Văn & Chữ

“Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 3): ba lý do của một người khôn ngoan 22. 08. 16 - 6:02 am

Anh Nguyễn

(Tiếp theo bài 2)

Có thể nói Nhật Nguyệt thần giáo đã nuôi dưỡng một “echo chamber” điển hình – một thứ cộng đồng khép kín tuân theo quy ước riêng, nơi mọi hành động lời nói thậm chí suy nghĩ đều bị kiểm soát chặt chẽ. Tất cả thông tin đều là âm vang dội lại từ hệ tư tưởng của nhà độc tài. Mọi bất đồng chính kiến đều bị dập tắt, ý chí cá nhân hoàn toàn tiêu tan. Được thần phục ở môi trường như vậy thì ngay người bình thường cũng không tránh khỏi bệnh vĩ cuồng. Nhưng khi sóng lật thì kẻ chuyên quyền hôm nay cũng có thể bị nuốt chửng trong vòng xoáy chính trị, tự biến mình thành một con tốt của lịch sử. Nếu giáo chủ là trung tâm của Nhật Nguyệt thần giáo thì Mao Trạch Đông chính là trung tâm của Cách mạng Văn hóa. Ở Trung Quốc Mao được tôn sùng chẳng khác nào một vị chúa cứu thế, nhân dân thêu dệt những câu chuyện huyền thoại về ông, treo ảnh ông, miệng không ngớt ca tụng ông.

Một áp phích thời Cách mạng Văn hóa trên có dòng chữ “Ánh dương tư tưởng Mao Trạch Đông rọi đường cho cuộc Đại Cách mạng Văn hóa của giai cấp vô sản”. Hình từ trang này

Sự tương đồng giữa Nhật Nguyệt thần giáo và giáo phái Mao Trạch Đông là không thể bàn cãi. Nhưng với Tiếu Ngạo Giang Hồ, Kim Dung cố tình làm mờ ranh giới giữa chính phái và tà phái. Cả chính phái và tà phái đều có đấu tố, cả chính phái và tà phái đều tôn thờ lãnh tụ. Vì sao lại như vậy? Có ba lý do:

Lý do thứ nhất, Kim Dung phô bày sự xấu xa của các đoàn thể, chế độ hay vỗ ngực tự xưng là quang minh chính đại. Khi mọi việc được phô bày ta thấy Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần còn gian xảo hơn Nhậm Ngã Hành, Dư Thương Hải còn tàn ác hơn Hướng Vấn Thiên. Hai cao thủ xuất chúng nhất hai phe chính-tà là Nhạc Bất Quần và Đông Phương Bất Bại hóa ra luyện chung một bộ kiếm pháp, đều trở thành kẻ bán nam bán nữ, không còn tính người. Bài học ở đây: bất kỳ tổ chức nào cũng có khả năng biến tướng thành chuyên quyền dù thông điệp ban đầu có tích cực bao nhiêu. Tương tự, mọi nhà lãnh đạo đều có khả năng trở thành một kẻ độc tài nếu được giao cho quá nhiều quyền lực.

Hình tượng Đông Phương Bất Bại thường được miêu tả như một kẻ bán nam bán nữ. Trong một số phim, nhân vật này còn do diễn viên nữ thủ vai.

Lý do thứ hai, Kim Dung muốn chỉ ra rằng: dưới lớp vỏ của đấu tố (chỉ trích) và xu nịnh (tung hô) đều là mục đích cá nhân. Đương nhiên luôn có những cá nhân ngây thơ tin vào chế độ vô điều kiện, nhưng đa số những kẻ thực hiện việc đấu tố và xu nịnh chỉ muốn tốt cho bản thân: hoặc bảo vệ gia đình, hoặc vơ vét tài sản, hoặc trả thù riêng tư, hoặc thăng quan tiến chức. Khi xã hội cho phép thậm chí khuyến khích điều đó thì các giá trị nhân văn hoàn toàn bị đảo lộn và tình người không còn chỗ sống, nhường chỗ cho tinh thần trên đội dưới đạp. Đây là một bài học cảnh giác vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Cuối truyện Tiếu Ngạo, tất cả những kẻ chuyên quyền và tay sai của chúng (Nhậm Ngã Hành, Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần, Lao Đức Nặc,…) đều bị Kim Dung trừng phạt, nhưng cuộc đời thực chưa chắc đã có may mắn đó.

Lý do thứ ba, Kim Dung mượn sự đấu đá giữa hai phe chính-tà để ám chỉ sự tranh giành quyền lực giữa Trung Hoa đại lục và Đài Loan. Điều nực cười là Trung Hoa đại lục cấm Tiếu Ngạo Giang Hồ vì cho rằng nó chế nhạo Mao Trạch Đông và Cách mạng Văn hóa, còn chính quyền Đài Loan thì cấm vì cho rằng Kim Dung ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ tuổi thiếu niên Kim Dung đã dám viết truyện giễu thầy hiệu trưởng đến mức bị đuổi học. Tinh thần quật cường, không sợ giới cầm quyền của Kim Dung rõ ràng không hề bị phai nhạt khi ông tới tuổi trưởng thành.

Bìa sách “Tiếu ngạo giang hồ”

Luận cứ thứ tư chứng tỏ Tiếu Ngạo Giang Hồ chính là Trung Quốc thời Cách mạng Văn hóa thu nhỏ nằm ở nhân vật Đông Phương Bất Bại. Theo John Christopher Hamm trong cuốn Paper Swordsmen, vị giáo chủ Nhật Nguyệt Thần Giáo chính là tổng hợp của Mao Trạch Đông và “Phó thống soái” Lâm Bưu. Người này được phong nguyên soái nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, quyền thế nghiêng trời, là cánh tay phải luôn xuất hiện bên Mao Trạch Đông. Lâm Bưu thăng tiến rất nhanh, được phong làm Phó chủ tịch Đảng duy nhất, cũng là người được chọn kế vị Mao. Thế nhưng khi quan hệ giữa hai người dần xấu đi, Lâm Bưu trở nên nôn nóng. Với mục tiêu nắm quyền làm chủ đất nước, Lâm Bưu cùng vây cánh lên kế hoạch ám sát Mao Trạch Đông. Toàn bộ chương trình đảo chính đã được Lâm Bưu và bộ sậu bàn thảo chi tiết, nhưng vẫn thất bại. Các chi tiết mờ ám xung quanh sự tử nạn của Lâm Bưu vẫn chưa được làm sáng tỏ. Sau khi chết, Lâm Bưu đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản và kết tội phản bội.

Tước hiệu và quyền lực của Đông Phương Bất Bại có hàm ý ám chỉ Mao Trạch Đông, nhưng sự nghiệp của y có thể nói là gần như giống hệt Lâm Bưu. Điều đáng nói là Kim Dung viết xong Tiếu Ngạo Giang Hồ năm 1969, tức là 2 năm trước khi Lâm Bưu tìm cách lật đổ Mao Trạch Đông. Bằng trực quan của mình, Kim Dung đã tiên đoán được ý đồ và vận mệnh của “tên phản loạn” Lâm Bưu.

Lâm Bưu và Mao trước khi bị “thất sủng”

Khi quá nhiều người chỉ ra sự trùng hợp giữa Tiếu Ngạo Giang Hồ và Cách mạng Văn hóa, Kim Dung đã có đôi lời.

“Trong những năm tôi viết Tiếu Ngạo Giang Hồ, cuộc Cách Mạng Văn Hóa ở Trung Hoa bùng lên như ngọn lửa hoang thiêu đốt tất cả. Để giành được quyền lực, các bên đấu đá nhau đã không từ thủ đoạn nào và bản chất xấu xa của con người được bộc lộ theo những cách đáng ghê tởm nhất. Mỗi ngày khi tôi viết cho Minh Báo, cảm xúc phẫn nộ của tôi đi vào những câu chữ một cách tự nhiên, chứ tôi không cố tình dùng Tiếu Ngạo Giang Hồ để miêu tả Cách mạng Văn hóa.”

Tại sao Kim Dung đã thừa nhận ảnh hưởng của Cách mạng Văn hóa rồi lại chối bỏ, đồng thời còn dành nhiều năm sau đấy hiệu đính Tiếu Ngạo Giang Hồ để bỏ đi những chi tiết quá “nhạy cảm?” Là một con người khôn ngoan kín đáo, từng là sinh viên tại Học viện chính trị trung ương tại Trùng Khánh, có lẽ Kim Dung hiểu hơn ai hết sự cân bằng giữa tự do nghệ thuật và lợi ích cá nhân. Nhờ vị trí trung lập của mình mà ngày nay các tác phẩm của Kim Dung đã không còn bị cấm tại Trung Hoa đại lục và Đài Loan, bản thân Kim Dung cũng trở thành một nhân vật được tất cả các phe phái trọng vọng, mà thông điệp của Tiếu Ngạo Giang Hồ vẫn còn nguyên giá trị.

*

SOI: Để đọc các bài về chưởng Kim Dung, các bạn có thể vào phần tìm kiếm của Soi, gõ “Kim Dung” ở mục “Nội dung”, sẽ ra rất nhiều bài.

 

*

Về chưởng Kim Dung:

- Truyện Kim Dung (phần 1): phàm đại hiệp đều phải mồ côi cha

- Truyện Kim Dung (phần 2): bildungsroman muốn li kỳ thì phải thiếu nơi nương tựa

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 1): từ màu đỏ của mặt trời 8, 9 giờ sáng

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 2): cũng thanh trừng, cũng sùng bái cá nhân

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 3): ba lý do của một người khôn ngoan

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 1):
ai là Thiên, ai là Long?

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 2):
ai là Dạ Xoa, ai là Atula?

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 3):
còn ai là Garuda và ai là Khẩn Na La?

- Đọc Kim Dung (bài 1): Quách Tĩnh – Bảy lần leo núi để thành núi

- Đọc Kim Dung (bài 2): Dương Quá – chọn vực sâu để tìm tri kỷ

- Đọc Kim Dung (bài 4): “tình thánh” Dương Quá và hình tượng máu

- Đọc Kim Dung (bài 5): ba thử thách đắng và một cái kết ngọt cho Dương Quá

- Vi Tiểu Bảo (bài 1): “thằng vô lại nhỏ” được Kim Dung gửi gắm toàn biểu tượng

- Vi Tiểu Bảo (bài 2): phản anh hùng đạt được mọi thứ mà anh hùng khó có

- Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 1):
Ai đẹp nhất? Ai nghề nghiệp ổn nhất?

- Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 2):
Tính ai hay nhất? Nhà ai thích nhất?

Ý kiến - Thảo luận

17:11 Wednesday,9.8.2017 Đăng bởi:  Trang La Ai
Nhìn áp phích Đại Lục, lại nhớ bài hát:"Mặt trời lặn, mặt trời mang theo nắng/Bác ra đi để ánh sáng cho đời"
...xem tiếp
17:11 Wednesday,9.8.2017 Đăng bởi:  Trang La Ai
Nhìn áp phích Đại Lục, lại nhớ bài hát:"Mặt trời lặn, mặt trời mang theo nắng/Bác ra đi để ánh sáng cho đời" 
15:15 Tuesday,23.8.2016 Đăng bởi:  rieng&chung
Vâng bác. Một phần vì truyện hay, phần vì thị trường còn "nguyên thủy", nên nhà cầm quyền ĐL chặn kiểu gì cũng khó. Thị trường ĐL hồi trước và trong giai đoạn cấm Kim Dung đều khá "hỗn loạn", nghe đâu in lậu rất nhiều. Vác một cuốn in ở HongKong sang ĐL cứ thế chụp ra in lại là xong, đều là chữ phồn thể cả.

Cũng vì thị trường như thế, nên có thể mạo da
...xem tiếp
15:15 Tuesday,23.8.2016 Đăng bởi:  rieng&chung
Vâng bác. Một phần vì truyện hay, phần vì thị trường còn "nguyên thủy", nên nhà cầm quyền ĐL chặn kiểu gì cũng khó. Thị trường ĐL hồi trước và trong giai đoạn cấm Kim Dung đều khá "hỗn loạn", nghe đâu in lậu rất nhiều. Vác một cuốn in ở HongKong sang ĐL cứ thế chụp ra in lại là xong, đều là chữ phồn thể cả.

Cũng vì thị trường như thế, nên có thể mạo danh KD để viết sách.

Còn về độ ghiền Kim Dung của người Hoa. Một tay tiến sĩ Toán người Mã Lai gốc Hoa thế hệ 7x bảo rằng trên thế giới này, ở đâu có người Hoa thì ở đó có (truyện của) Kim Dung.

Nhưng tình hình đại lục hơi khác chút. Đối tượng ghiền Kim Dung là học sinh phổ thông, sau phổ thông thì phân hóa.

Người ta cho rằng một tỉ lệ rất lớn người thích Kim Dung là học cao đẳng hoặc trung cấp dạy nghề, trong khi sinh viên đại học chính quy chiếm tỉ lệ thấp hơn. Ngụ ý là "trình độ văn hóa thấp" (ở đại lục) lại thích Kim Dung hơn. Nhưng dù gì thì không dưới 70% đám sinh viên đại học (văn hóa cao) kia cũng đã đọc Kim Dung từ phổ thông rồi. Chúng nó còn bảo, nhờ Kim Dung mà thuộc sử Trung Quốc hơn (so với học sách giáo khoa)

Một khía cạnh khác, có thể vì nhân vật của Kim Dung rất đa dạng, từ chân quân tử, ngụy quân tử, ngụy tiểu nhân, đến chân tiểu nhân, nên Kim Dung vẫn hấp dẫn thanh niên bây giờ. Hiện tại, tỉ lệ thích Vi Tiểu Bảo được cho là cao hơn thích họ Lệnh Hồ, họ Quách v.v... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả