Tuần thứ 2, chiều thứ Bảy: Hanoi Brass trình bày nhạc cụ. Khánh Linh khoe chất giọng oanh vàng.
19. 11. 12 - 11:43 am
Bài và ảnh: Tịch Ru
Khán giả có mặt từ rất lâu trước 15h, thứ Bảy, 17. 11. 2012 để đón xem LUALA Concert tuần thứ 2. Tuần này gồm các màn song tấu Clarinet, Oboe và Tuba với Piano. Piano vẫn do pianist Tâm Ngọc đảm nhiệm. Sau đó là màn song tấu violon và cello của Nguyễn Khắc Thành và Hoàng Thế Phúc.
Điều chỉnh âm thanh vẫn là Arthur – học trò của chú Nhất Lý.
Tuần này tại LUALA có bán đĩa DVD thu lại trực tiếp những buổi hòa nhạc trong LUALA Concert 2011. Tất cả tiền bán đĩa sẽ được ủng hộ cho những tài năng âm nhạc trẻ.
Chị Vũ Quỳnh Anh lên giới thiệu chương trình. Đây là một bước cải tiến so với năm ngoái: khán giả sẽ biết trong chương trình này mình được nghe gì.
Đầu tiên là Trịnh Tùng Linh chơi clarinet. Anh chơi các bản: Piacer Damor của G. Martini, Le petit Nerge của C. Debussy, Le Cygne của C.Saint saens, Cradle song của J.Brahms, Chanson Triste của Tschaikovsy, Walts của J. Brahm. Trong dàn nhạc giao hưởng, clarinet thuộc bộ gỗ, âm vực thuộc trung trầm, giống như cello trong bộ dây và trombone trong bộ đồng. Âm thanh của clarinet khá êm dịu và ấm áp (nhiều người ví nó giống như rượu vang). Những tác phẩm song tấu giữa clarinet với piano đều thuộc thời kì hậu cổ điển, giữa trường phái ấn tượng và lãng mạn, rất hợp với tính năng êm dịu của clarinet.
Tiếp theo là oboeist Phạm Việt Cường. Anh chơi bản Catabile của Paganini, Fantasil của Carl Nielsen
Phạm Việt Cường cũng giới thiệu cho khán giả về cây oboe. Oboe nhìn rất giống với clarinet, nhưng có âm thanh dễ nổi các nhạc cụ khác hơn. Oboe thổi nặng hơn flute, tốn nhiều hơi, thế nên giai điệu dùng cho kèn Oboe tương đối dài.
Tiếp đó là tubaist Lê Minh Chiêu, anh chơi các nhạc phẩm Sonate cho kèn tuba và piano của Johann Erust Galliard. Tuba là kèn trầm nhất trong bộ đồng (giống như sasson trong bộ gỗ và contrabass strong bộ dây). Tuba có kích thước lớn, âm thanh thô ráp, chậm, nặng nề và trầm. Trong dàn nhạc, tuba thường giữ vai trò định vị hợp âm cho cả dàn. Khi ở âm vực trầm thì dày chắc, nặng, chậm. Khi lên cao thì bị nén, căng và xấu nên ít được sử dụng. Tuba đòi hỏi người chơi rất tốn hơi, và hơi phát ra chậm rãi nên chỉ hợp với những câu ngắn và giai điệu chậm.
Tuần này, các khán giả của LUALA có cơ hội tham gia một trò chơi vào giữa giờ. Đó là bật một bản nhạc cổ điển trong xe Ford Focus, và một người chơi phải đứng lên đoán xem đó là bản nhạc nào.
Ngay hôm đầu tiên đã có ba khán giả trả lời đúng câu hỏi. Trong đó có một cậu bé còn… rất bé.
Giữa giờ giải lao, có hai anh em rất hồn nhiên lên đánh piano. Tuy chỉ là mấy bản nhạc vỡ lòng nhưng không khí LUALA Concert cũng trở nên càng gần gũi, dễ thương.
Sau giải lao là màn song tấu piano và violon của pianist Tâm Ngọc và violinist Châu Sơn với các tác phẩm: Thais meditation của Masenet, Bài ca không lời của Mendensohn, Cavatina của J.Raff, Cantabile của Paganini.
Violinist Châu Sơn
Sau đó đến màn song tấu của violinist Nguyễn Khắc Thành và cellist Hoàng Thế Phúc. Khác với song tấu với piano, vì piano có âm vực khá rộng, nên nó có nhiệm vụ đệm hoặc giữ phần hòa thanh cho nhạc cụ còn lại, còn giữa cello và violon, hai cây sẽ mang tính phức điệu nhiều hơn. Và cùng là bộ dây, thế nên màu sắc giữa “chúng” sẽ đồng điệu hơn là với piano.
Cellist Hoàng Thế Phúc.
Violinist Nguyễn Khắc Thành. Cặp song tấu này chơi các bản Duos cho violon và Cello giọng C dur, 3 chương: Allegro comodo, Larghetto sostenuto, và Rondo Allegretto.
Ngay tuần trước, mọi người đã thấy Khánh Linh đến dự buổi lễ khai mạc LUALA Concert rồi phải không? Tuần này, cô cũng “xuống phố”, hoàn toàn không nằm trong chương trình dự kiến. Cô trình diễn hai ca khúc quen thuộc là “Em tôi” và “Giấc mơ trưa”.
Có Quang Minh đệm guitar và piano cho Khánh Linh.
LUALA Concert mùa này, nhiều khán giả thấy thích nhất khi được giới thiệu, làm quen với các nhạc cụ giao hưởng. Cứ thế, từng chút một, mùa này qua mùa khác, với nỗ lực của các nghệ sĩ và nhà tổ chức, âm nhạc cổ điển rồi cũng sẻ đến gần hơn với khán giả Việt Nam.