Nghệ sĩ thế giới

27. 7: Làm sao quên được “mạnh thường quân” Gertrude Stein?29. 07. 15 - 10:25 pm

Phạm Long tổng hợp và biên dịch

.

Gertrude Stein (03. 2. 1874 – 27. 7. 1946): nữ văn sĩ, thi sĩ Mỹ sinh ra tại Pennsylvania, song hầu như cả cuộc đời bà đã sống tại thủ đô nước Pháp. Trong ảnh này : Gertrude Stein tại bàn làm việc của bà tại Paris, vào tháng 11. 1938.

 

Mặc dù cũng rất nổi tiếng trên văn đàn, là một trong những người tiên phong của bút pháp “dòng ý thức”, nhưng ảnh hưởng lớn lao trước hết của Stein đối với nghệ thuật thế giới lại ở vai trò một mạnh thường quân và nhà sưu tập tinh tế đầy khát vọng của mỹ thuật hiện đại. Trong ảnh: Stein ký tặng người hâm mộ

 

Vào đầu những năm 1900, căn hộ của Gertrude Stein tại Paris đã trở thành một salon nghệ thuật được giới nghệ sĩ Paris đặc biệt yêu thích. Một số khách thường xuyên lui tới số nhà 27 phố Rue de Fleurus là những họa sĩ thực nghiệm trẻ tuổi như Picasso, Braques, Manet, Renoir, Cézanne, Matisse có các tác phẩm được anh em nhà Stein sưu tầm rất nhiều. Trong bức ảnh này của Man Ray, Gertrude Stein ngồi mẫu cho Jo Davidson nặn tượng, 1922

 

Và đây là bức tượng, bày ở bảo tàng Whiney, New York City, 1966

 

Bên cạnh những nhân vật sôi nổi, nhất là Matisse hoạt khẩu, thì Picasso – một người mới chân ướt chân ráo đến Paris và đang tập nói tiếng Pháp – thường bị đám thực khách trong các bữa tiệc tối thứ Bảy ở nhà Stein coi là “người Tây Ban Nha tịnh khẩu” và khó hiểu. Nhưng khi số lượng khách và tần số tụ tập của salon Stein tăng lên, tình bạn của bà với Picasso cũng nở rộ. Trong ảnh: chân dung Stein do Picasso vẽ, nay thuộc sưu tập của Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, New York.

 

Trong khi người anh trai lại ngày càng nghiêng về chủ nghĩa ấn tượng, thị hiếu nghệ thuật của Stein có vẻ ngả sang hội họa thực nghiệm nhiều hơn, bà ngày càng tin chắc vào tài năng xuất chúng của Picasso và đã trở thành một trong những nhà sưu tập lớn đầu tiên của hội họa Lập thể. Trong ảnh này : Stein bên bức chân dung Picasso vẽ bà, tại nhà bà.

 

Thường xuyên có mặt tại salon của nhà Stein là các nhà tư tưởng, tác gia và văn nghệ sĩ vĩ đại của thế kỷ 20, trong đó có Picasso, Matisse, Joyce, Fitzgerald, Apollinaire, Pound và Hemingway (ảnh, từ trang này).

 

Trong tác phẩm A Moveable Feast (“Hội hè miên man”), Ernest Hemingway không chỉ dành hẳn chương 2 để kể về những cuộc gặp gỡ thân tình giữa ông với “Miss Stein”, được nghe những “giáo huấn nghệ thuật” của bà, mà còn nhiều lần nhắc tới bà như một bậc trưởng lão, người đỡ đầu và bạn tâm giao trong những ngày ông chập chững bước vào làng văn nghệ Paris.

 

Nếu bạn từng yêu quý Paris và đời sống nghệ thuật nơi đây, xin dành ít phút của buổi tối ngày 27. 7 (than ôi! Soi post muộn rồi) để thưởng thức trích đoạn chương 2 và 3 sau đây của cuốn “Hội hè miên man” (xin cám ơn bản chuyển ngữ trên-cả-tuyệt-vời và dịch giả Phan Triều Hải – dù chưa liên lạc được để xin phép bạn 🙂 để nhớ về một vĩ nhân mà cuộc sống của bà đã trở thành một phần của đời sống nghệ thuật hiện đại Paris và thế giới đầu thế kỷ 20:

*
 
“… Buổi chiều, tôi có thể theo những con đường khác nhau dẫn xuống Jardin du Luxembourg, đi qua khu vườn để đến Musée du Luxembourg, nơi trưng bày những kiệt tác hội họa mà nay hầu hết đã được chuyển về Louvre và Jeu de Paume. Hầu như ngày nào tôi cũng đến để xem tranh của Cézanne, của Manet hay Monet và những họa sĩ thuộc trường phái Ấn tượng khác mà tôi biết đến lần đầu tại Viện Mỹ thuật Chicago. Từ tranh của Cézanne tôi học được một điều rằng, giữa việc viết một câu đơn giản mà chân thật và một cái truyện có tầm cỡ như ta mong muốn là một khoảng cách rất dài. Tôi học được ở ông nhiều điều nhưng không biết phải diễn đạt những điều ấy như thế nào với người khác. Mặt khác đó là bí mật. Và khi Luxembourg xuống đèn, tôi sẽ đi ngược lên qua vườn và ghé vào căn hộ của Gertrude Stein ở 27 rue de Fleurus.
 

Gertrude Stein (phải) và Alice B. Toklas trong căn hộ đầy tranh ở Paris

Vợ tôi và tôi đã đến tự giới thiệu mình với Miss Stein, bà và cô bạn sống chung rất niềm nở thân thiện và chúng tôi rất thích căn phòng lớn treo đầy kiệt tác hội họa của bà. Nếu không có cái lò sưởi rất to thì căn phòng không khác gì một trong những phòng trưng bày tranh đẹp nhất của một bảo tàng tinh tế nhất, ở đó ta có cảm giác ấm áp dễ chịu, được phục vụ thức ăn, trà và các loại rượu chưng cất tự nhiên từ mận tím, mận vàng hay quả mâm xôi dại. Thứ rượu trong veo thơm ngát ấy được chứa trong bình thủy tinh rồi sau đó được rót vào các ly nhỏ, và cho dù làm từ quả quetsche, mirabelle hay framboise thì chúng đều có vị của các loại trái ấy, và được chuyển thành loại lửa kiềm chế trên môi người khiến ta nóng bừng và lỏng cả châu thân.

Miss Stein bề thế nhưng không cao, vóc dáng nặng nề như một nông dân. Bà có đôi mắt đẹp và khuôn mặt mạnh mẽ của người Do Thái gốc Đức, nhưng cũng có thể là của người Friuli, trang phục của bà gợi cho tôi nhớ đến hình ảnh một bà nông dân Ý, cùng khuôn mặt linh hoạt và mái tóc dày yêu kiều sống động của dân di cư mà bà vẫn vấn cao như thuở còn đi học. Bà nói huyên thuyên và trước tiên là nói về người này người nọ và nơi này nơi kia.

Chân dung Miss Stein do Man Ray chụp, 1946

Bà sống chung với một phụ nữ nhỏ người có giọng nói êm ái; bà ta có là da rất sẫm, tóc cắt theo kiểu Jeanne d’Arc như trong những minh họa của Boutet de Monvel cùng một cái mũi rất khoằm. Lần đầu tiên chúng tôi đến thăm, bà ta đang ngồi thêu, bà vừa thêu vừa để mắt đến việc sắp xếp đồ ăn thức uống và nói chuyện với vợ tôi. Bà tham gia cuộc trò chuyện này nhưng tai vẫn dõi theo hai cuộc trò chuyện khác và thường xuyên xen vào các cuộc nói chuyện không phải của bà. Sau này bà giải thích với tôi rằng bà luôn nói chuyện với các bà vợ. Những bà vợ, vợ tôi và tôi cảm thấy, đều được chiếu cố. Nhưng chúng tôi thích Miss Stein và bạn gái của bà, dù bà bạn ấy thật dễ sợ. Tranh và bánh và eau-de-vie (rượu mạnh – ND) quả thật tuyệt hảo. Dường như họ cũng thích chúng tôi và đối xử với chúng tôi như với một bọn trẻ tử tế, biết cư xử và đầy hứa hẹn và tôi cảm thấy họ đã tha thứ cho chúng tôi cái tội đã yêu và cưới nhau – thời gian sẽ sửa chữa sai lầm đó – thế nên khi vợ tôi mời họ đến nhà dùng trà, họ đồng ý.
 

Với bạn gái Alice B. Toklas “mũi khoằm” và “dễ sợ”

Khi đến căn hộ của chúng tôi, dường như họ còn thích chúng tôi hơn nữa, cũng có thể vì căn hộ quá nhỏ nên chúng tôi ngồi gần nhau hơn. Miss Stein ngồi lên cái gường đặt bệt trên sàn và bảo muốn đọc những cái truyện tôi đã viết rồi nói bà thích chúng, ngoại trừ cái truyện có tên “Up in Michigan”.

“Truyện được đấy,” bà nhận xét. “Rõ là thế rồi. Nhưng inaccrochable. Tức là như một bức tranh họa sĩ vẽ ra nhưng không thể treo trong triển lãm, và sẽ không có ai mua vì họ cũng không biết phải treo nó như thế nào.”

“Nhưng có vấn đề gì khi nó không xấu, mà chỉ là do tôi cố gắng thể hiện chính xác thứ ngôn ngữ người ta vẫn nói trong đời thực? Tôi dùng những từ ấy vì chỉ có chúng mới khiến cái truyện trở nên thật, làm thế là sai sao? Ta buộc phải sử dụng những từ ấy thôi.”

“Nhưng cậu chẳng hiểu gì,” bà nói. “Cậu không được viết ra những cái truyện inaccrochable. Không có ý nghĩa gì cả. Sai lầm và ngớ ngẩn.”

Bà bảo, khi bà muốn đăng truyện trên tờ The Atlantic Monthly là truyện được đăng. Theo bà tôi chưa phải là một nhà văn đủ tầm để in trên đó hay trên tờ The Saturday Evening Post nhưng tôi hoàn toàn có thể trở thành một nhà văn có phong cách với điều đầu tiên luôn phải nhớ là không được viết những truyện inaccrochable. Tôi không tranh luận và cũng không tìm cách giải thích thêm với bà chuyện này trong suốt buổi trò chuyện. Viết là chuyện riêng của tôi và ngồi nghe người khác nói vẫn hay hơn nhiều. Chiều hôm ấy bà cũng chỉ cho chúng tôi cách làm sao để mua được tranh.

“Cô cậu phải chọn hoặc mua áo quần, hoặc mua tranh,” bà nói. “Đơn giản là trừ phi có thật nhiều tiền, còn không thì chẳng thể làm cả hai thứ ấy cùng lúc được đâu. Đừng để ý đến chuyện ăn mặc, đừng quan tâm đến chuyện mốt miếc này nọ, chỉ nên mua quần áo loại ăn chắc mặc bền là được, và như thế cô cậu sẽ có khoản tiền quần áo ấy để mua tranh.”

“Nhưng ngay cả khi suốt đời nhịn mua quần áo,” tôi nói, “chúng tôi cũng không đủ tiền để mua những bức của Picasso mà chúng tôi thích.”

“Không. Ông ấy ngoài tầm của cậu. Cậu phải mua tranh của những người cùng lứa – những người cũng đi lính như cậu ấy. Cậu sẽ dễ dàng làm quen với họ thôi. Có thể gặp họ khắp nơi trong khu phố. Bao giờ cũng có những họa sĩ đầy tiềm năng. Nhưng với điều kiện là đừng phung phí tiền mua quần áo. Đó là vấn đề của vợ cậu. Quần áo phụ nữ bao giờ cũng đắt.”

Tôi để ý thấy vợ tránh không nhìn bộ quần áo kỳ dị Miss Stein đang mặc và nàng đã làm được. Khi chia tay chúng tôi vẫn thân thiện, tôi nghĩ thế, và họ mời chúng tôi đến lại 27 rue de Fleurus.

Gertrude Stein và Alice B. Toklas, tháng 9. 1944

Sau đó, tôi được mời đến căn hộ của họ bất kỳ lúc nào sau năm giờ chiều vào mùa đông. Có lần tôi gặp Miss Stein trong vườn Luxembourg. Tôi không nhớ lúc ấy bà có dắt chó đi cùng không, hay vào thời điểm ấy bà có nuôi con chó nào không. Tôi chỉ nhớ tôi đi tay không vì chúng tôi không có tiền để kham nổi chó, thậm chí một con mèo cũng không, và tôi chỉ biết đến mèo ở các quán cà phê hay trong các quán ăn nhỏ, hay là những con mèo to phát khiếp tôi vẫn thấy qua cửa sổ nhà những người gác cổng. Về sau tôi thường gặp Miss Stein dắt chó đi dạo trong vườn Luxembourg, nhưng tôi nghĩ thời điểm này là trước khi bà bắt đầu nuôi chó.

Nhưng cho dù có chó hay không có chó tôi cũng nhận lời mời của bà ghé qua căn hộ, và bà luôn mời tôi loại rượu eau-de-vie chưng cất tự nhiên, thúc giục tôi rót thêm, rồi tôi ngồi đấy xem tranh và trò chuyện. Tranh rất tuyệt và trò chuyện rất hợp. Hầu hết là bà nói, nói về những bức tranh hiện đại và về các họa sĩ – thường là về đời tư hơn là về tác phẩm – rồi nói về công việc của bà …

Gertrude Stein và Alice B. Toklas trong căn phòng có giấy dán tường, 1938. Ảnh của Cecil Beaton

… Rất dễ hình thành cái thói quen chiều muộn nào cũng ghé qua 27 rue de Fleurus để nhấm nháp sự ấm áp, ngắm các kiệt tác hội họa và trò chuyện. Miss Stein thường không có khách, bà lúc nào cũng thân mật và trong suốt một thời gian dài, là người rất tình cảm…”

Trong ảnh này : Stein và người bồ chung thủy đến cuối đời của bà – Alice B. Toklas. Stein mất trước, tuy rất yêu thương Alice, và muốn để lại mọi thứ cho Alice, nhưng giữa hai người lại không có giấy tờ gì. Khi Alice đi nghỉ mát, họ hàng của Stein đã vào dọn sạch. Alice sống nghèo khổ, bằng bạn bè giúp, bằng viết lách (có sách nấu ăn của bà rất nổi tiếng). Bà phải chịu đựng gần 20 năm sống mà không còn Stein. Khi mất đi, bà được chôn cạnh mộ Stein, ở nghĩa trang Père Lachaise, Paris.

Ý kiến - Thảo luận

14:08 Thursday,30.7.2015 Đăng bởi:  PTH
Vui vì được đọc lại đoạn trích dịch. Cám ơn tác giả và Soi.
...xem tiếp
14:08 Thursday,30.7.2015 Đăng bởi:  PTH
Vui vì được đọc lại đoạn trích dịch. Cám ơn tác giả và Soi. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp