Nghệ sĩ thế giới

Phim khác của Ghibli (phần 3): Miyazaki “con” cướp phim của Miyazaki “cha” và làm thành dở 18. 07. 13 - 7:56 am

Pha Lê

(Tiếp theo phần 2)

6. My Neighbours the Yamadas (Nhà hàng xóm Yamada), 1999

Bộ phim xoay quanh cuộc sống bình dị nhưng hơi điên điên của gia đình Yamada (thực tế thì gia đình nào cũng có tí điên điên), với con trai Noboru, con gái Nonoko, bố Takashi, mẹ Matsuko, bà ngoại Shige, và con cún Pochi.

Đại gia đình Yamadas (các bạn bấm vào ảnh để xem ảnh to hơn)

 

Bộ phim do Isao Takahata đạo diễn, và thay vì dùng cách vẽ lẫn cách phối màu truyền thống của Ghibli, Takahata quyết định dùng màu nước với nét vẽ đơn giản hóa theo kiểu truyện tranh. Giống các phim khác của ông, “Nhà hàng xóm Yamada” rất Nhật, ai hiểu Nhật sẽ thích hơn, nhưng nó không đến nỗi quá Nhật như Pom Poko, thành thử người ngoại đạo xem vẫn được.  

Một cảnh trong “Nhà hàng xóm Yamadas”, phim vẽ đơn giản với màu nước nhưng khung hình nào cũng đẹp như tranh ấy.

Bộ phim gồm nhiều câu chuyện nhỏ của gia đình Yamada, mỗi câu chuyện ngăn cách bằng một bài thơ Haiku. Phim vui kinh khủng, ai thích phim truyền hình hài kiểu sitcom thì chắc chắn sẽ khoái phim này.


7. Tales from Earthsea (Truyện kể vùng Earthsea), 2006

Chuyển thể từ bộ sách nổi tiếng của nhà văn Ursula Le Guin,

Một cảnh trong phim

Nhưng bộ phim này dắt dây theo nhiều chuyện rắc rối. Đầu tiên, vấn đề nằm ở chỗ: từ lâu rất lâu rồi, Hayao Miyazaki và ông con trai Goro Miyazaki đã không ưa nhau. Lý do chính (Goro kể) là vì Miyazaki bố ham công tiếc việc quá, ít khi nào ở nhà với gia đình, khiến tuổi thơ của Goro mang tiếng là có bố làm nghệ sĩ bậc thầy nhưng chả mấy khi gặp mặt. Sau này Goro dấn thân vào làm họa sĩ hoạt hình nhưng cả hai Miyazaki cha con gần như không đếm xỉa đến nhau. 

Anh Goro Miyazaki

Vấn đề thứ hai:  Miyazaki rất yêu truyện của Ursula. Truyện kể vùng Earthsea nói về thế giới phép thuật Earthsea, nơi các nam phù thủy được coi trọng hơn nữ phù thủy; truyện nhấn mạnh vấn đề bình đẳng giới, môi trường… toàn những thứ Miyazaki rất khoái, nên ông từng nói rằng mình để bộ sách này ở đầu giường. 

Hai nhân vật chính của “Truyện kể vùng Earthsea”

Vấn đề thứ ba: cũng từ rất lâu, Miyazaki đã xin Ursula cho phép mình dựng truyện của bà thành phim. Ursula không thích bất cứ đạo diễn nào chuyển thể sách của mình, và lúc đó bà chẳng biết Miyazaki là ai nên… liên tục từ chối. Nhưng sau khi xem “Ông hàng xóm Totoro”, Ursula thích Miyazaki và cảm thấy rằng ông là người duy nhất có thể chuyện truyện của bà thành phim, nên đồng ý giao tác phẩm cho Miyazaki. Miyazaki mừng húm!

Nhưng nhà sản xuất Suzuki của Ghibli nghĩ ngợi thế nào đó, giao Earthsea cho… ông con Goro đạo diễn. Kết quả: phim chệch hẳn so với truyện; nói cho cùng thì chệch vẫn chẳng sao, miễn là hay, có điều Earthsea lại… không hay. Theo ý kiến chung thì phim cứ nặng nề, buồn buồn, tuy vẽ đẹp nhưng thiếu cái vẻ tinh tế vốn có của Ghibli. Một số khác phán rằng Earthsea có nhiều cảnh ngắn khá hay, nhưng gộp lại thành phim thì chán, và khuyên Goro nên đi làm phim hoạt hình ngắn thay vì dài.

Ursula thất vọng với phim, Miyazaki bố thì tức điên người.


8. The borrower Arrietty (Cô bé vay mượn Arrietty), 2010

Dựa theo cuốn truyện thiếu nhi “The Borrowers” của Mary Norton, bộ phim kể về giống người vay mượn tí hon, sống dưới gầm nhà, cụ thể là gia đình của cô bé Arrietty (giống người tí hon đi mượn đồ của người bình thường để sống, nên giống loài này chết tên đó)

Hai nhân vật chính của phim: cô bé Arrietty tý hon và cậu Sho – người phát hiện ra gia đình của Arrietty dưới gầm nhà.

Bộ phim do Hiromasa Yonebayashi đạo diễn. Đây là phim đầu tay của anh, Miyazaki giao Arrietty cho Hiromasa cũng với mục đích đào tạo tài năng trẻ cho Ghibli. Lúc đầu, Hiromasa lúng túng không tự tin nên cứ đi xin Miyazaki lời khuyên suốt, nhưng Miyazaki ậm ừ không chỉ. Sau đó Hiromasa vỡ lẽ rằng Miyazaki muốn mình tự thân làm phim, nên anh chủ động hơn trong công việc, và được Miyazaki khen.

Trong phim có cảnh cô bé Arrietty phát hiện ra ngôi nhà búp bê của loài người, mọi thứ bé xíu rất vừa vặn với giống vay mượn tý hon. Hãng Ghibli chi hơn triệu Yên để làm một ngôi nhà búp bê thật, đồ nội thật đều do các nghệ nhân thực hiện riêng, bên trong các nghệ nhân còn làm một mô hình Miyazaki nhỏ xíu, cho ngồi ở phòng làm việc. Ngôi nhà hiện nằm tại bảo tàng Ghibli.

Ngôi nhà búp bê trong phim

 

Cận cảnh của căn nhà búp bê

 

Dollhouse thật làm cho phim, với mô hình Miyazaki. Bảo tàng không cho chụp hình bên trong nên mò đến trận trang web của Nhật thì mới thấy một cái bé tý, bạn nào có hình to hơn thì gửi về giúp SOI nhé.


Khi nào Ghibli có thêm phim mới lẫn thông tin, Lê sẽ tiếp tục có bài cho mọi người.

*

 

Bài liên quan:

– Phim khác của Ghibli (phần 1): Isao Takahata làm phim hay nhưng buồn muốn chết 
– Phim của Ghibli (phần 2): Khi cái chết làm thay đổi cả Miyazaki 
– Phim khác của Ghibli (phần 3): Miyazaki “con” cướp phim của Miyazaki “cha” và làm thành dở 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

THẾ HỆ MỚI của Anh Tuấn

Thông tin từ triển lãm

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả