Văn & Chữ

Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 2):
ai là Dạ Xoa, ai là Atula? 09. 10. 16 - 6:20 pm

Anh Nguyễn biên soạn

(Tiếp theo phần 1)

3. Dạ Xoa

Đứng thứ ba trong Thiên Long Bát Bộ là loài Dạ Xoa. Theo kinh Bi Hoa, Dạ Xoa là một loại quỷ, còn gọi là Dược Xoa, dịch đúng nghĩa là “năng đạm quỷ” – tức là quỷ có thể ăn thịt người. Phiên âm theo Ấn Độ của Dạ Xoa là Yaksha.

Tượng các Dạ Xoa ở chân một ngôi đền. Hình từ trang này 

Có lẽ vì ảnh hưởng của truyện thần tiên nên chúng ta thường nghĩ hễ Dạ Xoa là xấu, nhưng trong kinh văn cũng có rất nhiều Dạ Xoa tốt. Có những Dạ Xoa quy y Phật pháp và dùng thần lực bảo vệ con người. Kim Dung đã từng nói “Nhiệm vụ của Dạ Xoa bát đại tướng là duy hộ cảnh giới của chúng sinh”.

Dạ Xoa có ba dạng: Không Hành Dạ Xoa (đi trong hư không,) Thiên Hành Dạ Xoa (đi trong cõi trời,) và Địa Hành Dạ Xoa (đi trên mặt đất.) Dạ Xoa nam có tướng mạo vô cùng xấu xí thô kệch, nhưng Dạ Xoa nữ (yakshi) lại thường xinh đẹp và phong nhũ phì đồn. Dù là Dạ Xoa nam hay Dạ Xoa nữ, Dạ Xoa xấu hay Dạ Xoa tốt thì cũng đều thông minh mẫn tiệp và di chuyển nhanh nhẹn nhẹ nhàng.

Dạ Xoa

Dựa trên những yếu tố đó có thể cho rằng có ít nhất một vài Dạ Xoa trong Thiên Long Bát Bộ.

Dạ Xoa nam rõ ràng nhất chính là Hư Trúc. Y là nhân vật nam chính thứ ba trong truyện, cũng là anh em kết nghĩa của Tiêu Phong và Đoàn Dự, về vị trí là hết sức hợp lý. Y sinh ra mang bộ mặt xấu trai, cử chỉ vụng về không trau chuốt, nhưng lại có tấm lòng cao thượng và nghĩa khí. Nội công của y là do ba đại cao thủ phái Tiêu Dao là Vô Nhai Tử, Thiên Sơn Đồng Mỗ, Lý Thu Thuỷ cùng truyền thụ nên vô cùng cao thâm, đến cuối truyện võ nghệ của y đã đến cảnh giới xuất thần nhập hóa.

Một hình dung về Hư Trúc. Hình từ trang này 

Hư Trúc trong toàn bộ Thiên Long Bát Bộ hầu như luôn giữ vai trò “người bảo vệ.” Y vì muốn giúp Đoàn Diên Khánh khỏi bị nội thương mà phá được thế cờ Trân Lung, rồi lại vô tình hỗ trợ Thiên Sơn Đồng Mỗ mà được truyền võ công thượng thừa. Sau khi Đồng Mỗ chết, y nảy lòng Bồ Tát, cứu 108 vị đảo chủ động chủ khỏi Sinh Tử Phù, kể từ đó trở thành đầu lĩnh của họ.

Có thể nói cuộc đời Hư Trúc có nhiều may mắn xảo diệu, nhưng tất cả đều xuất phát từ tấm lòng thiện của y. Hư Trúc lớn lên ở cửa Phật, thân sinh của y lại chính là trụ trì chùa Thiếu Lâm, có thể nói y là một Dạ Xoa tốt thấm nhuần Phật pháp. Sau này y vì phá giới không thể quay lại Phật môn nhưng vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ “bảo vệ chúng sinh,” có thể nói là đã hoàn thành công quả.

Hư Trúc

Dạ Xoa nữ có thể là hai nhân vật: Cam Bảo Bảo và Diệp Nhị Nương. Cam Bảo Bảo là vợ Chung Vạn Cừu đồng thời cũng là tình nhân của Đoàn Chính Thuần, nhan sắc xinh đẹp, có ngoại hiệu là Tiếu Dược Xoa (Dạ Xoa cười.)

Một hình dung về Diệp Nhị Nương. Hình từ trang này

Diệp Nhị Nương vốn là một cô gái đoan trang phúc hậu, vì trót yêu phương trượng chùa Thiếu Lâm mà sinh ra Hư Trúc. Sau con trai nàng bị Tiêu Viễn Sơn bắt đi, nàng hóa điên, ngày ngày đi bắt cóc trẻ con về chăm sóc rồi giết chết (trong bản sửa gần đây nhất Kim Dung đã giảm nhẹ tội lỗi của Diệp Nhị Nương, bỏ qua đoạn sát hại trẻ con.) Diệp Nhị Nương có biệt hiệu Vô ác bất tác (không phải việc ác thì không làm), là người đứng thứ hai trong Tứ đại ác nhân. Đến tận trước khi Diệp Nhị Nương tự sát, người đọc mới thấy hé lộ tình mẹ – điều thiện lương cuối cùng sót lại trong con người thị.

4. Càn Thát Bà

Đứng thứ tư trong Thiên Long Bát Bộ là Càn Thát Bà, tên tiếng Ấn Độ là Gandharva (nam) và Apsara (nữ.) Càn Thát Bà thường xinh đẹp, giỏi múa hát, không ăn rượu thịt mà chỉ lấy hương thơm để nuôi sống mình, vì thế còn gọi là Nhạc thần hoặc Hương thần. Gandharv trong tiếng Phạn có nghĩa là “biến hoá khôn lường,” ý nói mùi hương và âm nhạc đều mênh mang không đo đếm được. Càn Thát Bà thường gắn bó sinh sống ở nơi có cây cỏ hoa lá, có người cho rằng họ ẩn mình trong mùi thơm của nhị hoa, vỏ cây, nhựa cây. Càn Thát Bà nữ có khả năng thay đổi hình dạng tùy ý, và thường theo hầu cận Thiên thần, hoặc dâng hương, dâng rượu, hoặc ca múa. Vị trí của Càn Thát Bà trong tám bộ là thấp nhất, chủ yếu nhằm mục đích làm cảnh cho đẹp kiểu “bình hoa di động,” gần giống như các nàng nymph của thần thoại Hy Lạp.

Càn Thát Bà cầm vòng hoa bay lượn

Càn Thát Bà trong Thiên Long Bát Bộ có thể ứng với ba nữ nhân: A Châu, Mộc Uyển Thanh, Vương phu nhân. Điểm chung nhất của ba người này là nhan sắc xinh đẹp; ngoài ra họ có mặt trong truyện cũng chủ yếu để làm bầu bạn cho các nhân vật nam chính.

A Châu là Càn Thát Bà rõ ràng nhất. Nàng trước là người hầu của Mộ Dung Phục, sau trở thành người yêu của Tiêu Phong (Thiên thần.) A Châu có khả năng cải trang xuất quỷ nhập thần, trên người lại có mùi hương xử nữ khiến Đoàn Dự nhận ra nàng là con gái. Chữ “Phong” trong Tiêu Phong nghĩa là đỉnh núi cao, nhà văn Trương Hiểu Yến đã nhận xét A Châu như cây nhỏ đầy núi, dùng tình yêu che bóng mát cho chàng. Sau khi A Châu qua đời, đỉnh núi trống vắng hoang tàn lạnh lẽo, người đời không còn ai biết đến Lư Sơn chân diện mục (bộ mặt thật của núi Lư) ra làm sao nữa.

Một hình dung về A Châu

Mộc Uyển Thanh cũng là một Càn Thát Bà điển hình. Trên người nàng có mùi thơm quyến rũ nên được giang hồ đặt cho biệt danh Hương Dược Xoa (Dạ Xoa thơm.) Theo như cảm nhận của chàng mê gái Đoàn Dự thì mùi hương trên người nàng “như lan mà không phải lan, như xạ mà không phải xạ, tuy không đậm đà chỉ thoang thoảng dìu dịu nhưng ngửi thấy lòng không khỏi lâng lâng”. Con ngựa mà nàng cưỡi cũng có tên là Hắc Mai Côi (hoa hồng đen). Về sau Mộc Uyển Thanh trở thành chính cung hoàng hậu của Đoàn Dự (theo bản sửa đổi mới nhất của Kim Dung).

Mộc Uyển Thanh. Hình từ trang này 

Vương phu nhân là con gái của Lý Thu Thủy, người tình của Đoàn Chính Thuần, mẹ ruột của Vương Ngữ Yên. Bà ta có nhan sắc tuyệt vời, tính tình kiêu ngạo, lại đam mê hoa trà đến mức điên cuồng. Vương phu nhân bỏ công sai người đi khắp nơi tìm các loại danh chủng trà hoa về trồng tại Mạn Đà sơn trang, lúc nồng nàn tình ái nhớ tới Đoàn Chính Thuần thì ngâm câu thơ “Xuân câu thuỷ động trà hoa bạch,” khi tiết hận y thì giết đàn ông đem làm phân bón hoa trà. Về sau bà gặp Đoàn Dự và được cậu ta dạy dỗ cho một bài về việc chọn hoa – trồng hoa – thưởng hoa đến mức thẹn toát mồ hôi. Bởi Vương phu nhân sống giữa vườn hoa trà nên có điểm tương đồng với các nữ thần Càn Thát Bà gần gũi thiên nhiên.

5. A Tu La

A Tu La là một hàng thần có nhiều thần thông biến hoá nhưng phúc đức không thể so với Thiên thần (Deva), còn được gọi là Phi Thiên hay Vô Thiện Đẳng. A Tu La trong tiếng Ấn Độ là Asura.

Đặc điểm của A Tu La là tính tình rất hay ghen ghét đố kỵ, kiêu ngạo, đa nghi, đồng thời thích gây chiến và xung đột. A Tu La nam thường xấu xí, A Tu La nữ lại diễm lệ, vì thế A Tu La với Đế Thích đánh nhau liên miên, bên cần rượu ngon, bên đòi gái đẹp. A Tu La đặc biệt tị nạnh với Thiên thần vì cho rằng Phật tổ thiên vị chư thiên. A Tu La chính là ẩn dụ của nhà Phật để nói về tính sân si của con người.

Tượng A Tu La

A Tu La nữ trong Thiên Long Bát Bộ chính là Khang Mẫn.

Khang Mẫn là vợ của phó bang chủ Võ Đại Nguyên, cũng cặp kè với Đoàn Chính Thuần phong lưu “rải khắp nhân gian đều oán hận”.

Bề ngoài Khang Mẫn là một phụ nữ “xinh đẹp thanh tú, e lệ đáng yêu”. Tuy nhiên nội tâm của Khang Mẫn đã bị biến dạng từ khi bà ta còn nhỏ, ví dụ rõ nhất: vì ghen tị tỷ tỷ hàng xóm có tấm áo hoa đẹp mà cô bé Khang Mẫn cầm kéo cắt nát áo để người ta không thể nào mặc được nữa. Tâm lý méo mó này phát sinh từ ba yếu tố: tham vọng, kiêu ngạo, và tính ích kỷ tột độ; thị sẵn sàng cắn chết Đoàn Chính Thuần khi ông không chịu lập thị làm phi tử.

Đáng sợ nhất, chỉ vì Tiêu Phong không để ý đến thị trong hội hoa mẫu đơn mà Khang Mẫn quyết tâm khiến chàng phải thân bại danh liệt: thị ám sát chồng, đổ vấy cho Tiêu Phong, nhân đó vạch trần thân phận Khiết Đan của chàng. Có thể nói bước đường hoạn nạn của Tiêu Phong (Thiên) bắt đầu do bàn tay độc ác của Khang Mẫn (A Tu La). Tuy nhiên trong truyền thuyết A Tu La luôn chịu thua Thiên chúng, tương tự Khang Mẫn dùng đủ mọi thủ đoạn vẫn không thể nào trấn áp được Tiêu Phong, cuối cùng lại thành tự hại mình.

Trương Hinh Dư trong vai Khang Mẫn của Tân Thiên Long Bát Bộ

A Tu La nam trong Thiên Long Bát Bộ ứng với Du Thản Chi và Mộ Dung Phục. Cả hai nhân vật này đều liên tục gây chiến với Tiêu Phong (Thiên) nhưng vẫn chuốc lấy thất bại thảm hại.

Du Thản Chi xuất thân là thiếu trang chủ của Tụ Hiền Trang, là con cháu của Du Câu, Du Ký. Tiêu Phong chỉ bằng một chưởng đã đoạt lấy song thuẫn của cha chú Du Thản Chi, khiến Du thị Song hùng xấu hổ vung đao tự sát. Trong thâm tâm Du Thản Chi vì thế coi Tiêu Phong là kẻ thù lớn nhất trong đời. Về sau đối tượng mà y yêu điên rồ – A Tử – lại một lòng đắm đuối “tỷ phu” Tiêu Phong! Từ một kẻ hiền lành, Du Thản Chi bị thiêu đốt bởi ghen tị, oán thù, si mê,… đến mức không còn kiểm soát được hành vi. Không chỉ tâm lý mà bề ngoài của y cũng bị biến tướng khủng khiếp, y chịu đủ thảm hình: da mặt bị đốt cháy, đầu chụp mũ sắt trở thành “thiết sửu,” chân bị đánh gãy, hai con mắt tự móc đi để dâng cho A Tử… Y vĩnh viễn thất bại trong cuộc đấu với Tiêu Phong, đã không có một phần danh vọng và khí độ của chàng, cũng chẳng được A Tử dành cho một chút tình. Du Thản Chi là một A Tu La quái vật, nhưng cũng vô cùng đáng thương.

Du Thản Chi

Mộ Dung Phục được đồn đại là có võ công ngang hàng với Tiêu Phong, thiên hạ vì thế lưu truyền câu “Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung,” nhưng thực ra y không có chân tài thực học. Võ công Đấu Chuyển Tinh Di của y chỉ là trò lừa người, khi gặp phải Tiêu Phong lập tức phải chịu lép. Dù sao mục tiêu chính của Mộ Dung Phục cũng không phải đạt ngôi vị đệ nhất võ lâm, mà là khôi phục nhà Đại Yên của dòng họ Mộ Dung. Vì cái đích này mà y sẵn sàng bái kẻ thù làm cha nuôi, giết hại cả thuộc hạ lẫn người nhà, dùng mọi thủ đoạn thu phục nhân tâm…

Giống như A Tu La, Mộ Dung Phục có mỹ nữ bên cạnh (Vương Ngữ Yên), nhưng y hoàn toàn thờ ơ với nàng, chỉ chuyên chú gây dựng cơ đồ. Cuối cùng y bị Tiêu Phong đánh cho đại bại, người thân bỏ đi hết, kế hoạch gây dựng Hậu Yên sụp đổ. Mộ Dung Phục bị chấn động tâm thần hóa điên, trở nên ngây ngây dại dại. Người thế tục tham lam quyền lực, hay thù hận như Mộ Dung Phục gọi là bị lửa A Tu La thiêu đốt. Trong mỗi người chúng ta đều có một phần A Tu La…

*

Bài tiếp theo: “Còn ai là Garuda và ai là Khẩn Na La?

*

Về chưởng Kim Dung:

- Truyện Kim Dung (phần 1): phàm đại hiệp đều phải mồ côi cha

- Truyện Kim Dung (phần 2): bildungsroman muốn li kỳ thì phải thiếu nơi nương tựa

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 1): từ màu đỏ của mặt trời 8, 9 giờ sáng

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 2): cũng thanh trừng, cũng sùng bái cá nhân

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 3): ba lý do của một người khôn ngoan

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 1):
ai là Thiên, ai là Long?

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 2):
ai là Dạ Xoa, ai là Atula?

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 3):
còn ai là Garuda và ai là Khẩn Na La?

- Đọc Kim Dung (bài 1): Quách Tĩnh – Bảy lần leo núi để thành núi

- Đọc Kim Dung (bài 2): Dương Quá – chọn vực sâu để tìm tri kỷ

- Đọc Kim Dung (bài 4): “tình thánh” Dương Quá và hình tượng máu

- Đọc Kim Dung (bài 5): ba thử thách đắng và một cái kết ngọt cho Dương Quá

- Vi Tiểu Bảo (bài 1): “thằng vô lại nhỏ” được Kim Dung gửi gắm toàn biểu tượng

- Vi Tiểu Bảo (bài 2): phản anh hùng đạt được mọi thứ mà anh hùng khó có

- Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 1):
Ai đẹp nhất? Ai nghề nghiệp ổn nhất?

- Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 2):
Tính ai hay nhất? Nhà ai thích nhất?

Ý kiến - Thảo luận

22:39 Friday,6.12.2019 Đăng bởi:  Trần Minh
Bài viết của bác rất hay, em đọc bên Spider thì mò được qua đây hóng tiếp :))
...xem tiếp
22:39 Friday,6.12.2019 Đăng bởi:  Trần Minh
Bài viết của bác rất hay, em đọc bên Spider thì mò được qua đây hóng tiếp :)) 
15:22 Wednesday,8.3.2017 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
Ôi bạn Hải Phạm ơi, bài đã lên lâu lắm rồi mà. Nhờ Soi kèm link vào phần cuối bài này nhé.
...xem tiếp
15:22 Wednesday,8.3.2017 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
Ôi bạn Hải Phạm ơi, bài đã lên lâu lắm rồi mà. Nhờ Soi kèm link vào phần cuối bài này nhé. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả