Đi & Ở

Đề bài khó nhưng hay của Yokohama Triennale 2014 23. 07. 14 - 11:04 am

Soi tổng hợp và dịch

Từ một làng chài nhỏ 

Đọc trên Wiki, bạn sẽ thấy, ngày xưa, Yokohama chỉ là một làng chài nhỏ… Trong ảnh: Một cảnh ở Đồi Noge, Yokohama, 1890

 

Rồi vào thế kỷ 19, dưới sức ép của nước ngoài, Nhật phải mở nhiều thương cảng, Yokohama buộc phải chia tay đời sống cũ, trở thành cảng biển. Trong ảnh: Yokohama Akarenga Sōko – hai tòa nhà thuế quan, là những công trình đầu tiên mà chính quyền xây dựng hồi 1899 để phục vụ cho việc mở cảng biển. Nay bên trong hai tòa nhà lịch sử này là khu mua sắm, trưng bày, tiệm ăn, tổ chức sự kiện…

 

Trải qua bao nhiêu năm, Yokohama giờ thành cảng biển lớn nhất Nhật Bản, thành trung tâm thương mại khổng lồ, đồng thời là thành phố đông dân nhất nước Nhật. Ai mê bóng đá cũng nên biết luôn, rằng sân vận động Yokohama to đến mức có thể tổ chức trận chung kết FIFA World Cup 2002. Ảnh chụp buổi chiều tại Yokohama của Aleksandra Yakovleva

 

Nhưng Yokohama không phải chỉ có làm ăn buôn bán, tàu ra tàu vào với thể thao, đây còn là một thành phố của nghệ thuật… Trong ảnh: một phố nhà hát tại Yokohama hồi thế kỷ 19.

 

Kể từ lần khai mạc đầu tiên, hồi 2001, liên hoan nghệ thuật quốc tế 3 năm diễn ra một lần – Yokohama Triennale – đã trở thành một trong những sự kiện quan trọng nhất về nghệ thuật đương đại thế giới. Tháng Tám tới là lần khai mạc thứ năm của Yokohama Triennale, và Triennale này sẽ kéo dài tới tận đầu tháng Mười Một, nên bạn nào có đi Nhật giai đoạn này nhớ ghé xem. Trong ảnh: Bên trong Bảo tàng Nghệ thuật Yokohama, nơi diễn ra Yokohama Triennale 14

 

Yokohama Triennale lần 5 sẽ đặc biệt công phu, vì năm nay, thành phố Yokohama được “chỉ định” làm “Culture City of East Asia 2014” (Thành phố Văn hóa của Đông Á 2014), trong một chương trình liên kết giữa Trung Quốc, Nhật, và Hàn để giới thiệu ra thế giới sự phong phú về văn hóa và nghệ thuật (cả truyền thống lẫn đương đại) của vùng Đông Á. (Trung Quốc thì lấy Quảng Châu, Hàn Quốc thì lấy Gwangju làm thành phố thực hiện dự án). Trong ảnh: một tác phẩm trên đường phố Yokohama của Little K – Yokohama-shi

Ban tổ chức Yokohama Triennale cho biết, chương trình Triennale lần này sẽ khác các lần trước, ở chỗ các tác phẩm sẽ tập trung vào những thứ quan trọng mà chúng ta lại quên mất trong đời. Xem Triennale này, buộc lòng chúng ta phải tĩnh lặng mà quan sát và ngẫm nghĩ về sự tồn tại của chúng ta.

Để thực hiện đề bài khó thế này, nhà tổ chức Triennale phải làm sao?

Cái tên nào thích hợp nhất để nói về chữ “QUÊN”?

Những người làm Yokohma Triennale quyết định, chọn “ART Fahrenheit 451: Sailing into the sea of oblivion” (Dong buồm vào biển lãng quên) làm tên của liên hoan.

Theo lời giới thiệu của Ban tổ chức, “Fahrenheit 451” là tên một tiểu thuyết giả tưởng nổi tiếng của nhà văn Mỹ Ray Bradbury (chưa dịch ra tiếng Việt phải không các bạn?). 451 độ F là nhiệt độ tự bốc cháy của giấy. Tiểu thuyết là một câu chuyện diễn ra trong một xã hội tương lai, khi sách bị cấm, bị đốt hết, và không ai được quyền sở hữu sách hay đọc sách.
 

.

 Ở nửa sau của truyện, một nhóm người xuất hiện – “người sách”. Mỗi người trong số họ chọn một cuốn sách và nhớ toàn bộ nội dung của cuốn sách ấy. Trong nỗ lực cứu sách, chống lại việc đốt sách, những người này đã thử chuyển sách từ dạng ký ức vật thể sang ký ức phi vật thể, rồi họ bí mật lưu giữ phần cốt yếu của những cuốn sách trong trí não.

Những “người sách” ấy bị trục xuất khỏi cái xã hội đang cấm sách, thủ tiêu sách. Họ bị coi là những “khiếm diện nhân” vì sự tồn tại của họ cũng như việc họ chuyển sách thành những ký ức vô hình, đối với cái xã hội của những công việc thấy được bằng mắt kia, là “không hiện diện”. Nói cách khác, những “người sách” ấy trở thành “những kẻ bị quên đi”, sự hiện diện của họ bị xóa sổ. Và trớ trêu thay, không ai ngoài chính “những kẻ bị quên đi” ấy lại là những người lưu giữ khối ký ức bao la của sách.

Yokohama Triennale 2014 đã chọn tên của tác phẩm này làm tên cho chương trình triển lãm của mình, “ART Fahrenheit 451”. Do tác phẩm gốc, ngoài các tầng ý nghĩa khác, là một câu chuyện vô cùng mạnh về việc “quên” của loài người, cũng như việc cứu ký ức của con người.
 

.

Định nghĩa về sự “QUÊN”

Các nhà tổ chức Yokohoma Triennale cẩn thận định nghĩa sự “Quên” là:

– “Quên” là ký ức nhưng dưới dạng một lỗ đen hấp thụ những ký ức không được giữ lại

– Cho tới lúc này, trước khi được lưu lại chút nào trong ký ức, con người đã quên, đã loại đi một số lượng lớn không tưởng tượng nổi những thông tin và sự việc.

– Bên cạnh những ký ức có thể đã bị xóa, bị cấm đoán, bị kiểm duyệt, thì cả những ký ức đã “tiêu tùng” lẫn những ký ức chưa được sinh ra (ký ức của tương lai) đều có
thể được coi là “bị quên đi”, một khi chúng không được ai nhớ ra.

– Những thứ không nói ra, những thứ chúng ta không được nói đến, những thứ chúng ta không thể nói đến, những thứ chúng ta không muốn thấy, những thứ chúng ta không được thấy, và những thứ chúng ta khó mà thấy được, những thứ vô ích hoặc vặt vãnh… đều là những đối tượng để “bị quên”.

– Trong một thế giới càng ngày càng đầy ứ thông tin (và tỉ lệ với việc càng nhiều thứ bị quên), Yokohama Triennale là dịp để chúng ta cùng ngẫm nghĩ về những thứ vô thiên lủng ấy, những thứ lọt sổ không đáng được nhớ ấy, và rồi ta giữ chúng trong tim.
 

.

Nhưng vì sao phải “nhớ” những cái đã “quên”?

Các nhà tổ chức Yokohama Triennale lập luận:

– Thế giới này (vũ trụ này) được lấp gần như đầy bởi cái lỗ đen, (hay cái biển sâu mênh mông) của quên lãng ấy. So với lỗ đen này, thế giới của ký ức chỉ là một hòn đảo nhỏ trong một biển lãng quên mịt mùng.

– Để thấy được thế giới, chúng ta hãy chuyển vị trí, từ tập trung vào “ký ức” sang tập trung vào “lãng quên”. Khi đó, xã hội, cũng như mọi khía cạnh khác của đời ta có thể sẽ hiện ra hoàn toàn khác với những gì ta đã thấy trước kia, buộc chúng ta phải diễn dịch trải nghiệm này, sự mặc khải này, và cái xung động không cưỡng nổi này… thành một hình thức thể hiện nào đó. – Chắc chắn, quan điểm lấy nghệ thuật để thể hiện những điều trên là một hướng lựa chọn, và quan điểm này có thể được nhiều người cùng chia sẻ.

Từ “oblivion” (lãng quên) trong tên của Yokohama Triennale 2014 lần này -“Fahrenheit 45: Sailing into the sea of oblivion” – hàm ý muốn người ta quan sát cái quan điểm của nghệ sĩ trong việc lựa chọn cách thể hiện sự lãng quên; và như vậy, Triennale này không liên quan gì tới việc “khai quật” lịch sử mỹ thuật đã bị bỏ quên, hay sa đà vào những tình cảm hoài cổ.

Về chương trình “dong buồm” cụ thể, đi với “thủy thủ đoàn” nghệ sĩ nào, đến địa điểm “quên” nào, Soi sẽ dịch tiếp.

Ý kiến - Thảo luận

9:11 Saturday,26.7.2014 Đăng bởi:  qthanh
hay.
...xem tiếp
9:11 Saturday,26.7.2014 Đăng bởi:  qthanh
hay. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tản mạn chuyện tượng đài
và đài kỷ niệm

Bài & ảnh: Họa sĩ Đỗ Đức

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả