Soi học

Phật giáo qua tranh: Lời nguyện ở lại của Bồ tát 22. 04. 16 - 2:00 pm

Diệu Vợi

(Tiếp theo bài 1bài 2 về các Bồ tát)

Bồ tát Quán Thế Âm trong hình dáng nam, hình từ trang này

Trong bài đầu tiên, chúng ta đã nói về những điều kiện để trở thành một Bồ tát. Lần này chúng ta bàn tới “địa bàn” hoạt động của Bồ tát.

Người ta bảo, “cúng thì phải cúng Phật, cầu thì phải cầu Bồ tát”. Đó là một câu nói vừa đúng vừa sai. Thờ cúng thì dĩ nhiên phải cả Phật, cả Bồ tát chứ – như một đích đến toàn hảo nếu thực sự tâm ta muốn tu, lòng ta muốn học tập họ. Nhưng đúng là cầu xin trợ giúp thì đối tượng chính phải là Bồ tát. Phật thì đều đã về Niết bàn, tức xa ta rồi, không với tay xuống cõi ta bà này được nữa. Nhưng Bồ tát thì vẫn còn ở đây, để cứu khổ. Họ là những vị hoặc là chưa đạt được đẳng cấp Phật để về Niết bàn, hoặc đã đạt được quả vị Phật rồi, đủ điều kiện để lên Niết bàn rồi, nhưng vẫn ở lại, đúng như lời nguyện. Dần dần trong các bài sau, chúng ta sẽ bàn kỹ về những vị Bồ tát “cấp cao” này.

Tượng đời Đường, cuối thế kỷ thứ 7. Hai Bồ tát ở đây được thể hiện trong hình tướng nữ là Quán Thế Âm (bên phải trên đầu có hình Phật nhỏ, tay cầm bình nước cam lồ) là đại diện của từ bi, Đại Thế Chí (bên trái, tay nâng búp sen) là đại diện của trí tuệ

Lời nguyện hy sinh

(Đến đây phải dừng lại một chút để nhắc các bạn đang đọc bài, rằng ta đang nói tất cả những chuyện này trong một “môi trường tin-là-có-Phật” nhé, để khỏi tranh luận những thứ không liên quan và không xuất phát từ điểm khởi đầu là “tin-rằng-có-Phật)

Hai mươi lăm Bồ tát xuống từ trời. Tranh Nhật, khoảng năm 1.300, bảo tàng Kimbell Art Museum

Đại thừa chia ra hai loại Bồ tát. Bồ tát dưới thế và Bồ tát trên trời. Một người nghèo đang khốn khổ đến tận cùng vì con ốm, vì mất nhà, bỗng nhiên từ đâu xuất hiện một bà cụ trong xóm cho ở nhờ, kiếm cho công ăn việc làm, chữa bệnh cho đứa bé… Rất có thể, người nghèo ấy đã gặp một vị Bồ tát dưới thế.

Một kẻ ngã xuống suối, đang chới với bị nước cuốn sắp chìm, chợt có người đi qua không màng dòng nước lạnh, đá nhọn nguy hiểm, lao xuống cứu vào. Kẻ bị ngã kia rất có thể đã gặp một vị Bồ tát dưới thế.

Còn Bồ tát trên trời, như đã nói, là những vị đã đạt quả vị Phật, nhưng nguyện vẫn đi đi về về để cứu độ. Thay vì lên Niết bàn làm Phật, yên bình giữa rừng cây bảy báu, cảnh vật thần tiên, thì các ngài chọn việc lặn lội dưới thế, tai vẫn phải nghe lời than khổ, mắt vẫn phải chứng kiến cảnh khổ, tâm vẫn phải chịu khổ nỗi khổ của chúng sinh. Và chúng sinh không phải chỉ là “người”, mà còn là muôn loài, cả hữu hình lẫn vô hình.

Mã Đầu Quán Âm có ba mặt tám tay. Trên đỉnh của ba mặt đều có hình đầu ngựa. Đây là một dạng khác của Bồ tát Quán Thế Âm, mang tâm đại bi đi cứu độ những ác thú. (Tử tạp chí Giác Ngộ)


Một cá tính, hai quốc tịch

Chính vì đã có quả vị Phật nhưng nguyện vẫn đi đi về về trong cõi ta bà để giáo hóa, cứu khổ, nên có những Bồ tát vừa được gọi là Phật, vừa được gọi là Bồ tát, như Bồ tát Quán Thế Âm cũng là Phật Quán Thế Âm. Ở cõi Niết Bàn, ngài tháp tùng phật A Di Đà, ở trần thế, ngài chuyên cứu khổ cứu nạn và hóa thân thành gì thì chịu, chúng ta không thể biết được; có thể chính là người tốt bụng đang sống trong xóm ta, hoặc vị bác sĩ tận tâm nào đó trong bệnh viện…

Hay như Bồ tát Địa Tạng cũng là Phật Địa Tạng, là vị phật ở bên chúng sinh tại chốn địa ngục, với lời nguyện chưa lên Niết bàn nếu địa ngục chưa trống rỗng. Cá nhân tôi cảm phục vị Bồ tát này nhất, vì đã chọn một nơi “kinh khủng” nhất.

Ngoài ra khi đi chùa, các bạn thấy có hai bộ ba sau:

Phật A Di Đà với Bồ tát Đại Thế Chí (bên trái, áo xanh, Bồ tát Quán Thế Âm (bên phải, áo trắng). Tranh cổ Triều Tiên, cuối triều Goryeo (Cao Ly 918-1392)

 

Phật Thích Ca Mâu Ni với Bồ tát Phổ Hiền (bên trái, cưỡi voi trắng), và Bồ tát Văn Thù (bên phải, cưỡi sư tử)

Trong đó Đại Thế Chí, Phổ Hiền, Văn Thù đều là những bồ tát đã đắc quả vị Phật, hoàn toàn có thể về nước Phật mà họ cai quản, nhưng do vẫn còn “vướng” lời nguyện của mỗi vị nên vẫn đi đi lại lại hai nơi. Trong ba vị ấy, có vị nguyện phải dùng trí tuệ để giúp chúng sinh hết u minh đã mới lên làm Phật (Văn Thù):

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, với hình tượng cưỡi sư tử xanh

Có vị thì nguyện dùng lòng từ bi làm cho toàn bộ chúng sinh giác ngộ hết đã rồi mới gọi là xong (Phổ Hiền):

Phổ Hiền Bồ tát cưỡi voi trắng. Tranh cổ Trung Quốc khoảng từ 1768 tới 1833, thuộc bảo tàng Brooklyn

Có vị nguyện ở lại cho đến khi chúng sinh có đầy đủ trí tuệ (Đại Thế Chí):

Bồ tát Đại Thế Chí, trích tranh cổ Trung Quốc, thể kỷ 13, thường cầm bông sen xanh, ở đây là đài sen xanh

Có lẽ chính vì ba vị Đại bồ tát này thiên về “giáo dục”, “lý trí” nên người ta ít thờ và cầu xin hơn hẳn so với Bồ tát Quán Thế Âm. Người bình thường, ít ai đến với Phật, với Bồ tát khi đang sung sướng, vui vẻ. Người ta thường đến với Phật khi gặp “khổ”, và lúc ấy chỉ muốn thoát khổ. “Cầu xin Phật và Bồ tát Quán Thế Âm cho con thoát khổ” là một lời cầu xin phổ biến, hiếm ai đứng trước tượng Bồ tát Phổ Hiền, Văn Thù, hay Đại Thế Chí để mà xin: “Hãy cho con có trí tuệ và giác ngộ để nhận ra bản chất nỗi khổ này.”

Bồ tát Quán Thế Âm với nghìn bàn tay cứu độ, trong lòng mỗi bàn tay là một con mắt nhìn thấu nỗi khổ. Ảnh từ trang này

Ở bài sau, chúng ta cùng tìm hiểu lần lượt các vị Bồ tát chuyên về trí tuệ và giác ngộ này nhé.

*
(Xem lại bài 1 và bài 2 của loạt bài này)

*

Phật giáo qua tranh:

- Phật giáo qua tranh: Chọn trung đạo, đến dưới cây bồ đề

- Phật giáo qua tranh: Thần Đất, con gái Ma Vương… phe nào cũng lộng lẫy

- Phật giáo qua tranh: phật A Di Đà và phật Thích Ca: là hai hay là một?

- Phật giáo qua tranh: Ao ngòi ở
Tây Phương Cực Lạc

- Phật giáo qua tranh: 8 điều kiện để thành Bồ tát

- Phật giáo qua tranh: Một câu chuyện của Bồ tát từng ra gây rất nhiều tranh cãi

- Phật giáo qua tranh: Lời nguyện ở lại của Bồ tát

- Phật giáo qua tranh: Nhìn hoa sen và nhành dương để nhận ra bộ ba đến từ Tây Phương

- Phật giáo qua tranh: Nhìn mãnh thú để nhận ra Thích Ca tam tôn

Ý kiến - Thảo luận

9:47 Tuesday,26.4.2016 Đăng bởi:  admin
Khánh ơi, Soi sửa như bạn nói rồi nhé. Cảm ơn Khánh nhiều.
...xem tiếp
9:47 Tuesday,26.4.2016 Đăng bởi:  admin
Khánh ơi, Soi sửa như bạn nói rồi nhé. Cảm ơn Khánh nhiều. 
9:22 Tuesday,26.4.2016 Đăng bởi:  Khánh

SOI ơi, bức A Di Đà cùng nhị vị Bồ Tát của triều Goryeo, Nhật ý. Goryeo là 1 triều đại của Triều Tiên (tức Hàn Quốc và Bắc TT ngày nay) chứ không phải của Nhật ạ.


...xem tiếp
9:22 Tuesday,26.4.2016 Đăng bởi:  Khánh

SOI ơi, bức A Di Đà cùng nhị vị Bồ Tát của triều Goryeo, Nhật ý. Goryeo là 1 triều đại của Triều Tiên (tức Hàn Quốc và Bắc TT ngày nay) chứ không phải của Nhật ạ.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả