Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 1): ai là Thiên, ai là Long?
07. 10. 16 - 9:33 am
Anh Nguyễn
Thiên Long Bát Bộ là tác phẩm dài nhất của Kim Dung. Với gần hai triệu chữ được đăng liên tục trong vòng bốn năm trên Minh báo Hồng Kông và Nam Dương thương báoSingapore, Thiên Long Bát Bộ có cấu trúc phức tạp, hệ thống nhân vật rộng lớn, phạm vi trải dài mênh mông từ Đại Tống đến Thổ Phồn, Tây Hạ, Đại Lý, Đại Liêu,… Nhà phê bình Trần Mặc đã gọi Thiên Long Bát Bộ là một cuốn “Lục Quốc diễn nghĩa” có bối cảnh võ hiệp. Ngoài ra Thiên Long Bát Bộ còn nổi bật vì chứa đựng tinh thần Phật giáo hết sức rõ rệt.
Ngày 27. 10. 1994 tại đại học Bắc Kinh trước sự đón chào của hơn một ngàn sinh viên hâm mộ, Kim Dung đã trả lời câu hỏi của khán giả: “Thiên Long Bát Bộ phải chăng là biểu đạt quan niệm nhân sinh của ngài?”. Ông đáp: “Trong Thiên Long Bát Bộ, có phần biểu đạt quan niệm nhân sinh của tôi. Lúc ấy trong tôi có tư tưởng triết học Phật giáo. Phật giáo khá bi quan đối với nhân sinh, cho rằng đời người là bể khổ. Vô luận nhân sinh tốt đẹp đến thế nào, cuối cùng rồi cũng chết. Nhưng Phật giáo còn có quan niệm khác, tuy con người không tránh được cái chết, nhưng vẫn còn có lúc tái sinh, sau này có thể đời sống tốt hơn, có thể cống hiến được sức mình, có thể giúp đỡ được người khác.”
Bìa sách Thiên Long Bát Bộ thời kỳ đầu
Tinh thần Phật giáo của Thiên Long Bát Bộ được biểu đạt ngay từ tựa đề tác phẩm. Thiên Long Bát Bộ là cụm từ chỉ tám bộ chúng sinh, trong đó có loài giống người nhưng không phải người (nhân-phi-nhân) thường đến nghe Phật thuyết giảng trong kinh Đại Thừa. Các loài này đều có nguồn gốc từ tín ngưỡng Ấn Độ giáo. Trước khi Phật giáo ra đời, người dân Ấn Độ đã thờ phụng tám loại thần linh đó rồi. Về sau chúng được kết nạp vào đạo Phật, trở thành các vị thần hộ trì thế gian nhưng vẫn chưa thoát khỏi kiếp luân hồi.
Tựa đề Thiên Long Bát Bộ rất khó dịch ra tiếng Anh, hiện tại có ba cách dịch chính: Demi-Gods and Semi-Devils, Eight Books of the Heavenly Dragons, và phiên âm Tian Long Ba Bu. Khi mới bắt đầu bắt tay viết Thiên Long Bát Bộ, Kim Dung đã có ý định dựng tám nhân vật chính theo tám vị thần Hộ pháp nhà Phật, thế nhưng câu chuyện càng đi sâu càng phức tạp và việc phân loại “ai là ai” trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Đây vẫn là một chủ đề được ưa thích trong giới Kim học. Bài viết này không nhằm nỗ lực phân chia rạch ròi các nhân vật theo tám bộ chúng sinh mà trên hết muốn khơi gợi một cuộc đối thoại giữa những người am tường Kim Dung và Phật học.
1. Thiên
Đứng đầu trong tám bộ chúng sinh là Thiên, còn gọi là Thiên chúng hay Thiên thần. Trong tiếng Ấn Độ, phiên âm của Thiên là Deva, bao gồm các chúng sinh ở sáu cung trời có thân hình phát hào quang rực rỡ. Deva luôn là nam (dạng nữ của Thiên là Devi) làm thiện, nói thiện, và nghĩ thiện. Chư thiên tuy được hưởng phúc báu to lớn hơn người thường nhưng vẫn nằm trong vòng sinh tử. Trước khi chết, chư thiên sẽ có năm triệu chứng: quần áo mủn nát, hoa trên đầu tàn héo, thân thể bốc mùi, nách đổ mồ hôi, đứng ngồi không yên, đó là thời kỳ đau khổ nhất của chư thiên. Vua trời Đế Thích (Indra) là thủ lĩnh chư thiên.
Tượng Đế Thích (Indra) ở Myanmar
Dựa theo miêu tả trên, có thể kết luận nhân vật tương ứng với địa vị chư thiên chính là Tiêu Phong. Khi Tiêu Phong lần đầu tiên xuất hiện, uy vũ của chàng đã khiến Đoàn Dự chấn động tâm thần, không kiềm được nảy lòng ngưỡng mộ.
Một đại hán ngồi ở phía tây nghe thế quay đầu lại nhìn, đôi mắt lạnh lùng sáng quắc lướt qua mặt chàng. Đoàn Dự thấy người đó thân thể thật là cao lớn, chừng trên dưới ba mươi, mặc áo vải màu tro cũ kỹ đã sờn rách, mày rậm mắt to, mũi cao miệng rộng, khuôn mặt vuông vức hình chữ quốc, tuy nhuốm vẻ phong sương nhưng đầy vẻ uy nghiêm.
Đoàn Dự trong bụng tấm tắc khen thầm: “Quả là một đại hán hiên ngang! Hẳn đây là một tráng sĩ bi ca khẳng khái của nước Yên nước Triệu nơi miền bắc chứ Giang Nam hay Đại Lý không thể có được người như thế này. Bao Bất Đồng tự mình huênh hoang anh khí ngất trời nhưng phải người như thế này mới xứng đáng bốn chữ đó”.
Tranh vẽ Tiêu Phong trên bìa sách “Thiên Long Bát Bộ”
Nếu coi vị sư già quét chùa Thiếu Lâm công phu siêu phàm nhập thánh, từ bi vô hạn là Phật sống, thì chỉ còn Tiêu Phong xứng đáng vị trí số một trong “thế giới chúng sinh” của Thiên Long Bát Bộ. Từ võ công, phẩm chất, đến tính cách anh hùng, chàng đều khiến nhân sĩ Tống Liêu, giang hồ hai phe hắc đạo bạch đạo phải nghiêng mình thán phục. Tiêu Phong hào sảng mà không thô lỗ, anh phong lẫm liệt mà vẫn kín đáo khôn ngoan. Chỉ một lộ Hàng Long Thập Bát Chưởng đủ để Tiêu Phong trấn áp quần hào Tụ Hiền Trang, về sau lại đánh cho bọn Mộ Dung Phục, Đinh Xuân Thu lác mắt. Tiêu Phong trước là bang chủ Cái Bang nhà Tống, sau lãnh chức Nam Viện đại vương nhà Liêu, khí chất lãnh tụ luôn hiển hiện. Chàng vì một mảnh chân tình với A Châu mà hết lòng chiếu cố cho cô em gái điêu ngoa của nàng là A Tử, phần đời còn lại không màng nữ sắc lẫn danh vọng, lại đem thân mình đánh đổi cuộc sống yên lành cho nhân dân hai nước.
Tiêu Phong thỏa mãn tất cả những tiêu chí hào quang, nhân hậu, vĩ đại của một bậc chư thiên, và cũng không tránh khỏi cái chết. Nếu năm triệu chứng trước khi qua đời của chư thiên được gọi là “thiên nhân ngũ suy,” thì Tiêu Phong cũng trải qua năm bi kịch cá nhân: cha mẹ bị hại, Cái Bang khai trừ, bằng hữu tuyệt giao, giết lầm A Châu, phản lại Khiết Đan. Cái chết của Tiêu Phong là sự dâng hiến cho hoà bình, nhưng cũng là cách tự kết thúc đau khổ.
Một bìa sách “Thiên long bát bộ”
2. Long:
Đứng thứ hai trong tám bộ là rồng, còn gọi là Long chúng hay Long thần.
Trong Ấn Độ giáo, Long chính là Naga, là chủ các loài thuỷ tộc sống ở biển. Loài rồng có vị trí rất quan trọng trong tín ngưỡng Phật giáo và cũng được người dân Ấn Độ tôn sùng. Theo truyền thuyết, rồng của Ấn Độ không có chân nên hình dáng giống loài rắn, nhưng ở đây là loại rắn chúa, rắn thần để phân biệt với rắn thường Sarpa. Nhiều khi rắn Naga còn là loại hổ mang bành bảy đầu. Trong kinh Udana, khi Đức Phật thiền định dưới gốc cây Bồ đề thì trời đất tối sầm, mưa to ập xuống kéo dài suốt bảy ngày liền, lúc đó một con rắn thần tên là Mucalinda xuất hiện quấn quanh đầu ngài, bảo vệ cho đức Thế Tôn khỏi mưa gió. Trong các kinh khác thường xuất hiện rắn thần đến lễ Phật; rắn cũng là sinh vật đầu tiên (ngoài người) quy y Tam bảo. Khi Naga du nhập vào Trung Hoa thì trở thành Long vương và gắn liền với hoàng gia cao quý. Thiên tử mặc áo long bào, ngồi ghế long ỷ, mặt mày gọi là long nhan, thân mình gọi là long thể, đó là bắt nguồn từ sự kính trọng với loài rồng mà ra.
Long thần Naga bảy đầu che cho Đức Phật ngồi thiền
Nhân vật tương ứng với Long thần của Thiên Long Bát Bộ là Đoàn Dự.
Đoàn Dự là nhân vật có thật trong lịch sử, chính là vị vua thứ 16 của Vương quốc Đại Lý. Ông trị vì từ 1108 đến 1147, cũng là quân vương tại vị lâu nhất trong lịch sử Đại Lý. Cháu nội Đoàn Trí Hưng của ông cũng được tiểu thuyết hóa thành Nam đế trong Xạ Điêu Anh Hùng truyện. Suốt phần lớn chiều dài Thiên Long Bát Bộ, Đoàn Dự là một vương tử trẻ trung có phần ngờ nghệch nhưng đã có uy của loài rồng.
Thứ nhất, chàng là con trai duy nhất của Đoàn Diên Khánh chính tông nhà Đại Lý, là thái tử chân truyền. Cuối truyện chàng lên ngôi đường hoàng làm vua Đại Lý, chính là trở về “nguyên bản” loài rồng.
Thứ hai, hoàng gia Đại Lý sùng đạo Phật, các triều hoàng đế khi rời ngôi đều xuất gia ở Thiên Long tự. Bản thân Đoàn Dự cũng có tấm lòng hướng Phật, chàng thường xuyên trích dẫn kinh Phật, ghét bạo lực, nhân ái thương người, coi thường vật chất.
Thứ ba, Đoàn Dự học được Bắc Minh Thần Công có thể hút nội lực người khác, nhờ cơ duyên kì ảo lại luyện môn Lăng Ba Vi Bộ, di chuyển thoắt ẩn thoắt hiện, chẳng khác nào loài rồng kỳ bí và mạnh mẽ.
Tranh minh họa Đoàn Dự
Theo kinh Phật, trong tám loại thần chỉ có Thiên được hưởng phúc vi diệu, và Long có thần nghiệm màu nhiệm nhất, còn sáu loài còn lại tuy có tài biến hóa nhưng tâm chưa đủ tốt. Thế nên Thiên và Long đứng đầu tám bộ chúng sinh, dẫn đến gọi tắt là Thiên Long Bát Bộ. Trong tác phẩm này của Kim Dung, Tiêu Phong và Đoàn Dự cũng là hai nhân vật chính số một, số hai ăn khớp với thứ hạng của Thiên và Long.
@Lê Tuấn: chưa nói đến nội dung, đọc cái comment chính tả lẫn chấm phẩy lộn xộn của bạn đã thấy bó tay rồi. Lại còn dạy mình nên với không nên nữa, chịu bạn. ...xem tiếp
19:29Monday,20.8.2018Đăng bởi: Anh Nguyễn
@Lê Tuấn: chưa nói đến nội dung, đọc cái comment chính tả lẫn chấm phẩy lộn xộn của bạn đã thấy bó tay rồi. Lại còn dạy mình nên với không nên nữa, chịu bạn.
8:09Monday,20.8.2018Đăng bởi: Lê tuấn
Nhìn chung mỗi nhân vật đều khắc hoạ nhiều tinh cách của các loại hơn là đơn nhất 1 loại , chư thiên có phúc báo lớn ... Nhân vật Đoàn chính thuần cũng có nét của Thiên . Còn Kiều Phong thì tuy cũng có nét Thiên nhưng mãnh lực thiên phú đó có nét của Kim sí điểu nữa, ... Không nên gán các nhân vật cho các loài loài mà nên tìm đủ các khía cạnh các loại trong từng nhâ ...xem tiếp
8:09Monday,20.8.2018Đăng bởi: Lê tuấn
Nhìn chung mỗi nhân vật đều khắc hoạ nhiều tinh cách của các loại hơn là đơn nhất 1 loại , chư thiên có phúc báo lớn ... Nhân vật Đoàn chính thuần cũng có nét của Thiên . Còn Kiều Phong thì tuy cũng có nét Thiên nhưng mãnh lực thiên phú đó có nét của Kim sí điểu nữa, ... Không nên gán các nhân vật cho các loài loài mà nên tìm đủ các khía cạnh các loại trong từng nhân vật ... Theo em là như vậy ,
...xem tiếp