Đi & Ở

Đi chơi Singapore Biennale 2013,
nhìn bạn, lại nhìn ta… 04. 11. 13 - 7:41 am

Song Chi

SINGAPORE BIENNALE LẦN 4, 2013
Thời gian: từ ngày 26 – 10 – 2013 đến ngày 16 – 2 – 2014.
Địa  điểm chính: Bảo tàng nghệ thuật Singapore (SAM)

Chúng tôi không bao giờ ngã, sắp đặt của Nguyễn Trần Nam ngay tại phía ngoài cửa chính của SAM, một vị trí đẹp.

Năm nay, có lẽ do kinh tế khó khăn nên Singapore Biennale (SB) lần 4 chỉ tập trung vào nghệ thuật Đông Nam Á, chứ không mở rộng ra nhiều châu lục khác như trước nữa. Theo thông tin trên trang web của họ, SB lần đầu tiên trong năm 2006, có 98 nghệ sĩ đến từ 38 quốc gia từ Á, Phi, Mỹ latin,… tham dự, hơn 800 nghìn lượt khách tham quan. Nghệ thuật trình diễn cuối cùng cũng đã được đưa ra khỏi chương trình SB năm nay sau những cân nhắc tài chính.


Một chút thống kê thú vị

SB 4 có 82 nghệ sĩ và nhóm nghệ sĩ đến từ 9 nước thuộc ASEAN, thêm 4 nước khác là Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp và Mỹ.

Lực lượng nghệ sĩ hùng hậu nhất đương nhiên là chủ nhà Singapore với 24 nghệ sĩ tại chỗ, ngoài ra còn có 3 nghệ sĩ gốc Singapore nhưng sống hoặc làm việc ở nước khác. Khiêm tốn hơn cả là nghệ sĩ đến từ Campuchia, Lào và Myanmar, mỗi nước có 2 đại diện. Riêng Campuchia còn có thêm một nghệ sĩ kiểu “camphuchia kiều” khác, học và thực hành nghệ thuật đương đại ở nước ngoài.

Nghệ sĩ Campuchia Khvay Samnang đang giới thiệu video art 5 kênh của anh, Không tiêu đề (2011 – 2013), thể hiện phản ứng của anh trước việc chính phủ Campuchia đồng ý cho lấp cát một số hồ trong thành phố Phnom Penh để kinh doanh. Curator ở Campuchia là một curator người Đức gắn bó với nghệ thuật đương đại Campuchia từ năm 2004, Erin Gleeson.

Việt Nam mình có cả thảy 10 nghệ sĩ, trong đó có 2 người là Việt kiều (Nguyễn Oanh Phi Phi và Ưu Đàm Trần Nguyễn). Anh Ưu Đàm là con trai của họa sĩ Rừng, từng học Đại học Mỹ thuật TP. HCM trong một vài năm đầu 1990 trước khi qua Mỹ định cư.

Năm nay, SB lần đầu tiên áp dụng một hình nhóm curator với tổng giám đốc là ông Tan Boon Hui. Trong thời gian chuẩn bị SB từ cả năm trước, ông  vẫn là giám đốc bảo tàng Nghệ thuật Singapore (Singapore Art Museum – SAM), nơi trực tiếp chịu trách nhiệm tổ chức sự kiện SB sau khi nhận chuyển giao từ Hội đồng nghệ thuật Quốc gia Singapore. Ông thôi chức giám đốc SAM từ tháng 8 – 2013.

Do quan niệm curator địa phương là người am hiểu hơn cả nghệ thuật của nơi chốn đó, SB chủ đích mời curator của các nước tuyển chọn, đề cử và bảo vệ nghệ sĩ cũng như tác phẩm trước tập thể nhóm curator. Việt Nam có hai curator là Trần Lương và Nguyễn Như Huy. Anh Huy có vẻ là người cẩn thận, đến mức dùng iphone soạn trước bài phát biểu ngắn, trong buổi họp báo chính thức của SB, về nghệ thuật Việt Nam cũng mối tương quan với chủ đề của SB lần này: Nếu thế giới đổi thay (If the world changed). Anh vừa nhìn vừa đọc. Không có curator nào trong nhóm chủ tọa họp báo cẩn thận vậy cả. Thế là cuộc họp được một mẻ cười vui.

Nhóm curator tại buổi họp báo chính thức trước khai mạc SB 4. Anh Như Huy ngồi ngoài cùng, bìa trái, đội mũ.

 Singapore cũng là nước có nhiều curator địa phương hơn cả, 12 người, trong khi diện tích cả đảo quốc này không bằng TP. HCM. Philippines có 4 curator, đứng thứ hai về số lượng.

Thống kê khác phải kể đến là SB được bày rải rác ở 9 điểm, nhiều nhất là ở tòa nhà chính của SAM (39 tác phẩm) và phần kế bên 8Q (17 tác phẩm), sau đó là tại Bảo tàng quốc gia Singapore (11 tác phẩm)  cách SAM chừng 5 phút đi bộ. Các điểm còn lại gồm Waterloo Centre (2 tác phẩm), Tòa nhà Thư viện quốc gia (4 tác phẩm), bảo tàng Peranakan (5 tác phẩm), Singapore Management University (1 tác phẩm), Our Museum @ Taman Jurong (1 tác phẩm), công viên Fort Canning (2 tác phẩm). Các điểm trưng bày đều  xoay quanh tâm điểm là SAM, cách SAM chừng 5 – 15 phút đi bộ.

Bên cạnh đó, hàng chục điểm trường, học viện nghệ thuật, gallery, kể cả ga tàu điện ngầm và các cafe, cửa hàng sách đều có các chương trình song song với SB như là sự kiện nghệ thuật, giảm giá,… Đến Singapore trong thời gian này, có cảm giác cả đảo quốc như một tụ điểm nghệ thuật đương đại rộn ràng.

Mùa chết, sắp đặt của Nikki Luna. Nữ nghệ sĩ dùng đường mía và nhựa thông đổ thành hàng nghìn viên như hình kim cương, kể câu chuyện trực tiếp, cay đắng về sự mất mát thống khổ của người nông dân trồng mía đường ở thành phố đường mía Bacolod, Philippines.

 

Lit cities (Những thành phố được thắp sáng?), acrylic trên vải, 150cm x 260cm, Ng Joon Kiat, Singapore. Nghệ sĩ dùng vải và acrylic như chất liệu trực tiếp để tạo nên một “painting installation” về các thành phố lớn trên thế giới, không bản sắc.

 

Dàn mướp, sắp đặt của Nguyễn Thị Hoài Thơ, một ẩn dụ về sự thay đổi của người phụ nữ sau khi sinh con, thay đổi trong cách người khác nhìn về vẻ ngoài của họ cũng như cách chính họ nhìn nhận lại mình, tự tin hay mặc cảm.

 

Vũ trụ cuộc đời, sắp đặt của Toni Kanwa, Indonesia. Những bức tượng người nhỏ xíu, bằng gỗ.


Video art chiếm thế thượng phong

Video art trong SB năm nay rất đặc biệt. Đầu tiên phải kể đến tác phẩm của nhóm Team lab (Nhật Bản). 56 màn hình gương được xếp thành các dãy ngay ngắn trong một căn phòng tối đen. 56 hình ảnh hoạt hình mô phỏng trang phục và điệu múa nguyên sơ trong các nghi lễ và lễ hội truyền thống Nhật Bản cùng với âm nhạc tương ứng.

Tác phẩm của nhóm Teamlab (Ảnh do Soi lấy từ internet)

Các hình nhân này có thể tương tác với người xem thông qua một camera cảm ứng gắn ở bên dưới mỗi màn hình. Toàn bộ máy chiếu được lắp đặt bên dưới sàn. Bước chân vào đây, thoạt tiên bạn phải dò dẫm từng chút, xung quanh là các hình nhân đang nhảy múa tự do hoặc đang nhìn lại bạn. Âm nhạc vừa nghiêm trang lại vừa rộn rã. Nó làm bạn phấn khích đồng thời đầy tò mò, tựa như bạn đứng trong  cái nhà gương nhưng khoái hơn rất nhiều do có âm thanh và do cách hình nhân đang như muốn nhảy múa với bạn… Vui vẻ, sung sướng, ngạc nhiên,… đó là những cảm giác của rất nhiều người đến đây. Ngay cả nhân viên của SAM trông coi khu tác phẩm này cũng phấn khích không kém dù ngày nào anh cũng loanh quanh ở đó. Tác phẩm có cái tên triết học: Peace can be realised even without order (tạm dịch: Vẫn có thể hòa bình ngay cả khi không có trật tự).

.

Tác phẩm của Teamlab được hình thành từ năm 2001. Số lượng hình nhân và màn hình gương có thể tăng giảm tùy theo quy mô trưng bày. Nhóm mất 3 tuần để sắp đặt tác phẩm tại SAM và nghe nói, tác phẩm này có số kinh phí đầu tư lên đến 1 triệu USD, với tài trợ của 4 công ty công nghệ lớn.

Một tác phẩm khác được ông giám đốc giám tuyển Tan Boon Hui khen ngợi là tác phẩm của chị Trinh Thi. Sắp đặt video này có tên Không tiêu đề (Unsubtittled, 2010) gồm nhiều tấm bìa  cứng hình nhân, trên đó chiếu cảnh các cá thể đang đứng ăn (nhai). Mỗi người một cách ăn, một kiểu nhai, tâm trạng và cảm xúc cũng khác nhau. Họ đều là những nghệ sĩ quen thân của tác giả trong cộng đồng nghệ thuật đương đại nhỏ xinh ở Hà Nội. Có vẻ như nghệ sĩ tác giả muốn đề cập đến những mảnh đối lập trong con người: món ăn vật chất – món ăn tinh thần, biểu hiện bề ngoài và tâm trạng; trạng thái động – tĩnh trong thế giới riêng tư của mỗi cá nhân…  Ông Tan Boon Hui có nhận xét: tác phẩm này rất con người, có thể chạm đến cảm xúc của mọi tầng lớp và màu da.

Tác phẩm của Trinh Thi

Sắp đặt video The Rise and Fall (Bình minh và hoàng hôn, Sai Hua Kuan, Singapore) cũng là một hấp lực khó cưỡng. Trên hai bức tường đối diện trong căn phòng là hai hình ảnh chụp lại cảnh bình minh và hoàng hôn ở Singapore và Ecuador, có vẻ như không có gì đặc biệt. Nhưng chính giữa căn phòng là một màn hình nhưng vô hình, như một màn sương, cũng có thể hình dung như một thác nước, ngăn cách giữa phía này và phía kia. Bạn đi qua nó, cảm giác như đi qua ảo ảnh và đến với một ảo ảnh khác, một giấc mơ khác. Trải nghiệm đó rất thú vị.

Một phần của “The Rise and Fall”

Một video khác của nghệ sĩ Singapore Royston Tan, Ghost of Capitol Theatre (Bóng ma nhà hát Capitol), cũng chứng minh vai trò của high-tech trong việc tạo hiệu quả cho một video art đẳng cấp, như video của nhóm TeamLab. Trên nền ảnh tĩnh chụp dãy ghế đỏ sang trọng trong nhà hát, các hình ảnh những diễn viên múa cổ điển tuyệt đẹp với nhiều tư thế động tác và biểu cảm khác nhau, xuất hiện có khi từ tốn, có khi bất chợt, khi ngược, khi xuôi… Cảm giác chung là đẹp nhưng có gì đó mất mát, u ẩn. Màn hình trong suốt càng khiến cho hiệu ứng hình ảnh mạnh mẽ, 2D mà như 3D, nổi nênh  ngay trước mắt người xem, rất siêu thực.

Một cảnh trong “Ghost of Capitol Theatre”

Bên cạnh tác phẩm của chị Trinh Thi, Việt Nam còn có đến 3 video art khác góp mặt trong SB lần này. Video của Lâm Hiếu Thuận là lắp ghép các bức ảnh chụp lại hiện thực cuộc sống ở một chung cư cũ trên đường Trần Hưng Đạo, TP. HCM, nhưng mà cách nhìn nhận câu chuyện này khá cũ kỹ và đơn giản.

Một ảnh, cũng là 1 phân cảnh trong video của Lâm Hiếu Thuận.

Video của Ưu Đàm Trần Nguyễn quay cảnh một đoàn 28 người đi trên xe máy, mặc áo mưa và bị cột vào nhau. Làm thế nào họ có thể đi thành hàng lối, cùng tiến, cùng lui, cùng quẹo xe. Và khi rã đám, các dây cột áo mưa bung ra thì họ sẽ thế nào. Tác phẩm sử dụng giai điệu valse và cũng có tên là Điệu Valse của những người cưỡi ngựa máy (Waltz of the machine Equestrians),…

Tác phẩm của Ưu Đàm

Video 3 kênh của hai anh em Thanh Hải, Into the Sea (Chạm Tới Biển) đã từng gây chú ý trên Soi dạo cuối năm 2011, được chiếu với dàn máy chiếu lớn hơn, màn hình cũng rộng và chuẩn mực hơn nên gây hiệu quả thị giác tốt hơn so với khi được trình chiếu ở Huế.  

“Chạm tới biển”

Xem video art của các nghệ sĩ Việt Nam trong SB, nhận ra là hình như cách đề cập câu chuyện của nghệ sĩ mình trong nghệ thuật có vẻ lạc hậu. Các nghệ sĩ khác đã bỏ qua cách nói ẩn dụ, mượn chuyện A để nói chuyện B rồi. Họ cũng không miêu tả hoặc đan cài vào đó những ý tưởng văn học ngộ nghĩnh nữa.Với video art, công nghệ thực sự là một công cụ hữu hiệu để họ làm phong phú hơn thế giới cảm xúc và đặc biệt là thẩm mỹ của người xem, để cho người xem tự do nắm bắt câu chuyện họ muốn.

Các hình thức nghệ thuật khác trong SB năm nay gồm sắp đặt, tranh hội họa, điêu khắc và tác phẩm tương tác với không gian nhất định (site specific). Sau khi đi hai vòng tham quan, khó tránh khỏi cảm giác chung là: Việt Nam đang bị cạnh tranh dữ dội. Các bạn Lào, Philippines và Malaysia vẽ sơn dầu quá đỉnh, các bạn Campuchia, Philippines hay Myanmar, Thái Lan đề cập câu chuyện chính trị xã hội trong nghệ thuật đương đại một cách vừa thẳng thắn vừa tinh tế, rất tài tình. Các bạn Nhật hay Singapore làm video art thì quả là đẳng cấp với khả năng tận dụng công nghệ cao để đem lại chất lượng và cảm xúc nghệ thuật. Còn Việt Nam mình?

 Mời các bạn xem thêm một số tác phẩm của bạn và của ta:

Satanni (Nhà ga, hoặc điểm dừng chân) của nhóm 5 nghệ sĩ Thái Lan, đặt ra tranh luận về thế nào là nghệ thuật cao cấp và thấp cấp. Nhưng bạn hãy để ý đến màu vàng của các cuộn băng dính dùng để cuốn đồ vật ở đó nhé.

 

Ảnh chụp lại tác phẩm của nhóm TeamLab, Nhật Bản.

 

Ngón tay trỏ, sắp đặt của Trần Tuấn. Tác phẩm này được giới thiệu trong sách chỉ dẫn là bày rải rác tại 8Q nhưng thực tế, nó được bày tập trung quanh khu vực lễ tân của SAM. Ảnh chụp một ngày trước khai mạc SB.

 

Phần “ngón tay trỏ” này chỉ đúng vào quầy lễ tân của SAM. Được biết, khách tham quan có thể ngồi nghỉ ngơi ngay trên cả 4″ngón tay trỏ” của nghệ sĩ.

 

Đồ chơi, sắp đặt với vải, gỗ và sắt, 15m x 5m x 1m, Svay Sareth, Campuchia.

 

Lớp học ốm yếu (Sick classroom), Nge Lay, Myanmar. Nữ nghệ sĩ này đã bỏ tiền túi để dựng lại một lớp học kiên cố và lấy lại toàn bộ vật liệu của lớp học bằng vách ngăn cùng bàn (không có nghề ngồi), đồ dùng học tập của các em học sinh) đem tới SB. Chỉ có người là không mang đến được, phải làm giả bằng gỗ. Tấm bảng đen gắn tại lớp học thật – giả này cũng là nơi khách có thể viết lên đó điều họ cảm nhận sau khi xem tác phẩm. Bên vách có gắn 2 màn hình, chiếu cảnh cảnh học tập của các em ở một số địa phương Myanmar.

 

Great Puddle (từ Puddle có nhiều nghĩa: vũng nước, vũng bùn, bùn lầy,…), 800cm x 500cm, sắp đặt Nguyễn Huy An. An sử dụng mực Tàu đổ vào hình cái bóng của một cái bàn làm việc lớn, một ẩn dụ về nhiều câu chuyện văn hóa, lịch sử, xã hội ở Việt Nam.

 

Mảnh vụn, sơn dầu, 240cm x 570cm, Leslie de Chavez, Philippines

 

Một “Tễu xà phòng” của Vũ Hồng Ninh trong toilet của SAM

 

Tấm bảng này, được đặt ở một số nơi, chỉ dẫn là trong toilet có “tác phẩm nghệ thuật bằng xà phòng” và khách có thể dùng để rửa tay…

 

.

 

Hai trong số 8 bức sơn dầu của Marisa Darasavath, Lào, kể câu chuyện về nữ quyền và cuộc sống của người phụ nữ Lào.

 

Ý kiến - Thảo luận

0:31 Tuesday,5.11.2013 Đăng bởi:  Nguyễn Hồng Ánh
Việc Trần Tuấn phát hiện có những thanh niên chặt ngón tay để trốn nghĩa vụ quân sự, là nguyên nhân ra đời của tác phẩm "ngón tay trỏ".Việc này, xem chừng có vẻ đánh đố người xem quá !? Nếu có bày lần sau, đề nghị tác giả đánh máy in nội dung câu chuyện và dán
...xem tiếp
0:31 Tuesday,5.11.2013 Đăng bởi:  Nguyễn Hồng Ánh
Việc Trần Tuấn phát hiện có những thanh niên chặt ngón tay để trốn nghĩa vụ quân sự, là nguyên nhân ra đời của tác phẩm "ngón tay trỏ".Việc này, xem chừng có vẻ đánh đố người xem quá !? Nếu có bày lần sau, đề nghị tác giả đánh máy in nội dung câu chuyện và dán cạnh tác phẩm. 
22:33 Monday,4.11.2013 Đăng bởi:  Phạm huy thông
Bạn Hatpon. Nghe anh Trần Lương kể thì đại ý các ngón tay của anh Trần Tuấn như sau: ngày xưa trong Nam, để trốn đi quân dịch, các nam thanh niên tự chặt đi ngón tay trỏ (ngón bóp cò súng). Hành động đau đớn này vừa là nhằm bảo tồn tính mạng nhưng cũng thể hiện tinh thần phản chiến. Anh Trần Tuấn lớn lên sau chiến tranh, mãi tới gần đây mới nhận ra một thực tế l
...xem tiếp
22:33 Monday,4.11.2013 Đăng bởi:  Phạm huy thông
Bạn Hatpon. Nghe anh Trần Lương kể thì đại ý các ngón tay của anh Trần Tuấn như sau: ngày xưa trong Nam, để trốn đi quân dịch, các nam thanh niên tự chặt đi ngón tay trỏ (ngón bóp cò súng). Hành động đau đớn này vừa là nhằm bảo tồn tính mạng nhưng cũng thể hiện tinh thần phản chiến. Anh Trần Tuấn lớn lên sau chiến tranh, mãi tới gần đây mới nhận ra một thực tế là rất nhiều lớn tuổi trong cộng đồng của mình bị mât ngón trỏ. Phát hiện này dẫn dắt anh tìm hiểu về những sự thật trong lịch sử. Và đó là nguyên nhân ra đời của các tác phẩm ngón tay.
Tớ chỉ biết nôm na thế, nếu chúng ta chờ được anh Trần Lương hay anh Trần Tuấn kể lại trực tiếp sẽ hay hơn. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

U LÀNH TÍNH: Lại "thế này mà là nghệ thuật ư?"

Canvas - Ảnh dùng lại của Tịch Ru

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả