Văn & Chữ

Về những cái tên trong Hồng Lâu Mộng (phần 1) 09. 02. 19 - 1:00 pm

Anh Nguyễn

Nhà phê bình kiêm lý luận văn học nổi tiếng người Pháp Roland Barthes từng nói: “Một cái tên [trong văn chương] luôn cần được phân tích kỹ lưỡng, bởi tên chính là vị chúa trùm của những biểu tượng.”

Trong trường hợp các nhân vật trong Hồng Lâu Mộng, tầm quan trọng của tên nhân vật lại càng rõ rệt hơn hết. Chi Nghiễn Trai là người đầu tiên quan tâm đến ý nghĩa đằng sau những cái tên trong Hồng Lâu Mộng. Đến thế kỉ 19, tác phẩm Hồng Lâu Mộng tùy bút (khuyết danh) lại tiếp tục đào sâu vào chủ đề hết sức thú vị này. Tính chất đặc biệt của tiếng Trung Quốc với vô số từ đồng âm hoặc hài âm đã biến công việc nghiên cứu Hồng Lâu Mộng trở thành một trò chơi tìm kho báu, qua đó tên nhân vật trở thành chìa khoá để mở những tầng lớp sâu xa của tác phẩm. Tạm thời có thể chia thành mấy loại:

1. Những cái tên gợi đến chủ đề của tác phẩm

Tất cả những cái tên xuất hiện trong chương một của Hồng Lâu Mộng đều xứng đáng được phân tích kỹ càng. Ngay từ chương này, người đọc đã tiếp xúc với những địa danh mang màu sắc huyền bí, thần thoại: Đại Hoang Sơn (ngọn núi của sự hoang đường lớn) và Vô Kê Nhai (vách núi không có căn cứ, không được ghi lại).

Từ hai cái tên trên có thể suy ra hai điều: những điều xảy ra từ nay về sau nói là mộng cũng được, là thực cũng được, hư hư ảo ảo, giả giả chân chân không biết đâu mà lần. Hơn thế nữa, việc bà Nữ Oa luyện đá vá trời cũng như việc họ Tào lấy chữ dệt lên câu chuyện Hồng Lâu Mộng, nói cho cùng, chỉ là hành động vô nghĩa, phi lý, không có ảnh hưởng gì tới cuộc sống thực. Đây là cái nhìn nhuốm màu sắc bi quan.

Nhân vật chính (Bảo Ngọc) lại chính là hòn đá thừa thãi không được sử dụng đầu thai mà thành. Có thể suy ra rằng Tào Tuyết Cần đã gửi vào Hồng Lâu Mộng tinh thần chán nản, bất đắc chí vì thất bại trong đường hoạn lộ. Ba vạn sáu ngàn năm trăm hòn đá vá trời, kích cỡ cao mười hai trượng, vuông hai bốn trượng, tất thảy đều được trọng dụng, chỉ trừ có “Thạch huynh”. 36500 là số ngày trong năm nhân với 100 lần, 12 và 24 là số tháng trong năm và số giờ trong ngày. Những chi tiết này ám chỉ rằng: câu chuyện về hòn đá có ý nghĩa vượt thời gian.

Tác giả Tào Tuyết Cần

Hòn đá bị bà Nữ Oa bỏ rơi tại Thanh Ngạnh Phong (đỉnh núi có cây xanh). Nghe qua thì tưởng chỉ là miêu tả đơn thuần, nhưng hai chữ “thanh ngạnh” lại hài âm với “tình căn” – cái gốc của tình. Nhờ vậy ta biết Hồng Lâu Mộng là câu chuyện của tình, và hòn đá này chính là cội rễ của lưới tình.

Tiếp theo đó, hòn đá gặp hai vị Mang Mang đạo sĩ và Diểu Diểu chân nhân. Mang Mang miêu tả không gian mênh mông, rộng lớn. Diểu Diểu có nghĩa xa xăm, mờ ảo. Kết hợp lại ta có từ “diểu mang” (miaomang): không thật, không đáng tin. Hai người này đã mang hòn đá về chốn hồng trần, nhưng chính bản thân họ cũng là những sứ giả của sự mơ hồ. Về sau, một đạo nhân tên là Không Không (không tồn tại của không tồn tại, nghĩa là tột cùng của không) vì ngẫm nghĩ câu chuyện hòn đá mà đổi tên thành Tình Tăng (nhà sư tình). Điều này chứng tỏ câu chuyện hòn đá có sức cảm hoá ghê gớm, có khả năng biến không trở thành sắc (tình).

Ba vị Không Không, Mang Mang, Diểu Diểu

Trong truyện có nói: “Sau Tào Tuyết Cần mười năm đọc bộ sách này ở trong Điếu hồng hiên, thêm bớt năm lần, xếp thành mục lục, chia ra từng chương từng hồi, lại đề là Kim lăng thập nhị hoa.”

Mấy chứ “Điếu hồng hiên” đồng âm với “Điếu hồng trần” – khóc cho trần gian. Chưa cần đọc đã hiểu Hồng Lâu Mộng tràn đầy bi kịch. Tiền kiếp của Bảo Ngọc và Đại Ngọc gặp nhau bên hòn đá Tam Sinh (ba kiếp) ám chỉ tình duyên của đôi trai gái này sẽ phải trải qua ba lần đầu thai mới có thể ở bên nhau. Khi Bảo Ngọc và Đại Ngọc gặp nhau mới là kiếp thứ hai, vì vậy số mệnh buộc phải chia lìa. Tiền kiếp của Đại Ngọc rong chơi ở tầng trời Ly Hận (hận vì phải xa nhau), ăn quả Mật Thanh (điều bí mật) uống nước bể Quán Sầu (nước để tưới sự buồn), tất cả đều báo trước cuộc tình thê thảm của nàng.

Bảo Ngọc và Đại Ngọc

Nhân vật dưới trần đầu tiên xuất hiện là Chân Sĩ Ẩn. Cái tên này có hai nghĩa. Thứ nhất, Chân Sĩ Ẩn hài âm với Chân Sự Ẩn, có nghĩa là giấu giếm đi những sự thực. Tên tự Chân Sĩ Ẩn hài âm với Chân Sự Ẩn, có nghĩa là sự thật bị ẩn giấu đi. Chân Sĩ Ẩn lãnh vai trò dẫn dắt Hồng Lâu Mộng – một câu chuyện nửa hư nửa thực, ấy là dùng mộng để nói đời. Tên thật của nhân vật này là Chân Phí, lại đồng âm với Chân Phế, nghĩa là đồ vô dụng, phế phẩm. Nếu Chân Sĩ Ẩn là phản chiếu của Bảo Ngọc thì có thể kết luận Bảo Ngọc “đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi.”

Thứ hai, Chân Sĩ Ẩn còn có nghĩa kẻ sĩ thực thụ (chân sĩ) trốn tránh sự đời (ẩn). Điều này nói lên bản chất cương trực, không màng danh lợi, lánh đời của họ Chân, về cơ bản giống với tính cách và quá trình giác ngộ của Bảo Ngọc.

Chân Sĩ Ẩn đi tu

Ngược lại, người hàng xóm xấu tính của Chân Sĩ Ẩn là Giả Vũ Thôn lại ham mê phù hoa. Giả Vũ Thôn có ba tên gọi khác nhau: tên chữ Giả Vũ Thôn đồng âm với Giả Ngữ Thôn (lời quê mùa không thật,) tên tục Giả Hóa đồng âm với Giả Thoại (lời giả dối,) và Giả Thời Phi đồng âm với Giả Thực Phi (việc không thật.) Qua đó có thể thấy nhân vật này là biểu tượng cho sự giảo quyệt, xảo trá.

Số phận lên voi xuống chó của Giả Vũ Thôn là ẩn dụ cho sự thăng trầm của Giả phủ, một nơi hiểm ác và giả tạo. Thế nhưng tuy tính cách hoàn toàn trái ngược, Chân Sĩ Ẩn và Giả Vũ Thôn lại vô cùng thân thiết với nhau. Điều này ám chỉ rằng trong Hồng Lâu Mộng, sự thật (chân) và sự dối trá (giả) cũng quấn quít, đan xen bên nhau, khó có thể phân biệt.

Giả Vũ Thôn làm quan

Quay trở lại chương một, con gái của Chân Sĩ Ẩn có tên Anh Liên. Chữ “anh” có nghĩa là dũng cảm, còn “liên” (hoa sen) vừa đẹp vừa trong trắng tinh khôi. Tên cũng như người, Anh Liên (Hương Lăng) là người phụ nữ có nhan sắc và tính cách thẳng thắn, can trường chịu đựng sự hành hạ của Tiết Bàn, nhưng Anh Liên còn đồng âm với “ứng liên” (đáng phải thương xót).
Số phận của Anh Liên từ đầu đến cuối Hồng Lâu Mộng buồn nhiều hơn vui do sự tàn nhẫn của Tiết Bàn, sự độc địa của Hạ Kim Quế. Sau này Hạ Kim Quế lại đổi tên nàng thành Thu Lăng. Hoa lăng là củ ấu, nhưng chữ “lăng” còn có nghĩa lăng mộ, chữ “thu” hài âm với “khưu” cũng có nghĩa là mồ mả. Ý đồ nham hiểm của Hạ Kim Quế muốn ám hại Hương Lăng đã được tác giả báo trước từ câu chuyện đổi tên tưởng chừng vô thưởng vô phạt này.

Chân Sĩ Ẩn bế Anh Liên lúc nhỏ

Anh Liên từ thân phận tiểu thư cao quý, do số phận trớ trêu mà trở thành nàng hầu của Tiết Bàn. Ngược lại, a hoàn của Chân Sĩ Ẩn vì đứng hái hoa, liếc nhìn Giả Vũ Thôn mà sau này một trở thành chính thất của quan, được bao người ngưỡng vọng.

A hoàn của Chân Sĩ Ẩn hái hoa, liếc nhìn Giả Vũ Thôn

Tên của a hoàn này là Kiều Hạnh (hoa hạnh mềm mại). Thứ nhất, cái tên nói lên vẻ đẹp ngọt ngào, say lòng của nàng ta. Thứ hai, Kiều Hạnh đồng âm với “kiểu hãnh” – tốt số, may mắn. Cái tên đã nói lên vận mệnh “một bước lên bà” của Kiều Hạnh.

(Hết phần 1)

*

Về Hồng Lâu Mộng:

- Đọc Hồng Lâu Mộng: Tần Khả Khanh – kẻ lẳng lơ trong mộng

- 5 dẫn chứng về mối quan hệ “bất chính” của Tần thị

- Hai chị em nhà họ Vưu: càng lăng loàn tợn càng đau vì tình

- Mượn món cà xào “xa xỉ” nói về ẩm thực thực-hư

- Giả Thám Xuân: con phượng hoàng sinh trong ổ quạ

- Người đàn bà ghen Hạ Kim Quế

- Tiết Bảo Thoa: Từ món thuốc giá băng đến mối lương duyên lạnh lẽo

- Đại Ngọc-Tình Văn: tuy hai mà một

- “Hận Phượng Thư, mắng Phượng Thư, không thấy Phượng Thư lại nhớ Phượng Thư”

- Giả Chính: dấu chân trên tuyết của tình phụ tử

- Gửi bác Phúc Bồ: về Xuân Cung Đồ và cái “hư” trong Hồng Lâu Mộng

- Diệu Ngọc: miễn cưỡng diệt dục, sư chả phải sư, tục không phải tục

- Đại Ngọc vs Bảo Thoa: viên ngọc đen vs chiếc thoa vàng, ai hơn ai kém?

- Giả Bảo Ngọc: “một nửa đàn ông là đàn bà”, lại là “nửa dôi”

- Tàn xuân bàn chuyện Nguyên Xuân

- Giả mẫu (phần 1): đầu tiên là chuyện giàu sang

- Giả mẫu (phần 2): đứa trẻ bất chấp và thiên vị

- Giả mẫu (phần 3): may còn được người viết về cuối rủ lòng thương

- Giả Nghênh Xuân (phần 1): rúc đầu vào sách, bịt mắt bưng tai

- Giả Nghênh Xuân (phần 2): hiền quá khó mà gặp lành

- Lý Hoàn của Hồng Lâu Mộng (phần 1): đè nén sống đời vờ nhạt nhẽo

- Lý Hoàn của Hồng Lâu Mộng (phần 2): tiếng hão đành vui phúc về già

- Về Giả Thụy của Hồng Lâu Mộng (phần 1): sự thôi thúc của phần con

- Về Giả Thụy của Hồng Lâu Mộng (phần 2): tấm gương mê gái có chết cũng (nên) soi

- Về Giả Thụy của Hồng Lâu Mộng (phần 3): bài học cảnh giác về “si”, về “sắc” cho… Bảo Ngọc

- Hồng Lâu Mộng: bi kịch của đàn ông thấy mình đầu thai thành đàn bà

- Tiết Bảo Thoa (phần 1): “lãnh mỹ nhân” giấu kín trái tim nóng

- Tiết Bảo Thoa (phần 2): Trong nóng, ngoài lạnh, thắng cả Lãnh Hương Hoàn

- Tiết Bảo Thoa (phần 3): Con sâu chủ động chui vào với hoa

- Đại Ngọc và mệnh Mộc: sống như cây và chết cũng như cây

- Bảo Thoa và mệnh Kim: hoa mai ấm trong tuyết lạnh

- Phượng Thư và mệnh Hỏa (phần 1): Nội vụ hai tay hai dao

- Phượng Thư và mệnh Hỏa (phần 2): máu đỏ của nam tính

- Bảo Ngọc và mệnh Thổ (phần 1):
Hiền như đất, gieo rắc yêu và khổ

- Bảo Ngọc và mệnh Thổ (phần 2):
Là gương nên không thể cùng người

- Về những cái tên trong Hồng Lâu Mộng (phần 1)

- Căn phòng “dâm tình và chết chóc”: Phần 1 – Từ bức tranh trên tường

- Căn phòng “dâm tình và chết chóc”: Phần 2 – Từ mâm vàng tới quả dưa

- Căn phòng “dâm tình và chết chóc”
Phần 3 – Từ giường báu tới màn châu

Ý kiến - Thảo luận

15:32 Friday,16.9.2022 Đăng bởi:  Duong
Soi ơi, lâu quá không thấy Soi lên bài về Hồng Lâu Mộng nữa, mình mê serie này lắm. Mong soi và Ánh Nguyễn có thể lên nhiều bài hơn.
...xem tiếp
15:32 Friday,16.9.2022 Đăng bởi:  Duong
Soi ơi, lâu quá không thấy Soi lên bài về Hồng Lâu Mộng nữa, mình mê serie này lắm. Mong soi và Ánh Nguyễn có thể lên nhiều bài hơn. 
10:37 Tuesday,28.5.2019 Đăng bởi:  Xuân Duy
Cảm ơn bạn Anh Nguyễn nhiều thật là nhiều luôn. Mong bạn cho ra nhiều bài hay hơn nữa. Hihi
...xem tiếp
10:37 Tuesday,28.5.2019 Đăng bởi:  Xuân Duy
Cảm ơn bạn Anh Nguyễn nhiều thật là nhiều luôn. Mong bạn cho ra nhiều bài hay hơn nữa. Hihi 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả