Bàn luận

Duỗi não 20. 03. 12 - 8:11 am

Vũ Lâm

 

“Bánh xe tuổi thơ”, Phạm Thái Bình. (Ảnh: Tịch Ru)

 

Đầu tháng ba hoa sưa Hà Nội nở, có hai người bạn cùng sinh tuổi Ngựa (1978), đồng trà lứa với chúng tôi triển lãm ở hai địa điểm rất gần nhau trên phố Nguyễn Thái Học. Viện Goethe Hà Nội là triển lãm ảnh Nhà Mặt Phố của Nguyễn Thế Sơn (từ 18 – 28. 3); còn tại Bảo tàng Mỹ thuật là triển lãm điêu khắc Khoảnh khắc bị lãng quên của Phạm Thái Bình (từ 11 – 18. 3). Cả hai dự án triển lãm trên, tôi đều may mắn được biết từ khi hai nghệ sĩ còn đang chuẩn bị thực hiện. Và thật thú vị khi tôi phát hiện ra những điểm tương đồng trong cách nghệ thuật của họ để viết nên bài viết này.

1.

Tuy sinh trưởng ở hai nơi khác nhau, nhưng ngoài chuyện cùng tuổi, Nguyễn Thái Bình và Phạm Thế Sơn đều đang là “giáo sư” trẻ của hai trường nghệ thuật danh tiếng của nước nhà. Một ở trường Đại học Kiến trúc, một ở trường Đại học Mỹ thuật, và cùng sắp tốt nghiệp master (một trong nước, một ở nước ngoài). Cả hai triển lãm của họ đều có tính chất giống nhau là những “khảo cứu văn hóa–xã hội” bằng nghệ thuật tạo hình (tuy bằng hai ngôn ngữ khác nhau là điêu khắc và ảnh), và một mặt nào đó là những “báo cáo master” với giới của họ bằng tác phẩm của những người trọng thực hành.

Nguyễn Thế Sơn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, học mỹ thuật và ngoại ngữ. Anh có một vũ khí thuận lợi cho sự nghiệp của mình là nắm chắc một cánh cổng ngoại ngữ – tiếng Trung, và là một trong số ít các giảng viên của trường Mỹ thuật Yết Kiêu có nguồn “Tàu học” như các anh Trần Hậu Yên Thế, Lê Xuân Dũng… Cả hai họa sĩ Trần Hậu Yên Thế và Nguyễn Thế Sơn đều có xu hướng dùng đời sống đô thị làm nguyên liệu tự sự cho nghệ thuật của mình. Đeo đuổi đề tài ấy, gần đây, trong triển lãm Khai bút hôm 24. 2 vừa qua của các giảng viên Yết Kiêu, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế cho ra đời một tác phẩm rất thú vị về hình dung đời sống ở các khu tập thể cũ (mà tôi thấy có vẻ ít người chú ý sự hay của tác phẩm này). Anh trổ thưa, rồi nhuộm đen có chút lé đỏ lên một tấm chiếu rách, tác phẩm có tên là Đêm 30 ở khu D Thanh Xuân. Trông tác phẩm giản dị này, ta có cảm giác vừa thấy u muộn, vừa hài hước khó tả, trước một mảnh chân dung của không gian đô thị vẫn là hiện thực tồn tại… sờ sờ hiện nay.

“Đêm 30 ở khu D Thanh Xuân”, Trần Hậu Yên Thế

 

Không biết có gì giống nhau giữa khuynh hướng tiếp cận xã hội của những họa sĩ được đào tạo thêm ở Trung Quốc không, nhưng Nguyễn Thế Sơn cũng lấy đề tài đô thị làm đối tượng chính cho nghệ thuật của mình (có lẽ là điểm gần nhất với đời sống của anh thì đúng hơn). Từ những video art đầu tay, triển lãm ảnh Trên Cao (2007), triển lãm lụa Tầm Cao Mới (2009) cho đến triển lãm ảnh nổi Nhà Mặt Phố, anh khai thác tuần tự đề tài biến đổi bộ mặt đô thị này một cách rành mạch, tuần tự, cố gắng tìm một tiếng nói dung hòa giữa đời sống và nghệ thuật đúng như tính cách của mình, có “cơ sở lý luận xã hội” một cách nghiêm túc và một chút châm biếm hiền lành nảy sinh từ những pha trộn, đặt để có tính toán nhẹ nhõm.

Có lần, nói chuyện với một kiến trúc sư, tôi có nhớ anh ta đùa: Nếu tao mà bắt được thằng nào nghĩ ra cái trò chia lô xây nhà ống, 4 – 5 mét mặt tiền, dài 20m, để cho cái khổ đất mất dạy ấy bạo hành khắp nước hiện nay, suốt từ hang cùng ngõ hẻm thành phố cho đến nông thôn, chắc tao phải tự tay bóp cổ nó… Cái tâm lý “thòi ra” mặt tiền ấy, là một tâm lý đặc biệt của người Việt mới phát sinh từ những năm 90, sau Đổi Mới và Mở Cửa, khoảng trên dưới 20 năm nay. Đó là một tâm lý “không thể hiểu nổi” và rất nhiều tác phẩm nghệ thuật mới đủ các ngôn ngữ đã và vẫn đang đi tìm cách “giải nghĩa” nguyên nhân và hiện tượng cùng các biến thể của nét tâm lý ấy, vẫn đương thịnh hành như một công thức: Đổi Mới – Mở Cửa – Chòi Ra, “phô phang chi ở đám quân này”, mà người ta thấy ở mọi mặt hình thức đời sống, từ “to” như kiến trúc cho đến “nhỏ” như cách phục sức của các “gái trẻ” thời đại!

Với triển lãm ảnh nổi Nhà Mặt Phố này, Nguyễn Thế Sơn không phân tích và phán xét, như anh tự bạch: “Tôi muốn tạo nên một mô hình cuộc sống thu nhỏ, một trò chơi thị giác nhằm kích thích sự giải mã từ phía người xem”. Anh bày ra một hình thức, đúng như trò chơi nho nhỏ, chỉn chu, dễ coi, là lạ. Ở triển lãm này, tôi thấy anh có ba điểm thành công. Một là hình thức thị giác mà anh gọi là “ảnh phù điêu”– kỹ thuật làm sa đồ giấy và cắt lazer vốn ứng dụng trong công nghệ quảng cáo được anh dùng cho những bức ảnh “nổi” của mình. Xem những bức ảnh tỉ mỉ này khá thú, tôi nghĩ bụng nếu mình là một trong những chủ hàng có quảng cáo tấm lớn được chụp, chắc phải vật nài họa sĩ mua lại bằng được để mà treo cho khoái. Hai là quyển catalog của triển lãm được làm rất cầu kỳ và đẹp, cũng được trổ thủng “cho nó nổi”. Đây là một dấu hiệu chuyên nghiệp của một triển lãm mà các họa sĩ trẻ nên theo. Ba, phụ nữ Tây phương và Mỹ khá hứng thú với triển lãm này…

Phòng triển lãm “Nhà mặt phố”

 

2.

Phạm Thái Bình sinh trưởng ở Lạng Sơn, là “cái nôi” của kinh doanh nhập lậu sau Đổi Mới, là tuyến đường chuyển hàng Tàu gần nhất về thủ đô với 2 cửa khẩu quốc tế, 4 cửa khẩu quốc gia, 7 cặp chợ đường biên với Trung Quốc, với đủ sự giàu có và những hậu quả tồi tệ về văn hóa và đạo đức. Một lần trò chuyện tâm tình, anh kể rằng “Hồi trước mỗi năm về quê cũ thăm bạn bè, lại thấy mỗi năm nghe tin một vài đứa bạn chết vì nghiện. Nếu không có nghệ thuật và việc chuyển đổi không gian sống, chắc tôi đã trở thành một tay buôn lậu”. Nhưng Lạng Sơn đã từng là một chốn thanh bình thơ mộng, “Ai lên xứ Lạng cùng anh, bõ công bác mẹ sinh thành ra em”, với sự chung sống thanh bình của văn hóa các dân tộc Tày, Nùng, Hoa, Mông. Những ký ức và thay đổi của chốn này đã đi vào nghệ thuật điêu khắc của Phạm Thái Bình như thế…

Đây là triển lãm điêu khắc cá nhân đầu tay của Phạm Thái Bình, đề tài của anh là những hoạt cảnh sống nho nhỏ của người “dân tộc miền núi”, kèm theo các phương tiện làm thay đổi cuộc sống của họ, từ khi đi bộ cho đến ngựa nghẽo, xe bò, xe đạp, xe máy, công nông, rồi xe hơi… Tượng cao khoảng 30 – 50cm, nhiều chi tiết.

Cách tạo khối của anh làm tôi đến nhớ một chút đến cách tạo khối của Hứa Tử Hoài – một nhà điêu khắc quá cố người Nùng, cũng sinh ra tại Lạng Sơn. Nhưng tác giả trẻ Phạm Thái Bình chưa hẳn đã thích sâu vào việc suy tưởng bằng khối, mà tìm kiếm tính ứng dụng cụ thể của điêu khắc với sự diễn ngôn cái tung tẩy, lũn cũn, lúc nhúc, say sưa lãng đãng, con cà con kê với âm nhạc và trò chơi – một phần không khí sống tự nhiên hết mình của bà con ở các phiên chợ miền núi. Có cảm giác nghệ sĩ làm ra tác phẩm luôn trong trạng thái hân hoan và anh muốn “dâng” hết sức cái phần hân hoan đó cho người xem, có độ bay lướt. Đây là một diễn trình khác về sự Đổi Mới, từ xe đạp đến xe hơi tác động đến đời sống dân tộc (mà cả người Kinh cũng không đứng ngoài)… Khối vuốt nuột, có câu chuyện, bày trong bất cứ nội thất nào cũng thích. Về lâu dài, nếu cách tạo khối này được phóng to, giản lược và trừu tượng hơn nữa, thì cũng có thể là một thế mạnh của Phạm Thái Bình.

Một thành công khác trong triển lãm về mặt hình thức là những bệ tượng bằng gỗ nhãn cổ thụ xẻ đôi mà tác giả tìm được ở Văn Chấn (Yên Bái), thú nhất là chiếc “cầu gỗ” cho đoàn người đi xe đạp trên đó. Đồng nghiệp già trẻ của Phạm Thái Bình nhận xét ưu ái rằng anh đã “làm đến nơi đến chốn” và “đóng gói” được ý thích của mình trong triển lãm này.

“Xuống chợ”, Phạm Thái Bình

 

3.

Đầu năm, tôi qua thăm nhà của họa sĩ Phương Vũ Mạnh, sau khi anh đoạt giải nhất vẽ “body trâu” trong lễ “cầy giả – giả cầy” Tịch Điền mới được khôi phục, được họa sĩ đãi rượu nếp trắng rất ngon do một quan chức cho. Anh uống rượu, khà một cái, văng bậy một câu rồi nói (tôi “chỉnh” câu đó lại như thế này): “Cái cánh quan chức phí thật, họ chỉ cho rượu whisky ngoại Chivas, Ballantines… mới sang. Còn rượu ta ngon thế này mà chẳng biết uống”. Uống thêm vài chén nữa rồi nhàn đàm nghệ thuật, bất chợt Mạnh buột ra một từ rất hay là “có loại nghệ thuật làm ta duỗi não” (như duỗi chân duỗi tay vậy). Ngày xưa, Matisse (1869 – 1954) đã muốn nghệ thuật của ông như chiếc ghế bành để người xem có thể được “duỗi cẳng” ra nghỉ ngơi thư thái. Bây giờ, trong đủ một mớ hẩu lốn, những “ái kỷ”, dằn vặt đau khổ xã hội, nhạo báng, băm chặt, vầy vò, bóp méo, cài cắm ý nghĩa nhân sinh khủng khiếp…. thi thoảng có những triển lãm xem để ta “duỗi não” như thế này của Phạm Thái Bình và Nguyễn Thế Sơn, kể cũng thú. Tôi xin cảm ơn và chúc mừng hai tác giả một lần nữa!

*

P/S: Viết xong bài này, tôi nghịch bèn tra Google, xem từ “duỗi não” có được ai dùng chưa, thì thấy một video phẫu thuật thí nghiệm mổ óc thỏ trên You Tube, để minh họa cho một hiện tượng y học gọi là “cơ chế co cứng mất vỏ, duỗi cứng mất não”. Nhưng đó lại là chuyện khác mất rồi…Nghệ thuật và cuộc đời nó có những “bước lệch” như thế. Ai đến với thì thuở ban đầu cũng hớn hở, bỡ ngỡ, ngu ngơ, chảy dãi… Khi dấn sâu sâu vào rồi thì ‘yêu nhau lắm, cắn nhau đau’. Để rồi khi chia tay, lúc thì nhớ nhung trìu mến, lúc thì chì chiết, nhớ nhung, dằn vặt. Rồi tìm đến những trò chơi xáo lộn, nhộn lên cho đỡ buồn. Sao không tóm tắt cái phần hậu ấy là Trìu-Nhớ-Chì-Dằn, hoặc là Chì-Nhớ-Trìu-Dằn, hoặc Dằn-Trìu-Nhớ-Chì… Mới hay, ngôn ngữ này mà đi mô tả một ngôn ngữ khác thì đúng là một sự “đểu cáng” toàn diện. Không sao, miễn là cái tâm thuật của con người ta có chính đính hay không mà thôi… Người xưa cầu đến bậc “thi trung hữu họa, họa trung hữu thi”, tôi có một vài câu vần vè họa lại chúc mừng các bạn tôi cho vui. Xin rất cảm ơn Soi nếu đăng giùm cái “khúc đuôi ve vẩy” như thế này:

Thôi, “bỏ mẹ mày”, tao đi đây/ Lấy mây làm tóc dựng chân mày/ Một mai xin bố, bô làm cón/ Con đừng nhu nhược, khá không hay.
Ơ, ‘bỏ bố rồi”, bố đi đây/ Ngày mai chăm sóc lấy “mẹ mày”/ Mình con ở lại, con làm bố/ con đừng như bố, chớ “không may”.

 

*

Bài liên quan:

– Tác phẩm không hay bằng lời dẫn và tiêu đề?
– Thử bênh hai ông anh tí nhé!
– Duỗi não


Ý kiến - Thảo luận

11:25 Wednesday,21.3.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Đọc đi đọc lại khúc đuôi của chú VŨ LÂM cái cán bộ Kinh:

"Thôi, “bỏ MẸ MÀY”, TAO đi đây
Lấy mây làm tóc dựng chân MÀY
Một mai xin BỐ, bô làm cón
CON đừng nhu nhược, khá không hay.
Ơ, ‘bỏ BỐ rồi”, BỐ đi đây
Ngày mai chăm sóc lấy “MẸ MÀY”
Mình CON ở lại, CON làm BỐ
CON đừng như BỐ, chớ “không may”.

Hay ho (gay go?) quá. Nhưng với bài thơ "Than
...xem tiếp
11:25 Wednesday,21.3.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Đọc đi đọc lại khúc đuôi của chú VŨ LÂM cái cán bộ Kinh:

"Thôi, “bỏ MẸ MÀY”, TAO đi đây
Lấy mây làm tóc dựng chân MÀY
Một mai xin BỐ, bô làm cón
CON đừng nhu nhược, khá không hay.
Ơ, ‘bỏ BỐ rồi”, BỐ đi đây
Ngày mai chăm sóc lấy “MẸ MÀY”
Mình CON ở lại, CON làm BỐ
CON đừng như BỐ, chớ “không may”.

Hay ho (gay go?) quá. Nhưng với bài thơ "Than thân trách phận nên BỎ MẸ", chúng cháu thấy đích thị chú VŨ LÂM đã là thi sĩ chăm phần chăm rùi.

Nhưng sao bài thơ của chú cứ tủi tủi thế nào í? chú ơi? nghe ra chuyện nhà chú chuyện nước mình cũng hoàn cảnh quá, chú nhỉ?

Bĩ cực ghê gớm !!! 
16:28 Tuesday,20.3.2012 Đăng bởi:  T.Dang
Đọc bài của Vũ Lâm hay quá, đúng là ..."duỗi não" thật. Nếu Vũ Lâm không thân cận với N.T.Sơn và P.T.Bình thì khó mà "diễn bày" hết cái tâm, cái ý, cái đẹp của tác giả và tác phẩm.
...xem tiếp
16:28 Tuesday,20.3.2012 Đăng bởi:  T.Dang
Đọc bài của Vũ Lâm hay quá, đúng là ..."duỗi não" thật. Nếu Vũ Lâm không thân cận với N.T.Sơn và P.T.Bình thì khó mà "diễn bày" hết cái tâm, cái ý, cái đẹp của tác giả và tác phẩm. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tản mạn chuyện tượng đài
và đài kỷ niệm

Bài & ảnh: Họa sĩ Đỗ Đức

Thế nào thì dã man hơn?

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả