|
|
|
|||||||||||||
Đi & ỞThăm trái tim long đong của Chopin 27. 12. 17 - 7:52 amCandidTừ trước đến nay, mỗi lần đổi điện thoại tôi đều mang album 19 điệu valse của Chopin do Đặng Thái Sơn biểu diễn sang điện thoại mới. Tôi vốn không thích nhạc cổ điển, nhưng một lần tình cờ được tham gia tổ chức đêm nhạc Chopin ở Hà Nội do Đặng Thái Sơn biểu diễn, sau lần nghe nhạc đó tôi thấy thích và muốn tìm hiểu thêm. Từ đó tôi nghe rất nhiều nhạc cổ điển, đi nghe nhiều pianist biểu diễn ở Hà Nội, trong đó có những người nổi tiếng hơn Đặng Thái Sơn, nhưng đến nay, tôi vẫn thích nghe Đặng Thái Sơn đàn Chopin hơn cả. Có thể nói, hai nhân vật này đã dẫn tôi đến với nhạc cổ điển. Cũng chính vì thế, khi đến quê hương của Chopin, tôi quyết định đến thăm một địa điểm quan trọng gắn liền với nhạc sĩ tài hoa và bạc mệnh này: nhà thờ Thập tự Thiêng liêng. Nhà thờ này nằm ngay trung tâm của Warszawa, từ ga tôi đi bộ đến, chút nữa thì bỏ qua, vì ở Warszawa nhà thờ nhiều không đếm xuể, với một người lạ như tôi thì nhà thờ nào cũng giống nhà thờ nào. Bố của Chopin là một nhạc công người Pháp, ông tìm đến Ba Lan để thử vận may và đã gặp thời, trở thành nhạc công cung đình. Ông lấy vợ người Ba Lan, sinh ra Chopin cùng các chị em. Bố Chopin lập ra một ban nhạc gia đình để biểu diễn cho hoàng gia Ba Lan. Trong đám con, Chopin tài năng nhất, ông nhận được nhiều học bổng về âm nhạc và trở nên có danh tiếng. Khi Nga Hoàng thăm Warszawa, nghe được bản nhạc do Chopin sáng tác, Nga Hoàng đã ban thưởng ông. Năm 1830, khi hoàn thành nghĩa vụ với các suất học bổng rồi, Chopin cùng một người bạn sang Viên, kinh đô của âm nhạc, với mục đích là để khám phá thế giới và khám phá khả năng âm nhạc của mình. Một tháng sau khi rời Ba Lan, họ nghe tin cuộc khởi nghĩa tháng 11 nổ ra. Cuộc khởi nghĩa này do các sĩ quan Ba Lan trẻ phát động nhằm chống lại Sa Hoàng và nước Nga bạo ngược để đem lại tự do cho Ba Lan. Người bạn của Chopin lập tức quay về để chiến đấu. Chopin có lẽ do thể trạng yếu đuối bệnh tật từ nhỏ nên không thể quay về. Ông ở lại Viên và dồn giận dữ lên những trang nhật ký. Chopin ghi rằng ông nguyền rủa giây phút ông bỏ Ba Lan mà đi. Cuộc khởi nghĩa dù rất anh dũng nhưng đã thất bại sau đó gần một năm. Chopin oán giận cả Thượng Đế, ông viết rằng “Thượng đế, Người có thật không? Nếu Người ở đó sao không giáng xuống sự báo thù?” Ba Lan của Chopin không còn nữa. Chopin quyết định sống cuộc sống một người lưu vong không Tổ quốc. Ông đến Pháp, làm quen với những tên tuổi vĩ đại trong âm nhạc. Ông sáng tác và có được danh tiếng, tiền tài, tình yêu nhưng chưa lúc nào thôi than khóc cho Tổ quốc mình. Ông trở thành người hát rong cho dân tộc. Có một danh nhân Ba Lan đã nói về ông như sau: “Tất cả quá khứ của dân tộc tôi được hát trong ông, tất cả nỗi thống khổ nô lệ của chúng tôi được hát trong ông – trái tim đập của dân tộc, ông hoàng vĩ đại của xót thương”. Chopin đã từ chối không muốn làm công dân của một đất nước Ba Lan nô lệ, và ông đã không có cơ hội nhìn lại đất nước mình. Năm 39 tuổi, khi sắp mất vì bệnh tật, biết rằng không thể quay trở lại Ba Lan, Chopin đã nói với người chị của ông, sau khi ông chết hãy mang trái tim ông về Ba Lan. Theo ước nguyện, người chị đã bỏ trái tim ông vào một bình rượu mạnh, giấu dưới áo choàng lén mang trở lại Ba Lan. Tại đây trái tim ông được cất giữ tại nhà thờ Thập tự Thiêng liêng. Dù lúc còn sống Chopin không hề thích chút nào cái ý tưởng mình sẽ được nhân dân tôn vinh, nhưng với người Ba Lan, trái tim của Chopin đã trở thành một biểu tượng cho tự do; nhà thờ Thập tự Thiêng liêng cũng trở thành một thánh địa vì độc lập, tự do. Khi chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, Ba Lan lần nữa mất đi độc lập, rơi vào tay người Nga và Đức. Khi người Đức chiếm Warsaw, họ đã phá hủy các biểu tượng liên quan đến Chopin, câu chuyện về bức tượng Chopin tôi được nghe kể sẽ được kể vào dịp khác. Trái tim của Chopin cũng không phải ngoại lệ, rơi vào nguy hiểm. Khi cuộc nổi dậy Warsaw diễn ra, chiến trận ác liệt nổ ra xung quanh Nhà thờ Thập tự Thiêng liêng, các khu nhà bị hư hại nặng nề, nhà thờ cũng vậy. Giữa lúc chiến sự, một linh mục người Đức đã đề nghị vị linh mục người Ba Lan về việc giao bình đựng trái tim của Chopin cho người Đức. Trái tim đã được giao vào tay một sĩ quan cao cấp SS. Năm 1944, người Đức cho đặt mìn nhằm phá huỷ nhà thờ, phá hủy biểu tượng tự do của Ba Lan. Họ đã san phẳng nhằm không để lại dấu vết. Nhưng may mắn, trái tim của Chopin đã được người Đức trao lại cho tổng Giám mục Warsaw sau khởi nghĩa. Đó là vì người Đức muốn làm truyền thông xoa dịu người Ba Lan sau những vụ thảm sát. Người Ba Lan không tin vào lòng nhân từ của chó sói nên họ đã mang trái tim đi giấu. Năm 1945, sau khi chiến tranh kết thúc, người Ba Lan lại mang trái tim trở về nhà thờ. Sau chiến tranh, nhà thờ đã được xây cất lại, bên ngoài với kiến trúc khiêm tốn đơn giản nhưng nội thất bên trong được phục dựng với phong cách Baroque hoàng tráng. Tôi đứng ngắm nhà thờ lộng lẫy, không khỏi kính phục tài nghệ phục chế tài hoa của người Ba Lan. Tôi chạm tay vào dòng chữ ghi nơi đây yên nghỉ trái tim của Chopin và nhớ tới dòng chữ trên bia mộ của Tuệ Tĩnh. Ông là danh y bị cống sang nhà Minh vì y thuật, trước lúc mất đã cho khắc sẵn lên bia mộ dòng chữ: “Ai về Nam cho tôi về với” khiến người đồng hương đời sau đọc được không khỏi rơi lệ. Trong tiếng đại phong cầm nhà thờ, tôi nghĩ về trái tim Chopin, về hàng triệu trái tim đang tha hương, hình như đang cùng chung nhịp đập.
Ý kiến - Thảo luận
22:58
Friday,5.1.2018
Đăng bởi:
Candid
22:58
Friday,5.1.2018
Đăng bởi:
Candid
Đại phong cầm chứ không phải phong cầm. Đại phong cầm là nhạc cụ của nhà thờ, nó gồm những cái ống khổng lồ nên âm thanh của nó rất hoành tráng.
15:38
Thursday,4.1.2018
Đăng bởi:
Phong Lan Nguyễn
Sao lại phong cầm, là arcoccdeon á. Có vẻ không hợp khi chơi trong nhà thờ.
Bài viết rất hay. Nhạc của Chopin là 1 câu chuyện dài ...xem tiếp
15:38
Thursday,4.1.2018
Đăng bởi:
Phong Lan Nguyễn
Sao lại phong cầm, là arcoccdeon á. Có vẻ không hợp khi chơi trong nhà thờ.
Bài viết rất hay. Nhạc của Chopin là 1 câu chuyện dài Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp