Văn & Chữ

Truyện Kim Dung (phần 1): phàm đại hiệp đều phải mồ côi cha 06. 08. 16 - 6:08 am

Anh Nguyễn

 

Các tiểu thuyết của Kim Dung bày bán tại hiệu sách ở Hongkong

Kim Dung đã viết tổng cộng 15 tác phẩm, bao gồm 14 tiểu thuyết và 1 truyện ngắn (Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc. Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên.) Ngoại trừ Thiên Long Bát Bộ với tam tuyến nhân vật (Kiều Phong-Hư Trúc-Đoàn Dự,) mỗi tác phẩm của ông thường xoay quanh những cuộc phiêu lưu của một cá thể riêng biệt.

Gần như tất cả những đại hiệp trong tiểu thuyết Kim Dung đều là những người đàn ông mồ côi cha. Đây là một khía cạnh thú vị, xứng đáng được người đọc phân tích và giải đáp.

Có thể hệ thống hoá thân phận mồ côi cha của những nhân vật nam chính trong tiểu thuyết Kim Dung thành ba nhóm chính:

1. Những người mồ côi cha từ nhỏ, không bao giờ biết được cha mình là ai:

Số này gồm có Địch Vân (Liên Thành Quyết), Lệnh Hồ Xung (Tiếu Ngạo Giang Hồ), và Vi Tiểu Bảo (Lộc Đỉnh Ký).

Lệnh Hồ Xung và Điền Bá Quang đánh nhau trong tửu lâu

Địch Vân và Lệnh Hồ Xung là hai đứa trẻ cù bơ cù bất từ nhỏ được sư phụ thu nhận, trong lòng họ coi thầy chính là cha. Tâm lý tin cậy và ngưỡng mộ tuyệt đối của Địch Vân và Lệnh Hồ Xung đeo đuổi họ tới khi trưởng thành, đến nỗi bị sư phụ lừa dối, lợi dụng, tàn hại vẫn một mực trung thành. Phải nói rõ, Địch Vân và Lệnh Hồ Xung ngây thơ nhưng hoàn toàn không hề ngu ngốc, song họ vẫn mù quáng đặt niềm tin vào sư phụ. Điều này có ý nghĩa gì? Trong văn hóa phương Tây có nhân vật thằng gù Quasimodo là ví dụ điển hình của mẫu hình này: y là một đứa trẻ mồ côi được cứu vớt, rồi lại bị chính ân nhân phản bội.

“Tiếu ngạo giang hồ “khi đăng trên Minh Báo

Vi Tiểu Bảo thì ngược lại. Trần Cận Nam tổng đà chủ Thiên Địa Hội là sư phụ của hắn, cũng là một nam nhân trọng nghĩa, nhưng hắn không những không tôn thờ sư phụ mà còn lừa gạt Trần Cận Hoa không biết bao nhiêu lần. Tới tận khi sư phụ qua đời, Vi Tiểu Bảo mới nhận ra trong lòng sớm đã coi Trần Cận Nam là cha, chỉ là kim chỉ nam đạo đức của Vi Tiểu Bảo quá dễ lung lay nên với sư phụ hắn có thừa yêu thương mà thiếu phần kính trọng. Lộc Đỉnh Ký không giống bất kỳ một bộ tiểu thuyết nào khác của Kim Dung; Vi Tiểu Bảo cũng xứng đáng có một mục riêng. Vì vậy, trường hợp của Vi Tiểu Bảo cần được đánh giá độc lập.

2. Những người có cha là dũng sĩ hào hiệp nhưng chẳng may mất sớm

Số này bao gồm Quách Tĩnh (Anh Hùng Xạ Điêu), Viên Thừa Chí (Bích Huyết Kiếm), Hồ Phỉ (Tuyết Sơn Phi Hồ và Phi Hồ ngoại truyện), Trương Vô Kỵ (Ỷ Thiên Đồ Long Ký).

Quách Tĩnh khi còn là đứa trẻ sống ở thảo nguyên Mông Cổ

Cha họ là điển hình của archetype hiệp khách lai với nhà nho: họ hành tẩu giang hồ nhưng vẫn bị ràng buộc bởi những quy tắc Khổng giáo “nhân lễ nghĩa trí tín.” Sự hy sinh anh hùng của bốn người cha này có ảnh hưởng sâu sắc không thể xem thường đối với cá tính và số phận của các nhân vật trên: họ tôn sùng cha, nung nấu khát vọng trả thù cho cha, lấy cha làm hình mẫu học theo. Ở một chừng mực nào đó, Quách Tĩnh, Viên Thừa Chí, Hồ Phỉ, Vô Kỵ là sự tiếp nối cuộc đời cha họ: sự nghiệp của họ hiển hách hơn, vinh quang đạt được lẫy lừng hơn, nhưng về cơ bản Quách Tĩnh hiệp nghĩa giống Quách Khiếu Thiên, Vô Kỵ trung hậu như Trương Thuý Sơn, Hồ Phỉ hào sảng giống Hồ Nhất Đao, Viên Thừa Chí kế thừa lý tưởng vì nước vì dân của Viên Sùng Hoán. Dòng máu anh hùng của người cha không hề cạn, nó chỉ truyền vào con trai và tiếp tục chảy mãi. Trong văn hoá đại chúng phương Tây mẫu hình này rất phổ biến: kịch thì có Hamlet, truyện thì có Harry Potter, comic có Batman, phim có Lion King.

Một tạp chí Hồng Kông thuở ấy đăng bài về phim truyền hình dựa theo tiểu thuyết Kim Dung (lấy từ Bảo tàng di sản Hồng Kông)

3. Những người “tưởng là cha mà không phải là cha”

Số này là những vị anh hùng lớn lên có cha hoặc không, nhưng điểm chung là tới tận khi trưởng thành họ mới biết sự thực về cha mình (thường là trái ngược hoàn toàn với tưởng tượng, nếu không nói là tệ hại hơn.) Ta có:

-Kiều Phong: tưởng rằng cha là lão nông họ Kiều hiền lành, hoá ra cha chàng là Tiêu Viễn Sơn – một kẻ giết người vô tội như ngoé.

-Đoàn Dự: được vương gia Đoàn Chính Thuần nuôi lớn, nhưng thực ra chàng là con trai của Đệ nhất đại ác nhân Đoàn Diên Khánh.

-Hư Trúc: sống trong cửa Phật từ tấm bé, bản thân lại là kết quả nghiệp chướng tình ái giữa Sư trụ trì chùa Thiếu Lâm Huyền Từ và Diệp Nhị Nương.

-Dương Quá: từ bé đến lớn nghĩ cha là một dũng sĩ anh hùng, nào ngờ Dương Khang là tên bán nước, tham sống sợ chết.

-Thạch Phá Thiên: bị Mai Phương Cô bắt cóc từ nhỏ, gọi là Cẩu Tạp Chủng, ai ngờ chính là con trai của Huyền Tố trang chủ Thạch Thanh.

Dương Quá và Điêu huynh

Số phận của các anh hùng này có thể so sánh với Luke Skywalker trong loạt phim Star Wars.

Qua hệ thống trên có thể thấy, tuy những nhân vật nam trong tiểu thuyết Kim Dung lớn lên không có sự hiện diện của cha ruột, song vai trò của người cha trong cốt truyện là không hề nhỏ. Câu hỏi lớn đặt ra ở đây là: Tại sao “mồ côi cha” lại là một trong những chủ đề xuyên suốt trong các tác phẩm Kim Dung? Ta có thể trả lời câu hỏi này bằng hai bước, trong bài tiếp theo.

(Còn tiếp)

*

SOI: Để đọc các bài về chưởng Kim Dung, các bạn có thể vào phần tìm kiếm của Soi, gõ “Kim Dung” ở mục “Nội dung”, sẽ ra rất nhiều bài.

*

Về chưởng Kim Dung:

- Truyện Kim Dung (phần 1): phàm đại hiệp đều phải mồ côi cha

- Truyện Kim Dung (phần 2): bildungsroman muốn li kỳ thì phải thiếu nơi nương tựa

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 1): từ màu đỏ của mặt trời 8, 9 giờ sáng

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 2): cũng thanh trừng, cũng sùng bái cá nhân

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 3): ba lý do của một người khôn ngoan

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 1):
ai là Thiên, ai là Long?

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 2):
ai là Dạ Xoa, ai là Atula?

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 3):
còn ai là Garuda và ai là Khẩn Na La?

- Đọc Kim Dung (bài 1): Quách Tĩnh – Bảy lần leo núi để thành núi

- Đọc Kim Dung (bài 2): Dương Quá – chọn vực sâu để tìm tri kỷ

- Đọc Kim Dung (bài 4): “tình thánh” Dương Quá và hình tượng máu

- Đọc Kim Dung (bài 5): ba thử thách đắng và một cái kết ngọt cho Dương Quá

- Vi Tiểu Bảo (bài 1): “thằng vô lại nhỏ” được Kim Dung gửi gắm toàn biểu tượng

- Vi Tiểu Bảo (bài 2): phản anh hùng đạt được mọi thứ mà anh hùng khó có

- Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 1):
Ai đẹp nhất? Ai nghề nghiệp ổn nhất?

- Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 2):
Tính ai hay nhất? Nhà ai thích nhất?

Ý kiến - Thảo luận

11:33 Wednesday,31.10.2018 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
@Le Phuc: hình như bạn có chút nhầm lẫn với Hồng Lâu Mộng, hòn đá tiên trên núi Hoa Quả Sơn không liên quan đến việc Nữ Oa vá trời.
...xem tiếp
11:33 Wednesday,31.10.2018 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
@Le Phuc: hình như bạn có chút nhầm lẫn với Hồng Lâu Mộng, hòn đá tiên trên núi Hoa Quả Sơn không liên quan đến việc Nữ Oa vá trời. 
9:35 Wednesday,31.10.2018 Đăng bởi:  Le Phuc
Bản thân mình cũng có nhìn nhận thấy điểm này ở các tác phẩm khác như Tây Du Ký - Tôn Ngộ Không chỉ là hòn đá sinh ra từ việc Nữ Oa vá trời, có thể coi chỉ có mẹ không có cha; một số Manga nổi tiếng của Nhật Bản như Naruto, nhân vật Naruto cả quá khứ không cha, coi 2 người thầy là cha, gần cuối mới biết được cha mình là Đại nhân vật mà mình ngưỡng mộ; Ngọ
...xem tiếp
9:35 Wednesday,31.10.2018 Đăng bởi:  Le Phuc
Bản thân mình cũng có nhìn nhận thấy điểm này ở các tác phẩm khác như Tây Du Ký - Tôn Ngộ Không chỉ là hòn đá sinh ra từ việc Nữ Oa vá trời, có thể coi chỉ có mẹ không có cha; một số Manga nổi tiếng của Nhật Bản như Naruto, nhân vật Naruto cả quá khứ không cha, coi 2 người thầy là cha, gần cuối mới biết được cha mình là Đại nhân vật mà mình ngưỡng mộ; Ngọn lửa Recca, One-piece...

Tính cách chung của các nhân vật có thể dùng miêu tả dành cho Tôn Ngộ Không: Vô pháp vô thiên. Họ đều hướng đến sự tự do, không ràng buộc, phá bỏ các quy tắc cũ, hướng đến một chân trời rộng mở hơn. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả