Đi & Ở

Oman-Kazakhstan (bài 5): Chợ mà không có phụ nữ, cũng chẳng có ruồi10. 12. 22 - 7:30 pm

Đặng Thái

(Tiếp theo bài 4)

Sếp mình có ông bạn là Giám đốc Ban quản lý dự án xây sân bay Muscat ở Oman, dự án trị giá 4,4 tỉ USD lớn nhất trong lịch sử đất nước. Ông này kể chuyện là dự án cần tuyển 10 nhân viên kế toán. Bên nhân sự đưa lên danh sách 10 người sẽ tuyển để các sếp người Oman duyệt. Sếp Oman ngạc nhiên nói với sếp Tây:”Nhưng mà 10 người này đều là phụ nữ!”. Sếp Tây hỏi:“Thế chẳng nhẽ ông bảo tôi không được thuê phụ nữ?”. Sếp Oman đáp: “Không, tôi không nói thế nhé… nhưng tại sao tất cả lại là phụ nữ?!”. Phương án cuối cùng là tuyển 5 nam, 5 nữ. 5 nữ làm việc rất hiệu quả, còn 5 nam thì như mèo mửa, bao gồm một ông cùng quê với sếp Oman không có cả bằng kế toán. Như vậy thực tế là phụ nữ vẫn còn gặp rất nhiều trở ngại trong việc tham gia thị trường lao động, ngay cả ở một nước tiến bộ (so với khu vực) như Oman!

Thế nên câu “vắng mợ thì chợ vẫn đông” hoàn toàn hợp lý với tình hình ở Oman bởi lẽ từ chợ cá đến chợ gốm, chỉ tuyền các ông phơi mặt ra nắng và đặc biệt là cảnh mua bán ngã giá cũng hoàn toàn diễn ra lặng lẽ giữa các ông. Chợ Nizwa nằm cả trong và ngoài thành cổ Nizwa là một trong những ngôi chợ cổ nhất nước. Thành phố Nizwa tương truyền được thành lập từ khoảng thế kỉ VI-VII tức là từ thời cha con chú cháu họ hàng nhà tiên tri Mohammed còn đang choảng nhau. Vì vậy Oman nói riêng và Nizwa nói chung là cái nôi của văn hóa Oman và đời sống cũng “cổ truyền” hơn.

Mực khô bán ngoài chợ Nizwa. Ảnh: Andries Oudshoorn

Chợ có hai phần: bên ngoài thành thì bán đồ tươi sống dành cho dân địa phương, bên trong thành thì bán đồ đã khô chín (bao gồm cả đồ gốm) cho khách du lịch. Trong thành lại có khu gồm các gian mở hướng ra sân bán đủ loại thủ công mỹ nghệ. Đồ bạc và đồ đồng ở đây nổi tiếng hàng trăm năm, ngày nay đều do người Ấn Độ và Pakistan làm dưới sự chỉ đạo của các thợ cả người Oman.

Thứ đáng mua nhất có lẽ là con dao khanjar. Thứ này vừa là vũ khí vừa là trang sức cho đàn ông Oman, in lên quốc kỳ và dùng làm quốc huy. Nó là một con dao găm rất kỳ khu, lưỡi dao về cuối thì quặt hẳn sang trái, còn vỏ gươm thì đúc vuông góc 90° với cán và chạm trổ vô cùng cầu kỳ. Vào các dịp lễ lạt hay nghi thức long trọng thì đàn ông đều đeo con dao này chính giữa trước bụng dưới, trông giống cái gì thì đến đây các bác cũng nghĩ ra rồi. Ngoài ra đàn ông Oman còn một cái gậy để cầm đi cho thanh lịch gọi là assa, thời cổ thì nó cũng là một loại dao mũi nhọn mà vỏ dao chính là phần thân của cái gậy, ra đường thấy thằng nào láo nháo là rút ra cho một xiên. Ngày nay đi ngoài đường ở Muscat tuyệt nhiên không còn thấy ai đeo dao chống gậy nhưng ở Nizwa vẫn thảng hoặc thấy có cụ đeo dao và nhiều cụ chống gậy, rất nhiệt tình tự động lại chỉ đường dù… không biết tiếng Anh.

Hai người đàn ông Oman vào năm 1987, người bên trái đeo khanjar và chống gậy assa. Ảnh: H. Grobe

Dù là đồ trang sức thì khanjar vẫn là dao, vì thế tuy bán nhiều nhưng bố ai dám mua về làm quà lưu niệm. Các nước như Úc còn cấm nhập khẩu vũ khí, đọc xong một nửa quy trình nhập khẩu dao găm đã hoa mắt chóng mặt; vì thế phải tìm thứ khác để mua. Khu trong nhà bán đồ khô, đồ ngọt, hoa quả sấy, có góc trông còn sang xịn hơn khách sạn, điều hòa chạy phà phà mát lạnh. Các loại hạt sấy và rang khô ở Trung Đông quả thực rất ngon, mình mua mỗi thứ một ít từ ngô rang bơ mặn đến hạt hồ đào Mỹ (pecan) rang mật ong, giòn tan mà không cháy, ngọt vừa chứ không sắc, ăn nhí nhách cả ngày không chán. Chà là thì ngon miễn bàn.

Muôn vàn các loại hạt, bánh, kẹo, mứt, mật ong, hoa quả sấy ở chợ Nizwa. Ảnh: Hans Birger Nilsen

Có một món thấy bán nhiều hơn cả là halwa. Trước giờ cứ đinh ninh halwa là món Ấn Độ, giờ mới biết nó là món Trung Đông (cụ thể là Ba Tư) truyền sang Ấn Độ, đại khái là giống chè lam của ta nhưng làm bằng bơ và sữa, đun sệt rồi ngào đường và nghệ tây (saffron) cùng gia vị cho thơm. Thành phẩm làm ra màu nâu bóng bẩy, mềm dẻo ngọt ngào. Cái thú vị nữa là món này phải nhấm nháp cùng cà phê đen. Khác hẳn văn hóa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là uống trà, ở bán đảo Ả Rập người ta uống cà phê. Gahwa là cà phê Ả Rập, hạt cà phê rang đem xay thật mịn rồi cho vào nồi nhỏ đun sôi là rót ra uống. Cầu kỳ thì cho thêm tiểu đậu khấu (cardamom) và vài cọng saffron nhưng đa phần thấy người ta toàn uống đen nóng. Chắc phải thế mới chống chọi được với cơn buồn ngủ dưới nắng sa mạc và trong phòng điều hòa.

Một người Oman rót cà phê từ bình dallah mời khách. Bình cà phê dallah là biểu tượng của dân tộc Bedouin du mục có tổ tiên ở vùng Syria và sa mạc Ả Rập, sau di cư đến cả Bắc Phi. Ảnh: Al Bustan Palace

Người bán rót ra ngay cho khách một cốc nhỏ cà phê để uống và ăn thử halwa. Có bao nhiêu là vị khác nhau, và món này tiện cái là có vẻ không sợ hỏng dù thời tiết có thế nào do thấy bày trong tủ kính và trên mặt bàn chẳng che đậy hay làm mát gì. Bằng chứng là đi đến hai tuần sau mới về, hộp halwa lăn lóc khắp nơi trong hành lý bị quăng quật qua chục chuyến bay vẫn không hề hấn gì, mở ra ăn vẫn ngon như ở chợ. Mình mua hộp halwa sữa lạc đà, sữa ngậy và thấy vị đậm đà hơn hẳn sữa bò.

Một quầy bán halwa ở chợ, có các hộp nhỏ để múc ăn thử, bày biện cực kỳ lịch sự. Ảnh: Đặng Thái

Một điều thú vị là tuy ở chợ nhưng gần như không thấy một con ruồi nào. Đồ ngọt bày ra như thế, hàng xe tải cá khô, mực khô ùn ùn dỡ hàng; hàng rau dưa tối nghỉ bán vẫn để nguyên trong thùng như vậy mà không hề thấy ruồi. Ở ngoài tường thành còn có chợ bán dê sống vào thứ Sáu hàng tuần mà tịnh không thấy mùi hôi hay ruồi nhặng. Ở Úc mà mùa hè thế này thì tha hồ đuổi ruồi, đến mức người đi đường đối diện lại tưởng mình vẫy tay chào. Có thể do khí hậu ở đây khô nóng quá ruồi không có chỗ dung thân, nhưng cũng là do sự giữ gìn vệ sinh nữa. Chỗ nào cũng sạch sẽ một cách siêu thực! Đó cũng là điều mình thích nhất ở mấy nước Trung Đông Hồi giáo. Nhà cửa lúc nào cũng sạch bóng (người Việt Nam đi giúp việc bên này kinh hoàng với việc phải quần quật giặt thảm 3 ngày một lần và liên tục lau những cái sàn nhà vĩ đại) và đường phố lúc nào cũng có người đi gắp rác với quét dọn. Nhưng việc lau dọn cũng trở thành một sự ám ảnh cả đất nước đến mức nhiều khi thành khôi hài!

Bên trái: một người dùng chổi và hót rác loại bé xíu để quét cát sa mạc bám trên những viên gạch và vỉa hè ở sân sau khách sạn tại Muscat. Bên phải: một người đi lau tay vịn của cầu thang ngoài trời trên pháo đài cổ ở Nizwa! Ảnh: Đặng Thái

Đi chợ chán rồi thì hôm sau mình mới đi vào thành cổ. Thành quách ở Oman đặc trưng ở chỗ luôn có một pháo đài để quan sát và đặt pháo tầm xa. Thành Nizwa thì có pháo đài to hơn cả, như một cái lô cốt khổng lồ, sừng sững mọc cao vút lên giữa phố. Pháo đài này giúp binh lính có thể quan sát được quân địch tấn công từ tất cả các hướng và sẵn sàng chuẩn bị khi thấy vó lạc đà khua bụi mù mịt từ phía xa. Đây là nơi giao thương trọng yếu nên thành được xây để phục vụ chiến đấu thường xuyên, hố bẫy hiểm hóc vô cùng, giặc vào thành rồi cũng chưa chắc đã lên được tháp mà có khi còn đứng dưới sân ăn đạn chết hết. Khác với mấy cái thành của nhà Nguyễn, Tây nó bắc thang hoặc trèo lên vai nhau cũng vào được.

Lạc lối nhưng không lầm đường trong thành cổ và pháo đài Nizwa. Ảnh: Đặng Thái

Thành Nizwa không chỉ là nơi quan quân cố thủ khi 40 tên cướp kéo qua mà thời bình còn là trung tâm hành chính-giáo dục, nơi Imam điều hành vùng lãnh thổ của mình. Trong thành có hàng trăm phòng to nhỏ, kho lượng thực và có cả phòng rang xay cà phê! Quan trọng nhất là hệ thống mương dẫn nước ngọt falaj chạy một vòng khép kín quanh thành phố. Hệ thống vi diệu hơn nghìn năm tuổi này dẫn nước ngầm và nước suối hoàn toàn bằng trọng lực, để phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt, đi bên dưới thành, nên dân có thể cố thủ trong thành nhiều tháng trời. Vì thế hệ thống falaj https://www.youtube.com/watch?v=UsJohdojORI của Oman được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, còn cái thành thì không vì thành này chỉ chống được các tướng cướp nhấp nhổm trên lưng lạc đà, tay múa gươm cong, chứ bom Anh nó giã cho thì chịu sao thấu!

Trước khi ra về tình cờ gặp hai anh có lẽ là nhân viên ban quản lý di tích (các anh nấp ở đâu mà đến lúc khách về mới thấy), một anh còn cầm súng hỏa mai kiểu cổ. Sau khi các anh dùng cạn tên các nước châu Á mà vẫn không biết mình ở đâu thì mình hỏi ở Nizwa nên ăn món gì đặc sản. “ Đương nhiên là thịt lạc đà rồi. Lạc đà ở Oman là thịt VIP, một con lạc đà tính ra phải 4000 USD. Nhưng lạc đà giờ hiếm lắm, không phải nhà hàng nào cũng có bán đâu. Cậu mà không về Muscat luôn chiều nay thì bọn tớ sẽ dẫn đi ăn ngay được.” Mình kể rằng lạc đà hoang bên Úc chạy đầy sa mạc, nhiều đến mức người ta không biết phải làm gì với chúng nên phải bắn bớt để đem làm thức ăn cho động vật! Các anh chép miệng chầng chậc, lắc đầu xót xa không khác nào mấy ông Việt Nam đi Tây thấy bồ câu lại lẩm nhẩm: “Mấy con này mà ở Việt Nam thì…”

Anh ở giữa bảo: “Chúng tớ biết Việt Nam chứ, có rất nhiều hàng hóa chất lượng cao này, như điện thoại chẳng hạn!” Ảnh: Đặng Thái

Chiều buông xuống và xung quanh khu thành cổ bắt đầu nhộn nhịp người qua lại, một mùi hương quyến rũ bắt đầu dậy lên trong không gian trầm mặc cổ kính, đó là mùi… thịt nướng!

(Còn tiếp bài 6)

*

Oman-Kazakhstan:

- Oman-Kazakhstan (bài 1): Vừa đổ xăng, vừa chạy giấy lại vừa học tiếng Nga

- Oman-Kazakhstan (bài 2): Qua năm ải quan, đứng sáu tiếng

- Oman-Kazakhstan (bài 3): Nghìn dặm qua hoang mạc, không thấy lạc đà mà thấy… rùa

- Oman-Kazakhstan (bài 4): Chống Cộng sản thì làm thế nào? Thì xây điện, đường, trường, trạm!

- Oman-Kazakhstan (bài 5): Chợ mà không có phụ nữ, cũng chẳng có ruồi

- Oman-Kazakhstan (bài 6): Ăn lạc đà trong khói hương trầm tỏa

- Oman-Kazakhstan (bài 7): Ở Thủ đô, không ai tin tôi là khách du lịch

- Oman-Kazakhstan (bài 8): Bảo tàng, tượng thép dát vàng, khung to mà liệu đồ hàng có to?

- Oman-Kazakhstan (bài 9): Ở Astana mọi thứ đều to đến bất thường

- Oman-Kazakhstan (10): Nurbankgate hay hạnh phúc của một tang gia

- Oman-Kazakhstan (bài 11): Qua Kazakhstan kìa ai tiễn rượu vừa tàn

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp