Soi học

Bài học thứ Tư: Chết lãng xẹt chỉ vì bộ giáp! 11. 01. 12 - 8:06 am

G.G tổng hợp

Ajax Lớn

 

Trong cuộc chiến thành Troy, Odysseus là một trong những danh tướng cơ trí bậc nhất bên phía Hy Lạp, nhiều khi đóng những vai trò mang tính quyết định đến diễn tiến của cuộc chiến. Thế nhưng để ý mà xem, vì lý do này lý do khác, hễ ai dính dáng đến Odysseus đều phải gánh lấy những hậu quả đen đủi!

Ajax Lớn là một người xui xẻo như thế.

Trong đội ngũ viễn chinh của phe Hy Lạp có hai chiến tướng cùng tên Ajax: Ajax Lớn và Ajax Nhỏ. Ajax Lớn là một tráng sỹ rất dũng cảm, lập được rất nhiều công lao. Ít ai ngờ được rằng số phận của chàng lại kết thúc quá bi thảm, lại lãng xẹt, chỉ vì dính dáng đến Odysseus và… quần áo đẹp.

Hẳn bạn còn nhớ, khi Achilles bị Paris bắn trúng gót chân và tử thương, quân sỹ phe Troy đã lao vào cướp xác chàng, coi đó như một chiến tích lẫy lừng mà họ đạt được trong cuộc chiến sinh tử với quân Hy Lạp.

Paris – vốn quen cướp vợ người, nay cũng là kẻ đầu tiên dẫn chiến binh lao vào cướp xác, nhưng bị Ajax Lớn chặn lại; không những thế còn bị Ajax Lớn tương cho một hòn đá trúng mũ sắt ngã lăn ra, quân Troy phải khênh về thành. Trong khi đó, Odysseus cũng chiến đấu hết sức dũng cảm, ngăn không cho quân Troy xông vào cướp xác Achilles.

Tóm lại, cả Odysseus lẫn Ajax Lớn đều có công giữ xác người anh hùng.

“Ajax cõng xác Achilles về” – tranh vẽ bình gốm cổ. Chẳng có tranh nào vẽ Odysseus cõng xác Achilles. Giá các họa sĩ vẽ sớm hơn thì có phải Ajax đã khỏi phải chết không?

 

Người Hy Lạp mang được xác Achilles về, tổ chức lễ hỏa thiêu trọng thể. Đến lúc đó thì bỗng dưng bà mẹ đoảng của Achilles, nữ thần Thetis, đúng thói đoảng vị, làm mọi sự rối beng lên với tuyên bố: sẽ tặng lại bộ áo giáp của Achilles do thần Hephaestos rèn cho ai đã có công người mang xác Achilles về.

Còn ai khác nữa ngoài Ajax Lớn và Odysseus! Hai người tranh cãi nhau kịch liệt, ai cũng cho mình có công lớn trong việc giữ được xác Achilles toàn vẹn. Họ tranh cãi hăng đến nỗi ai cũng nhìn thấy trước sau sẽ dẫn tới một cuộc đọ sức, mà nếu điều đó xảy ra, một trong hai người mà “tỏi” thì quân Hy Lạp nguy to!

“Cuộc cãi cọ giữa Ajax và Odysseus” của họa sĩ Hà Lan thế kỷ 16 Leonaert Bramer. Tiền cảnh cái mông ngựa và người cỡi ngựa thật là táo bạo! Bạn nào hiểu kỹ về trang phục phân tích giùm bức này nhé.

 

Một đặc điểm của phe Hy Lạp là luôn luôn xuất hiện những người mưu trí khi có việc. Lúc đó, Nestor, một chiến binh Hy Lạp già cả và thông thái (già thì thông thái, dĩ nhiên rồi!), đã đưa ra một giải pháp không biết là thông minh hay ngu dốt: để cho bọn binh sĩ Troy mà quân Hy Lạp bắt được làm tù binh bỏ phiếu quyết định xem ai là người có công nhất!

Bọn tù binh Troy bỏ phiếu kín. Kết quả cho thấy Odysseus chiếm đa số phiếu, vì vậy được nhận bộ giáp trụ của Achilles!
Ajax Lớn choáng váng! Chính chàng mới là người đã can đảm chặn đánh Paris, quăng cả một cục đá vào đầu y, giúp quân Hy Lạp mang được xác người anh hùng Achilles yên lành trở về. Vậy mà bây giờ công lao lại thuộc về Odysseus – cái gã chẳng có gì ngoài sự giảo quyệt!

Khi màn đêm buông xuống, Ajax Lớn ngồi trong lều, càng nghĩ càng căm hận Odysseus; hận cả Agamemnon, người đã mù quáng thông qua kết quả bỏ phiếu của bọn tù binh Troy. Không phải chỉ mất bộ giáp quý, Ajax Lớn còn cảm thấy bị sỉ nhục; mà quân võ biền thì các bạn biết rồi đấy: nhục nào, dù lớn dù nhỏ, cũng đòi rửa bằng máu!

Thế là Ajax Lớn quyết định xách kiếm đi tìm Odysseus và Agamemnon để lập lại lẽ công bằng.

Biết được, nữ thần Athene, người bảo trợ cho Odysseus, bèn xuất hiện để can thiệp. Biện pháp của nữ thần này rất nhỏ nhen: nàng hóa phép để Ajax Lớn mất trí. Thế là trên đường đi, nhìn thấy một đàn cừu, Ajax lại tưởng rằng đó là quân Hy Lạp – những kẻ đã sỉ nhục chàng. Ajax Lớn cầm kiếm xông vào tàn sát đàn cừu, không những thế còn bắt một con cừu đực, lôi về buộc vào cột lều rồi dùng roi da đánh một trận không thương tiếc, vì tưởng đó là Odysseus! Tất cả những việc này đều diễn ra trước sự chứng kiến đầy ngơ ngác của quân Hy Lạp.

Đúng lúc đang xỉ vả con cừu, thần Athene ác độc thu phép, trả lại trí óc bình thường cho Ajax Lớn. Tỉnh cơn, Ajax Lớn vô cùng hổ thẹn bởi hành động điên rồ của mình. Cảm thấy nhục nhã, không còn mặt mũi nào để nhìn mọi người nữa, cầm thanh kiếm thu được của Hector trong trận chiến trước đó, Ajax Lớn từ giã vợ con, nguyền rủa Agamemnon rồi… tự vận!

Ajax Lớn chỉnh kiếm để tự vận. Tranh trên bình gốm khoảng 530-525 trước CN.


Và sau đó Ajax Lớn cắm mình xuống như thế này. Đây là tranh “Cuộc tự vận của Ajax Lớn”, khoảng 400 đến 350 trước CN.


“Tecmessa (Tekmessa) phủ xác Ajax”, tranh vẽ khoảng 490 trước CN. Ajax từng giết cha Tecmessa trong chiến tranh thành Troy, sau đó bắt cô về vì cô quá đẹp. Hai người có chung một đứa con trai. Khi biết Ajax định tự vận, Tecmessa can ngăn nhưng không được. Cô là người đầu tiên phát hiện ra xác Ajax, và vội vàng cởi áo ra phủ xác Ajax để khỏi đau lòng hơn.

 

Nghe tin Ajax Lớn tự sát, các chiến binh Hy Lạp đổ đến lều trận của chàng khóc than. Thậm chí người em chàng là Teucer còn định tự sát theo anh, may nhờ mọi người giật lại thanh gươm nên mới còn sống để lo tang lễ cho anh trai.

Tuy nhiên, đối với người Hy Lạp, tự sát bị xem không khác gì phản bội, thậm chí còn tệ hơn kẻ thù! Bởi thế chủ tướng quân Hy Lạp là Agamemnon kiên quyết không cho hỏa táng xác Ajax Lớn – một hành động bày tỏ sự tôn trọng – mà chỉ đồng ý cho chôn.

Đúng lúc ấy Odysseus xuất hiện! Trước sự ngạc nhiên của Agamemnon, Odysseus lớn tiếng đòi phải thực hiện một lễ hỏa táng xứng đáng cho Ajax Lớn, người mà Odysseus đã không giấu diếm thừa nhận rằng mình rất hận khi còn sống, nhưng nay đã chết thì cần phải được đối xử cho tử tế. Trước uy tín của Odysseus, Agamemnon đã phải đồng ý.

Vậy đó, cuộc chiến thành Troy hấp dẫn vì những câu chuyện nho nhỏ như thế, rất người, rất đời, và cũng rất lãng xẹt.

“Odysseus và cái bóng của Ajax”, tranh sơn dầu của họa sĩ Đức Johann Heinrich Füssli vẽ năm 1804. Đây là cảnh Odysseus xuống Âm phủ, muốn nói chuyện với hồn ma Ajax, nhưng Ajax vẫn giận, quay đi, không thèm nói tiếng nào.

 

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ – Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn?
– Bài học Chủ nhật: Zeus và cây phả hệ rối ren

– Bài học Chủ nhật: ZEUS – Kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng

– Bài học Chủ nhật: Hylas – Người tình của Herakles hay của đám tiên sông?

– Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

– Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus

– Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) – vị thần không mấy ai thờ

– Bài học Chủ nhật: Hephaestos – Nạn nhân của Zeus hay của Hera?

– Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ?

– Bài học thứ Tư: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

– Bài học thứ Tư: Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

– Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra?

– Bài học Chủ nhật: Athena đọ sức Poseidon – Khi biển cả thua cây ô-liu

– Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu

– Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài

– Bài học thứ Tư: Gót chân Achilles hay sai lầm của một bà mẹ đoảng

– Bài học Chủ nhật: Poseidon – Nổi tiếng vì có vợ đẹp

– Bài học thứ Tư: Odysseus giả điên, Achilles giả gái

– Bài học Chủ nhật: Mars, Phryne, và vụ cởi truồng trước tòa án

– Bài học thứ Tư: Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái

– Bài học Chủ nhật: Iphigenia: Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người

– Bài học thứ Tư: Achilles ra trận – Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì?

– Bài học Chủ nhật: Artemis: Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố?

– Bài học thứ Tư: Khi Achilles yêu quá hóa ác

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ

– Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào?

– Bài học Chủ nhật: Apollo – Thần của lắm thứ, kể cả bệnh đau tim

– Bài học Chủ nhật: Vòng nguyệt quế của Apollo – Tại ghét đàn ông hay tại “thằng” Cupid?
– Bài học Chủ nhật: Chín nàng thơ – Biểu tượng của văn minh, nghệ thuật, nhưng hay bị vẽ sai

– Bài học Chủ nhật: Hestia – Trinh nữ xịn thì hay ở trong nhà

– Bài học Chủ nhật: Ariadne – Vớ được chồng tốt nhờ bị bồ bỏ

– Bài học Chủ nhật: Hades – Cai quản địa ngục, nhưng quậy phá mặt đất

– Bài học Chủ nhật: Dionysus – Bợm nhậu chính hiệu

– Bài học Chủ nhật: Demeter cứu con gái khỏi địa ngục – hay sự tích xuân hạ thu đông

– Bài học thứ Tư: Đám con lai các thần giết nhau, để cậu con nhà trần kết thúc

– Bài học thứ Tư: Odysseus – Kẻ có lắm mẹo vặt chết người

– Bài học Chủ nhật: Orpheus – chết vì đa nghi

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – Thần tình yêu thua chân dài (kỳ 1)

– Bài học thứ Tư: Chết lãng xẹt chỉ vì bộ giáp!

– Bài học thứ Tư: Anh hùng chớ lấy vợ ghen

– Bài học thứ Tư: Nọc rắn, nọc phụ nữ, nọc nào cũng chết

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả