Đi & Ở

ĐI 20. 01. 13 - 8:24 am

Trần Việt Anh

Đạo Phật có câu: “Kẻ thù lớn nhất của đời người chính là bản thân mình”. Cái khó nhất để làm một người lữ hành là bước ra khỏi bậc cửa nhà mình. Một khi mình đã có quyết tâm bước ra khỏi bậc cửa, mình sẽ thoát ra khỏi lũy tre làng, bước ra đường quốc lộ. Một khi đã qua cửa khẩu là mình ở một đất nước khác. Đạo diễn bộ phim tài liệu nổi tiếng “Hà Nội trong mắt ai” Trần Văn Thủy viết trong cuốn sách “Nếu đi hết biển”, hồi nhỏ ông có hỏi bà vú nuôi mình rằng nếu đi hết biển thì là gì. Bà vú không trả lời nổi và khi trưởng thành, ông đã cố gắng trả lời câu này. Ông cố gắng “đi hết biển”, đi sang Mỹ và tìm hiểu về đất nước, con người đã từng là kẻ thù của dân tộc Việt, tìm hiểu về những con người cùng dân tộc Việt mà bị coi là ngụy, là kẻ thù. Và tất nhiên nếu “đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình”. Ông đã thu lượm nhiều hơn trong chuyến đi đó.

Một khi đã bước ra được thế giới, mình sẽ thấy mình thật nhỏ bé trong thế giới này. Một khi được đắm mình trước những kỳ quan của thế giới mới thấy hết được sự hùng vĩ của thiên nhiên, có dong thuyền buồm ra biển gặp bão, khi con tàu nhỏ nhoi như chiếc lá tre mong manh trước biển lớn, bị hàng ngàn con sóng cao như những tòa nhà trọc trời vùi dập, người mệt đứ đừ, bị quăng sang bên nọ, bị quật sang bên kia, cảm giác nôn ra cả mật gan, mới thấy sức mạnh của thiên nhiên khủng khiếp thế nào. Trong những giây phút đứng trước sự sống cái chết, mình mới hiểu bản thân mình hơn, có trong những giây phút mà mình nghĩ chắc chắn sẽ chết đó, mình mới nhìn nhận về cuộc đời một cách công bằng, mình đã sống ra sao và có sống một cuộc đời đáng sống hay không?

Có đi đến những kỳ quan thế giới để được sờ tay vào những họa tiết, tinh hoa của nhân loại mới thấy từ xa xưa, từ trước công nguyên đã có quá nhiều người tài giỏi. Có đến điểm tận cùng của cực Nam châu Phi mới biết là từ thế kỷ 15, Trịnh Hòa với phương tiện tàu thủy thô sơ, không hệ thống định vị đã đến nơi này. Có đứng ở quảng trường Thời đại (Time Square) vào đêm Thiên Niên Kỷ hòa mình vào hơn triệu người tập trung ở đây để đếm ngựợc đón năm mới, mới thấy mình chỉ là một thành phần nhỏ trong thế giới hơn bảy tỉ người. Tiếng hét của mình dù có to đến đâu cũng bị biến mất và hòa quyện để cùng tạo nên một âm thanh đồng điệu lạ kỳ đếm từ mười về một và cùng quay sang ôm cả những người lạ bên cạnh chúc nhau những lời lẽ tốt đẹp nhất. Có đến Swarziland, nơi đến nửa dân số bị mắc căn bệnh thế kỷ, tuổi thọ trung bình không quá 35 mới thấy cuộc sống, cái chết đơn giản thế nào, Con người ta sinh ra, chết đi và nhiều khi những đứa trẻ vừa sinh ra khái niệm đầu tiên khi hiểu biết có lẽ là mình sẽ chết đi và coi như đã chết rồi. Cuộc sống được tính theo ngày.

Đi là trải nghiệm, mắt thấy, tai nghe, tay sờ, mũi ngửi và được chứng kiến nhiều sự kiện, được va chạm, được giao thoa với nhiều dân tộc và nhiều nên văn hóa trên thế giới. Để hiểu rằng ở đó người ta có dùng chân tay, hay nói một ngôn ngữ lạ tai ta cũng phải cố mà hiểu. Trong khi ngồi nhà nhiều người nói cùng ngôn ngữ có khi ta không hiểu. Nếu ngồi nhà, ta sẽ nghĩ mình cũng thuộc hàng “đại gia”, cũng ở nhà lầu, xe hơi, công danh thành đạt và cứ an ủi, ru ngủ cuộc đời mình như thế, đôi lúc rất tinh vi, phán này, phán nọ, phán kia mà thật ra là sai bét mà không biết rằng thế giới ngoài kia có hàng tỷ thứ vẫn đang diễn ra, sự việc đã thay đồi và thế giới hoàn toàn khác biệt. Người ở các nước phát triển họ đã bước qua khỏi khái niệm giàu có về vật chất, những người như Bill Gates, Warren Buffet đã không dành hết của hồi môn cho con cái. Họ dành đến 95% tổng tài sản cho quỹ từ thiện mà chỉ để lại cho con cái một phần nhỏ nhoi. Những người khác, họ không khoe là tao vừa mới mua thêm căn nhà, cái xe hơi, điện thoại Vertu mà họ sẽ nói tôi vừa biết thêm một đất nước.

Có đi, có trải nghiệm mới thấy mình đỡ hẹp hòi, ích kỷ, cứng đầu và lạc hậu. Ngày xưa, ai mà nói với tôi về cuộc chiến Việt nam khác với những gì tôi được dạy ở trường là tôi cãi chày cãi cối, cãi đến đỏ mặt tía tai, cãi cho được thì thôi, nhất định “ta phải thắng – địch phải thua”. Sau này tôi mới hiểu, mỗi vấn đề cũng như trái đất này nếu một người đứng bên kia nửa quả cầu thì sẽ chắc chắn cam đoan vào thời điểm đó là buổi đêm mà không biết rằng người bên kia nửa trái đất đang thức dậy ăn sáng và chuẩn bị đi làm.

Nói cho đơn giản nếu một quả bóng to chỉ có hai màu trắng đen, chưa cần phức tạp có nhiều màu, nếu một người cả đời chỉ đứng phía bên kia quả bóng và chỉ nhìn thấy quả bóng màu đen thì đối với anh ta, quả bóng đó chắc chắn là màu đen. Ngày này qua ngày khác đó là cái mà anh ta nhìn thấy, lâu dần trở thành nhận thức, quả bóng đó là màu đen. Tương tự như vậy, anh chàng bên màu trắng sẽ cam đoan, sống chết bảo vệ lý tưởng của anh ta rằng quả bóng đó màu trắng. Họ có thể đánh nhau, giết nhau để bảo vệ cái chân lý đó, cái nhận thức từ bé đến lớn họ đã thấm nhuần. Họ không hiểu rằng, họ đều sai. Nếu họ đi một vòng quanh quả bóng, họ sẽ hiểu và thông cảm cho nhau hơn, chắc chắn đã tránh được cảnh đầu rơi, máu chảy. Trên thực tế, trái đất này phức tạp hơn quả bóng hai màu trắng đen kia. Trên quả cầu này, không chỉ có hai màu mà có quá nhiều màu, có quá nhiều sự khác biệt, có quá nhiều chủng tộc, ngôn ngữ, màu da, tôn giáo, thể chế chính trị, v.v và v.v. Chính vì vậy mà vẫn có nhiều cuộc chiến tranh vô nghĩa và phi lý, vẫn có cảnh bộ tộc này vác mã tấu đâm chém bộ tộc kia chỉ vì khác biệt, vẫn có những cuộc thập tự chinh chỉ vì tôn giáo và tín ngưỡng.

Ý kiến - Thảo luận

5:18 Thursday,19.5.2016 Đăng bởi:  Son Vu
Ếch ngồi đáy giếng nhìn thấy mây trắng bay qua, mây luôn thay đổi hình hài, kích thước. Có ngồi cả đời mà ngắm mây cũng không thể hiểu hết được. Đó là lý thuyết của ếch, cho nên nó cứ ngồi lì ngắm mây trong giếng là vậy.
...xem tiếp
5:18 Thursday,19.5.2016 Đăng bởi:  Son Vu
Ếch ngồi đáy giếng nhìn thấy mây trắng bay qua, mây luôn thay đổi hình hài, kích thước. Có ngồi cả đời mà ngắm mây cũng không thể hiểu hết được. Đó là lý thuyết của ếch, cho nên nó cứ ngồi lì ngắm mây trong giếng là vậy. 
20:35 Monday,21.1.2013 Đăng bởi:  Sương

Cách nói của Lu làm mình nhớ tới nhiều sĩ phu xứ Bắc, đi ít, nhưng thường nói kiểu "đầu nhã đít đểu" về việc không đi vì ở một chỗ còn chưa hiểu hết, đi đâu, làm gì cho xa.


Đi mà không thu được gì hơn ngoài động tác đi và cảm giác thay đổi địa lý
...xem tiếp

20:35 Monday,21.1.2013 Đăng bởi:  Sương

Cách nói của Lu làm mình nhớ tới nhiều sĩ phu xứ Bắc, đi ít, nhưng thường nói kiểu "đầu nhã đít đểu" về việc không đi vì ở một chỗ còn chưa hiểu hết, đi đâu, làm gì cho xa.


Đi mà không thu được gì hơn ngoài động tác đi và cảm giác thay đổi địa lý thì cũng tệ ngang với không đi đâu mà dè bỉu việc đi, lấy màn cố thủ tại chỗ làm điểm để tự hào gàn dở.
 

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hà Nội: bạn cần biết địch biết ta...

Lê Thị Liên Hoan (đạo diễn Lê Hoàng)

Luật của comment

RaumuongNoigian & SOI

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả