Gẫm & Bình

Các vấn đề của triển lãm mỹ thuật toàn quốc tại Việt Nam 25. 02. 13 - 2:01 pm

Họa sĩ Đức Hòa

 

LỜI RÀO ĐÓN: Thưa các đồng nghiệp và các quý độc giả, người viết chỉ là một họa sĩ yêu nghề, may có ham thích tìm hiểu lịch sử mỹ thuật nước nhà và phần nào đó mỹ thuật thế giới nên khi được thầy Lê Anh Vân đặt bài, các bạn Yên Thế, Đức Bình khích lệ mới mạnh dạn thử trình bày Lịch sử tóm tắt các cuộc Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc của ta và mấy nước có liên quan. Vấn đề quá lớn, lại tồn tại vô số quan điểm phức tạp về nghề nên chắc thế nào cũng sai sót vì quá sức, kính mong được lượng thứ. Những suy ngẫm trình bày dưới đây chỉ là quan điểm và hiểu biết cá nhân trên cơ sở tham khảo một số nguồn thông tin giới hạn nên chắc chắn không hoàn hảo, rất mong các đồng nghiệp cùng tranh biện để làm sáng tỏ chân lý nghệ thuật. Xin trân trọng cảm ơn.

*

I. NHỮNG KHÁC BIỆT VỀ TÊN GỌI và KHÁI NIỆM
1. Tại sao Triển lãm của ta và Trung Quốc lại là Toàn quốc trong khi Thái là Quốc gia còn Pháp không đề cập?

Ngay từ khởi đầu, các Triển lãm Mỹ thuật quốc gia của PhápThái Lan không gặp phải vấn đề chia cắt vùng miền. Thái đủ tĩnh tâm để nêu bật tính chất quốc gia cho triển lãm này, còn Pháp không đề cập đến vì họ muốn quốc tế hóa các Salon của họ.

Trong khi ấy, suốt từ năm 1949 đến nay, Trung Quốc luôn có vấn đề về toàn vẹn lãnh thổ. Bằng chứng là Hồng Kông, Ma Cao mãi đến cuối thế kỷ XX mới thống nhất trở lại với quốc gia nhưng vẫn tạm nhất quốc lưỡng chế. Riêng Đài Loan vẫn là một lãnh thổ chia tách với một chính phủ đối lập. Các thiết chế mỹ thuật của Đài Loan lại thường có chữ “quốc gia”. Vì lẽ đó, trong hệ thống triển lãm mỹ thuật toàn quốc của Trung Quốc luôn có một triển lãm đặc biệt dành cho các khu vực Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan. Thống nhất quốc gia là ý nguyện thiêng liêng của tất cả các nước, do đó mà triển lãm mỹ thuật của Trung Quốc có chữ Toàn quốc.

Còn ở nước ta, suốt từ 1945 đến tận 1975 luôn trong tình trạng chiến tranh chia cắt các vùng miền. Ngay trong Kháng chiến chống Pháp (1945-1954) đã từng có các vùng tự do ở Khu IV, Khu V và Việt Bắc trong khi đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ phải quyết liệt chiến đấu để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chống lại âm mưu chia tách của Pháp thành nhượng địa Cochinchine mà cuối thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn thua trận đã đành ký kết với thực dân Pháp, chịu mất đứt vùng đồng bằng trù phú ở phía Nam Tổ quốc mà lịch sử từng gọi là 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) và 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Sau đó, theo Hiệp định Genève 1954, nước ta lại phải chia đôi đến tận 1975. Chính trong thời gian ấy, ở Sài Gòn đã có trường Mỹ thuật Quốc gia, triển lãm mỹ thuật quốc gia. Đối lập lại, ở miền Bắc chúng ta có trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam và triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Theo chúng tôi, đó là lý do chính khiến triển lãm mỹ thuật lớn nhất nước ta mang danh toàn quốc.

2. Tại sao sắp đặt, trình diễn và video art lại không phải là mỹ thuật mà là nghệ thuật? Mỹ thuật có bao gồm nghệ thuật không? Hay là ngược lại? Có vấn đề gì về kỹ thuật không, nếu các loại hình trên tham gia triển lãm mỹ thuật ở tầm quốc gia?

Trên trường quốc tế vấn đề này đã sáng tỏ, chỉ có khá nhiều họa sĩ ta vẫn chưa hiểu, do thiếu điều kiện mà thôi. Mỹ thuật là Beaux-Arts (tiếng Pháp) hay Fine Art (tiếng Anh) trong khi sắp đặt là Installation Art, trình diễn là Performance Art còn Video Art thì đã rõ. Dịch ra tiếng Việt thì 3 loại hình sau đều là nghệ thuật chứ không phải mỹ thuật.

Mỹ thuật là các loại hình nghệ thuật cũ, trong khi trình diễn, sắp đặt chỉ mới xuất hiện khoảng thập niên 1970 ở phương Tây và đang còn khá mới với ta. Vì khuôn khổ bài viết, chúng tôi không dám đi sâu diễn giải 3 loại hình nghệ thuật kể trên, chỉ xin lưu ý giới hạn của chúng rộng hơn, có mượn thêm các kỹ thuật và kỹ năng của một số ngành nghệ thuật khác. Cũng vì thế, có người nhầm trình diễn với múa, nhảy hay kịch câm; nhầm sắp đặt với bày biện và nhầm video art với quay phim truyền hình… Rất tiếc là không phải vậy.

Theo phân loại của phương Tây, nghệ thuật rộng hơn (nhưng có vẻ bao laloãng hơn) và có thể bao gồm cả mỹ thuật. Tác phẩm mỹ thuật như hội họa, đồ họa, điêu khắc thường tĩnh và lặng, không bao giờ thay đổi kết cấu; khán giả có xem đi, xem lại bao nhiêu lần thì tranh hay tượng vẫn không thay đổi. Sắp đặt cũng gần như vậy, nhưng trình diễn và video art thì động và thay đổi, người xem phải theo dõi cả quá trình diễn biến. Theo quy luật tiền-hàng-tiền của tư bản thì người ta có thể mua bán và sở hữu các tác phẩm mỹ thuật, nhưng với sắp đặt, trình diễn, video art thì khó hơn nhiều.

“Chết và sự sống”, sắp đặt, phần 1 và 2 của Nguyễn Văn Hè, triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc Việt Nam 2010.

Đã từng có những ý kiến nên đưa các loại hình trên vào triển lãm mỹ thuật toàn quốc Việt Nam và do đó nghệ thuật sắp đặt đã có mặt tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010, video art và trình diễn đã xuất hiện tại Festival Mỹ thuật Trẻ 2011. Vậy là các nhà tổ chức đã chứng tỏ họ hiểu biết và không hẹp bụng gì.

“Lý thuyết màu xám”, sắp đặt của Trần Ngọc Minh, triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc Việt Nam 2011.

 

“Cảm nhận”, trình diễn của Nguyễn Văn Hè, giải Ba Festival Mỹ thuật Trẻ 2011.

Tuy nhiên, 3 loại hình ấy lại có những đặc thù riêng, đòi hỏi không gian-thời gian đặc biệt mà nếu điều kiện triển lãm có giới hạn thì không thể chứa được. Ví dụ như với trình diễn thì tác giả không thể nào múa suốt kỳ triển lãm dài, video art đòi hỏi nguồn điện ổn định và khán giả phải theo dõi liền mạch từ đầu đến cuối, còn sắp đặt kiểu cà chua chảy nước hay đóng băng nước sông Tô Lịch thối rữa dần có thể gây ô nhiễm (rất phiền nếu bày trong một phòng kín, sang trọng) v.v…

“Trái đất xanh”, video art của Lê Trần Hậu Anh, giải Nhất Festival Mỹ thuật Trẻ 2011.

Ở các nước có nền công nghiệp tiên tiến hiện nay, thường người ta tổ chức tách riêng các triển lãm nghệ thuật đương đại 2 năm/kỳ gọi là Biennial hay Biennal, hoặc 3 năm, gọi là Triennial hay Triennal. Đó là chỗ có những không gian thích hợp cho sắp đặt, trình diễn, video art và các loại hình nghệ thuật tân kỳ khác. Các khán giả vào đó sẽ được sống trong không gian nghệ thuật đậm đặc hơi thở của thời hiện đại và khoa học viễn tưởng, được góp phần tham gia những không gian nghệ thuật diệu kỳ và rộng mở… Vấn đề còn lại là các triển lãm kiểu này cần rất nhiều các nhà tài trợ cho các ý tưởng phối hợp phức tạp, kỳ khu và to tát. Hiện Trung Quốc có các Biennial Thượng Hải, Thành Đô và Triennial Quảng Châu…

II. MỐI LIÊN QUAN ĐỀ TÀI – NỘI DUNG – KỸ THUẬT
1. Vấn đề mà nhà nước quan tâm: đề tài và nội dung

Dù ai cũng biết nghệ thuật và sáng tạo đòi hỏi và gắn liền với tự do nhưng bất kỳ chế độ nào cũng quan tâm đến đề tài và nội dung trước hết, nếu họ phải để mắt đến một cuộc triển lãm diễn ra trên lãnh thổ của mình. Tự do nghệ thuật như Pháp mà còn bắt hạ những bức tranh phản chiến ở Salon d’Automne nữa là! Ấy là trong trường hợp nhà nước không đứng ra tổ chức hay tài trợ cho triển lãm dạng ly khai này, thế mà họ vẫn có quyền bắt hạ tranh. Đề tài và nội dung tại các triển lãm mỹ thuật của Trung Quốc thì càng rõ đến mức thái quá nếu vào thời trước đổi mới của họ, nay thì đã thoáng hơn nhiều nhưng vẫn quyết không có chuyện đi ngược lại đường lối của đất nước. Bên Thái có vẻ thoáng hơn nữa về đề tài và nội dung, nhưng tranh tượng về vua Thái luôn thể hiện sự thành kính hàng đầu (bất cứ ai xúc phạm đến vua Thái đều phải đi tù, theo 1 điều khoản trong luật pháp của Thái).

Nói như vậy không có nghĩa chúng tôi cố gò vào vấn đề nội dung. Tưởng rằng chỉ có ở ta mới coi nội dung làm trọng, hóa ra ở Pháp và Thái từng có những tác phẩm đề cập đến những nội dung thiết yếu và đầy xúc động mà ở ta, do quen thụ động về chủ đề được chỉ đạo mà nhiều tác giả đã đánh mất sự nhạy cảm. Đó có thể là nỗi đau trước thảm họa môi trường (họ đi trước chúng ta hàng chục năm về vấn đề này).

“New Symbolic from Environment No.2”, sắp đặt, 200 x 390 cm, của Vichoke Mukdamanee, triển lãm Nghệ thuật quốc gia Thái Lan 1991 – tác phẩm đặt vấn đề về môi trường của Thái Lan.

 

Đó từng là nỗi đau về thân phận con người trong thế giới hiện đại (họ thấm thía hơn ta về vấn nạn này).

“Transforming Nature”, sắp đặt, 250 x 300 x 300 cm, của Naruepon Buranabanyad, triển lãm Nghệ thuật quốc gia Thái Lan 1994 – tác phẩm đặt vấn đề về không gian sống quanh ta.

 

Đó còn là niềm hạnh phúc hào hứng tình người trong hoạt động tập thể (hóa ra họ cũng chẳng kém gì ta).

“Thai Farmers”, sơn dầu, 450 x 300 cm của Chalood Nimsamer (Thái Lan), triển lãm Nghệ thuật quốc gia Thái Lan 1955 – tranh theo chủ đề lao động tập thể của Thái Lan.

Đó cũng là nỗi giằng xé trước những va đập giữa truyền thống và hiện đại (họ cũng nặng tình với dân tộc như ta mà lại cũng quyết vươn lên hiện đại chẳng “kém” gì ta)… Vậy là đề tài và nội dung luôn cần cho sáng tác và triển lãm bởi nghệ thuật là hoạt động nhân bản, vì con người. Có điều nếu nghệ sĩ được thể hiện tự nhiên, không bị gò bó thì bao giờ cũng là hay nhất. Tất nhiên, đề tài và nội dung có hay đến mấy mà kỹ thuật kém thì đó không phải là nghệ thuật và khỏi bàn!

2. Vấn đề mà nghệ sĩ chú trọng: Kỹ thuật của nghệ thuật
Nói rõ hơn trong mỹ thuật thì đó là trường phái, phong cách, bút pháp, bố cục, chất liệu… Ngoài xã hội thì người ta hay bàn đến nội dung. Trong chuyên môn thì anh em trong nghề chỉ thường quan tâm tới kỹ thuật và coi hơn thua cũng ở đấy. Theo góc nhìn nhà nghề thì kỹ thuật mới là trọng, tranh đẹp hay xấu cũng do kỹ thuật còn đề tài-nội dung có khi chỉ là cái cớ. Có những nội dung là trọng tâm của nền chính trị quốc gia sẽ được nhiều họa sĩ cùng vẽ, nhiều nhà điêu khắc cùng nặn hay tạc. Thế nhưng tranh tượng có hay, đẹp, nổi bật hay không lại phụ thuộc vào kỹ thuật của anh có hơn hẳn các đồng nghiệp khác hay không.

“Chợ phiên Bắc Hà”, sơn dầu của Hoàng Minh Giám, triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc Việt Nam 2010.

 

“Phiên chợ Bắc Hà”, khắc gỗ của Trần Nguyễn Phương Uyên, triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc Việt Nam 2010.

Những tranh vẽ chợ miền núi như hai tranh trên đây xuất hiện nhiều vô kể trong các triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc Việt Nam; vấn đề là tranh của tác giả nào nổi trội hơn hẳn các đồng nghiệp khác?

Kỹ thuật thoạt đầu hóc búa nhưng khi đã làm chủ được thì người nghệ sĩ chuyên nghiệp có cảm giác say hơn điếu đổ. Tất cả những tinh túy, sâu sắc hay nhiều tầng ý nghĩa ẩn dụ của tranh, tượng muốn thực hiện thành công đều phải trông vào trình độ kỹ thuật của tác giả. Tác phẩm xuất sắc hay tầm thường đều ở đấy mà ra. Có khi vì say kỹ thuật quá mà nghệ sĩ chỉ ham chơi chất hay bút pháp, mảng miếng mà cố tình loại bỏ nội dung. Đó là lý do ra đời của phái trừu tượng. Thường dân có thể không hiểu nhưng nghệ sĩ vẫn có thể hết sức hả hê.

Kỹ thuật bao giờ cũng là cửa ải khó nhất đối với sáng tác nghệ thuật. Có người bảo cảm xúc quan trọng hơn, nhưng nếu cảm xúc dâng trào mà không đủ trình độ kỹ thuật để thể hiện thì đương nhiên đó cũng không phải là tác phẩm nghệ thuật và lại khỏi bàn! Mặt khác, đề tài và nội dung cũng có năm bảy đường thực hiện. Người nông thì đơn thuần xòe nội dung ngay ra ngoài mặt. Người sâu thì nâng lên tầng cao hay ẩn dụ ở tầng sâu. Trong nghệ thuật thì 2+2 chưa chắc đã = 4. Cùng một hình thể nhưng mỗi họa sĩ diễn một khác, và người tài khéo chắc gì đã ăn đứt người thô vụng? Sự kết hợp nội dung-hình thức chỉ thành công mỹ mãn nếu người nghệ sĩ tài năng thành tâm dùng kỹ thuật chuyên chở nội dung đúng lúc thăng hoa xuất thần. Tác phẩm thành công, bởi vậy, bao giờ cũng ở số ít và chỉ cần số ít chứ không phải số nhiều (nghệ thuật chắc sẽ rất chán nếu tất cả cùng thành công như nhau trên một chủ đề).

*

(Kỳ tới: So sánh triển lãm mỹ thuật toàn quốc ở ta với nước người)

*

Bài liên quan:

– Triển lãm mỹ thuật toàn quốc của… Trung Quốc (phần 1)
– Triển lãm mỹ thuật toàn quốc của… Trung Quốc (phần 2)

– Triển lãm mỹ thuật toàn quốc của… Thái Lan
– Triển lãm mỹ thuật toàn quốc của Pháp (phần 1)
– Triển lãm mỹ thuật toàn quốc của… Pháp (phần 2)

– Các vấn đề của triển lãm mỹ thuật toàn quốc tại Việt Nam

– So sánh triển lãm mỹ thuật toàn quốc của Việt Nam với các nước khác

 

 

*

Bài cùng tác giả:

– Chất liệu và lòng tự trọng 
– Triển lãm tranh Đồ họa ASEAN lần thứ nhất 2012: cơ hội giao lưu hiếm có cho đồ họa Việt Nam
 
– LA GIOCONDA: Phần 1 – Ai cũng nói đến nó…
 
– LA GIOCONDA – phần 2: Vậy “MONA LISA” đẹp ở chỗ nào?

Ý kiến - Thảo luận

21:19 Sunday,11.10.2015 Đăng bởi:  vô danh

Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam trao giải cho tranh chép quá là ô nhục! Không nên so sánh với nước ngoài! Khi nào những người giảng dạy có năng lực thực sự thì mới có những họa sỹ giỏi. Khi nào những"tay"chấm giải đủ tầm hiểu biết mới có những tác phẩm chất lượng !!!!


...xem tiếp
21:19 Sunday,11.10.2015 Đăng bởi:  vô danh

Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam trao giải cho tranh chép quá là ô nhục! Không nên so sánh với nước ngoài! Khi nào những người giảng dạy có năng lực thực sự thì mới có những họa sỹ giỏi. Khi nào những"tay"chấm giải đủ tầm hiểu biết mới có những tác phẩm chất lượng !!!!

 
23:42 Monday,25.2.2013 Đăng bởi:  PHỊ NÂY HẢO

Bác Đức Hòa viết kỹ lưỡng quá về các triển lãm mỹ thuật toàn quốc nước ngoài, cho thấy Ta càng phải kiên định duy trì đều đặn triển lãm MTTQ 5 năm một lần bất chấp sau ngày khai mạc các triển lãm này vắng như CHÙA BÀ ĐANH. Bác Hòa cho biết thêm là ở Bển họ c&
...xem tiếp

23:42 Monday,25.2.2013 Đăng bởi:  PHỊ NÂY HẢO

Bác Đức Hòa viết kỹ lưỡng quá về các triển lãm mỹ thuật toàn quốc nước ngoài, cho thấy Ta càng phải kiên định duy trì đều đặn triển lãm MTTQ 5 năm một lần bất chấp sau ngày khai mạc các triển lãm này vắng như CHÙA BÀ ĐANH. Bác Hòa cho biết thêm là ở Bển họ có vắng khách xem như Ta không ạ?
Nghe đồn là Triển lãm Festival mỹ thuật trẻ 2011 vòng đầu bỏ phiếu thì giải Nhất được xác định là một tác phẩm Đồ họa sắp đặt, sau thế nào đó BTC lại họp lại HỘI ĐỒNG NGHỆ THUẬT để bỏ phiếu lại và cuối cùng Giải nhất được trao là tác phẩm Video art, điều đó có đúng không ạ? Còn ở triển lãm MTTQ 2010 thì các củ nghệ làng ta đều rõ mười mưoi là tranh khắc được treo của họa sĩ Đinh Lực bị phạm quy thế mà vẫn qua được mắt của BTC và hội đồng nghệ thuật. Bác Hòa là ủy viên hội đồng triển lãm năm 2010, có biết trường hợp nào ở các triển lãm ở Bển mà giống ta không ạ?
 

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nếu... thì tư cách gì để bình phẩm?

Ngô Lực - Thành viên KCBT

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả