Chính trị

Chuyện Turkey: nằm giữa Á-Âu, lúc độc tài châu Á, lúc dân chủ phương Tây 21. 07. 16 - 6:25 am

Sáng Ánh

 

Cờ Thổ Nhĩ Kỳ. Hình từ trang này

(Thổ Nhĩ Kỳ) Turkey là một quốc gia phát triển, thuộc nhóm G20, tầm thế giới đứng hàng 17-18, ngang Indonesia hay Hà Lan về tổng số sản xuất, và về thu nhập cá nhân, mức sống là hàng 60, xấp xỉ dưới các quốc gia Đông Âu. Ráp gianh Nga và Iran, các nước Ả Rập về phía Nam, đây là một nước giữ vị trí chiến lược giữa Âu và Á.

Turkey là một nước thường thường bậc trung, nhìn từ Việt Nam thì chẳng có gì đặc biệt hay ấn tượng mấy. Không có dầu khí hay giỏi về bóng đá, không có một nền văn minh cổ đại nhưng nhìn từ Âu châu thì 200 năm trước, Turkey là một cường quốc, và 400 năm trước đây là siêu cường số 1 trên thế giới. Vào thế kỷ 17, Istanbul nhảy mũi thì Roma nhức đầu và thành Wien lao phổi. Trong mấy trăm năm liền, đế chế Ottoman trị vì trên ba châu và bốn bể, ở cao điểm ngự trên lãnh thổ của 30 quốc gia ngày nay, từ Baku đến Budapest, từ Ukraine đến Saudi Arabia. Đây là điều cần nhắc lại, quá khứ này không xa, ngay trước thời kỳ kỹ nghệ hóa, và luôn ở trong tâm khảm của người Turkey. Nếu ngày nay Việt Nam có Starbucks và Thảo Điền có… tắm hơi, là từ người Turkey mà ra.

Othman I, người sáng lập Đế quốc Ottoman, Sultan 1299-1326.

Đế chế Ottoman hoàn toàn tan rã sau Đệ nhất thế chiến và chỉ giữ lại được lãnh thổ của Turkey ngày nay. Mém xíu nữa là quốc gia này mất cả thành phố lớn nhất là Istanbul, theo hiệp ước Sykes-Picot là biếu cho Sa hoàng nước Nga để Nga có đường ra Địa Trung Hải. Cách mạng tháng 10 tại Nga khiến Anh Pháp đổi ‎ý vì chẳng lẽ lại mang giao cho Lenin đội bóng Galatasaray trong khi ông đã có các đội Dynamo, Lokomotiv, Spartak*. Hiệp ước Sykes-Picot phân chia cho Anh Pháp tại Trung Đông Palestine, Jordan, Lebanon, Syria, Iraq khiến đến hôm nay còn lắm chuyện nhức đầu. Hai ông tây này lại quên mất một điều: lời hứa thành lập một quốc gia Kurdistan.

Bản đồ “phân lô” của Anh và Pháp theo thỏa ước Sykes-Picot

Đế chế Ottoman là một đế quốc đa tôn giáo và đa dân tộc. Ngày nay tại Turkey, thiểu số Kurd chiếm 15-20% dân số tức 12-15 triệu (tại Syria người Kurd khoảng dưới 2 triệu, tại Iraq họ 5-7 triệu, tại Iran 6-8 triệu). Từ ngày đế chế sụp đổ, nhà nước Turkey được xây dựng lại trên căn bản thế tục và quốc gia chủ nghĩa, đồng hóa các dân tộc thiểu số và mục tiêu là xóa bỏ họ hoàn toàn. Ngôn ngữ Kurd, văn hóa Kurd bị cấm đoán.

Phong trào tự trị Kurd trong thập niên 70 ra đời, dùng vũ lực chống lại chính quyền và tất nhiên được phong ngay mỹ từ “khủng bố”. Vấn đề trở thành gay gắt sau khi Hoa Kỳ đánh chiếm Iraq. Tại Iraq, người Kurd hiện nay cai quản một khu vực tự trị, gần như là một quốc gia riêng. Vấn đề lại càng gay gắt hơn khi Syria bạo loạn. Hiện phong trào Kurd-Syria quản lí thành công cả khu vực biên giới với Turkey sau khi họ đẩy lui lực lượng IS (Quốc gia Hồi giáo).

Một thành viên mới của phong trào tự trị của người Kurd thiên tả tại Qashmili (‘thủ đô’của Kurd tự trị tại Syria). Dân tộc Kurd là dân tộc thiểu số đông người nhất trên thế giới hiện không có một quốc gia độc lập. Ảnh: Danny Gold

Vậy bên này biên giới là người Kurd-Syria thì đố các bạn, bên kia biên giới phía Turkey là người gì? Ai đoán trúng được một phiếu bánh mì kẹp thịt Doner Kebab. Cũng chính tình huống này khiến chính quyền Turkey hiện nay, tức chính quyền Erdogan, lâm vào thế gãi đầu gãi tai. Turkey là một nước thuộc NATO và thân Tây phương, nhưng từ lúc loạn, Erdogan chủ trương lật đổ Assad của Syria, nên cho phiến quân Syria mượn đất mượn đường. Khi IS dấy lên thành công thì quan ngại hàng đầu của Turkey không còn là Assad nữa mà lại chính là người Kurd. Trong khi đó, quan ngại hàng đầu của Tây phương lại là IS. Hai quan ngại này không chỉ khác biệt nhau mà còn trở thành mâu thuẫn trực tiếp: vệ binh Kurd là lực lượng hiệu quả nhất để chống lại IS tại Syria cũng như tại Iraq, và Tây phương quyết định giúp và dùng họ. Trong khi Hoa Kỳ tiếp vận cho Kurd-Syria để đánh IS thì Turkey lại (ngấm ngầm) tiếp vận cho IS để đánh Kurd-Syria, một lực lượng và tổ chức đàn em và “vệ tinh” của kháng chiến Kurd-Turkey. Tại căn cứ không lực Incirlik là căn cứ Turkey cho Hoa Kỳ ở nhờ, phi cơ Mỹ cất cánh đánh bom hỗ trợ Kurd-Syria còn phi cơ Turkey cất cánh đánh bom Kurd-Turkey! Phần IS, thuộc loại vô ơn và cắn nhảm, mới đây nửa úp nửa mở lại khủng bố luôn trên lãnh thổ của Turkey, kiểu anh định bỏ rơi mẹ con tôi thì cho anh thấy!

Một nữ dân quân người Kurd-Syria, một lực lượng chống IS mà Turkey lại tẩy chay

Vấn đề giải quyết thế nào chuyện nhức nhối này tại nội địa và với láng giềng trong khu vực khiến nảy sinh mâu thuẫn ngay trong quân đội và ngay chính giới cầm quyền. Turkey có thể chiều lòng Tây phương, hấp háy hòng gia nhập EU hay Turkey là một nước lớn, có một vị trí quyết định trong khu vực như lịch sử huy hoàng từng cho thấy? Việc Erdogan căng với Nga rồi mới đây lại hòa cho thấy thái độ thứ nhì này. Căng với Nga, vào không phận của tôi 15 giây là tôi bắn hạ để nói với Nga tại vì tôi thích thế, tôi là Turkey, hậu duệ của đế chế Ottoman. Hòa với Nga là để nói với Tây phương tại vì tôi thích thế, tôi là Turkey, hậu duệ của đế chế Ottoman. Phía đảo chánh là thành phần ủng hộ thái độ thứ nhất, thân Tây phương và không hài lòng với chính sách đàn áp Kurd quá tay và chính sách Syria của chính quyền, phải nói là độc lập với quốc tế và nặng phần quốc gia chủ nghĩa. Phần Tây phương thì lại vào một thế kẹt. Thứ nhất họ cần ổn định tại Turkey vì tương lai chẳng biết được. Thứ nhì là, dù không thích Erdogan, họ cũng không thể ra mặt ủng hộ cuộc đảo chánh một chế độ dân cử và hợp pháp.

Tổng thống Nga Putin và tổng thống Turkey Erdogan. Hình từ trang này

Chính quyền Erdogan là một chính quyền quốc gia chủ nghĩa nặng như đã nói, lại có khuynh hướng tôn giáo (màu sắc Anh em Hồi giáo). Hai yếu tố này khiến Erdogan được quần chúng liên tục tin tưởng bằng lá phiếu. Mặt khác, trong hơn hơn thập niên vừa qua phát triển kinh tế tốt, có thể nói là tăng vọt (7% đều đặn) và khá công bằng, thành công trong xóa đói giảm nghèo. Theo World Bank 2002-2012, chỉ số tiêu thụ của 40% lợi tức thấp nhất tăng trưởng bằng chỉ số tiêu thụ của cả nước tức là từng lớp thấp không bị phát triển bỏ quên. Số siêu nghèo từ 13% xuống còn 4.5%, số người nghèo từ 44% còn 21%. Số thất nghiệp ở khoảng 10% vì phụ nữ tham gia lao động cũng tăng trưởng, cán cân mậu dịch gần cân bằng, món nợ quốc gia thấp đi, nói chung là khả quan về mặt đời sống. Nói cách khác, thì chế độ mang lại “dân giàu và nước mạnh”, đạo đức tôn giáo phù hợp với một số lớn quần chúng thuộc tầng lớp bình dân. Từ 2002 đến nay, đảng cầm quyền (AKP, Công lí và Phát triển) của ông Erdogan đều đặn chiếm đa số ghế tại Quốc hội với số phiếu 40-45%, số còn lại chia cho 3 đảng đối lập. Điều chắc chắn là ông có quần chúng ủng hộ, như cuộc đảo chánh hụt vừa qua cho thấy, khi dân chúng xuống đường chặn tăng và giúp ông lật lại thế cờ.

Tổng thống Turkey Recep Tayyip Erdogan, (trong xe) nắm tay Vezir Cakras khi xe dừng trên cầu Bosporus ở Istanbul hồi tháng 12. 2015. Cakras đinh nhảy xuống cầu tự tử, may mà tổng thống can ngăn kịp. Ảnh: Yasin Bulbul

Về chính trị nội bộ, ông Erdogan từng dựa vào lực lượng tôn giáo ôn hòa của phong trào Gulen. Gần đây ông mâu thuẫn với cả thủ tướng trên vấn đề chính sách và quyền lực cá nhân. Cũng như vị trí giữa Âu và Á của quốc gia, Turkey lúc nghiêng về dân chủ Tây phương, lúc thì ngả về độc tài lãnh tụ châu Á. Cá nhân tổng thống Erdogan thì 14 năm nắm quyền với kết quả tốt như đã thấy khiến ông cảm thấy ông sắp trở thành đại đế “Suleiman Huy hoàng” của thế kỉ thứ 16. Ông cho xây dinh tổng thống mới với giá 750 triệu USD và mạ vàng tuốt từ trần đến sàn khiến cỡ danh ca hay siêu mẫu Việt Nam có thấy cũng phải hãi.

Cung điện theo phong cách Thổ Nhã Kỳ

Phát triển như thế thì ông cũng phải có phần với các bạn chứ và thí dụ, vừa rồi phát hiện người mua dầu của IS và bán lại cho Israel là quí tử của ông. Tài sản chính thức của ông được định giá khoảng 190 triệu USD và mới rồi ngành tư pháp khởi tố 4 bộ trưởng của chính quyền về tội nhũng lãm. Ngành này được coi là do các đồng minh cũ của Erdogan trong phong trào Gulen (do giáo sĩ Gulen hiện lưu vong tại Mỹ lãnh đạo) ảnh hưởng. Đảo chánh bất thành, ngoài việc bắt giữ 6000 người dính líu xa gần, phe chính quyền nhân thể cách chức 2700 thẩm phán, bắt giữ 140 thẩm phán các tòa thượng thẩm mặc dù các vị này hẳn là không biết lái tăng chiếm phi cảng hay đài truyền hình. Nước nào mà chẳng cần thẩm phán, và 2700 vị bị mất chức này hẳn sẽ được thay thế bởi 2700 vị khác dễ bảo hơn. Có thể nói, đây mới là đảo chánh thực sự và do Erdogan tương kế tựu kế thực hành. 18.7, ông bãi nhiệm luôn tất cả các khoa trưởng Đại học tại Turkey (trên 1000 vị) và sa thải 15000 nhân viên trong ngành giáo dục. Đây cho thấy, địch thủ của Erdogan không phải chỉ là một thành phần của quân đội mà còn là bộ phận trí thức, sinh viên, cởi mở hơn với vấn đề dân tộc hay tôn giáo, xã hội. Ngược lại, ủng hộ ông và sẵn sàng mang thân lăn ra trước xích xe thiết giáp là lao động tiểu thương “yêu nước và kính trời”, chấp nhận và tung hô một lãnh tụ độc tài cứng rắn với Nga với Mỹ và gợi lại những thế kỷ vàng son.

Lính Turkey chặn trên cầu Bosphorus của Istanbul, là cây cầu ngăn khu vực Âu và Á của thành phố này. Ảnh chụp hôm 15. 7. 2016, từ trang này

Trước khi có sự cố, Erdogan đã lăm le sửa đổi hiến pháp để tập trung quyền lực vào chức vụ tổng thống. Giáo sĩ Gulen (giờ cũng bị kết tội “khủng bố”) thì cho rằng đây là một cuộc binh biến giả, do chính quyền tổ chức để tiện tay sắp xếp và củng cố lại quân đội về tay phe ta và đổ vấy cho ông ta. Một giả thiết khác là một bộ phận của quân đội gấp rút ra tay trước cuộc họp toàn quốc bổ nhiệm các tướng lãnh mới nhưng thế nào thì cũng chỉ là chi tiết và Turkey bước sang giai đoạn thắt chặt quyền bính trong tay của lãnh tụ Erdogan. Còn nhờ thế mà trở lại (phần nào thôi) vị trí của dăm ba thế kỷ trước thì không chắc chút nào cả. Một dân tộc, không có cái quá khứ oai hùng đó để mà ràng buộc, biết đâu lại hơn phần tỉnh táo.

* Nếu vậy thì đã có câu “Ông Lenin ở nước Nga/ Sao ông đá bóng vườn hoa Nhĩ Kỳ”

 

Ý kiến - Thảo luận

9:57 Sunday,24.7.2016 Đăng bởi:  candid
em nghĩ là để hiểu được Thổ bây giờ thì phải nghiên cứu từ thời Artatuk vì những vấn đề khiến Thổ bị chia rẽ thời đấy giờ vẫn còn nguyên.
...xem tiếp
9:57 Sunday,24.7.2016 Đăng bởi:  candid
em nghĩ là để hiểu được Thổ bây giờ thì phải nghiên cứu từ thời Artatuk vì những vấn đề khiến Thổ bị chia rẽ thời đấy giờ vẫn còn nguyên. 
8:33 Sunday,24.7.2016 Đăng bởi:  SA
@ Candid

Cho mình nói lại và đính chánh, các câu thơ vờn trong óc mình

Nếu biển biết nói
Sẽ kể lại những lời cuối
Của những người bị vất xuống Vịnh

là của Muhammad Wali Addin Yakan, nhà thơ gốc Turk tại Egypt (Egypt cho đến 1914 là 1 khedivate, 1 xứ bảo hộ của đế chế Ottoman). Ông là đại diện cho tư tưởng cấp tiến và chống lại đế chế cuối thế kỷ 19
...xem tiếp
8:33 Sunday,24.7.2016 Đăng bởi:  SA
@ Candid

Cho mình nói lại và đính chánh, các câu thơ vờn trong óc mình

Nếu biển biết nói
Sẽ kể lại những lời cuối
Của những người bị vất xuống Vịnh

là của Muhammad Wali Addin Yakan, nhà thơ gốc Turk tại Egypt (Egypt cho đến 1914 là 1 khedivate, 1 xứ bảo hộ của đế chế Ottoman). Ông là đại diện cho tư tưởng cấp tiến và chống lại đế chế cuối thế kỷ 19–đầu thế kỷ 20. Bài thơ nói về đàn áp dưới chế độ này chứ không phải về chế độ Kemal Ataturk. Ông mất vào năm 1921.

Nhầm lẫn của mình là vì vào tháng 3.1921, tại Trebizon, chế độ Ataturk ném 17 lãnh đạo của đảng cộng sản xuống Hắc hải, theo truyền thống của đế chế vì biển không biết nói.

Luận công tội 100 năm sau của chủ nghĩa Kemal vẫn còn phức tạp, nhất là khi hiện nay chủ nghĩa quốc gia này với chế độ Erdogan mang thêm màu sắc tôn giáo. Trong tình huống mới của thời đại, tôn giáo (ở đây là Hồi) đươc đồng nghĩa với chủ nghĩa quốc gia và “yêu nước”, phản đế (như tại Iran), trong khi vào thời Ataturk giáo hội được coi như là lực cản của phát triển quốc gia và nguyên nhân của sa sút và sụp đổ trước bành trướng của phương Tây. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Dòng sông và đô thị

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả