Nghệ sĩ thế giới

MÁU ĐEN – Có ai giải thích giùm… (cập nhật 3) 13. 04. 11 - 8:47 pm

Thông tin từ L'espace

Crying Sunshine - Pierre Fava

MÁU ĐEN

Triển lãm của Pierre Fava
Khai mạc: 18g ngày 14. 4
Từ 14. 4 – 17. 5. 2011
L’espace, 24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội

 

Sinh năm 1979 trong một gia đình người đảo Corse, tuổi thơ ấu của Pierre Fava đặc biệt khó khăn. Cậu bé chỉ thỉnh thoảng mới được gặp cha và mẹ cậu – những người do ngược đãi cậu nên bị tước quyền nuôi cậu. Cậu không được học hành và rất nhanh chóng từ bỏ môi trường gia đình và xã hội không được đầy đủ ấy. Với khả năng đáng kinh ngạc về hòa nhập, Pierre Fava phát triển khả năng trí tuệ của mình một cách tự nhiên, và tạo cho mình một tính cách riêng, đồng thời bắt đầu theo đuổi hội họa.

Rất nhanh, Pierre Fava nhận ra rằng mình gặp nhiều khó khăn khi vẽ và làm chủ sự biểu đạt một hình khối, nhưng thấy dễ dàng hơn khi xử lý trực tiếp với chất liệu. 

.

Anh bộc lộ tài năng của mình bằng việc tự học và bắt đầu làm việc với những khung tranh cỡ lớn mà anh yêu thích, và vẽ với những động tác mạnh mẽ, chứ không chỉ đơn giản dùng bàn tay.

Việc tự học của anh sau đó đã có kết quả vượt quá sự mong đợi. Anh trở thành một nghệ sỹ lớn và anh chỉ ý thức được điều đó khi có người thứ ba so sánh anh với những nghệ sỹ lớn. Người ta khám phá ở anh mối liên hệ với Pierre Soulage hay những nghệ sỹ theo trường phái biểu hiện trừu tượng Mỹ. Trong thời gian đầu Pierre Fava chỉ dùng màu đen. Anh bị màu đen mê hoặc, và có thể cũng vì tính tượng trưng mà nó tạo ra gần với tâm trạng của anh. Và nếu những tác phẩm của anh gần đây nếu có sử dụng gam màu khác thì màu đen trong đó cũng không hoàn toàn biến mất
  

Tác phẩm của Pierre Fava

Pierre Fava thường tô màu dày. Người ta có thể thấy trong những sắc màu đó dấu vết của chiếc bàn chải, chiếc dao phết hay chiếc lược ; thấy được năng lượng anh đã sử dụng để làm nên tác phẩm, và cả trận chiến giữa người nghệ sỹ với chất liệu sáng tạo. Cách anh vẽ cũng rất đặc biệt (xem thêm video này)

Tranh của anh có thể vừa dữ dội vừa dịu dàng. Đối với anh, những bức tranh đơn sắc là một cách thể hiện sự tinh khiết của chất liệu, là cách đem lại sự nhẹ nhàng và tinh tế cho hình khối.

Những khoảng trống để lộ kí ức của thứ thao tác đã được tôi luyện kiên nhẫn. Thế giới riêng của nghệ sĩ được kiến tạo tỉ mỉ tới mức thành hệ thống hóa, trong khi chất liệu mới chính là thế mạnh của anh.

Pierre Fava

 *

(Trong đoạn giới thiệu trên có câu “Không gian trống lộ ký ức cử chỉ được xây dựng kiên trì”, Soi thực tình là không hiểu. Có bạn nào cắt nghĩa giùm?

Hẹn gặp lại các bạn ở l’Espace, chiều 14. 4. 2011, lúc 18h.)

*

Tin mới nhất lúc 14h:

Câu gốc là thế này:
Ses espaces vierges laissent apparaître la mémoire du geste patiemment élaborée. Il peaufine son univers jusqu’à le rendre systématique et le paradoxe tient du fait que sa maîtrise est la matière.”

Và đã được dịch lại là thế này:
Những khoảng trống trên khung tranh cứ thế lấp đầy sau những động tác được thực hiện một cách kiên nhẫn. Anh tỉ mỉ tạo nên thế giới của mình cho đến khi nó trở thành quen thuộc, nhưng chính chất liệu mới là chủ nhân của thế giới đó.”

Nhưng hình như vẫn… không phải?

Bác nào từng là bạn học của Pierre với Hélène nhà Vincent thì giúp một tay nào!

 *

17h:

Bạn Trương Quế Chi đã dịch lại giúp, thành:

Những khoảng trống để lộ kí ức của thứ thao tác đã được tôi luyện kiên nhẫn. Thế giới riêng của nghệ sĩ được kiến tạo tỉ mỉ tới mức thành hệ thống hóa, trong khi chất liệu mới chính là thế mạnh của anh“.

Soi đã thay vào. Cảm ơn bạn Chi rất nhiều.

Giờ thì đi xem triển lãm thôi!

17h15:

Bạn Đỗ Kh. thì lại có ý kiến như sau:

 “Bởi vì Pierre Fava không có (không gian trống) kí ức của cử chỉ (cầm cọ mà phết ngang và phết dọc như thế này hay thế kia theo các bậc thày trước đây hay các trường phái), cách vẽ và quệt qua quệt lại của anh này thứ nhất là vô thức hay chí ít là cá biệt, thứ nhì là quyết liệt và hệ thống (xây dựng kiên trì) trong cái cá biệt của nó

Nên diễn nôm:

Pierre Fava không có đi học nên không có theo thói cầm cọ (đây nói về cách vung cọ lên bố) này kia (sắc sảo của cổ điển, nhẹ nhàng của ấn tượng v.v…) nhưng cũng không phải lăng nhăng lên đồng bởi vì thủ thuật của anh ấy có tiếp nối và do đó có lịch sử.
 
Bây giờ nếu dịch từ tiếng Pháp sang thì:
“Ses espaces vierges laissent apparaître la mémoire du geste patiemment élaborée. Il peaufine son univers jusqu’à le rendre systématique et le paradoxe tient du fait que sa maîtrise est la matière.”

“Những khoảng trống lại thể hiện – cho đoán thấy kí ức còn lại của những động tác được thực hiện một cách kiên nhẫn. Anh cấu tạo thế giới của mình bằng cách tỉ mỉ cho đến khi nó trở thành quen thuộc và hệ thống, nhưng trớ trêu thay – nghịch lý lại là: chất liệu mới là chủ nhân của thế giới đó.”

Kết luận: Dịch thì ai dịch cũng đúng hết, chỉ có ông Tây tác giả bài này là không biết mình viết gì thôi!”

*

Nghi án dịch thế là đã được giải quyết.
Cảm ơn anh Đỗ Kh.

 *

Bài liên quan:

– MÁU ĐEN – Có ai giải thích giùm… (cập nhật 3)
– Đi xem MÁU ĐEN ở l’Espace

Ý kiến - Thảo luận

22:06 Thursday,14.4.2011 Đăng bởi:  admin
Phạm Diệu Hương ơi, cảm ơn bạn rất nhiều.
...xem tiếp
22:06 Thursday,14.4.2011 Đăng bởi:  admin
Phạm Diệu Hương ơi, cảm ơn bạn rất nhiều. 
20:36 Thursday,14.4.2011 Đăng bởi:  Phạm Diệu Hương
Chào Soi, xin góp vui bằng một cách hiểu khác. Thân mến.

Những khoảng trống (trong tranh) hé lộ (giúp cho ta có thể hình dung được) quy trình (giúp ta xâu chuỗi lại được quá trình thực hiện) của thao tác được (nghệ sĩ) thực hiện một cách kiên trì. Thao tác được (nghệ sĩ) tỉ mỉ hoàn thiện cho đến khi nó trở thành hệ thống và nghịch lý ở chỗ sự điêu luyện (c
...xem tiếp
20:36 Thursday,14.4.2011 Đăng bởi:  Phạm Diệu Hương
Chào Soi, xin góp vui bằng một cách hiểu khác. Thân mến.

Những khoảng trống (trong tranh) hé lộ (giúp cho ta có thể hình dung được) quy trình (giúp ta xâu chuỗi lại được quá trình thực hiện) của thao tác được (nghệ sĩ) thực hiện một cách kiên trì. Thao tác được (nghệ sĩ) tỉ mỉ hoàn thiện cho đến khi nó trở thành hệ thống và nghịch lý ở chỗ sự điêu luyện (của nghệ sĩ) lại nằm ở chính (cách sử dụng) chất liệu (bàn chải, lược, dao…) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả