|
|
|
|||||||||||||
Điện ảnhBụi Đời Chợ Lớn: Bụi đời ngáp vặt 10. 08. 13 - 11:57 amSáng ÁnhSOI: Trong bài có làm lộ kết thúc phim (tuy không rõ lắm), có lẽ chỉ thích hợp với bạn nào đã xem (cọp?) Trước hết, tôi được xem bộ phim Bụi đời Chợ Lớn một cách rất bụi đời: không trả tiền và trong những điều kiện rất xấu: trên màn hình laptop, 480p mờ nhạt (tuy âm thanh bằng phôn cẩn thận cho dù không phải gì đó 5.1 Dolby), chỉ còn thiếu là ngồi ngoài nắng trên một cái ghế đẩu cụt một chân. Tuy nhiên, đây có lẽ là trường hợp và điều kiện thưởng lãm bộ phim này của số đông khán giả Việt. Đến với Bụi đời Chợ Lớn là cũng trong tinh thần giải trí, chờ tạnh một cơn mưa hay ngại trời đang nắng, phần tôi cũng như đa phần các bạn, không ai chờ đợi gì khác ở đây. Để qua thời gian một hai tiếng này, ta cần một cốt truyện ân oán tròn trĩnh với tiết tấu nhịp nhàng và ba yếu tố căn bản là hành động (võ thuật, bắn súng, rượt đuổi, đua xe), sex (ở diễn viên chính và ở môi trường câu chuyện, như quán nhảy, hộp đêm…) và không thể thiếu là hài (nhân vật phụ hay hoàn cảnh). Mấy cái này chẳng có gì cách mạng cả, là công thức đã được áp dụng 1001 lần để mua vui cho một trống canh trên màn hình chớp nháy. Cốt chuyện Bụi đời Chợ Lớn là một cốt chuyện ổn, tất nhiên là thứ cốt truyện có thể nhặt được trên bất kỳ tờ rơi ngoài đường, nhưng đó chính là điều ta chờ đợi. Sư phụ bị hại thì ta phải trả thù, đàn em bé dại thì ta phải bảo vệ, hắc bạch thì phải phân minh, và cuộc tình nào thì cũng ngang trái nhưng hạ hồi có phân giải thế nào thì cũng phải là tốt đẹp và hướng thiện. Những điều kiện này, cốt chuyện của Bụi đời Chợ Lớn đều có cả. Về mặt đạo đức con người và xã hội, đây là một bộ phim giáo khoa thư. Luân lý được tôn trọng tối đa Khổng Mạnh nếu so với những phim cùng loại ở Tây phương nhăng nhố. Nhất là kết thúc, sóng biển Vũng tàu (?) sau 10 năm hiền lành bóc lịch đã xóa đi những tội ác lỡ vướng phải một thời Chợ Lớn… thôi không nói nữa. Đây là một phim hành động, và về mặt này thì người xem là tôi thất vọng não nề. Tuy ghi nhận nỗ lực của đạo diễn và đoàn, cũng có phóng xe đập mặt vào cửa sổ (cửa vỡ tan tành chứ không phải là mặt, may thay), có đá quay giò lái chiếu chậm và có rơi người xuống từ tầng năm tầng bảy nhưng kỹ xảo và âm thanh lại gây ra ấn tượng hời hợt rất là tồi. Đây nói về mặt điện ảnh, Trí Nguyễn đá thì đẹp nhưng đoạn chiếu chậm rất lơ là, không có âm thanh tốt nhấn mạnh, không có cận cảnh (mặt người bị đá nhăn lại thất thần, dĩ nhiên là cũng chiếu chậm chứ), không có bồi theo nạn nhân rơi cái ‘bụp’ xuống đất (chiếu nhanh trở lại) và Trí Nguyễn hài lòng (1/3 giây hay 8 hình). Ta có cảm tưởng là quay phim lười, mặc cho diễn viên đá mỏi giò là xong, chứ không buồn quay thêm làm gì cho mỏi tay. Dựng phim cũng thế, các pha chém giết cứ thả mặc cho đến xong (chết hết) thì thôi, rồi, sang màn khác… Có lúc diễn viên phóng mình qua cửa sổ còn lộ hàng, ở đây là dây an toàn buộc lưng, và kép độc lúc bị kết liễu cuộc đời thì khỏi nói, anh rơi lầu mà blue screen lộ liễu như một màn hề khiến phải tự hỏi, sản xuất có trả tiền đúng hẹn cho hậu kì ở Thái không? Nhắc đến Thái lan lại đau lòng, nếu phải so với phim hành động trong khu vực. Về mặt sex, trong những phim thế này, ngoài nhân vật nữ chính hay phụ cũng phải có vài xen hộp đêm, karaoke, bia ôm, múa rốn… nhưng thế là ta mất tiền rồi (nếu có trả tiền xem phim), hay mất cả thì giờ. Các vai nữ ở Bụi đời Chợ Lớn vô (gợi) cảm, mặc dù có cố gắng quấn mền co duỗi trong khi chỉ mặc có nội y. Đây không cần thiết phải hở hang như các cảnh hiếp dâm trong phim Hong Kong, vừa hợp đạo lý (kẻ ác sẽ chết) lại vừa được thấy diễn viên bị tụt quần. Nhưng cũng phải có gì chứ! Như vai nữ chính (phản trắc và chuộc tội vào lúc chót như mọi người chờ đợi) thì nên mặc quần dài hay áo trùm Hồi giáo cho rồi, có cái quần soóc bận mãi đâm ra phản cảm tuy cô có co cả hai đùi trần ngồi trầm tư xa vắng dưới mưa. Chán cô này đã đành nhưng nhìn đi nhìn lại, đường phố lại vắng tanh, không có một phụ nữ nào khác, dù là phục vụ quán nhậu hay bi-da hay quần chúng qua lại đuờng phố, hay là quần chúng ở trong các hộ khi bụi đời săn đuổi nhau trong các chung cư. Chợ Lớn trong phim là một thành phố chết, và 100 tay dao nam không có lấy một cô bán thuốc lá lẻ, kiểu, không phận sự đâm chém nhau xin miễn vào trường quay. Các màn hài và nhân vật hài như ghép vào khiên cưỡng, như kiểu đạo diễn chợt nhớ ra là phải có, đâm nhau mãi thì cũng phải cho khán giả cười. Bụi đời Chợ Lớn cũng có một vài nhân vật điển hình và một vài hoàn cảnh, nhưng không đạt. Đã thế, các nhân vật chủ ý gây hài này phục trang, kiểu tóc… cũng không đến nơi đến chốn, cho một cảm giác cẩu thả và nửa vời, rất phù hợp và đồng nhất với những phần còn lại của bộ phim như là hòa âm, hay âm nhạc. Bấm nút cho nó ra nhạc, chừng nào hết cảnh thì ngưng nhé, tao ra ngoài hút thuốc đã. Diễn xuất và thoại, hay diễn thoại, là một điểm khó khắc phục trong điện ảnh nước nhà. Tại sao thì tôi không biết, có thể gốc là từ kịch bản, khiến một tay dao hàng B trong phim mà nói năng y như nhà văn đọc trích đoạn tiểu thuyết của mình trong một buổi ra mắt sách. Đã 40 năm rồi, tôi vẫn còn ấn tượng với câu “Bây giờ chúng ta phải làm một cái gì” của bà Kiều Chinh trong bộ phim miền Nam “Người tình không chân dung”. 40 năm sau, Bụi đời Chợ Lớn vẫn vấp phải vết lăn (trầm) ấy, tuy ở đây nhiều câu thoại lại thêm vào hơi hướm bụi đường xa, hay là bụi đời Bolsa, tức là dịch thẳng ra từ một cụm từ tiếng Mỹ, do đoàn làm phim nhiều nhân tố Việt kiều. Một nhận xét nói qua về vấn đề được tranh cãi, là bạo lực trong bộ phim này. Thực sự ra, nó được diễn đạt rất kém, đánh đấm thì lịch bịch, đâm chém thì lỏng chỏng, xem đến độ ngáp ngắn ngáp dài, thế đủ rồi, đạo diễn ngủ gật hay sao mà không hô “Chấm dứt!”. Giống như những năm 70 ở Hương Cảng, khi Vương Vũ (Jimmy Wang Yu) đấu võ với kẻ thù từ sân nhảy lên mái, rơi xuống sông, trôi ra biển vẫn còn đấu tiếp trong khi phù sa đã âm thầm đắp bên lở bên bồi theo dòng thời gian. Bạo lực trong điện ảnh, một con cá vàng giẫy chết trong “Cyclo” (Trần Anh Hùng) ấn tượng hơn là 117 hảo hán đâm nhau lòi ruột trong toàn bộ phim Bụi đời Chợ Lớn. Nhưng cái khó nó bó cái khôn. Nếu phim nghệ thuật có thể xuất sắc với số quỹ chỉ 1/10 của Bụi đời Chợ Lớn thì phim hành động giải trí có những nhu cầu khác phải chi tiền. Ở một nước đại đa số khán giả thưởng lãm là xem chùa hay xem cọp, hệ thống rạp hát ít oi và đĩa lậu tràn ngập, phát tán trên mạng, thì gay go cho chủ đầu tư lắm; họ thế cũng là đóng góp cho nền điện ảnh nước nhà đáng được tuyên dương anh hùng lao động lắm rồi. Theo tôi, hãng phim sản xuất nên phát lên mạng với hình ảnh và âm thanh tốt một cách tự nguyện, kèm theo tài khoản Paypal kêu gọi đóng góp, cũng tự nguyện từ phía người xem, có lẽ hiệu quả hơn về mặt doanh thu. Còn trông đợi về việc phát hành nước ngoài thì tôi không tin. Những phim thế này ở trong khu vực, đã dở thì người ta xem phim dở của nước họ. Trong khi trú mưa Bangkok, trú nắng Kuala Lumpur, ai mà rung đùi xem phim hành động Việt Nam. Lại gật gà gật gù trên ghế đẩu thiếu chân khập khiễng, lỡ ngã thì hết cả ngáp vặt, tỉnh người. *
Bài liên quan: – Để đỡ áy náy khi xem lậu Bụi Đời Chợ Lớn…
* Sáng Ánh viết về điện ảnh: - Bụi Đời Chợ Lớn: Bụi đời ngáp vặt - Bài học từ “The Room” (phần 1): - Bài học từ “The Room” (phần 2): - Bài học từ “The Room” (phần 3): - Ba ngày Tết ôm một vòng eo (phần 1): đâu khác gì 42 năm trước - Ba ngày Tết ôm một vòng eo (phần 2): âm thanh giả tạo là một cực hình cho người xem - Tẩy chay Oscar, ra Trafalgar chiếu cũng tốt - “Đồng chí Kim đi (đu) bay”: cứ vậy đi lại chấp nhận được - “Vắng mặt không phép”, phim được giải mà lại không được chiếu - Kong, Đảo Đầu Lâu: bắt lỗi nho nhỏ với một bộ phim to (tiền) - Quả bong bóng trắng (bài 1): một ví dụ về điện ảnh trung thực thì hay - Quả bong bóng trắng (bài 2): đã đến lúc ta nên làm phim xấu - Điện ảnh Uganda: thành công nhờ biết mình ở nhà lá và xung quanh cũng toàn nhà lá - Xem Ma’ Rosa: ta nên học theo hướng nào? - “Đồng niên vãng sự”: một giọt nước to của một làn sóng mới - “Đồ tể”: đạo đức nào và khoảng cách nào cho người làm phim tài liệu? - “Lặng im”: Quá lố và xuất sắc - “Bảng đen”: cứ xem phim họ lại muốn “đọ” phim ta - ADÚ: một bộ phim hay được 1 phần 3 - Bài 8 – Nhật ký (không) làm phim: - Hai bộ phim và một cuộc ám sát Ý kiến - Thảo luận
19:34
Wednesday,23.10.2013
Đăng bởi:
admin
19:34
Wednesday,23.10.2013
Đăng bởi:
admin
@ Zen Đỗ và Đạt Mốc: Soi không đưa cmt của bạn lên vì bạn không xem phim mà nhiếc móc người đã xem phim kinh quá, toàn những lời lẽ rất là không hay ho gì. Ngoài ra, sao mà khổ thân vậy, có mỗi một nội dung cmt mà đăng hết tên này đến tên khác!
9:29
Sunday,11.8.2013
Đăng bởi:
My Lad
@ Dung T: Mình nghi đây là thủ pháp của nhà sản xuất để người ta vẫn coi phim lậu được mà lại không ai dám chính thức "đập" phim, vì "đập" thì sẽ rơi vào cái tội "coi bản chưa hoàn chỉnh mà chê cái chưa hoàn chỉnh".
9:29
Sunday,11.8.2013
Đăng bởi:
My Lad
@ Dung T: Mình nghi đây là thủ pháp của nhà sản xuất để người ta vẫn coi phim lậu được mà lại không ai dám chính thức "đập" phim, vì "đập" thì sẽ rơi vào cái tội "coi bản chưa hoàn chỉnh mà chê cái chưa hoàn chỉnh". Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
@ Zen Đỗ và Đạt Mốc: Soi không đưa cmt của bạn lên vì bạn không xem phim mà nhiếc móc người đã xem phim kinh quá, toàn những lời lẽ rất là không hay ho gì. Ngoài ra, sao mà khổ thân vậy, có mỗi một nội dung cmt mà đăng hết tên này đến tên khác!
...xem tiếp