Gẫm & Bình

Tôi đi xem bộ sưu tập của ông Tira 18. 01. 13 - 11:06 pm

Vũ - Ảnh chụp tác phẩm từ bộ sưu tập của ông Tira do Soi xin

“Đánh cá” của Văn Đáng (?) – Trong cả bài, các bạn nhớ bấm vào hình để xem bản lớn hơn.

 

Phải thừa nhận chính vì cái tên thiếu thiện cảm trên Soi – “Quan trọng và vô giá: Lần 3, cũng của ông Tira” – mà tôi đi xem triển lãm những bức tranh quý của ông Tira Vanichtheeranont.

Lần trước, vì bức tranh “Nông thôn” không biết giả-thật của Bùi Xuân Phái, mà tiếng tăm ông Tira bị hoen đi ít nhiều.

3h chiều ở Sài Gòn, ngay trung tâm, đối diện phố đồ cũ, đồ cổ Lê Công Kiều, bảo tàng Mỹ thuật TPHCM người ra người vào không thể gọi là tấp nập nhưng lúc nào cũng có.

Triển lãm “tranh vô giá” của ông Tira nằm trong khu nhà thứ hai, hình như mới sửa lại. Bước vào trong, cảm giác đầu tiên là: mát rượi và bình yên. Có tiếng nhạc văng vẳng, khe khẽ, phát ra bên cạnh bức “Trận Bạch Đằng” (rất không đẹp, như tranh trong sách truyện lịch sử phóng to) của Nguyễn Cao Thượng, từ một màn hình nhỏ, trình bày về bức tranh, có phụ đề tiếng Anh…

“Trận Bạch Đằng” của Nguyễn Cao Thượng

*

Khó nhất của một người ngoài nghề khi viết về một triển lãm là sự thiếu kiến thức. Cũng giống như anh đi xem kịch, thấy hay, thấy dở cũng chỉ là biết thế, còn khen chê cho thấu đáo thì quả là bất khả.

Nhưng chẳng lẽ vì thế mà không khen, không chê được cái gì sao? Và chỉ dám lên FB ấn một nút Like hay “còm” một câu ngắn ngủi sao?

*

Tôi chỉ biết cảm giác còn lại sau khi đi lần lượt qua những phòng triển lãm này, rồi dí mắt vào một số bức tranh, nhìn nét cọ thô tháp hay mượt mà, là sự xúc động và cảm giác may mắn.

May quá, mình đã đến đây, kịp xem tận mắt những tác phẩm của các bậc tiền bối. Không phải bức nào cũng đẹp, có một cảm giác là ông Tira trong nhiều trường hợp đã phải mua rất nhiều lạc mới được chạm đến bia. Nhưng có nhiều bức thì quả là tuyệt. Trừ vài bức to (thường không đẹp), còn lại thường nho nhỏ, chặt chẽ, cho cảm giác “biết đủ là đủ” của chính người vẽ.

Bức màu nước “Chợ vùng cao” của Phan Thông chẳng hạn, tả một buổi chợ (chiều?) dưới chân núi, là một bức có các sắc độ xanh tuyệt đẹp, với màu xanh già của núi, bao bọc mà không làm tan nhòa sắc xanh áo chàm đồng phục của đám người Thái đang mua mua bán bán.

“Chợ vùng cao” của Phan Thông (Trong cả bài, các bạn bấm vào hình để xem bản to hơn).

 

Tôi rất thích Phan Thông ở cái cách ông mô tả một đám đông, hay một bầy lúc nhúc, một tập hợp các vật giống nhau. Thí dụ, trong bức màu nước “Khu khai hoang hợp tác xã Đại Phong“, ông diễn tả một đàn bò đi dạt hai bên đường thật tài tình, vẫn là một bầy đàn mà vẫn là từng con khác nhau, núc ních. Hay trong bức “Chợ Trung Thu”, những đèn ông sao, những đầu lân nhấp nhô, vừa dày đặc mà vẫn thoáng nhờ những lúc chấm phá; đủ rực rỡ mà không rối mắt, như niềm vui đầy ứ của tuổi thơ thời khó khăn.

“Khu khai hoang hợp tác xã Đại Phong” của Phan Thông

 

Tôi để ý thấy tranh của các họa sĩ lớp trước vẽ dáng người đẹp hơn họa sĩ thời nay. Đó là dáng thực tế của con người, do họa sĩ quan sát và tóm lấy cái thần trong những nét vẽ, chứ không phải dáng mà họa sĩ muốn nhân vật tranh phải có, theo ý mình. Cho nên những dáng người ấy tự nhiên, duyên dáng, dù rất bé. Trong bức mực nho “Vùng cao” của Mai Long chẳng hạn, giữa một rừng cây thưa và cao vút, là những phụ nữ người Dao (?) cắm cúi len lỏi. Bé tí thôi nhưng đầy uyển chuyển, từ dáng áo quần, đến cái nghiêng đầu. Phía sau họ là một con ngựa trắng, cũng thong dong. Cả bức tranh cho một cảm giác thần tiên, không phải vì cảnh đẹp mà vì cái ung dung tự tại sở hữu ngày rộng tháng dài của những nhân vật trong tranh.

“Vùng cao” của Mai Long

Hoặc những bức kí họa nho nhỏ của Tôn Đức Lượng, vẽ những người kéo đàn, những người bán hàng ngoài chợ…, cho thấy sự say mê quan sát cuộc sống của người họa sĩ. Và đặc biệt là bức ký họa bé ơi là bé, diễn tả những mái nhà người Thái, tuy không có người mà như vẫn có hơi người. (Tuy nhiên, tôi không thích những bức ký họa lớn của ông, vì công trường nào cũng như công trường nào, công đoạn sản xuất nào cũng như nhau, không có sự phân biệt, cá tính…)

Ký họa bé của Tôn Đức Lượng

*

Tôi nhớ có năm nào đi xem triển lãm của họa sĩ Hoàng Trầm, tổ chức tại Applied Art. Cảm giác lúc ấy là thán phục họa sĩ Hoàng Trầm nói riêng và những người làm mỹ thuật nói chung, vì sao họ có thể vẽ 🙂 , và nhất là vì sao họ dùng màu tuyệt thế, cứ như có bàn tay ông Trời “gà” cho họ lúc ấy.

Lần này xem tranh ở triển lãm bộ sưu tập của ông Tira, tôi cũng có cảm giác y như thế, trước nhiều bức tranh.

Thí dụ như bức sơn dầu “Đánh cá” của Văn Đáng, có màu trời rất đẹp, hòa sắc tuyệt vời chuyển từ màu áo hai người trên cầu tàu sang nền trời. (Chỉ hơi lo lo khi thấy bức tranh không có kính bảo vệ, lại treo gần cửa sổ, không hiểu nắng chiều gay gắt có làm hỏng tranh không.)

Hay bức phấn màu “Núi Đê” của Nguyễn Văn Bình, xem mà phục quá, sao mà họa sĩ “chắt” được cái màu xanh của tự nhiên tài tình vậy, vừa là nó, vừa không phải là nó, và cái người chăn dê mới sinh động làm sao, đầy cá tính.

“Núi Đê” của Nguyễn Văn Bình

 

Và còn nhiều nữa: “Phong cảnh Sài Sơn” của Công Văn Trung mà dí mắt vào bạn sẽ thấy những mái ngói vảy cá tỉ mỉ đẹp mê hồn, lùi ra xa là một phong cảnh hài hòa đến sững sờ. “Xưởng đóng tàu”- một bức gỗ màu của Nguyễn Thụ – cho thấy việc phối ba màu vàng, xanh, tím thật dứt khoát, độc đáo, và dĩ nhiên là rất đẹp. Hay bộ bột màu 9 bức có tên “Cầu Hiền Lương” (nhưng thực ra vẽ các cảnh Quảng Bình, Quảng Trị) của Lê Văn Xương…

“Phong cảnh Sài Sơn” của Công Văn Trung

Và tuy rằng đọc những lời giới thiệu của hai ông Phan Cẩm Thượng lẫn Nguyễn Quân cho bộ sưu tập của ông Tira chẳng thấy sáng tỏ thêm được điều gì về mặt thẩm mỹ, nhưng tôi vẫn thích cách ông Nguyễn Quân gọi những tác phẩm trong bộ sưu tập này là “các tác phẩm nhỏ nhẹ”; thật là một từ cực hay, nhất là nếu bạn thử đến đây, ngồi ở cái ghế dài đặt giữa phòng, trong luồng gió mát phe phẩy của những cái quạt quay êm đềm trong góc căn nhà Pháp, ngước lên nhìn lại những bức tranh nhỏ mà cô đọng, lành mà sống động, của những người hiền một thời… Lúc ngồi như thế, tôi đã xúc động gần như muốn khóc… 

Các bạn ạ, tóm lại, dù không phải họa sĩ hay chưa bao giờ yêu mỹ thuật, các bạn đều nên đến xem. Đến để hiểu và trân trọng một nghề hơn. Còn có vài ngày nữa thôi, và vé có 5.000đ, ngay trung tâm, chỉ cần trước buổi cà phê tạt qua nửa tiếng, thay vì chỉ xem những ảnh chụp tác phẩm trên web, trên báo, đọc những lời bình luận lớt phớt, hay nghe những chuyện thị phi râu ria về người sưu tập, người vẽ…

“Xưởng đóng tàu” của Nguyễn Thụ

*

Cuối cùng, nếu đã đến bảo tàng Mỹ thuật thành phố, tôi cũng đề nghị bạn chịu khó đi sang tòa chính sát bên, ở cánh trái, ngay trong khuôn viên và cùng cái vé đã mua, xem những bức tranh của họa sĩ ngày nay vẽ. Cũng những tên tuổi ra phết đấy, nhưng vừa ở phòng tranh ông Tira bên kia ra, sang đây, ta chỉ có thể dùng hai từ “tha hóa”. Tranh nào cũng to, màu như trây như trét, hình thì vô vị. Kinh nhất là một bức có tên đại loại “Chất độc màu da cam”, treo hết cả một mảng tường… Cảm giác các họa sĩ ở đây vẽ để bán theo mét vuông, hoặc vẽ cho đủ diện tích tường còn làm triển lãm đơn, không cần nhiều người xem, chỉ cần một triển lãm cho danh sách thành tích thêm dài và vô nghĩa. Hoặc đó mới là ý nghĩa, của thời này.

*

Triển lãm mỹ thuật “Những tác phẩm quan trọng và vô giá của Mỹ Thuật Việt Nam hiện đại” – Lần 3

Thời gian: 6g tối, thứ Sáu, 11. 1. 2013
Địa điểm: Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Q.1, TP.HCM)
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 22. 1. 2013

 

*

Bài liên quan:

– Quan trọng và vô giá: Lần 3, cũng của ông Tira
– Tôi đi xem bộ sưu tập của ông Tira

Ý kiến - Thảo luận

2:13 Friday,25.1.2013 Đăng bởi:  trần đức đủ
Các cụ nhà mình vẽ oách gê
...xem tiếp
2:13 Friday,25.1.2013 Đăng bởi:  trần đức đủ
Các cụ nhà mình vẽ oách gê 
12:54 Saturday,19.1.2013 Đăng bởi:  hoàng nguyên vũ

Cảm ơn bạn Vũ đã có một bài viết giản dị mà thật hay về những bức tranh Việt trong bộ sưu tập của ông Tira. Bạn cảm động vì những bức tranh, còn tôi không được xem tranh, nhưng cảm động vì chữ với một tấm tình của bạn.


Chuyện bức tranh Nông thôn bị nghi ngờ là
...xem tiếp

12:54 Saturday,19.1.2013 Đăng bởi:  hoàng nguyên vũ

Cảm ơn bạn Vũ đã có một bài viết giản dị mà thật hay về những bức tranh Việt trong bộ sưu tập của ông Tira. Bạn cảm động vì những bức tranh, còn tôi không được xem tranh, nhưng cảm động vì chữ với một tấm tình của bạn.


Chuyện bức tranh Nông thôn bị nghi ngờ là giả của Bùi Xuân Phái trong bộ sưu tập của ông Tira đã từng ồn ào một thời gian (và cả trên Soi), nhưng tôi nghĩ chuyện nào ra chuyện ấy. Có thể xem nó như một khiếm khuyết lớn trong một bộ sưu tập còn lớn hơn, một"con sâu" nhưng không thể làm rầu cả một nồi canh ngon.


Bài viết này của bạn là một sự trả lại công bằng cho ông Tira

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Đi xam xám giữa copy và biến cải

Daniel Grant - Ngọc Trà dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả