Gẫm & Bình

Ghi chú của Hồng Hoang (phần 2):
Ai yêu và ai cần mỹ học? 21. 04. 16 - 6:22 am

Hồng Hoang

(Tiếp theo bài 1)

Thực tế ở Việt Nam

Có một thực tế mà không ít các họa sĩ hiện đại Việt Nam đều trải nghiệm, đó là những người nghiên cứu triết học và mỹ học uyên thâm có thể có tri thức cao, khá dễ dàng nhận thức và thưởng ngoạn các loại hình nghệ thuật minh họa. Xong sẽ rất khó khăn với mỹ thuật hiện đại và mỹ thuật hậu hiện đại. Bởi nghệ thuật hiện đại, đặc biệt là nghệ thuật trừu tượng, không hề có hình thức hình họa mô phỏng diễn giải tình huống theo văn bản. Nghệ thuật hiện đại không biểu hiện tài khéo của kỹ năng mô phỏng tự nhiên để so sánh với mẫu có sẵn của tiền bối. Phương pháp đối chiếu nội dung và hình thức sẽ không áp dụng được trước thể loại nghệ thuật không minh họa cho văn bản. Mặt khác nghệ thuật không yêu cầu chỉ số IQ trí nhớ cao. Mà đòi hỏi sự thông minh theo khái niệm tri thức cảm tính phán đoán, và kinh nghiệm thẩm mỹ.

“Hai cô gái nằm quấn lấy nhau”, 1915, tranh của Egon Schiele, một họa sĩ với lối vẽ không minh họa cho văn bản, đầy ắp say mê cá nhân

(Hai từ trừu tượng thường làm khó cho không ít người chỉ quen với nghệ thuật mô phỏng, thấy cũng nên bàn tí chút như dưới đây:

Thuật ngữ trừu tượng với nghệ thuật thị giác chỉ là quy ước về một trường phái không thao tác mô tả, mô phỏng hiện thực thiên nhiên, con người, và đồ vật. Nghệ thuật trừu tượng là tên gọi một trường phái kiến tạo thẩm mỹ từ những yếu tố hình thể cơ bản của nghệ thuật design còn gọi là “hình phi hình” như:

Điểm-Nét-Mảng-Hình khối-Mầu sắc-Chuyển động-Ánh sáng và Âm thanh.

Quy ước chung của nghệ thuật thị giác thống nhất như vậy về thể loại hội họa trừu tượng, mặc dù vẫn biết các yếu tố cơ bảm của design chưa phải là trừu tượng tuyệt đối .
Trừu tượng tuyệt đối, trừu tượng đích thực chỉ có trong các định tín tôn giáo, các quan niệm siêu hình của triết học ( ví dụ như khái niệm “ý niệm” của Platon) , và các ý nghĩa toán học mà con người đã hiểu rõ, đã ứng dụng thành công lớn trong thực tiễn thế mà chỉ có thể biểu hiện bằng những ký hiệu và những con số theo quy ước. Toán học là trừu tượng đích thực vì ngoài cách dùng những hệ thống ký hiệu để bày tỏ, không còn cách nào khác.

Trừu tượng “Untitled: (Không đề), sáng tác năm 1952-1953 của họa sĩ Mỹ Mark Rothko

Cái cách “suy tự” tra tự điển nghĩa chữ “trừu” là lấy ra, cẩu ra, trục vớt ra, rồi “tượng” là hình tượng v.v….nên trừu tượng là lấy cái hình (tượng) ra khỏi tranh v.v…Đây là phương pháp ‘suy tự’ như đã nói tới ở trên, không bổ ích gì cho họa sĩ.)

Hiện tại nền của nghệ thuật của chúng ta đang ở tình huống bi hài, ở chỗ đã hình thành những nghệ sĩ mưu cầu tiến bộ, tìm hiểu sâu, kỹ về triết học, thường đàm đạo sang trọng về mỹ học, nhưng họ không biết khi đưa những hiểu biết đó vào tranh, lập tức họ chỉ là họa sĩ minh họa, vẽ dịch vụ cho triết học. Giới họa sĩ đương đại Việt Nam vẫn trìu mến hoặc âu yếm gọi nghệ thuật dịch vụ là “tác phẩm cúng cụ”.

Lại vẫn hài hước ở chỗ những họa sĩ hiện đại thấm nhuần tuyên huấn, minh họa chính trị đó thường chê những đồng nghiệp khác không có tư tưởng, không có triết lý trong tác phẩm.

“Người thồ hoa”, một tác phẩm của Diego Rivera, một họa sĩ tài năng và theo lối “minh họa”

Môn mỹ học cần cho ai?

Môn học mỹ học không cần thiết cho sinh viên các ngành mà khi ra trường công việc của họ là sáng tạo như đồ họa, tạo dáng công nghiệp, nội-ngoại thất, hay sinh viên mỹ thuật tạo hình cũng không cần học môn mỹ học.

Các họa sĩ được đạo tạo kỹ lưỡng về mỹ học thường rất khó khăn trong sáng tạo nghệ thuật. Bởi môn mỹ học vốn được mang danh là khoa học của cái đẹp, dễ tạo ảo tưởng, tạo hiểu nhầm rằng mỹ học có tiên đề, có công thức nguyên lý và nguyên tắc sáng tạo cái đẹp, tương tự hoặc gần như nguyên lý tạo ra tài năng, tạo ra kiệt tác. Khoa học cơ mà. Mặt khác với người thưởng thức nghệ thuật dễ có ảo tưởng cứ thuộc lòng lý thuyết mỹ học thì bất kể trường phái nghệ thuật nào cũng thẩm thấu được hết, thậm trí phê bình và dạy họa sĩ nên và phải thế nào.

Thiên tài vốn ít hơn 1% , và là việc của Giời. Chỉ thiên tài mới tạo ra kiệt tác, mà mỹ học đâu phải là nguyên lý tạo ra thiên tài. Làm gì có nguyên lý đó.

Một nghệ sĩ thị giác không nhất thiết phải hiểu biết thái quá về mỹ học và các triết thuyết triết học. Còn nếu họa sĩ nào yêu mỹ học và triết học cũng không sao cả, có bị sao thì cũng chỉ là dấn thân vào nghệ thuật minh họa hay nghệ “thuật dịch vụ”.

“Vườn Pháp”, 1940 của Max Ernst, một người bị Đức quốc xã liệt vào loại “nghệ thuật suy đồi”

*
Như vậy là ngay ở hai bài mở đầu này đã nêu rõ ba thông điệp:

– Một là cần hiểu khái niệm tri thức cảm tính của họa sĩ đáng tôn trọng.

– Hai là ngoài nghệ thuật dịch vụ còn tồn tại song song thứ nghệ thuật chủ quan của riêng họa sĩ cũng tuyệt vời và bất hủ không kém nghệ thuật dịch vụ minh họa.

– Ba là trong trường học cũng chỉ nên dạy môn mỹ học có yêu cầu trí tuệ nhớ bền lâu này cho ngành lý luận phê bình nghệ thuật phổ cập và hỗ trợ cho mỹ thuật và văn hoá nghệ thuật nói chung. Các ngành học mỹ thuật và design không cần thiết phải học mỹ học.

Những phần viết tiếp theo là những chứng minh diễn giải cụ thể cho phần mở đầu.

*
(Có thể đọc lại  bài 1 tại link nàyTiếp theo sẽ là bài 3: “Vẽ cái gì?”)

Ý kiến - Thảo luận

16:24 Sunday,24.4.2016 Đăng bởi:  Nguyễn Hồng Hưng
Có thể bạn Quang( 16:11 Thursday,21.4.2016 Đăng bởi: Quang) Chưa đọc phần một có câu mà tôi xin trích dẫn lại dưới đây:
"...Cần lưu ý trong tất cả các cuộc thi tuyển chọn tác phẩm nghệ thuật, từ cổ chí kim đều phải dựa vào tri thức cảm tính, nghĩa là phải dựa vào kinh nghiệm cảm tính trực tiếp của từng vị giám khảo trong hội đồng tuyển chọn"...Hết trich,
...xem tiếp
16:24 Sunday,24.4.2016 Đăng bởi:  Nguyễn Hồng Hưng
Có thể bạn Quang( 16:11 Thursday,21.4.2016 Đăng bởi: Quang) Chưa đọc phần một có câu mà tôi xin trích dẫn lại dưới đây:
"...Cần lưu ý trong tất cả các cuộc thi tuyển chọn tác phẩm nghệ thuật, từ cổ chí kim đều phải dựa vào tri thức cảm tính, nghĩa là phải dựa vào kinh nghiệm cảm tính trực tiếp của từng vị giám khảo trong hội đồng tuyển chọn"...Hết trich, 
16:11 Thursday,21.4.2016 Đăng bởi:  Quang
Dù sáng tác bằng cảm tính vẫn phải có tiêu chuẩn xác định đẹp xấu chứ nhỉ? Không thì làm sao phân biệt được rác và nghệ thuật? Mà cái từ thiên tài có vẻ không hợp với giới nghệ sĩ khi mà tiêu chuẩn cứ thay đổi mỗi thế kỷ, thời mà tranh của bạn được đánh giá cao thì được tung hô thiên tài, mấy trăm năm sau thị hiếu người ta thay đổi thì tranh lại bị
...xem tiếp
16:11 Thursday,21.4.2016 Đăng bởi:  Quang
Dù sáng tác bằng cảm tính vẫn phải có tiêu chuẩn xác định đẹp xấu chứ nhỉ? Không thì làm sao phân biệt được rác và nghệ thuật? Mà cái từ thiên tài có vẻ không hợp với giới nghệ sĩ khi mà tiêu chuẩn cứ thay đổi mỗi thế kỷ, thời mà tranh của bạn được đánh giá cao thì được tung hô thiên tài, mấy trăm năm sau thị hiếu người ta thay đổi thì tranh lại bị bỏ xó. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả