Thiết kế

Bài thi logo cho Nhà hát chèo Hà Nội (phần 4: từ 16 đến 23) 20. 05. 13 - 10:39 am

Các bạn thân mến,

Sau đợt phát động thi sáng tác logo cho Nhà hát Chèo Hà Nội, đến nay các bài dự thi đã được gửi về. Ban Tổ Chức xin giới thiệu với các bạn các mẫu dự thi. Lời diễn giải về logo là do các tác giả tự viết. Hiện các mẫu dự thi chỉ để mã số, chưa để tên thật, để mọi người không bị “phân tâm”.

Mời các bạn cùng đóng góp, thảo luận, sao cho Nhà hát Chèo Hà Nội sớm có một logo ưng ý nhất.

Vì bài thi nhiều, chúng tôi xin phép được đưa thành nhiều kỳ.

(Tiếp theo phần 3)

*

Mẫu dự thi số 16

Ý tưởng chính:

Muốn thể hiện lại những đặc trưng tạo nên cái nét hồn của điệu chèo miền Bắc.

Trống là nhạc cụ không thể thiếu trong mọi bài chèo, hình ảnh cái trống chèo được bao phủ lấy 2 loại nhạc cụ cốt lõi nhất đó là: đàn nguyệt và đàn nhị.

Sử dụng hình vuông bao bọc ngoài cùng là ngụ ý lời hát của người nghệ sĩ xuất phát từ cổ họng (chữ khẩu 口) và bài chèo có hay hay không là do giọng hát của người nghệ sĩ (quan trọng nhất và có ảnh hưởng nhất trong toàn bộ bài chèo) nên vì thế hình vuông được thiết kế bao bọc hết toàn bộ các họa tiết còn lại.

Các hình ảnh họa tiết lồng vào nhau: ý nghĩa một bài chèo hay là nhờ việc kết hợp tài tình giữa nhạc cụ, nhịp phách, trống và giọng hát lại với nhau, hình ảnh được thiết kế gần đăng đối ngụ ý việc gìn giữ những giá trị truyền thông là cần thiết. Tuy nhiên để phù hợp với điều kiện xã hội phát triển thì việc cách tân là có thể chấp nhận được, nhưng vẫn giữ được nét đẹp của dân tộc.

Toàn bộ hình ảnh, họa tiết trang trí được cách điệu theo phong cách thiết kế kiến trúc cổ xưa ở Hà Nội.

Màu sắc: lựa chọn 2 màu của dân tộc Việt Nam: đỏ và vàng.

*

Mẫu dự thi số 17

Hình ảnh chính của logo là sự kết hợp của hai hình tượng chiếc quạt và tháp Bút đền Ngọc Sơn.

Chiếc quạt là hình ảnh tượng trưng cho nghệ thuật chèo.

Tháp Bút là hình ảnh tượng trưng cho Hà Nội.

Tháp Bút còn là hình ảnh tượng trưng cho chí khí của trí thức, văn nghệ sĩ của Hà Nội với ngọn bút “Tả thanh thiên” viết lên trời xanh những khát vọng hòa bình, tự do, hạnh phúc, bằng sức sáng tạo mãnh liệt, không ngừng, bằng ngọn lửa đam mê nghệ thuật truyền thống bất diệt của mình. Hơn nữa, sân khấu đền Ngọc Sơn là một chốn diễn linh thiêng nhưng rất đỗi thân thương của nhà hát chèo Hà Nội.

Mảng màu vàng hình vuông làm nền cho hình tượng logo được lấy ý tưởng từ chiếc chiếu sân đình – sân khấu khởi thủy của nghệ thuật chèo.

Màu chủ đạo là màu vàng – son, màu cho niềm tin về sự tỏa sáng rực rỡ của nghệ thuật chèo.

*

Mẫu dự thi số 18

Trọng tâm của logo Nhà hát Chèo Hà Nội là hình ảnh hai gương mặt – hai sắc thái cảm xúc đối lập: một vui, một buồn của hề chèo – nhân vật vốn đã vô cùng quen thuộc. Chính vì thế mà khi vừa nhìn vào logo là người xem có thể dễ dàng liên tưởng đến bộ môn nghệ thuật chèo.

Bên cạnh đó, hình ảnh chiếc quạt bên dưới vừa như làm nền cho nhân vật, vừa giúp logo thể hiện được nội dung là tượng trưng cho nhà hát chèo một cách rõ ràng hơn, bởi cây quạt là một đạo cụ thường xuyên xuất hiện trong các vở chèo.

Biểu tượng Khuê Văn Các được lồng ghép vào Logo nhằm giúp người xem nhận diện được: đây là Nhà hát Chèo Hà Nội.

Logo hướng tới sự gần gũi và cảm giác nhẹ nhàng, nên đã sử dụng những màu sắc tươi sáng.

*

Mẫu dự thi số 19

1. Hình ảnh của logo

Hình tròn: Logo được bao bọc bởi hình tròn, dạng hình học thường thấy trong nhiều mẫu thiết kế biểu trưng, nó tượng trưng cho sự viên mãn, cân bằng. Ngoài ra còn gợi nên hình ảnh mặt trời gần gũi, thân quen đem lại cảm giác ấm áp, thành công. Mặt trời có một vẻ đẹp lung linh nhưng cũng rất giản dị, sâu sắc. Bố cục chung của logo chủ yếu dựa trên sự sắp xếp các hình tròn khác (nói rõ hơn trong phần thuyết minh tỷ lệ).

Hình chiếc quạt: Được cách điệu dựa trên một đường tròn nội tiếp hình tròn lớn, đây là một trong những đặc điểm cơ bản, dễ nhận diện nhất của loại hình nghệ thuật ca – múa – nhạc – kịch như chèo.

Font chữ và hoa sen cách điệu: Chữ Hà Nội sử dụng font UTM Futura Extra, với dáng chữ chắc chắn, dễ đọc để người xem nhận biết được đây là biểu tượng riêng của nhà hát chèo Hà Nội.

Nâng đỡ toàn bộ bố cục logo là bông sen cách điệu, một phần sử dụng thay cho chữ “A”, vừa tạo được sự liên kết chặt chẽ của bố cục vừa tạo cho bông hoa hình khối từ hình vecter. Hoa sen là hình tượng gắn bó trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, mang một vẻ đẹp đằm thắm, tinh tế, vừa mềm mại, mà không mất đi sự vững chãi. Như nghệ thuật chèo nói chung luôn là loại hình nghệ thuật có tính quần chúng, hội hè, được hình thành và phát triển không tách rời khỏi sự phát triển của văn hóa dân gian. Đó chính là nền tảng cho thành tựu đã đạt được trong hiện tại và cả tương lai của nhà hát chèo Hà Nội.

Nhìn tổng thể, logo được vẽ bằng những nét rất đơn giản, phù hợp trong nhiều mục đích sử dụng nhưng các hướng của nét vẽ vẫn có nhịp điệu thể hiện được những đặc điểm như: tính ước lệ, khoa trương, đa thanh đa nghĩa của nghệ thuật chèo…

2. Màu sắc của logo

Logo được thiết kế bằng hai màu chính: tím và cam đậm.

Màu tím là sự pha trộn giữa màu đỏ đam mê và màu xanh dịu dàng. Nên rất gợi cảm, tinh tế mà luôn có vẻ bình dị, dễ gần với đông đảo quần chúng.

Màu cam thể hiện tính hài hước, cởi mở và tràn đầy năng lượng.

Nhìn chung về màu sắc và đường nét, logo nói lên được đặc thù của loại hình nghệ thuật chèo, và sứ mệnh, tầm nhìn của nhà hát chèo Hà nội cũng được thể hiện rõ qua những “nét vươn” của hình họa và họa tiết cụ thể.

3. Tỉ lệ của logo

Các đường tròn tạo nên bố cục cho các họa tiết chính được xây dựng dựa trên những con số nằm trong dãy số Fibonacci. Dãy số này có sự logic, tạo nên bố cục đẹp cho nhiều hình dáng trong thiên nhiên và trong nghệ thuật tạo hình.

*

Mẫu dự thi số 20

Với sự náo nhiệt, vội vàng, gấp gáp của xã hội đương đại, con người tìm đến chốn thị thành xa hoa đông đúc, đắm trong mong muốn danh vọng mà vô tình gác lại những nét đẹp dung dị, tinh tế. Nghệ thuật chèo dường như là một trong số đó, tuy xa cách với lối sống hiện đại nhưng luôn luôn mang đậm một sắc màu truyền thống, có chút gì đó lưu luyến xa xưa…

Chèo Việt Nam có lẽ luôn hiện lên trong ánh mắt mọi người với những sắc màu rực rỡ, sự tương phản mạnh mẽ của những gam màu nóng lạnh, tưởng xung khắc mà hài hòa. Cá nhân mình, khi nhắc tới chèo, sắc hồng sóng sánh ngập tràn. Đó là màu của sự dịu dàng thanh nhã, phần nào duyên dáng nhẹ nhàng. Bởi vậy, mình đưa sự dịu nhẹ ấy vào bản vẽ với gam hồng và những đường cong êm mịn như cánh quạt và vạt áo của người diễn chèo. Trùng hợp thay, đó là màu hoa sen, loài hoa gắn liền đất Việt, loài hoa mang nét đẹp mộc mạc, thuần khiết. Qua hình ảnh khuôn mặt nghệ nhân chèo lấp ló đằng sau vạt áo và bàn tay vén nhẹ, chèo thật tình tứ, e lệ. Thực vậy, những người phụ nữ hát chèo, họ uyển chuyển đến từng cử chỉ, từng ánh mắt, từng nụ cười để rồi đọng trong đôi mắt người xem sự quyến rũ, níu kéo thật tinh tế. Nhìn tổng quan, mình đưa hình ảnh búp sen bao trùm mẫu thiết kế, bởi búp sen ấy ẩn chưa vẻ đẹp thuần khiết không hề vội vã của chèo, ấp ủ một nghệ thuật đỉnh cao đang trải qua từng phút giây gần sát sự bung nở.

*

Mẫu dự thi số 21

Ý tưởng thiết kế

Logo được tạo hình dạng đối xứng tuyệt đối tạo tính chất trang trọng, cân đối, vững chắc như sự phát triển vững chắc của nhà hát chèo Hà Nội 60 năm qua.

Logo tạo hình gồm 2 phần

Phần hình ảnh (symbol) là hình ảnh chùa Một Cột – một di tích mang đậm tính văn hóa sáng tạo độc đáo của nghệ thuật truyền thống Việt Nam và là một hình ảnh tiêu biểu cho thủ đô Hà Nội được bạn bè thế giới biết đến. Hình ảnh chùa Một Cột được nghiên cứu và cách điệu thành dạng mảng nét đơn giản khúc chiết và nắm bắt được tinh thần chủ đạo của chùa Một Cột – Hình ảnh này còn được lồng trong hình ảnh một chiếc quạt giấy – đây là đạo cụ đặc trưng trong sân khấu chèo mà các nghệ sĩ sử dụng khi biểu diễn.

Toàn bộ hình ảnh của logo tạo thành một kết cấu chặt chẽ mà vẫn đảm bảo được độ thoáng của hình – Biểu trưng cho nhà hát chèo Hà Nội – với nét đặc trưng riêng của đơn vị nghệ thuật duy nhất trên địa bàn trực thuộc thành phố Hà Nội.
Logo được cách điệu với các nét tinh tế mang đậm tính đồ họa hiện đại.

Màu sắc sử dụng cho logo là một màu cam (thông số kèm theo) – đảm bảo logo hiển thị ở nhiều kích thước và có thể thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau (in trên áo – trên gốm sứ – khắc chìm – làm kỉ niệm chương – huy hiệu dập nổi – khắc trong pha lê…) khi ứng dụng cho việc quảng bá hình ảnh nhà hát chèo Hà Nội.

Màu cam là màu nóng dễ nhận biết – đồng thời mang đầy năng lượng biểu trưng cho sự phát triển bền vững và mạnh mẽ của nhà hát chèo Hà Nội – duy trì những vốn cổ dân tộc và sáng tạo không ngừng.

Phần chữ của logo Nhà hát Chèo Hà Nội tác giả lựa chọn font là dạng chữ không chân Avant Garde – Demi là dạng chữ đơn giản, hiện đại, khúc chiết.

*

Mẫu dự thi số 22

Logo lựa chọn 3 hình ảnh cô đọng và ý nghĩa nhất để cách điệu: Chiếc quạt là một đạo cụ vô cùng quen thuộc và được các nghệ sĩ chèo sử dụng phổ biến trong biểu diễn. Hoa cúc là loài hoa thể hiện sự thanh nhã, tôn quý, mang đậm bản sắc văn hóa của người Hà Nội. Hình ảnh Khuê Văn Các bấy lâu nay vẫn là một biểu trưng cho thủ đô ngàn năm văn hiến (logo sử dụng phần cửa sổ mặt trời để cách điệu). Ba hình ảnh này được cách điệu hòa quyện lại với nhau tạo thành một biểu trưng thống nhất.

.

Không những thế, logo còn thể hiện hình ảnh của mặt trời đang tỏa sáng. Bên dưới là cách điệu của rèm sân khấu được vén sang hai bên. Cụm hình ảnh này giống như một con thuyền độc mộc đang trở trên mình một báu vật: đó chính là nghệ thuật chèo.

 

*

Mẫu dự thi số 23

Ý tưởng: Tôi dùng một nửa hình ảnh chùa Một Cột, một trong những biểu tượng đặc trưng của Hà Nội, để tạo hình cho phần hình vẽ của logo. Trong phần chữ, tôi muốn nhấn mạnh vào chữ chèo, vì vậy tôi đặt màu của các chữ khác cùng màu với hình vẽ. Font của chữ chèo cũng khác với font của các chữ còn lại nhằm làm rõ nội dung chính và chuyên môn của nhà hát.

 

*

Bài liên quan:

– 50.000.000 VND cho logo của Nhà hát Chèo Hà Nội 
– Bài thi logo cho Nhà hát chèo Hà Nội (phần 1)

– Về logo số 1 đến số 5: Còn nhiều tính nghiệp dư

– Bài thi logo cho Nhà hát chèo Hà Nội (phần 2)

– Chưa bàn đến đẹp hay xấu, trước tiên phải có những thứ này…

– Về logo số 6 đến số 10: Lại còn có vẻ tệ hơn, lười suy nghĩ hơn

– Bài thi logo cho Nhà hát chèo Hà Nội (phần 3)

– Về bài thi logo số 14: Quá giống logo của Mandarin Oriental
 
– Bài thi logo cho Nhà hát chèo Hà Nội (phần 4: từ 16 đến 23)

– Bài thi logo cho Nhà hát chèo Hà Nội (phần 5: từ 24 đến 31)

– Sẽ không có giải cho cuộc thi logo?

– Nhà hát Chèo Hà Nội nên sòng phẳng

– Ai xui các vị viết cái thư dại dột ấy thế?
 
– Bài thi logo cho Nhà hát chèo Hà Nội (phần 6: từ 32 đến 39)

– Bài thi logo cho Nhà hát chèo Hà Nội (phần 7: từ 40 đến 47)

– Bài thi logo cho Nhà hát chèo Hà Nội (phần 8: từ 48 đến 55)

Ý kiến - Thảo luận

15:07 Tuesday,21.5.2013 Đăng bởi:  candid
@Nina: Các nhà hát nổi tiếng khác cũng thế thôi, chả ai nhớ logo là cái gì cả. Thường người ta nhớ đến các Nhà hát thông qua:
- Chương trình biểu diễn
- Kiến trúc của Nhà hát.
Nhưng không khéo sau này người ta nhớ đến Nhà hát chèo Hà Nội qua vụ thi Logo nà
...xem tiếp
15:07 Tuesday,21.5.2013 Đăng bởi:  candid
@Nina: Các nhà hát nổi tiếng khác cũng thế thôi, chả ai nhớ logo là cái gì cả. Thường người ta nhớ đến các Nhà hát thông qua:
- Chương trình biểu diễn
- Kiến trúc của Nhà hát.
Nhưng không khéo sau này người ta nhớ đến Nhà hát chèo Hà Nội qua vụ thi Logo này cũng nên. :D 
11:19 Tuesday,21.5.2013 Đăng bởi:  Nina
Gửi bạn Candid: Tất nhiên là Nhà hát tốt sẽ dễ mang lại sự nổi tiếng cho logo hơn. Nhưng mà ví dụ nhà hát opera La Scala thì cực kỳ danh tiếng, thế nhưng mình chả nhớ logo của nhà hát ấy đâu. Nhân nhắc đến mới đi tìm và thấy nó thế này:http://www.teatroallascala.org/includes/v2010/img/teatro-
...xem tiếp
11:19 Tuesday,21.5.2013 Đăng bởi:  Nina
Gửi bạn Candid: Tất nhiên là Nhà hát tốt sẽ dễ mang lại sự nổi tiếng cho logo hơn. Nhưng mà ví dụ nhà hát opera La Scala thì cực kỳ danh tiếng, thế nhưng mình chả nhớ logo của nhà hát ấy đâu. Nhân nhắc đến mới đi tìm và thấy nó thế này:http://www.teatroallascala.org/includes/v2010/img/teatro-alla-scala.png 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Về một cách nhìn nghệ thuật!

Một thành viên của Khoan Cắt Bê Tông

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả