Đi & Ở

Miễn là có tiếng trống thôi thúc 02. 11. 13 - 7:02 am

Đỗ Phước Tiến

Đường 24 đẹp nhưng xương xẩu. Ảnh trong toàn bài: Đỗ Phước Tiến

Chọn đường 14 thường là do thói quen. Vào lúc bị thôi thúc nhất tôi cũng chỉ thích đường 19 để cắt ngang Trường Sơn, cả đi lẫn về, để tới bất cứ đâu trên cao nguyên Kon Tum, Jarai hay Darlac, cho dù phải lộn ngược đầu trên hành trình lê thê phí phạm qua những bình nguyên gấp nếp bị kẹp giữa những ngọn núi giống như những cái vú đã cạn sữa hoặc chưa bao giờ có sữa. Nắng rát trên cửa kính đột ngột lãnh trọn một trận mưa rất nhanh với những hạt nước rất to, thừa thãi từ những sườn núi bị rừng cắt vụn. Tôi ghét bị thời tiết hành hạ nhưng dù sao vẫn đỡ hơn những vách núi chán ngắt trên đường 14, cứ sừng sững hiện ra sau mỗi khúc quanh. Những vách núi tối vắng ảm đạm, thỉnh thoảng sạt lở tới mức không còn hình thù thể thống gì.

Những vách núi ảm đạm trên đường 14

Rồi cũng trên đường 14, thỉnh thoảng là những đoạn đường đúc bê tông, hẹp và lồi lõm nhiều tới mức tiếng piano của Yanni mất hết những giai điệu hào hứng. Trong những hoàn cảnh tương tự tôi chỉ còn mỗi một an ủi duy nhất là nghĩ tới tách trà thơm nức ở cuối mỗi chặng đường.

Hy vọng có một tách trà ở cuối con đường này

Đường 24 luôn khiến tôi e ngại mặc dù gái đẹp là niềm khao khát chưa bao giờ nguôi. Trong những cánh rừng dày đặc không thể chen chân, những thung lũng quanh năm tối tăm ẩm ướt ở Ba Tơ, những ngôi làng bên cạnh con sông Liêng hung dữ đã từng khiến tôi hút chết. Tôi nghe kể đó là thế giới của những phụ nữ có khuôn mặt rất đặc biệt. Ai cũng đẹp một cách hoang dại với sống mũi rất cao, da trắng hoặc ngăm ngăm, mắt thẳm huyền bí khác hẳn với phụ nữ Hré mũi tẹt, da rất đen.

Cây cầu này chẳng nhớ tên nối đường 24 vào Kontum, có nhiều làng của người Hré

Người ta nói rằng nhiều thế kỷ trước, trong cơn binh lửa triền miên một bộ phận người Chăm dưới vùng xuôi chạy dạt lên vùng núi này để lánh nạn. Sau nhiều đời, những cuộc hòa huyết giữa Chăm và Hré đã tạo nên nhóm người này. Tôi đã đi tìm cho tới khi trôi dạt qua tận Kon Plông (Kon Tum) mà người đẹp thì như bóng chim tăm cá, đã vậy còn mất đứt hai ngày ở Măng Đen với chiếc xe bị bể két nước. Nói chung đường 24 đối với tôi là một cục xương, nó quá trắc trở và thường xuyên hoang vắng.

Cái giếng cổ trên đường 19 này là nơi, theo một truyền thuyết, “Thầy tư Lữ” (tức Nguyễn Lữ, anh của Nguyễn Huệ) sử dụng trong những ngày cuối đời.

Không cần phải đổi số nhiều khi thời tiết xấu, đường rộng và những chiếc xe ngược chiều xuất hiện với bộ dạng từ tốn trong màn mưa, đó là cái tôi thích nhất ở đường 19. Nhạc vừa phải vì tôi cũng không biết gì về những thứ đồ chơi âm thanh. Deliverance, Nightingale, Caravan và chờ đợi nhất, nghe đi nghe lại nhiều nhất phải là Storms in Africa của Enya, người đàn bà có cái đầu xinh đẹp nhất Ireland. Nói chung nhạc Nam Âu với những hỗn hợp âm thanh đa sắc tộc kiểu Yanni có nhiều lý do phù hợp với bối cảnh trên đường này. Các tấu khúc được phân bổ lộn xộn một cách cố tình dưới bàn tay vuông vắn dài thậm thượt của anh chàng Hi Lạp luôn bất ngờ như các cao nguyên Jarai, Darlac với những cánh đồng phiến nham và sa thạch chồng lấn lên nhau, rượt đuổi nhau đến bất tận. Những ngách núi xinh đẹp trên đường 19 từ xưa tới nay vẫn được coi là lựa chọn tốt nhất và dễ dàng nhất để thâm nhập Tây Nguyên từ phía đông, khung cảnh kỳ vĩ như chính giai điệu của Yanny. Kitaro là một câu chuyện dài còn Enya là ngoại lệ. Storms in Africa không có những thảo nguyên xanh tươi mềm mại Bắc Âu. Trong đoạn celtic này Enya miêu tả những thảm cỏ khô cháy đang ngã nghiêng trong tiếng trống thổ dân. Và khi cô cất tiếng, chùm âm thanh du dương mái vòm thánh đường hầu như xóa sạch ranh giới giữa hoang mạc châu Phi với những cánh rừng thưa Trường Sơn.

Phụ nữ Ede ở Jarai, nơi đường 14 đi qua

Còn đi cắt ngang Trường Sơn bằng đường 14 tôi không thấy hào hứng, vì cứ nghĩ tới những bụi cỏ gai mọc chen chúc trên sườn đông cao nguyên Kon Tum sẽ nhận ra tôi, sẽ ghé vào nhau cười rúc rích: thằng ngố kìa, thằng ngố tới kìa. Thỉnh thoảng trong giấc mơ tôi vẫn còn thấy bốn luồng sáng màu vàng chanh pha ánh bạc trong chiều tà đang giận dữ rọi vào mình, như muốn xuyên thủng óc từ trước ra sau. Kỳ lạ là ở ngay thời khắc đó tôi không thấy sợ hãi, mà chỉ thấy bẽ bàng.

Một gia đình nhỏ ở Kontum

Trước đó tôi đã buộc phải lẽo đẽo sau một chiếc đầu kéo gần bảy cây số mà không có cách gì qua được vì đường đèo quá hẹp. Ở một đoạn ngoặt gần một trăm tám mươi độ, chiếc đầu kéo đột ngột nép sát vách núi bên phải và ì ạch bò lên dốc. Nghĩ rằng cơ hội đã tới, tôi trả số rồi vội vã thúc ga. Chỉ cần hai nhịp ga tôi đã cặp bên sườn chiếc đầu kéo. Phải lên tới đỉnh của đoạn ngoặt tôi mới hiểu ra thái độ nhũn nhặn của tên lái xe. Phía trên, hai chiếc đầu kéo nữa với hai thùng hàng dài lê thê đang lừng lững trôi xuống. Chúng đi song song như một cặp tình nhân mùa thu dạo chơi trong ánh chiều tà, những ngọn đèn trang trí trên nóc buồng lái chớp tắt liên hồi không khác gì cái đai phát sáng trên đầu những thiên thần đã bị trúng tên.

Từ hôm đó trở đi tôi nghi ngờ tất cả các khoảng trống. Kể cả khi được nhấn ga thả giàn tôi cũng không ngừng dò xét những khoảng trống tiếp theo. Khoảng trống đôi khi cũng là cái bẫy đối với lái xe nào không hiểu hết giá trị mong manh của nó, câu này đáng lẽ phải được viết trên tất cả các chặng đường băng ngang Trường Sơn. Có thể hơi khó hiểu đối với những người lái xe đầu kéo nhưng không thừa. Cứ buộc họ phải ngẫm nghĩ, triết gia lái xe có thể không cẩn thận nhưng ít ra còn tử tế. Cũng may là hôm đó tôi không phạm thêm sai lầm nào nữa bởi vì chiếc đầu kéo phía sau vẫn đang tiến lên, nó đâu có muốn bị lật ngang giữa dốc vì thắng gấp. Chỉ có những bụi cỏ gai là lãnh đủ, tan nát một vệt dài khi xe của tôi leo hẳn lên sườn núi bên phải và trong tích tắc nhảy xuống lại mặt đường sau lưng cặp tình nhân.

Thầy cúng của một tộc người Bana, đi đường 19 rẽ vào.

Những đoạn cắt ngang Trường Sơn trong phạm vi từ Đà Nẵng vào Bình Định khác nhau không chỉ về hình dáng mà cả định mệnh. Chẳng hạn trên đường 14 lần đầu tiên tôi được biết tới một loại bò rừng được nhập khẩu từ cách đây hơn một ngàn năm. Chúng sống trong những rìa núi, rìa các thung sâu, trên những ngọn đồi bị rừng dày xiết chặt và được người Pháp trước đó nhận định là giống bò Ấn Độ lai Mã Lai. Đầu con bò, được sấy khô, tôi đã từng nhìn qua trong ngôi nhà của một người đàn ông Sedang trên đường ra ngã ba Đông Dương. Một cái đầu nhăn nheo, lạnh lùng và dù đã mấy chục năm trôi qua nó vẫn tiếp tục duy trì vẻ lỗ mãng tự nhiên của một con thú có thể tấn công kể cả khi đã no nê. Henry Maitre* gọi nó là con ming và miêu tả đó là con vật đế vương, tuyệt đẹp và oai vệ. Một ngày nọ cặp sừng cong như trăng lưỡi liềm của nó gục xuống trong khi những cái chân to lớn màu tro rung bần bật giữa khe núi dốc đứng trên thượng nguồn sông Sé San, óc bị đâm thủng sau khi nhai gãy mũi tên của thợ săn lẫn trong cỏ tranh mà không hề hay biết. Tới cái chết cũng đích thị của bậc đế vương, mơ màng và cô đơn vô hạn. Tên của giống bò này xuất hiện trong sách đỏ từ lâu rồi và nó tiêu biểu cho những gì không còn nữa ở Tây Nguyên, ở phía bên kia những vách núi tối vắng ảm đạm.

Làng nhỏ của người Ktu trên đường 14.

Đường 19 là hình ảnh những khu rừng bị chặt đi chặt lại dọc lưu vực sông Ba. Ở những khu rừng đó, sau một đợt chặt phá, mặt đất silic hoặc sét vôi bị phân hóa sẽ lộ ra những thửa lớn màu xanh, tím, hồng pha cam và vàng tươi. Trong một phạm vi nhiều cây số vuông, giữa những lớp rừng dày đặc không chen chân được nổi lên những mảng rừng bị chặt đi chặt lại. Nó phá vỡ sự đơn điệu của giải rừng già đã thoái hóa và trước những cơn gió mạnh, đồng cỏ mới mọc mềm mại dưới hoàng hôn nhiệt đới ngắn ngủi khiến cho những giờ phút độc hành trở nên lãng mạn hơn. Đôi khi ở những nơi nối nhau giữa các cao nguyên Jarai và Darlac lại xuất hiện những cánh rừng bị đốt trụi. Ở đó, lỗ chỗ những đầm lầy, ao bùn đáy đất sét. Quanh năm trong những cái ao đó chỉ một thứ nước xanh đặc quánh có thể gây tổn thương cho những loài thực vật tầng dưới. Lửa có sức mạnh của một đấng tái tạo. Chỉ có lửa mới xua đuổi được những con trăn gió, rắn lục thân nâu rình rập quanh những vũng nước đen ngòm thê lương. Và lửa cũng đuổi sạch chướng khí dưới lớp lá mục nát nhưng không chịu tan trên những tầng sỏi silic. Cứ mỗi năm từ tháng Giêng tới tháng Ba, lửa lại quanh quẩn làm công việc của mình trong những cánh rừng trống đã khô cong, để lại một lớp tro mịn cho những cây non sẽ mọc lên vào mùa mưa cuối năm.

Mỗi đoạn cắt ngang Trường Sơn luôn đem lại những cảm giác khác nhau. Từ biển nhìn vào, Trường Sơn như cái hàng rào lởm chởm nhưng khi vượt qua nó rồi, từ phía tây nhìn lại nó giống như một mái nhà đổ dốc về phía các bình nguyên của Lào và Campuchia; nghĩa là Trường sơn không hẳn là một dãy núi theo đúng nghĩa của từ này. Ở trên đỉnh hàng rào hoặc mái nhà, cách người ta nhìn thế giới chung quanh chắc phải khác so với khi đứng trên mặt đất bằng phẳng. Chỉ nhìn khác thôi, còn muốn nhìn xa hơn, chắc phải tiếp tục đi nữa.

Cho nên nói gì thì nói, có cơ hội tôi đều tận hưởng tất cả các đoạn cắt ngang Trường Sơn. Đường đi dễ dàng hay trắc trở, xinh đẹp hay ảm đạm thì có khác gì đường đời ở mỗi khúc quanh. Miễn lúc nào cũng có tiếng trống thôi thúc.

*

(*) Henri Maitre, Trưởng Phái bộ khảo sát Đông Cao Miên, tác giả của các công trình nghiên cứu thực địa nổi tiếng như Les Régions Moï du Sud Indochinois – Le plateau du Darlac (Plon-Nourrit et Cie, Paris, 1909), Les Jungles Moï – Exploration et histoire des hinterlands moï du Cambodge, de la Cochinchine, de l’Annam et du bas Laos (Emile Larose, Paris, 1912).

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Thế nào thì dã man hơn?

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả