|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhBài 2: Chỉn chu, chau chuốt, mà không chòn chòn 12. 05. 16 - 7:57 amVũ Lâm(Tiếp theo bài 1) Thành công của Thái Nhật Minh trong triển lãm “Chinh phu-Chinh phụ” vừa qua có mấy nét. Nhưng có một nét đặc biệt đáng kể phải nhắc tới, rằng có lẽ lần đầu tiên tôi được xem một triển lãm lộ hoàn toàn “ý văn học” một cách minh bạch và chi tiết mà không cảm thấy khó chịu. Tác giả thuyết trình (giới thiệu) ngắn gọn câu chuyện về triển lãm của mình trong vòng một trang giấy, để người xem, dù là người ngoại ngạch đến mấy, cũng có thể hiểu chuyện một cách rõ ràng và nhanh chóng. Nhưng nếu giả dụ bỏ đi những lời này, chỉ đề tên triển lãm và những hình tượng không, không cần diễn dịch, thì người trong nghề hay ngoài nghề cũng có thể cảm thụ trực quan được, không bị ảnh hưởng chút nào. Một đàn anh trong nghề dự khai mạc bình luận: “Cái này nó có chuyện, có câu chuyện, nên dễ nói. Chứ còn sóng thì có nghĩa gì không? Sóng chả có nghĩa gì cả. Thế thì biết nói thế nào bây giờ?” Hóa ra mỗi thứ nghệ thuật có một loại ngôn ngữ, đừng lạc ngôn ngữ và dùng ngôn ngữ khác lòe ngôn ngữ này là được. Là nghệ thuật tạo hình thì dù có “cốt truyện” hay không có cốt truyện, chỉ phản ánh các trạng thái, nhiều khi lưỡng cực, mâu thuẫn cùng tồn tại thì quan trọng trước hết là ngôn ngữ tạo hình phải rõ rệt, tạo cảm xúc mạnh. Mà như tôi quan niệm về điêu khắc, là thứ phải gây được ngay “chưởng lực” uýnh trực tiếp vào cơ thể người xem.
Thành công thứ hai của Minh là nghệ thuật tổ chức không gian trong việc việc kiến tạo được trạng thái bằng những tìm tòi sắp đặt, tổ hợp điêu khắc trong một cấu trúc không gian giới hạn, mà như lời khen của họa sĩ Thành Chương là “tôi phải tròn xoe mắt mà nhìn”, “đúng là ba keo con mèo mới mở mắt” (ý nói đây là triển lãm cá nhân lần thứ ba của Minh). Ở triển lãm đầu tiên, triển lãm nói về tự do có tên “Những con chim” (2013) cũng tại Bảo tàng Mỹ thuật, Minh đã manh nha với ý thức chiếm lĩnh không gian bằng những đường nét phụ trợ, nhưng hơi có tính miêu tả một cách đơn giản. Ở triển lãm thứ hai “Mùa sinh sản” tại Manzi (2014) và một loạt những triển lãm cùng nhóm Newform cũng tại đây và một số địa chỉ khác, Minh thao diễn thêm việc tổ hợp giữa tác phẩm và không gian, dùng những đơn vị tượng của mình như các mô-đun sắp đặt để liên kết các mảng không gian trong, ngoài, diện đứng, bề mặt…tạo những hiệu ứng cảm giác như “khâu” được các mảnh không gian vào với nhau, trong đó hình tượng đi xuyên qua và vận động một cách uyển chuyển, thoải mái. Cho đến triển lãm “Chinh phu-Chinh phụ” này, Minh có một bước tiến dài sau một quá trình rèn luyện việc tổ chức không gian để nổi bật ý đồ tạo hình, tương xứng với bốn năm công phu chuẩn bị (hai triển lãm trước Minh chuẩn bị trung bình 2 năm). Đó là việc đặt cụm tượng lặp gắn trên các dàn lao gỗ sơn đen, nhọn đầu (có hướng), dựng trên bệ bốn chân hoặc treo (phòng thứ nhất). Nếu như các cụm tượng liên hoàn này phát triển theo chiều dọc đứng, thì dàn gỗ phát triển theo chiều ngang. Cộng với cách đánh sáng tạo bóng dưới nền, trên tường làm cho hiện ra nhiều lớp đường nét xung đột vừa thực, vừa ảo cắt nhau rất mạnh và choán đầy, phá giải. Điều đó làm ta cảm giác được sự xung động mạnh mẽ, dữ dội của chiến tranh. Phòng thứ hai, để nói về câu chuyện hậu chiến, thì gần như trống, chỉ có ít ỏi số mũi lao (giả tưởng) xuyên được qua. Tượng chiến binh bị cắt rời đầu, thân, nhìn lốm đốm trên một mặt phẳng trắng (sàn). Hình tượng chinh phụ và bóng như những nốt đen đậm vẫn trải dài liên tiếp trên tứ diện trắng. Có thể nói, sang phòng bên này, câu chuyện tạo hình được chuyển mạch từ đặc kịt, xung đột sang rỗng, trống, vắng, lạnh. Hai sắc trắng-đen có hiệu quả chủ đạo, câu chuyện được tiếp nối liền mạch và có sức ám ảnh nặng trĩu trong sự tĩnh lặng. Đó là sự nhuần nhuyễn của việc kết hợp tư duy điêu khắc và tư duy design kiến trúc trong tạo hình. Bàn về hình các cụm tượng của Thái Nhật Minh, thì đây là một điều làm tôi thấy băn khoăn. Như xu hướng sáng tác của tác giả bấy lâu nay, thì anh không chọn cách làm các tượng với khối đơn có kích thước lớn, mà chọn làm những chùm tác phẩm nhỏ có chung một chủ đề, bám sát một ý tưởng có câu chuyện, chú trọng sự chau chuốt của chi tiết để rồi tương tác với khoảng không nơi đặt để. (Có lẽ tượng “Một mình” trên Flamingo Đại Lải là tượng lớn nhất của Minh từ trước tới nay, kích thước 4,8m x 2,6m x 1,5m, do đặt hàng). Với xu hướng và cách thức bày đặt như vậy, thì trong triển lãm “Chinh phu-Chinh phụ” lần này, từng tượng lẻ thì không có mấy ý nghĩa. Số tượng nhôm đúc khoảng vài trăm “con”, chỉ cao khoảng 20cm, còn số tượng đá trắng (chắc lấy nhiều công phu gọt đẽo nhất của Minh) cao dưới 20cm. Cũng một nhà điêu khắc thế hệ trước bình luận, “số tượng này phóng to thêm khoảng 40cm thì đẹp”. Chứ còn bé quá, thì người ta dễ liên tưởng tới đồ chơi Pokémon hay kiểu hình Gingerbread Man. Cũng nên lưu ý thêm một điểm, đó là số kinh phí đầu tư của tác giả bỏ ra (hoàn toàn tiền túi, không có tài trợ nào) ngoài công sức điêu khắc, cũng là có hạn, nhất là một tác giả còn trẻ, chưa có mấy nhiều điều kiện như Minh. Còn có một điểm khác tôi cho là mình phát hiện (không phổ biến lắm nhưng cũng coi như một hiện tượng) là, một số họa sĩ rất gầy thì lại hay vẽ hình rất béo, hoặc ngược lại. Người cao thì vẽ hình lùn đi, hoặc người thấp thì thích kéo hình dài ra… Nhà điêu khắc Thái Nhật Minh có cái đầu khá to, nhưng khi tạo hình tượng người “kiểu của Minh”, anh lại thích vuốt cho phần đầu nhỏ lại, giống như một cái mỏ chim, gần như không có đầu. Có phải anh làm tượng chim lâu ngày nên đồng hóa chim với người thành ra… birdman? Trong máy điện thoại, tôi lưu tên anh là “Minh chim” cho dễ phân biệt trong quá nhiều tên Minh, mặc dù tôi không thích cách gọi này. Bởi vì Minh còn làm cả tượng sên rất đẹp, và nhiều con vật khác bằng giấy đắp. Chẳng nhẽ gọi là “Minh sên”? Các đồng nghiệp lớn nhỏ trong giới điêu khắc vẫn gọi nhau gắn với tác phẩm quen thuộc như vậy cho dễ nhớ: Minh “chim”, Lâm “cây”, Tính “sen”, Tuyền “sóng”, Tri “thuyền”, Minh “bóp”, Sơn “lúa”…Điều đó cũng khẳng định một phần dấu ấn sáng tạo của họ. Như kiểu đặt biệt danh phổ thông của người Việt ta, gắn với nghề nghiệp hay đặc điểm, nhiều khi khá kỳ quặc. Nhưng tiện cái là dễ nhớ, dễ phân biệt. Một điểm đáng trân trọng mà các tác giả điêu khắc trẻ hơn muốn đi vào con đường chuyên nghiệp có thể học hỏi ở Minh nữa (mặc dù tuổi đời và tuổi nghề nghề điêu khắc của Thái Nhật Minh đang là rất trẻ rồi) là tính cách chuyên nghiệp và cần cù nhẫn nại, cũng như kiên quyết với chính kiến cá nhân. Trong 10 năm sáng tác tính tới nay, thấy tác phẩm của Minh có một sự phát triển liên tục. Từ năm 2010 tới nay, anh tham gia đều đặn những triển lãm điêu khắc lớn và giật giải. Ngoài ra còn có các triển lãm nhóm xen kẽ với tác phẩm có ấn tượng riêng biệt. Năm 2013, 2014, 2016, Minh làm 3 cuộc triển lãm cá nhân liên tiếp, với công việc chuẩn bị gối đầu nhau, như các chuỗi dự án công việc cá nhân không ngừng nghỉ. Thành công của anh có được từ thái độ điềm đạm, tịnh tiến, làm việc chăm chỉ, dồn hết cả cho sự nghiệp, lầm lì và quyết liệt như một trai làng với tất cả sự kiêu hãnh của từ này. Cả việc liên tục bám sát các vấn đề của cuộc sống đương đại, phán đoán được xã hội cần cái gì, mà vẫn làm theo được ý mình. Người Việt ta với thói “trọng xỉ” nên hay khoái làm anh, làm bố, làm thầy thằng khác. Tôi cậy sinh trước tác giả vài năm, muốn vặn vẹo bình luận mấy câu mà chẳng thấy có điểm nào “phê bình” được tác giả, đành nặn ra một câu cho nó có vẻ khó hiểu: Cái hay nhất mà cũng là cái dở nhất của Thái Nhật Minh là, cái gì nó cũng Chòn Chòn (tên một triển lãm của nhóm họa sĩ Hà Nội-Huế)… không có gì để mà phê bình được cả! Để kết thúc câu chuyện này, tôi đưa ra một vài hình ảnh tác phẩm so sánh ngược thời gian với các tác giả từng có tác phẩm liên quan đến chủ đề trên. Cảm nhận về sự so sánh ấy, có lẽ dành cho tự thân từng người xem sẽ sinh ra. Từ sự hoang mang sợ hãi đau đớn của người trong cuộc chứng kiến, đến sự dằn vặt lo lắng, đến sự mơ mộng lãng mạn nhưng vẫn đau đớn, hay sự ngưỡng vọng và trăn trở của người xa cuộc thế đó nhưng vẫn đau đớn. Luôn luôn và xuyên suốt thời gian vẫn là những lời chất vấn vô cùng nhức nhối … Đó là tác phẩm “Sóng” bằng thép của nhà điêu khắc Đào Châu Hải trong triển lãm “Không vô can và Ballad biển Đông” năm 2010 (triển lãm chung với tranh giấy Dó của Lý Trực Sơn). Bức “Tiễn” trong loạt 26 tác phẩm trong triển lãm “Chuyện của Lan” của họa sĩ Lê Thiết Cương (triển lãm năm 2008), và bức tranh “Hào” của họa sĩ Dương Bích Liên (vẽ năm 1972, sau nhiều lưu lạc, vừa được một nhà kinh doanh nghệ thuật cho ra mắt như một tiết mục “đinh” trong dịp khai trương một khách sạn cạnh Bờ Hồ).
Có vẻ như, nghệ thuật sinh ra vào những thời số phận xã hội và con người càng trắc trở cay đắng, nhiều mất mát, thì cũng tinh diệu đa đoan và đủ mùi hơn. Còn nghệ thuật sinh ra vào thời thái bình, chính trị ổn định, cá nhân sung sướng, thì nhàn nhạt hơn. Nếu là tôi, thì xin cứ xem nghệ thuật nhạt, để mà còn ngày ngày dẫn trẻ đi chơi, nghe vợ ca cẩm, nói xấu sếp sau lưng, chửi đời ngoài quán xá… cũng được. Còn hơn xem nghệ thuật nao lòng, mà thân mình thân người lên voi xuống chó, bĩ cực đủ đường. Nhưng mình có quyết định thế thời được đâu. Và cuộc thế mấy chục năm nay, cái chung cho đến từng cái riêng, biết thế nào là ổn? Thời chiến thì thế nọ thế kia, cho đến thời bình thì tưởng đã sướng, nhưng rồi nó lại thế kia thế nọ… Nghĩ lại nghĩ đi thì tâm tư trở nên cuồn cuộn dằng dặc không có hồi kết như các “chinh phụ”, đành thở hắt ra mà chửi đổng một câu: Tiên sư cái chữ “chinh” kia, làm khổ chúng ông, chúng bà, chúng nó…
Ý kiến - Thảo luận
14:12
Saturday,14.5.2016
Đăng bởi:
Candid
14:12
Saturday,14.5.2016
Đăng bởi:
Candid
@Nhảm: thì em không biết gì mà. Chỉ xem các triển lãm và thấy thích các triển lãm của Minh thôi. Còn nhất hay nhì, hay ý tưởng gì gì đấy thì em chịu.
7:08
Saturday,14.5.2016
Đăng bởi:
capcuu
- Khen :
Luôn khen Thái Nhật Minh từ trước tới nay (cho dù lời khen của mình chả ý nghĩa đếch gì với ai) , từ điêu khắc "những con chim" tới "Mùa sinh sản" ... Tạo hình tốt (luôn tốt), tỉ mỉ, tròn trịa. Nội dung trong sáng, mạch lạc, gọn gàng. Người xem cảm thấy đủ dễ chịu khi đi vào, không bị khó hiểu kiểu đánh đố như nhiều triển lãm điêu khắc khác. - Chê: ...xem tiếp
7:08
Saturday,14.5.2016
Đăng bởi:
capcuu
- Khen :
Luôn khen Thái Nhật Minh từ trước tới nay (cho dù lời khen của mình chả ý nghĩa đếch gì với ai) , từ điêu khắc "những con chim" tới "Mùa sinh sản" ... Tạo hình tốt (luôn tốt), tỉ mỉ, tròn trịa. Nội dung trong sáng, mạch lạc, gọn gàng. Người xem cảm thấy đủ dễ chịu khi đi vào, không bị khó hiểu kiểu đánh đố như nhiều triển lãm điêu khắc khác. - Chê: (Cái thú vị lại nằm ở đây) Tỉ mỉ, tròn trịa quá. Bài status đã nói hết nội dung cần nói, và các tác phẩm điêu khắc dường như chỉ để minh hoạ cho bài status. Chả còn gì để nghĩ, chả có gì để khai thác thêm, chất vấn thêm hay để tranh luận nữa Mình vào xem 1 vòng, thấy tác giả ngồi lù lù 1 mình ở ngoài cửa, mà ... chán.... chả muốn hỏi han đối thoại gì. Mọi thứ nó rõ ràng rành mạch quá rồi, nói cũng rõ, điêu khắc minh hoạ cũng rõ, chả còn gì để nói nữa grin emoticon 1 điều lạ là tạo hình các nhân vật thế nào mà trông khá giống nhân vật hoạt hình Big 6 Hero . Nó chả có tí dáng dấp nào của con người vùng Đông Nam Á như tác giả muốn bộc lộ. Mà thế nào, người thì phồng mà đầu lại teo. Cả chinh phu, chinh phụ lẫn các em bé đều người nở đầu teo... hixx..... - Câu hỏi đặt ra là: Liệu Thái Nhật Minh có thực sự đồng cảm với hoàn cảnh của những con người "chinh phu-chinh phụ" này không? Hay anh chỉ dùng hình tượng họ như cái cớ để tạo hình điêu khắc mà thôi? Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp