Gẫm & Bình

Hát nói (bài 1): Chút rào đầu về KĐT (Kiếm-Đek-Thấy)…11. 09. 15 - 10:27 am

Vũ Lâm

(Nói về tiêu đề: Bắt chước cho vui bác già ẩn danh KVT trên website Hà Nội mách lẻo, bác ấy đi vặt nho, nho xanh, nho đỏ, nho đen, nho sâu nho kẹ bác đều hoan hô tuốt tuột. Anh em cũng hoan hô vì có trang ấy và có bác ấy nên biết đủ thứ chuyện đang xảy ra. Ai tò mò hỏi thì bác ấy nhận mình là Kiếm Văn Tìm… Nhân vật chính của bài này viết tắt là KĐT, đặt cho vui là Kiếm-Đek-Thấy, thực nói cho luôn và nhanh ấy là tên viết tắt của… nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền. Và bài viết này nói về vài bí mật của “điêu khắc sỹ” này trong triển lãm cá nhân đầu tiên của anh vừa qua)

Khổng Đỗ Tuyền, “Chảy”, 2015. Sắt hàn. 80 x 98 x 98cm

Mưỡu tiền…

Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài
Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt
Viết vào giấy dán ngay lên cột
Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay?

Tôi mượn bốn câu trong một bài hát nói của cụ Tú Xương là mưỡu cho bài “hát nói” dằng dặc này. Lại kể thêm một truyện tiếu lâm kiểu “bia kèm lạc”: Hai anh bạn thân, hồi trẻ rất thích thách đố nhau. Họ xa nhau lâu, gặp lại nhau đã thành già, nhưng vẫn thích đánh đố. Một ông bảo: Mày có tin là tao bây giờ có thể vừa đánh răng vừa huýt sáo, hoặc điều khiển răng tao cắn được vào mũi tao không? Ông kia tất nhiên không tin. Ông này bèn…thử làm cho xem. Ông kia cười khà: Chuyện mày quá thường, lưỡi tao bây giờ dài hơn cả lưỡi Anhxtanh, có thể liếm được cả chính mắt tao? Ông bạn tất nhiên nghi ngờ… A lê hấp, ông kia bèn chơi luôn. Ông bạn răng cạp mũi lần này thì trợn ngược mắt, và thế là hai ông cùng cười khì, chua chát cái nỗi thời gian… (những ai đã biết lý của chuyện trên, chẳng còn tò mò thì cũng xin đợi đến cuối, để tôi giải thích tại sao tôi lại kể câu chuyện này)…

*

Trong những người làm điêu khắc thế hệ 7x ngoài Bắc, chơi kim loại và nổi lên như những tên tuổi đáng tin cậy, thì Khổng Đỗ Tuyền (viết tắt KĐT) là một trong những tên tuổi được chờ đợi nhất khi anh trình làng triển lãm cá nhân đầu tiên. Anh là một trong những trụ cột ưu tú của “nhóm Thanh Thủy” – cách gọi về nhóm điêu khắc trẻ, tập trung sáng tác trên chất liệu kim loại. Họ được truyền cảm hứng và kích thích ngay khi học trong trường từ nghệ sĩ điêu khắc – giáo sư Đào Châu Hải (và cả từ một số giáo sư khác nữa…). Cách gọi tên nhóm này nghe có phần hơi cười cợt, sinh ra từ chuyện cà phê trà lá của một số nghệ sĩ ít tuổi hơn ông Đào Châu Hải, không ưa vị giáo sư này lắm vì hay bị ông mắng phũ trong các cuộc thảo luận nghệ thuật vỉa hè. Nhưng mà có lẽ nó cũng đung đúng, hoặc chỉ để cho tiện gọi, và cũng không phải nghe không hay (một số trường phái khủng long, định vị lại trong lịch sử mỹ thuật bằng những cái tên như Dã thú, Ấn tượng, Lập thể… chẳng xuất phát từ cách gọi giễu cợt của ngôn luận đó sao?)

Chân dung KĐT của Trần Quốc Thịnh. Trông hao hao một nhà điêu khắc lớn thế giới hóa thân vào hậu duệ ở Việt Nam. Sẽ nói sau…

Đáng được chờ đợi, bởi từ khi cái KĐT bắt đầu xuất hiện trong những triển lãm nhóm tự do, triển lãm giải nhà nước tác phẩm hơn mười năm trước, thì các tác phẩm của anh, dù ở chất liệu nào, nhỏ hay to, dạng khối hay sắp đặt không gian, sắt hàn hay đúc đều gây ấn tượng bởi ngôn ngữ điêu khắc kiệm lời, nhiều nội lực (ngày càng đáng ngại) giống như bản thân vẻ ngoài con người tác giả. KĐT bước đi trong nghệ thuật và cuộc sống tiệm tiến, trầm ổn, vẫy đều cả hai “cánh”: Vừa tìm tòi đào sâu xây dựng sự nghiệp nghệ thuật cá nhân, vừa tự hoàn thiện những quan hệ hữu cơ trong cuộc sống như công việc, bằng cấp. Trong những nhà điêu khắc trẻ và chớm trung niên, có thể coi đó là một hình mẫu “đứng đắn” cho đàn em noi theo. Nhấn mạnh vậy bởi trong nghề điêu khắc nặng nhọc, tốn kém và quá ít người đeo đuổi, bạn luôn như đi trên dây trong định hướng nghề nghiệp mà tứ phía thập diện mai phục tuyền những thứ chỉ muốn làm cho ta… phẽo lộn ngà tức là ngã lộn phèo!

Triển lãm cá nhân đầu tay sau hơn mười năm dấn thân vào điêu khắc, của một tác giả chớm trung niên, có ít nhiều tên tuổi, thì người ta chờ đợi gì? So sánh thế này cho dễ hiểu, từ một cây viết trẻ, có những truyện ngắn gây xôn xao trên báo và trong các tuyển tập, thì đến lúc nào đó độc giả ngóng bạn “ra tiểu thuyết”. Một câu chuyện dài hơi, một vóc dáng ổn định có tầm vóc chứ không chỉ là những lát cắt đời sống thông minh. Triển lãm cá nhân của một tác giả mỹ thuật cũng như vậy, quy mô tương tự như một “tiểu thuyết”. Nhưng cũng như tiểu thuyết, không phải cứ bôi hàng vạn chữ kể lể mấy chuyện nhăng nhít là thành. Thì một triển lãm cá nhân cũng vậy. Không phải cứ dồn một đống tác phẩm nhiều năm (không bán được) vào là thành. Phải là một một ý đồ được phát triển toàn diện đa tuyến tính, thao túng trong một không gian xác định với bố cục tương đối hoàn hảo…

“Chuyển động ngầm 5”, 2015. Sắt hàn

Vậy “tiểu thuyết” của Khổng Đỗ Tuyền là câu chuyện gì? Tôi có hân hạnh được xem qua mấy khối lớn của triển lãm khi còn tại xưởng, đi cùng với một người bạn nữ thi sĩ (kiêm viết báo) cũng chơi khá thân với dân điêu khắc. Nữ thi sĩ-báo xem xong, nói: chả hiểu gì. Hỏi tôi có hiểu không? Tôi nói tôi cũng không biết nốt. Tôi không biết vậy tôi đi hỏi người khác. Những câu trả lời tôi nhận được hầu hết khá mù mờ. Có người nói về trạng thái, về thao tác, có người lôi kiến thức quá khứ ra soi, rồi so sánh. Có người lại đánh trống lảng. Đến đi nhiều xem rộng như anh Phạm Huy Thông cũng vặt đầu vặt tai, nhìn trắng mắt ra mà cũng chỉ đặt được câu hỏi là: “Có lờ hay không có lờ?” Đa phần chỉ thấy những thứ sờ sờ ra là ai nhìn cũng thấy? Còn câu chuyện, lý do của nó ở đâu? Nhớ hồi họa sĩ Văn Ngọc vác mấy cái thùng – “quan tài’ rỗng dở dang ra Hà thành bày, có người hỏi tại sao anh lại đặt tên tác phẩm là “Những chiếc thùng rỗng?” Anh Ngọc trả lời “cùn”: “Nó là thùng rỗng nên tôi đặt thế, chẳng nhẽ tôi lại đặt là Những chiếc thùng đặc?” Buồn cười chết. Tôi rình mấy hôm bên cạnh phòng triển lãm, thấy người nào tôi hỏi người ấy, yêu cầu hỏi nhanh đáp gọn. Nói chung đa số nhận được những câu trả lời mù mờ như nhau. Đến khi nghệ sĩ Đào Anh Khánh bước vào, nghệ sĩ Đê-A-Ka này đáp ngay tắp lự không vòng vo: “Ông Ngọc ông ấy băn khoăn về cái chết, hay rộng ra là vấn đề sinh tử tồn vong nói chung!” Ôi, tôi cũng ước sao có người đáp ngay cho tôi một câu sáng tỏ như thế về “Chuyển động ngầm” của Khổng Đỗ Tuyền!

*

Còn tiếp bài 2, bài 3, và bài 4 (Ối!)

Ý kiến - Thảo luận

12:06 Friday,11.9.2015 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Em đang hồi hộp đón xem các phần tiếp theo của bác Vũ Lâm!
...xem tiếp
12:06 Friday,11.9.2015 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Em đang hồi hộp đón xem các phần tiếp theo của bác Vũ Lâm! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp