳng hiểu của ai, toàn là mộ thời xưa nom rờn rợn như phim ma.

Đường dốc từ làng đi xuống nhà thờ bằng đá bỏ hoang. (Hình: Annabel Berrié)

Thăm làng mỏi chân, về lại khách sạn, bắt gặp anh đầu bếp đang nấu tiếp bữa tối cho gần 15 người. Nơi gì mà quanh quẩn đúng hai nhân viên, một nữ tiếp tân làm vào buổi tối, một anh chàng đầu bếp lúc nào cũng thấy mặt bất kể ngày đêm. Nhưng thôi oải quá không đoán mò nữa.

Ngày rời Galdeano đi vùng khác, trong lúc chờ taxi tôi và mèo ướt mới đứng nói chuyện với chàng đầu bếp. Mèo ướt nói nàng rất thích Galdeano. Nơi này yên bình, thiên nhiên đẹp, người làng vô cùng tốt bụng dễ thương, không lo cướp giật. Khách sạn bằng đá nhìn vững chãi chắc chắn, cây trong khách sạn là cây lâu năm, to cao nhìn mỏi cả cổ. Anh đầu bếp gật gù đồng ý, bảo anh cũng yêu làng, yêu khách sạn lắm. Người xung quanh vẫn còn thói quen đặt trước cửa khách sạn này bao nhiêu là rau củ, trứng, thịt họ nuôi trồng trong vườn, sáng dậy anh chỉ việc mở cửa lấy, chẳng có trộm nào đi qua chôm cả.

Anh cũng buồn nói rằng chính phủ Tây Ban Nha toàn quảng cáo cho thành phố lớn, nơi nhìn đâu cũng gặp Stackbuck, McDonald, KFC y chang nhau, còn làng nhỏ vẫn có cái hay mà không ai thèm quan tâm.

Trước cửa khách sạn có cây thông lâu năm, rõ to, dịp Giáng Sinh nếu quấn đèn xung quanh nó là cũng tốn khẳm dây. (Hình: Pha Lê)

 

Tháng 9, cây thông ở khách sạn đang ra bao nhiêu là quả, hạt. (hình: Pha Lê)

Tôi bèn mạnh dạn hỏi sao thấy anh kiêm đủ thứ vậy, nào đầu bếp nào sửa điện nào tiếp tân. Anh nghe xong còn bồi thêm “Tôi kiêm cả… hướng dẫn viên du lịch nữa đấy. Hôm nọ có khách nói muốn tìm hiểu về nhà thờ bỏ hoang nên phải dẫn họ đi xem.”

Hết hồn, hỏi lại anh rằng hy vọng anh có đầu tư vào khách sạn này để lấy thêm tiền lời mỗi tháng, chứ hùng hục như trâu như ngựa mà cuối cùng chỉ nhận lương thì thật thiệt cho anh quá.

Anh bèn khai “À, tôi là chủ khách sạn này”

Ơ, tưởng trước đây Palacio Dos Olivos từng là lâu đài?

Anh mới thú nhận mình chính là chủ lâu đài, hậu duệ đời thứ 11. Đây là cơ ngơi của cha ông, kiến trúc thực chất còn y nguyên như cách đây hàng trăm năm, chỉ chỉnh sửa lại chút để làm khách sạn (do thời hiện đại làm “nghề” quý tộc sẽ không có đủ tiền đặng giữ tòa lâu đài to thế hoạt động tốt, nên anh phải biến nó thành khách sạn để kiếm sống). Tổ tiên của anh chôn ngay bên cạnh, mộ của họ nằm trong cái nhà thờ đá bỏ hoang kia.

Cận cảnh nhà thờ của Galdeano, nơi chôn tổ tiên của Josu. (Hình: Annabel Berrié)

Hóa ra anh chàng này có gốc quý tộc. Tôi hỏi anh tên gì, anh trả lời “Josu Galdiano”. Họ của Josu giống tên làng quá, khác mỗi chỗ họ có chữ i thay vì chữ e.

Josu giải thích rằng bất cứ ai thừa kế lâu đài này đều phải đổi sang họ Galdiano. Theo truyền thống, chủ nhân lâu đài trên danh nghĩa cũng là người cai quản, bảo vệ làng. Nếu ông chủ qua đời mà không có con, phải kêu cháu chắt họ hàng về tiếp nối mà người ấy khác họ, thì người ấy phải đổi họ thành Galdiano để gắn bó cùng làng.

Giờ đến đời thứ 11, anh chủ Josu hoàn toàn có thể bán quách cái cơ ngơi ấy đi cho người khác. Nhưng chắc nhờ cái họ gắn với ngôi làng và những bạn hàng xóm bao năm thường xuyên đặt nông sản trước cửa lâu đài mà anh vẫn ở đấy. Ngày anh làm ba buổi sáng trưa chiều tối, gánh vác từ nấu nướng đến tiếp tân, vắt giò lên cổ chạy phục vụ khách còn hơn cu ly. Rời làng mà trong lòng cứ nghĩ thật tội cho cô nào lấy phải anh quý tộc này, sẽ làm thân cu ly cùng chồng để kiếm tiền giữ khách sạn hoạt động, nhưng cô cũng may mắn lấy được tấm chồng chăm chỉ, chịu khó, yêu làng quê của mình như vậy.

 

Ý kiến - Thảo luận

22:09 Wednesday,11.1.2017 Đăng bởi:  LC

Hức, quả có thế thật. Đôi cánh bay tới vùng trời tự do của chúng ta, đã bị xiềng xích thật ngọt ngào!


...xem tiếp
22:09 Wednesday,11.1.2017 Đăng bởi:  LC

Hức, quả có thế thật. Đôi cánh bay tới vùng trời tự do của chúng ta, đã bị xiềng xích thật ngọt ngào!

 
20:44 Wednesday,11.1.2017 Đăng bởi:  phale
@LC: nếu cái quốc tịch Việt Nam, cầm visa du lịch mà tới châu Âu thích là được ở lại ngay cho tới chết thì bao nhiêu người đã đi trước em rồi :) Mà đây là phường không chồng không con, có người nói đùa là đi nhưng dù đi được cũng không dám bỏ chồng con, vẫn phải ở nhà nấu nướng phục vụ đấy chị ạ.
...xem tiếp
20:44 Wednesday,11.1.2017 Đăng bởi:  phale
@LC: nếu cái quốc tịch Việt Nam, cầm visa du lịch mà tới châu Âu thích là được ở lại ngay cho tới chết thì bao nhiêu người đã đi trước em rồi :) Mà đây là phường không chồng không con, có người nói đùa là đi nhưng dù đi được cũng không dám bỏ chồng con, vẫn phải ở nhà nấu nướng phục vụ đấy chị ạ. 

Nếu... thì tư cách gì để bình phẩm?

Ngô Lực - Thành viên KCBT

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả