Văn & Chữ

Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 3):
còn ai là Garuda và ai là Khẩn Na La? 11. 10. 16 - 8:18 pm

Anh Nguyễn

(Tiếp theo phần 2)

6 – Khẩn Na La:

Khẩn Na La, tên Ấn Độ Kinnara, là một loại thần kỳ diệu: có lúc nửa người nửa ngựa, có lúc nửa người nửa chim, trên đầu thường có sừng. Kinnara có hình dáng lạ lùng, giống người mà không phải người, khiến ai gặp phải đều ngờ vực không yên, nên còn gọi là Nghi thần (tiếng Phạn: Kim – nghi vấn, nara – người).

Cũng như Càn Thát Bà, Khẩn Na La giỏi tài ca múa và thường trổ tài mua vui cho Đế Thích. Nguồn gốc của vị thần này xuất phát từ bộ tộc Kinnara ở vùng núi Hy Mã Lạp Sơn phủ tuyết giăng mây. Người Ấn Độ cho rằng Kinnara là những sinh linh phi thường, đẹp đẽ, bí ẩn, trú ngụ nơi xa xôi kín đáo. Nam thần là Kinnara, nữ thần là Kinnari. Theo thần thoại, Kinnari có khả năng khiến người ta bị rối loạn tâm trí, thích thú đến mê muội, thậm chí còn quyến rũ Phật tăng, phần nào giống như những cô tiên vùng cao có bùa mê làm lạc lối người phàm. Trong sử thi Mahabharata, Kinnara và Kinnari trọn đời sống trong hoan lạc, là đôi tình nhân thần tiên trẻ mãi không già, luôn say đắm bên nhau.

Khẩn Na La nam và nữ

Dựa vào đặc tính trên, có thể nói Khẩn Na La trong Thiên Long Bát Bộ chính là cặp đôi Vô Nhai Tử-Lý Thu Thủy. Hai người này là môn đồ của phái Tiêu Dao, mà phái này chỉ chuyên tuyển chọn những người có tướng mạo cực đẹp. Vô Nhai Tử khi già vẫn phong lưu tiêu sái đến nỗi Hư Trúc thấy tự thẹn mình xấu xí, Lý Thu Thuỷ thì chính là nguyên mẫu của pho tượng ngọc “Thần tiên tỷ tỷ” mà Đoàn Dự say mê. Hai người này “rủ nhau đi trốn” vào động Vô Lượng, xây một tàng thư võ học, cùng nhau sống cuộc đời tiêu dao nhàn nhã. Vô Nhai Tử có khắc trên vách đá “Trong động không ngày tháng, chính cực lạc nhân gian”, làm chàng ngốc Đoàn Dự cảm khái rằng cực lạc trên trời có khi cũng chưa được như hai người bọn họ.

Vô Nhai Tử

Võ công của phái Tiêu Dao lấy cảm hứng từ thiên Tiêu Dao Du của Trang Tử, khẩu quyết chính là mấy câu “Ở nơi núi xa xăm mờ mịt, có thần nhân ở. Da trắng như tuyết, giữ mình như ngọc, không ăn ngũ cốc, hút gió uống sương”. Mấy câu này để hình dung loài Khẩn Na La trong thần thoại quả thật vô cùng chính xác. Võ công của phái Tiêu Dao vì thế cũng vô cùng đẹp đẽ phiêu dật, tới mức người của phái Vô Lượng nhìn bóng hai người Vô Nhai Tử – Lý Thu Thuỷ đấu kiếm phản chiếu trên vách đá lại cứ tưởng thần tiên phương nào!

7. Ca Lâu La:

Đại bàng cánh vàng Ca Lâu La là một loại thần cực mạnh trong Thiên Long Bát Bộ. Ca Lâu La là phiên âm từ Garuda của Ấn Độ. Đại bàng này còn có tên gọi Kim Sí Điểu, là vua các loài chim ở núi Tu Di, trong Ấn Độ giáo nó là vật cưỡi của thần Vishnu.

Đại bàng Ca Lâu La chở thần Vishnu

Theo sử thi Mahabharata, Ca Lâu La có mối thù không đội trời chung với Long thần (Naga) vì rắn đã làm hại mẹ của nó. Trên đường đi cứu mẹ, Ca Lâu La được Đế Thích hứa cho dùng loài rồng-rắn làm đồ ăn vĩnh viễn. Mỗi ngày Ca Lâu La phải ăn một con rồng lớn (long vương) hoặc năm trăm con rồng nhỏ. Ngoài ra Ca Lâu La còn nuốt hết những phiền não, ma chướng của con người.

Đại bàng Ca Lâu La có bảo tướng trang nghiêm, sải cánh dài 336 vạn dặm. Tới lúc mệnh tận, trong ruột đầy chất độc do rồng rắn nhả ra, Ca Lâu La liền bay tới đỉnh Kim Cang Luân để tự thiêu, thân mình chỉ còn trái tim xanh biếc.

Tranh dân gian Ấn: Garuda xơi một con rồng

Quốc sư Thổ Phồn Cưu Ma Trí chính là hiện thân của đại bàng Ca Lâu La trong truyện. Người này tài cao học rộng, cả Phật pháp lẫn võ thuật đều thông, nhưng mải mê lầm đường rẽ vào ma đạo. Trong suốt chiều dài Thiên Long Bát Bộ, Cưu Ma Trí luôn tìm cách hãm hại, bắt cóc Đoàn Dự (Long thần) với mong muốn trở thành người có võ công đệ nhất thiên hạ. Mưu đồ chính trị của Cưu Ma Trí cũng không hề kém, y muốn dùng ảnh hưởng của mình để kích động cho các nước đánh nhau, nâng vị trí cho nước Thổ Phồn (Tây Tạng ngày nay) trên bản đồ.

Một hình dung về Cưu Ma Trí. Hình từ trang này

Về cuối truyện, những luồng nội lực do Cưu Ma Trí lén luyện Tiểu Vô Tướng Công xung đột lẫn nhau khiến y bị tẩu hoả nhập ma suýt mất mạng, giống như chất độc phát tiết trong người đại bàng Kim Sí Điểu. Những tham vọng, sân si tích tụ trong người Cưu Ma Trí chỉ chờ dịp bùng lên “hoá kiếp” y như ngọn lửa thiêu đốt Ca Lâu La. May mắn cho Cưu Ma Trí, Đoàn Dự hút hết nội lực và cứu sống y, kể từ đó Cưu Ma Trí tỉnh ngộ và chuyên tu Phật pháp.

8. Ma Hầu La Già

Thần rắn Ma Hầu La Già (Mahoraga trong tiếng Ấn Độ) là một con rắn lớn, còn gọi là Đại Mãng Xà hay Địa Long để phân biệt với loài rắn biển Naga. Cũng có khi Ma Hầu La Già được khắc hoạ với hình tượng đầu người mình rắn. Theo kinh Lăng Nghiêm, Ma Hầu La Già “thuộc loại bò sát; vì ngu si độc ác nên tự chiêu mời rắc rối, đần độn vô tri, muốn thoát luân hồi nên đã tu luyện từ bi trí huệ, vãn hồi hậu quả gây ra, thoát được luân hồi”.

Mãng xà Mahoraga

Trong Thiên Long Bát Bộ, nhân vật Mộ Dung Bác chính là rắn thần Ma Hầu La Già. Một là tính tình Mộ Dung Bác vô cùng khôn ngoan hiểm độc giống loài rắn thông minh, về mưu mô thủ đoạn thì còn hơn nhiều con trai y Mộ Dung Phục. Y chính là kẻ dàn dựng vụ mai phục ở Nhạn Môn Quan, lừa bao anh hùng chính đạo không chết cũng bị thương, lại hại cả nhà Tiêu Viễn Sơn gây nên tai hoạ dài lâu. Ôm mộng phục quốc, y bèn giả chết trốn vào chùa Thiếu Lâm để học lén 72 tuyệt kĩ Thiếu Lâm Tự. Do không có căn bản nội công nên Mộ Dung Bác bị tổn thương nội tạng rất nặng, quả đúng là “ngu si độc ác”. Về cuối truyện y được nhà sư quét chùa cứu khỏi họa sát thân, nhờ đó lại được khai sáng, trở thành một Phật tử ngoan đạo. Quá trình lột xác của loài rắn là biểu tượng cho sự tái sinh. Mộ Dung Bác cũng hai lần chết đi sống lại – một lần là y giả chết, một lần do nhà sư già đánh cho chết đi để chữa bệnh. Quá trình cứu rỗi và giác ngộ của Mộ Dung Bác chính là giống với loài Ma Hầu La Già.

Mộ Dung Bác

Kết bài:

Trong kinh của Phật Giáo đại thừa có kể lại khi đức Phật thuyết pháp cho các bồ tát, tì khưu thường có tám loại chúng sinh đến nghe giảng kinh. Kinh Pháp Hoa trong phẩm Đề Bà Đạt Đa có chép:

Thiên long bát bộ, nhân dữ phi nhân, giai dao kiến bỉ Long Nữ thành Phật. (Trong tám loại chúng sinh trên trời, người cũng như không phải người đều thấy được Long Nữ thành Phật)

Lại có câu “Trời, Rồng, A Tu La, Dạ Xoa
Đến nghe Phật Pháp, nên chí Tâm
Ủng hộ Phật Pháp mãi trường tồn
Mỗi mỗi siêng tu lời Phật dạy”.

Hình ảnh này có lẽ chính là cảm hứng cho Kim Dung viết lên cảnh tượng ở hồi 43, khi vị sư già quét chùa dùng Phật giáo để hóa giải hết những nghiệp chướng của các loài chúng sinh trong truyện:

Vị sư già quét chùa

Vị lão tăng nói:

– Các ngươi muốn xuất gia làm sư thì phải nhờ các vị đại sư chùa Thiếu Lâm thế độ. Ta có mấy lời để cho các ngươi nghe.

Nói xong ngồi xuống thuyết pháp. Tiêu Phong và Mộ Dung Phục thấy cha mình quì xuống cũng quì theo. Huyền Sinh, Huyền Diệt, Thần Sơn, Đạo Thanh, Ba La Tinh nghe thấy nhà sư nói những lời tinh diệu không khỏi vui mừng, tự nhiên sinh lòng kính ngưỡng, ai nấy đều quì xuống.

 

*

Về chưởng Kim Dung:

- Truyện Kim Dung (phần 1): phàm đại hiệp đều phải mồ côi cha

- Truyện Kim Dung (phần 2): bildungsroman muốn li kỳ thì phải thiếu nơi nương tựa

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 1): từ màu đỏ của mặt trời 8, 9 giờ sáng

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 2): cũng thanh trừng, cũng sùng bái cá nhân

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 3): ba lý do của một người khôn ngoan

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 1):
ai là Thiên, ai là Long?

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 2):
ai là Dạ Xoa, ai là Atula?

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 3):
còn ai là Garuda và ai là Khẩn Na La?

- Đọc Kim Dung (bài 1): Quách Tĩnh – Bảy lần leo núi để thành núi

- Đọc Kim Dung (bài 2): Dương Quá – chọn vực sâu để tìm tri kỷ

- Đọc Kim Dung (bài 4): “tình thánh” Dương Quá và hình tượng máu

- Đọc Kim Dung (bài 5): ba thử thách đắng và một cái kết ngọt cho Dương Quá

- Vi Tiểu Bảo (bài 1): “thằng vô lại nhỏ” được Kim Dung gửi gắm toàn biểu tượng

- Vi Tiểu Bảo (bài 2): phản anh hùng đạt được mọi thứ mà anh hùng khó có

- Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 1):
Ai đẹp nhất? Ai nghề nghiệp ổn nhất?

- Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 2):
Tính ai hay nhất? Nhà ai thích nhất?

Ý kiến - Thảo luận

16:30 Sunday,16.10.2016 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
@IQ ABC:

Theo mình thì Đinh Xuân Thu là hiện thân của Kalakeyas, dòng thấp nhất của A Tu La, còn gọi là Ngạ quỷ A Tu La. Loài này xấu xa, hiếu chiến, tàn ác, và lẩn trốn ở biển nên rất khó giết (Lão họ Đinh cũng trốn ra Tinh Tú Hải để tránh bị nhân sĩ Trung Nguyên hỏi tội.)
...xem tiếp
16:30 Sunday,16.10.2016 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
@IQ ABC:

Theo mình thì Đinh Xuân Thu là hiện thân của Kalakeyas, dòng thấp nhất của A Tu La, còn gọi là Ngạ quỷ A Tu La. Loài này xấu xa, hiếu chiến, tàn ác, và lẩn trốn ở biển nên rất khó giết (Lão họ Đinh cũng trốn ra Tinh Tú Hải để tránh bị nhân sĩ Trung Nguyên hỏi tội.) 
13:43 Sunday,16.10.2016 Đăng bởi:  IQ ABC
Còn nhân vật Đinh Xuân Thu không biết thuộc bộ nào?
...xem tiếp
13:43 Sunday,16.10.2016 Đăng bởi:  IQ ABC
Còn nhân vật Đinh Xuân Thu không biết thuộc bộ nào? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả