Quỳnh Đỗ có chút ý kiến… Và cả anh Thông…
17. 06. 10 - 6:29 pm
QUỲNH ĐỖ & Phạm Huy Thông
Nhảy đầm – Tranh Đông hồ
(Quỳnh Đỗ có một cmt trong bài trả lời của Phạm Huy Thông. Trong cmt đó, Quỳnh Đỗ muốn nói rõ hơn về ý mình, cũng như mở rộng hơn về việc “nhái phong cách”. Vì phần cmt của SOI còn khiếm khuyết, xuống hàng mà không được :-), nên Soi xin được cắt dán ý kiến của Quỳnh Đỗ thành một bài nhỏ để các bạn dễ theo dõi và bản thân ý kiến không bị thiệt thòi về mặt hình thức. )
*
Tôi đi chơi mấy hôm, hôm nay mới vào đọc. Thật là bất ngờ khi một cuộc tranh luận nho nhỏ lại chiếm hết cả giao diện của Soi. Soi đã lấy riêng 1 câu trong mấy câu tôi viết để làm title, thật ra đó là 1 đoạn ngắn: “Về điều này thì tôi nghĩ là việc đặt vấn đề đầu tiên rất quan trọng, người ta sẽ biết đến Duchamp vì ông vẽ cái ria mép lên nàng Mona trước tiên. Trong việc này thì Thắng đã đặt vấn đề trước từ rất lâu. Thông cũng có thể làm hay hơn và khác đi, để Thông là Thông dù là làm sau, nhưng bằng cách nào đó phải khác biệt hơn với nàng Mona.“ Nếu đủ ý của tôi thì cũng là việc anh B cần khác và hay hơn anh A dù là cùng xuất phát từ một gốc… Và Soi yên tâm, quan trọng và đáng quý nhất phải là nàng Mona chứ.
Trở lại ý cũ của tôi, Tại sao tôi nói chuyện vẽ ria mép đầu tiên là quan trọng. Vì ngữ cảnh ở đây là Việt Nam. Các bạn đều biết vì sao tranh của họa sỹ Việt nam lại luôn thấp hơn tụi In-đô, Mã lai, Tàu… Có nhiều lý do mà nếu phân tích ra thì sẽ cần một bài dài, chiến lược nâng giá tranh của người Tàu, hay gì gì…. Nhưng có một lý do ai cũng biết, đó là cái gọi là uy tín nghề nghiệp của họa sỹ.
Đã có một thành kiến dành cho chúng ta rồi, thật đáng buồn khi Borobudur lúc đấu giá tranh đã thêm những lưu ý riêng với tranh của các họa sỹ Việt Nam… Mà nguyên do của nó cũ mèm: Ở bảo tàng thì toàn tranh rởm, ông Phái chết rồi vẽ nhiều hơn ông Phái chưa chết. Và các họa sỹ tự hại nhau bằng cách nhái tranh nhau. Mọi người đều thấy một sự thật là ở Hà nội có rất nhiều tranh chân dung khổ lớn giống kiểu anh Huy, phong cảnh kiểu Lê Thanh Sơn, cột điện dây chằng chịt…. có một vài mô típ mà song song mỗi motif có đến 6-10 hay hơn nữa các họa sỹ cùng “thao tác”. Có lẽ sẽ chẳng hay nếu lại có thêm vài họa sỹ nữa cùng “nhái ” Đông hồ…
Một cuộc tranh luận tốt khi người ta chỉ nói về chính cái sự việc ta đang nó đến, chứ không nên nói nhiều đến ngữ cảnh của sự việc và cảm xúc của bản thân. Tôi đã thấy sự mất bình tĩnh của bạn Thông, khi bạn nói nhiều đến ngữ cảnh. Bạn nhắc nhiều đến việc bạn quý mến Hà Mạnh Thắng. Tôi nhớ câu chuyện trước đây chưa lâu khi bạn Đức nhái tranh của Đào Hải Phong, tranh cãi nhau suốt trên các mặt báo, bạn Đức này khăng khăng mình không nhái tranh và với sự hậu thuẫn từ Mai Gallery, đã có vài cây bút vào cuộc. Tự nhiên tôi nghĩ nếu lúc đó bỗng dưng bạn Đức chả tranh cãi gì mà chỉ cần bảo : “Tôi rất mến anh Đào Hải Phong, đó như là người anh của tôi…” và thế là xong.
Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều nghĩ cái đáng quý nhất là một họa sỹ có sự độc lập về suy nghĩ khi sáng tạo. Và kể ra câu chuyện của chính mình Nghệ thuật còn bao điều hay ho, thật phí giao diện của SOI quá.
Tôi sẽ dừng cuộc tranh luận với bạn ở đây và không viết thêm bất cứ điều gì, chúng ta đều là người lớn và chả nên tranh cãi nhiều làm gì.
Cái quan trọng là trong tâm chúng ta đọng lại gì, ta nghĩ điều gì khi chỉ có một mình chứ không phải là những gì chúng ta viết ra ở một trang web hay và sôi nổi với thật nhiều bạn đọc.
Tôi sẽ vẫn hướng tới triển lãm tới của bạn với sự háo hức của một đồng nghiệp và mong bạn sẽ làm tốt công việc của mình. Chúc bạn thành công và tìm được hướng đi cho riêng mình. Chúc tất cả mọi người, các bạn ở Soi, các bạn họa sỹ thật nhiều súc khỏe và tràn đầy sáng tạo.
Buổi đi vẽ của CLB Họa sĩ Người nhái – tranh của Phạm Huy Thông
(Ngay sau đó, Phạm Huy Thông trả lời, nhưng không hiểu sao không “hiện hình” được ra ngoài. Soi xin dán vào đây luôn nhé.)
*
Bạn Quỳnh Đỗ ơi, Bạn nói như thể tớ là người đang đuối lý ý nhể. Tớ không cãi cọ tay đôi từng luận đề với bạn vì tớ thấy các bạn bè khác đã bênh vực tớ nhiều rồi. Mà tớ nói thì không khách quan bằng họ. Không thể đem câu chuyện Thắng – Thông so với câu chuyện Phong – Đức được. Bởi Đức và Phong là các họa sĩ vẽ phong cảnh, chủ yếu khai thác cái cảm về hình và mầu trên bề mặt (ngoài hình và mầu ra thì họ nhạt toét). Thắng – Thông… là những họa sĩ vẽ đề tài xã hội, đi vào chiều sâu của các vấn đề cuộc sống. Đó là nơi mỗi họa sĩ lại có một câu chuyện riêng để trăn trở.
Nếu nhìn trên luận điểm này, bạn sẽ thấy Thắng và Thông sử dụng hội họa để phản ánh những vấn đề hoàn toàn khác nhau. Họa sĩ lớp trẻ bây giờ không dừng lại ở mầu và hình nữa, bởi vẽ như thế mãi sẽ không vượt khỏi bóng của các bác khổng lồ đi trước. Bởi vậy khi xem nghệ thuật của lớp trẻ, bạn nên đi sâu hơn nữa vào cái hoàn cảnh, nội dung, thông điệp và những trăn trở trong mỗi tác phẩm. Đừng dừng lại ở vẻ bề ngoài bởi như vậy là dừng quá sớm khi xem xét một tác phẩm hội họa đương đại.
Thật tiếc là bạn Quỳnh Đỗ lại “Bỗng dưng muốn chán” và tuyên bố là không cãi nhau nữa (vì bạn ý là người lớn). Thực ra chỉ có người lớn mới có năng lực cãi nhau bằng ngôn từ và lý luận, chứ như trẻ con thì chúng nó choảng nhau từ lâu rồi. Vậy mà bạn Quỳnh Đỗ lại bỏ cuộc. Hay thôi đừng bỏ cuộc Quỳnh Đỗ ơi, cãi nhau nữa đi mà… Mà Quỳnh Đỗ ơi, cho tớ PR tí: Solo mang tên “Đồng Bào” của tớ sẽ khai mạc ngày 12. 11. 2010 tại Bùi Gallery, Ngô Văn Sở, Hà Nội. Lần này tớ không chép tranh Đông Hồ nữa mà chuyển sang làm thợ ảnh truyền thần. Bạn nhớ đến nhé.
...xem tiếp