Văn & Chữ

“Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 1): từ màu đỏ của mặt trời 8, 9 giờ sáng 18. 08. 16 - 5:10 am

Anh Nguyễn

Trần Mặc từng nhận xét tiểu thuyết Kim Dung có tính “nhã tục cộng hưởng,” nghĩa là ai cũng có thể đón nhận và say mê nó bất chấp khoảng cách về kiến thức. ”Kẻ hời hợt thì xem náo nhiệt, người sâu sắc thì tìm thấy đạo lý.” Bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ là một ví dụ xác đáng về vấn đề này.

Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh của Tiếu Ngạo Giang Hồ

Nói về sức cuốn hút thì Tiếu Ngạo Giang Hồ ăn khách chẳng hề thua kém Anh Hùng Xạ Điêu, Ỷ Thiên Đồ Long Ký, và hơn hẳn Uyên Ương Đao hay Việt Nữ kiếm (trường thiên tiểu thuyết của Kim Dung luôn được lòng đông đảo độc giả hơn những tác phẩm ngắn.) Trong cuốn Phế Đô của Giả Bình Ao, nhân vật Hồng Giang tính kế nhập một lô sách kiếm hiệp hạng hai về thay bìa, giả làm truyện Kim Dung để kiếm tiền (“Sách của Kim Dung bán chạy lắm, quyển sách ấy đương nhiên chẳng thể bằng Kim Dung, mình lấy tên Toàn Dung, viết thật láu, chợt nhìn một cái cũng là Kim Dung, nếu họ tra ra, thì cãi tôi viết là Toàn Dung cơ mà”). Nhưng Tiếu Ngạo Giang Hồ còn là một sản phẩm sinh ra từ cảm xúc nội tại của Kim Dung, và rộng hơn, của thời đại. Nếu không có những khía cạnh sâu sắc như vậy thì tác phẩm Kim Dung đã chẳng xứng đáng được lập riêng một ngành nghiên cứu gọi là Kim học (Jinology.)

Tiếu Ngạo Giang Hồ bắt đầu được Kim Dung viết vào năm 1967. Cách mạng Văn hóa được Mao Trạch Đông khởi xướng từ năm 1966. Đây đâu phải là sự trùng hợp. Các học giả cho rằng Tiếu Ngạo Giang Hồ ra đời chẳng những không ngẫu nhiên mà còn rất cố ý cố tình. Theo kết luận chung của giới Kim học, Tiếu Ngạo Giang Hồ không phải phản xạ nghệ thuật vô thức của Kim Dung mà chính là một vở kịch giễu nhại Mao Trạch Đông và Cách mạng Văn hóa. Có bốn luận cứ như sau:

Thứ nhất, tất cả các trường thiên tiểu thuyết của Kim Dung đều có bối cảnh rõ ràng – Thiên Long Bát Bộ diễn ra đời Bắc Tống, Thần Điêu Hiệp Lữ xảy ra vào cuối thời Nam Tống, Lộc Đỉnh Ký thời nhà Thanh, v.v,… Riêng Tiếu Ngạo Giang Hồ là một ngoại lệ. Theo Li Yijian, sự mơ hồ về thời gian thậm chí “phi thời gian” khiến Tiếu Ngạo Giang Hồ có thể đại diện cho bất cứ giai đoạn lịch sử nào. Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ ta thấy giới võ lâm tưởng chừng không chịu sự quản chế của triều đình song thực ra vẫn vận hành đúng như một xã hội thu nhỏ với đầy đủ tôn ti trật tự và thủ đoạn chính trị. Những sự kiện diễn ra từng giờ từng phút tại Trung Hoa đại lục chính là cảm hứng trực tiếp để Kim Dung viết Tiếu Ngạo Giang Hồ.

Bìa sách Tiếu Ngạo Giang Hồ

Thứ hai là những yếu tố ám chỉ đến hình ảnh mặt trời. Mặt trời là biểu tượng của Mao Trạch Đông và Cách mạng Văn hoá. Khắp nơi là những khẩu hiệu tuyên truyền ví lớp trẻ “đang độ thăng hoa cuộc đời giống như mặt trời lúc tám, chín giờ sáng”. Mặt trời mang màu đỏ của dòng máu cuộn trào trong huyết quản quần chúng cách mạng. Mặt trời xuất hiện trên pano áp phích, trong những vở kịch, bài hát ca tụng công lao chủ tịch. Cuốn sách Mao Chủ tịch Ngữ lục có màu đỏ rực còn được gọi là Hồng bào thư. Hồng vệ binh đeo băng đỏ, cầm sách đỏ, miệng hát bài Đông phương hồng.

Bích chương cổ động Hồng vệ binh và sách đỏ của Mao

Lời bài hát Đông phương hồng:

Đông phương hồng, mặt trời lên
Trung Hoa chúng ta có Mao Trạch Đông
Với nhân dân Người là vị cứu tinh
Tính tang tình
Người hằng luôn quan tâm chỉ lối mọi dặm đường
Đảng cộng sản như vầng dương
Ánh tươi chiếu rọi sáng ngời muôn phương
Khắp nơi nơi luôn có Đảng tiên phong

Cuốn sách “Mao Chủ tịch Ngữ lục”

Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ thay vì Chủ nghĩa Mao Trạch Đông ta có Nhật Nguyệt thần giáo. Lúc đầu Kim Dung đặt tên cho giáo phái này là Triều Dương thần giáo (Triều Dương nghĩa là chầu mặt trời) nhưng sau vì e ngại động chạm nên ông đổi thành Nhật Nguyệt (mặt trăng và mặt trời). Vì điều này mà ông bị Nghê Khuông phê bình là thiếu chính kiến và “làm Tiếu Ngạo Giang Hồ kém hẳn đi”. Thế chỗ cho Mao chủ tịch ngữ lục là cuốn sách nhỏ quyền lực Quỳ hoa bảo điển (Quỳ hoa nghĩa là hoa hướng dương.) Và vị giáo chủ võ nghệ siêu phàm mà tất cả mọi người sợ sệt xen lẫn ngưỡng mộ chính là Đông Phương Bất Bại (kẻ bất bại ở phía Đông, hướng mặt trời mọc)

Luận cứ thứ ba không còn dừng lại ở những ẩn ý kín đáo. Khi nghĩ tới Cách mạng Văn hóa, thường ta nghĩ ngay tới hai điều: cảnh đấu tố và sự sùng bái cá nhân (ở đây là tôn thờ Mao Trạch Đông.) Cả hai sắc thái đó xuất hiện trong Tiếu Ngạo Giang Hồ và đều là những cảnh tượng gây chấn động.

Trước tiên là đấu tố ở danh môn chính phái. Khi Lưu Chính Phong mở tiệc rửa tay gác kiếm, toàn thể võ lâm đều tới tham dự. Nhưng bọn đệ tử Tung Sơn kiên quyết không cho ông hoàn thành ý nguyện. Chúng dùng vũ lực bức bách thê tử của ông, bắt ông phải khai ra có quan hệ với trưởng lão của Ma giáo là Khúc Dương, rồi lại ép ông đi ám sát người bạn tri kỷ của mình. Xin mời đọc đoạn sau từ hồi 38 “Bọn Tung Sơn uy hiếp Lưu gia:”

Giữa lúc ấy mười mấy người từ trong hậu đường đi ra. Ðây là Lưu Chính Phong Lưu phu nhân cùng hai đứa nhỏ và đệ tử họ, tất cả bảy người. Sau mỗi người đều có một tên đệ tử phái Tung Sơn, tay cầm đao trủy thủ dí vào sau lưng bọn Lưu phu nhân.

Phí Bân đón lấy cây ngũ sắc lệnh kỳ trong tay gã, giơ cao lên tuyên bố:

– Lưu Chính Phong hãy nghe đây! Tả minh chủ có lệnh truyền trong vòng một tháng mà ngươi không chịu giết Khúc Dương thì lập tức Ngũ nhạc kiếm phái phải thanh toán nội bộ để khỏi có mối lo về sau. Ðã nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, quyết chẳng dung tình. Ngươi hãy nghĩ kỹ đi.

Phí Bân dõng dạc nói:

– Ðây là việc của một mình Lưu Chính Phong không liên can gì đến các đệ tử khác phái Hành Sơn. Vậy bọn đệ tử phái Hành Sơn không cam tâm phụ trợ nghịch đồ thì phải mau mau qua mé bên tả.

Hồi lâu, một hán tử thanh niên nghẹn ngào lên tiếng:

– Lưu sư bá! Bọn đệ tử cam đành đắc tội với sư bá.

Rồi hơn 30 tên đệ tử phái Hành Sơn sang đứng bên quần ni phái Hằng Sơn.

Đệ tử Tung Sơn ngăn Lưu Chính Phong rửa tay chậu vàng để chính thức rời bỏ võ lâm

Gã đệ tử phái Tung Sơn tên gọi Ðịch Tu đứng ở đằng sau người con lớn của Lưu Chính Phong dạ một tiếng rồi nhẹ nhàng chí mũi đoản kiếm trong tay qua làn da sau lưng Lưu công tử.

Lưu Chính Phong nở một nụ cười thê thảm nhìn con hỏi:

– Hài nhi! Ngươi có sợ chết không?

Lưu công tử đáp:

– Hài nhi đã nghe lời gia gia quyết không sợ chết.

Lưu Chính Phong nói:

– Thế thì hay lắm!

Lục Bách quát lên:

– Giết đi!

Ðịch Tu liền phóng kiếm về phía trước suốt qua sau lưng thấu vào trái tim Lưu công tử. Thanh đoản kiếm vừa rút ra, Lưu công tử té xuống liền, máu tươi trào ra như suối.

Lưu phu nhân thét lên một tiếng nhảy xổ về phía thi thể con mình.

Lục Bách lại quát lên:

– Giết đi!

Ðịch Tu giơ kiếm lên phóng tới. Thanh kiếm lại đâm vào sau lưng Lưu phu nhân.

Chưởng môn phái Hành Sơn Lưu Chính Phong và trưởng lão Nhật Nguyệt thần giáo Khúc Dương cùng hợp tấu khúc “Tiếu ngạo giang hồ.” Vì tình bằng hữu mà Lưu Chính Phong bị thân bại danh liệt, tan cửa nát nhà.

Đây là một trích đoạn táng đởm kinh hồn, không phải vì bạo lực máu me mà vì sức nặng tâm lý thật đáng sợ. Người đã đọc Tiếu Ngạo Giang Hồ không dưới năm lần là tôi mà vẫn nín thở, tim đập chân run. Cơn ác mộng đó lại là một đặc trưng của Cách mạng Văn hóa, nó vẫn sống động trên từng trang viết, từng thước phim về thời kỳ này. Những cảnh tượng ép cung tàn nhẫn, dùng người nhà để đấu tố lẫn nhau, tru diệt cả gia tộc, … xảy ra với cường độ và tần suất chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc. Từ Hồng Kông đau đáu theo dõi tình hình quê hương chắc hẳn Kim Dung đã có nhiều đêm dài trăn trở, nhất là khi chính gia đình của ông trở thành nạn nhân. Như mọi nhà văn khác, ông hướng cảm xúc của mình vào ngòi bút. Tại Trung Quốc đang diễn ra một sự thật đáng sợ hơn bất cứ câu chuyện tưởng tượng nào. Và những người dân Hồng Kông khi đọc đến đoạn này ắt hiểu được ngay cảm hứng của Kim Dung đến từ đâu.

(Còn tiếp phần 2phần 3)

*
SOI: Để đọc các bài về chưởng Kim Dung, các bạn có thể vào phần tìm kiếm của Soi, gõ “Kim Dung” ở mục “Nội dung”, sẽ ra rất nhiều bài.

 

*

Về chưởng Kim Dung:

- Truyện Kim Dung (phần 1): phàm đại hiệp đều phải mồ côi cha

- Truyện Kim Dung (phần 2): bildungsroman muốn li kỳ thì phải thiếu nơi nương tựa

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 1): từ màu đỏ của mặt trời 8, 9 giờ sáng

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 2): cũng thanh trừng, cũng sùng bái cá nhân

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 3): ba lý do của một người khôn ngoan

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 1):
ai là Thiên, ai là Long?

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 2):
ai là Dạ Xoa, ai là Atula?

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 3):
còn ai là Garuda và ai là Khẩn Na La?

- Đọc Kim Dung (bài 1): Quách Tĩnh – Bảy lần leo núi để thành núi

- Đọc Kim Dung (bài 2): Dương Quá – chọn vực sâu để tìm tri kỷ

- Đọc Kim Dung (bài 4): “tình thánh” Dương Quá và hình tượng máu

- Đọc Kim Dung (bài 5): ba thử thách đắng và một cái kết ngọt cho Dương Quá

- Vi Tiểu Bảo (bài 1): “thằng vô lại nhỏ” được Kim Dung gửi gắm toàn biểu tượng

- Vi Tiểu Bảo (bài 2): phản anh hùng đạt được mọi thứ mà anh hùng khó có

- Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 1):
Ai đẹp nhất? Ai nghề nghiệp ổn nhất?

- Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 2):
Tính ai hay nhất? Nhà ai thích nhất?

Ý kiến - Thảo luận

19:42 Friday,24.6.2022 Đăng bởi:  Phạm Hoàng Dũng
Tác giả viết nhầm: Lưu Chính Phong không phải là chưởng môn phái Hành Sơn, chỉ là sư đệ của chưởng môn thôi. Chưởng môn phái Hành Sơn là Mạc Đại tiên sinh.
...xem tiếp
19:42 Friday,24.6.2022 Đăng bởi:  Phạm Hoàng Dũng
Tác giả viết nhầm: Lưu Chính Phong không phải là chưởng môn phái Hành Sơn, chỉ là sư đệ của chưởng môn thôi. Chưởng môn phái Hành Sơn là Mạc Đại tiên sinh. 
15:19 Thursday,18.8.2016 Đăng bởi:  candid
Trong cái không khí hận thù, đấu tố ấy mà có một kiếm khách bạc hạnh như Lệnh Hồ không sợ trời, không sợ đất là một ước vọng của những người bị áp bức. Bài trước có tranh Lệnh Hồ đấu kiếm trên nhà xí với đại đạo dâm tặc Điền Bá Quang cũng là một cảnh thống khoái tuyệt hay.
...xem tiếp
15:19 Thursday,18.8.2016 Đăng bởi:  candid
Trong cái không khí hận thù, đấu tố ấy mà có một kiếm khách bạc hạnh như Lệnh Hồ không sợ trời, không sợ đất là một ước vọng của những người bị áp bức. Bài trước có tranh Lệnh Hồ đấu kiếm trên nhà xí với đại đạo dâm tặc Điền Bá Quang cũng là một cảnh thống khoái tuyệt hay. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả