Điện ảnh

“Bảng đen”: cứ xem phim họ lại muốn “đọ” phim ta11. 11. 19 - 11:16 am

Sáng Ánh

.

Bảng đen (Blackboards, Takhte Siah,) là bộ phim thứ nhì của nữ đạo diễn người Iran Samira Makhmalbaf và thực hiện năm 2000 lúc cô mới có 20 tuổi, đoạt giải của “Ban Giám khảo” tại LHP Cannes. “Prix du Jury” (giải Ban giám khảo) được coi như là “giải nhì” tại Cannes, và cô Samira Makhmalbaf đoạt hai lần (một bận khác là 2003), xếp sau đạo diễn Ken Loach là người đoạt giải này ba lần.

Samira là con gái của đạo diễn nổi tiếng Mohsen Makhmalbaf, trong bộ phim Bảng đen là đồng biên kịch với cha cô. Đây là một bộ phim “gia đình”, do công ty điện ảnh của Mohsen sản xuất; chính ông ngồi bàn dựng, vợ ông là kế mẫu cũng là dì ruột của cô Samira làm phó đạo diễn, đệ tử ruột của Mohsen là Ebrahim Ghafori quay phim.

Đạo diễn Samira Makhmalbaf

Phương cách sản xuất phim của Mohsen rất tiểu công nghệ, làm tại gia và ít tốn kém nhưng đã khiến ông mất nhà năm 1996 vì mang đi cầm để thực hiện một bộ phim sau đó bị chính quyền cấm phát hành. Riêng Bảng đen được đồng sản xuất bởi Ý và Nhật về mặt tài chánh.

Bản xem được có phụ đề tiếng Anh trên Youtube bị chất lượng rất kém, về âm thanh và hình ảnh như là băng cũ VHS tải lên lờ mờ. Nhưng nó gây được xúc động cho người xem ở tận trời Tây. Vấn đề giải hay không giải còn phụ thuộc vào nhiều chuyện bên lề nghệ thuật, như tuổi tác (hai mươi) và gia thế của Samira, sự góp tay của cha mẹ cô, trào lưu về thân phận phụ nữ tại Iran, cô Samira che tóc hay là không che, thời kỳ đổi mới đến gõ cửa và thành công hay là thất bại, quan tâm của thành phần điện ảnh thế giới (tức là ban giám khảo) về những việc này… Đạo diễn khủng của Nhật Takeshi Kitano chẳng hạn, không rõ giúp gì ở đây nhưng được bộ phim đăng tên cảm tạ, có lẽ ông giúp phần chạy vốn tại Nhật. Những yếu tố ngoại vi trên không kể đến, và đoạt giải hay không đoạt thì Bảng đen vẫn là một bộ phim hay và xứng đáng được xem hay là để học tập.

Đạo diễn Samira Makhmalbaf trên phim trường. Ảnh từ trang này 

Những người bán chữ dạo

Bộ phim này là Iran, nhưng kể chuyện về sắc tộc thiểu số Kurd và hoàn toàn nói tiếng Kurd. Đây là một sắc tộc 30 triệu người không có quốc gia riêng và sống trên lãnh thổ của 4 nước Iran, Turkey, Syria và Iraq, với nhiều cộng đồng tị nạn rải rác trong khu vực Trung Đông và tại các nước Tây phương.

Đề tài của bộ phim, trong một câu ngắn gọn, là nói về các thày giáo người Kurd ở miền núi, đi dạy học dạotừ làng này sang làng khác, trên lưng đeo một tấm bảng đen là dụng cụ hành nghề.

Các thầy giáo trên đường

Bắt đầu phim ta thấy một đoàn khoảng chục người như thế đi chung trên một đường núi, ai nấy đeo một tấm bảng lớn. Họ đang nói chuyện rôm rả thì có tiếng phi cơ và cả đoàn nằm xuống núp. Thời điểm là chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988) và dân tộc Kurd sinh sống ở hai bên biên giới, ở vào thế giữa hai làn đạn. Phi cơ đi khỏi, họ bèn dùng bùn màu vàng trét lên các tấm bảng đen để ngụy trang. Đến một ngã ba, mọi người phân vân về mặt an ninh, chốt giặc, gài mìn, và một số lớn đi một ngả. Chọn con đường khó khăn hơn chỉ có hai thanh niên là Said (Said Mohamadi) và Reboir (Bahman Ghobadi). Cũng như các thày khác, họ kiếm sống lang thang, thay vì bán hàng xén hay cao đơn hoàn tán thì họ tìm các em muốn học chữ học toán, đi ngang các buôn bản vắng mà rao “Ai muốn biết đọc biết viết không? Ai muốn biết phép tính?”

Dùng bảng chắn đạn

Vì lý do tranh thương, hai thày đeo bảng không thể đội chung một trời làng nên ta có hai câu chuyện sau khi họ chia tay. Said lấy hướng bằng phẳng đi tiếp trong khi Reboir chọn leo núi. Hai câu chuyện này xen kẽ và cắt quãng lẫn nhau trở đi trở lại tuy là độc lập.

Chuyện của Reboir

Reboir gặp một cụ già, khi hỏi thăm lối thì cụ nhờ đọc hộ một bức thư do con trai cụ gửi. Anh này bị bắt làm tù binh ở Iraq nhưng thư viết bằng tiếng Ả Rạp nên Reboir không biết đọc vì anh chỉ biết tiếng Ba Tư và tiếng Kurd. Anh đoán ẩu “Con chào mẹ, con chào bố”, và chỉ có thế.

Reboir trên đường

Leo núi tiếp, anh gặp một đoàn trẻ em làm “lừa”, tức là mang hàng buôn lậu qua biên giới. Thày gặp trẻ em như cá gặp nước, anh bám theo họ lẽo đẽo để hành nghề lưu động và quảng cáo “biết đọc thì có thể xem báo, thời dự thế giới và đọc truyện”!

Các em từ chối và không quan tâm, và một em bảo là em không cần biết đọc nhưng cũng có chuyện kể. Em kể lại chuyện khi em đi chăn dê, các bạn bắt được một con thỏ và chặt đầu. Em ngăn cản thì đánh nhau, các bạn nướng thỏ lên thì em không được ăn. Mời các em học toán để khỏi bị lừa khi trả công thì các em nói, chúng em là phận “lừa”, chủ tính hộ rồi, và chủ đưa bao nhiêu thì nhận! Rốt cuộc, trong cả đoàn, anh chỉ tìm ra được một môn sinh. Em này không có tiền và trả công thày bằng miếng bánh và thày vừa đi theo đoàn, vừa dạy cho em này cách biết viết tên em.

Học trò duy nhất của Reboir

Trên đường, một em khác ngã núi và gãy chân, Reboir phải cưa tấm bảng để bó chân cho em đó và như vậy chỉ còn có nửa tấm bảng. Đến biên giới với Iraq, các em lẫn vào với đoàn cửu mấy trăm con để mang hàng lậu qua chốt gác. Sang bên kia biên giới, Reboir và đệ tử gặp một em gái chăn cừ cho họ uống sữa. Họ định theo em về làng thì súng nổ ngay đó đì đoàng vì sao không ai hiểu và người xem không rõ số phận của cả ba.

Chuyện của Said

Phần của Said đi qua một làng nhưng không có “khách học trò” nên anh đi tiếp và gặp một đoàn người. Họ dắt díu nhau lánh nạn tại Iran và đang trên đường trở về làng họ tại Iraq nhưng đi lạc. Họ nhờ anh dẫn lối, trả công anh bằng 40 hạt nhân hồ đào. Một cụ già bị tắc đường tiểu không đi được, thuê tấm bảng đen để làm cáng và trả anh thêm 5 hạt nhân. Ông này có một cô gái là mẹ đơn thân, Halaleh (Behnaz Jafari), với đứa bé trai 3 tuổi. Cụ muốn gả con để yên tâm trước khi nhắm mắt. Said ngỏ lời cầu hôn.

Dùng bảng đen làm cáng

Theo Hồi giáo, lấy vợ thì nhà trai phải có của “hồi môn”. Đây là của riêng của người vợ và do cô quản lý và sở hữu, để bảo đảm kinh tế cho phụ nữ khi ly dị hay chồng chết. Said không có gì ngoài tấm bảng đen, và cô nhận lấy anh với tấm bảng này làm của riêng. Hôn lễ rất đơn giản nhưng đúng thủ tục của tôn giáo. Hợp đồng được hai bên chấp thuận, trong hoàn cảnh này dĩ nhiên là không có ăn mừng gì, ngay đến một hạt hồ đào. Said hí hửng, lấy tấm bảng ngăn một hốc đá để riêng tư nhưng vướng vít đứa bé và cô vợ mới thì cộc lốc. Anh tán tỉnh cô bằng cách dạy cô đọc “Anh yêu em” (hay “Em yêu anh”) nhưng cô không quan tâm. Bảng anh đeo cô dùng để phơi quần áo mới giặt khi di chuyển. Anh ve vãn cô bằng cách “ cho cô” 18 điểm/20, cô xi cho con đái. Anh lại dọa, cho cô 8/20 thôi rồi cho cô 10/20 vì đó là điểm vớt để đậu, cô vẫn không màng. Anh giận dỗi, cho cô luôn điểm 00 để phạt, nhưng không thành công. Cô bảo “Trái tim tôi là con tàu người lên kẻ xuống, chỉ có thằng bé này là ở lại trên toa”. Anh quay sang tìm cách vừa đi vừa dạy hai mẹ con học thuộc bản cửu chương.

Cô vợ Halaleh của Said

Trên đường khi có tiếng súng phía trước, cả nhà nấp dưới tấm bảng và cô vợ Halaleh hốt hoảng lấy mấy cục đá che cho đứa bé… Rốt cuộc đoàn người trở về đến làng và không nhận ra vì tan nát. Cô vợ theo cha trở về nhà. Ông đã thông đường tiểu sau khi súng nổ sợ vãi đái! Said bảo “Tôi là người bên này” tức là Iran và không muốn ở lại. Như thế chỉ còn có cách là ly dị. Ly hôn được tuyên bố theo đúng thủ tục. Halaleh được giữ tấm bảng đen còn Said ra đi, trở về Iran.

Một vài nhược điểm

Nhược điểm của phim là ôm đồn đến hai nhân vật chính và tham lam hai câu chuyện. Đạo diễn ở đây sợ phí mất câu chuyện như quay phim ở ta sợ phí mất một cảnh hoàng hôn. Kết hợp của nhiều tiểu đoạn hay và tốt không làm nên tổng thể của một bộ phim. Các nhân vật chỉ phác họa những khoảng khắc rất hay mà không rõ nét của vai đóng.

Các chi tiết có lúc nặng nề lên gân, như chi tiết Halaleh lấy sỏi chặn vũ khí hóa học hay chỉ có ậm ừ suốt phim để rồi phát biểu trầm trọng “người đi qua đời tôi trong những chiều đông sầu, chỉ có đứa bé ngồi nghịch đất là còn lại”. Said vừa đi vừa đọc bản cửu chương là một chi tiết hay, nhưng đến lần thứ tư thì hơi chán đối với những người xem đã biết “2 lần 2 là 4” rồi.

Phần hình ảnh của Ghafori trong bộ phim này cũng đơn điệu, tuy có thể giải thích bằng phương tiện thu hình phim nhựa trong hoàn cảnh lúc đó có thể chỉ bằng 1/10 hay 1/100 của một bộ phim thị trường nước ta ngày nay.

Reboir cùng các em thồ hàng

Xem phim họ nghĩ về phim ta

Bảng đen là một bộ phim đơn sơ về mặt điều kiện sản xuất, phần lớn là cảnh núi, các xen phi cơ, súng đạn chỉ nghe thấy âm thanh chứ không có hình. Bộ phim thành công nhờ ý tưởng, nội dung và diễn xuất. Các diễn viên chuyên nghiệp rất tốt, vai cô Halaleh có lúc cường điệu nhưng đó là vấn đề của kịch bản. Các diễn viên nghiệp dư, ông già, em bé đều xuất sắc, thật hơn cả ở ngoài đời.

Nói qua, rất nhiều phim Iran, diễn viên trẻ em thật thần tình và đây là kết quả của tuyển chọn kỹ càng và hướng dẫn, có khi mất cả năm chứ chẳng phải vu vơ mà gặp được thần đồng điện ảnh. Đây tương phản với phim Việt chẳng hạn, chọn ngay một bé xinh xinh và bắt nó nhắc lại thoại hai lần là xong. Kết quả như là quảng cáo kem đánh răng! Các cảnh nghèo cảnh khổ trong phim ta cũng thế, trang trí, trang phục, dựng cảnh, đánh đèn cứ như là phim hoạt hình đèm đẹp của Disney.

Hai em bé nghe Reboir dụ dỗ học chữ

Cũng một kịch bản này, nếu thực hiện theo dòng thường thấy tại Việt Nam thì thoại sẽ nặng nề rất cứng, một nữ diễn viên nào đó trong vai Halaleh sẽ lườm nguýt quá đáng, duỗi chân ra và duỗi chân vào. Các chi tiết hài cũng như bi, sẽ phải đến nơi đến chốn cho bõ tiền của người xem. Cười khóc trong phim Việt đều phải đáng đồng tiền, và một bộ phim như Bảng đen sẽ được coi như là quá nhạt nhẽo và không tới bến.

Nếu thực hiện thành phim cũng một kịch bản đó, ta sẽ “cái gì phải ra cái nấy” rạch ròi. Cái buồn, cái vui, cái khổ, cái sướng đều phải tăng âm máy karaoke mới ra điện ảnh. Cũng bài hát đó, với Iran là một cô gái ngân nga trong khi chụm củi bếp, còn Việt Nam ta là mặc đồ mô đen hàng hiệu nhái lên sàn diễn hát tặng hai họ trong đám cưới. Cho nên Samira đến Cannes thì đoạt giải, còn nữ diễn viên kiêm người mẫu của ta thì chỉ có đứng trên thảm đỏ mà hở mông thôi.

Đạo diễn Samira Makhmalbaf khi làm phim, lúc cô 20 tuổi

Phần âm nhạc (Mohamad Reza và Darvishi) của Bảng đen vừa đủ độ, chí ít thành công ở chỗ không dùng kèn đồng thôi thúc và nhắc nhởngười xem là đến lúc phải khóc hay phải cười.

Xem Bảng đen, thấy sự giản dị của cuộc sống là thứ điện ảnh Việt Nam ta thiếu trầm trọng. Ngay tên phim cũng vậy, nếu thực hiện tại Việt Nam, có lẽ sản xuất đã đổi tên bộ phim Bảng đen này thành Vu quy miền tăm tối hay là Bảng phấn của cuộc đời?

*
(Bài đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối tuần)

*

Sáng Ánh viết về điện ảnh:

- Bụi Đời Chợ Lớn: Bụi đời ngáp vặt

- Sống cùng điện ảnh

- Bài học từ “The Room” (phần 1):
Dở không tả được

- Bài học từ “The Room” (phần 2):
Cái gì cũng dở tuy dùng toàn thứ chuyên môn

- Bài học từ “The Room” (phần 3):
Thành công bất ngờ và ngậm ngùi cá nhân (tôi)

- Ba ngày Tết ôm một vòng eo (phần 1): đâu khác gì 42 năm trước

- Ba ngày Tết ôm một vòng eo (phần 2): âm thanh giả tạo là một cực hình cho người xem

- Tẩy chay Oscar, ra Trafalgar chiếu cũng tốt

- “Đồng chí Kim đi (đu) bay”: cứ vậy đi lại chấp nhận được

- “Vắng mặt không phép”, phim được giải mà lại không được chiếu

- Kong, Đảo Đầu Lâu: bắt lỗi nho nhỏ với một bộ phim to (tiền)

- Quả bong bóng trắng (bài 1): một ví dụ về điện ảnh trung thực thì hay

- Quả bong bóng trắng (bài 2): đã đến lúc ta nên làm phim xấu

- Điện ảnh Uganda: thành công nhờ biết mình ở nhà lá và xung quanh cũng toàn nhà lá

- Xem Ma’ Rosa: ta nên học theo hướng nào?

- “Đồng niên vãng sự”: một giọt nước to của một làn sóng mới

- “Đồ tể”: đạo đức nào và khoảng cách nào cho người làm phim tài liệu?

- “Lặng im”: Quá lố và xuất sắc

- “Bảng đen”: cứ xem phim họ lại muốn “đọ” phim ta

- ADÚ: một bộ phim hay được 1 phần 3

- Bài 8 – Nhật ký (không) làm phim:
Đi chọn bối cảnh, gặp Eric the Red

- Hai bộ phim và một cuộc ám sát
(phần 1): Ngoài đời…

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nghèo cũng phải cho Tèo đi học

Hieniemic - Tranh từ báo NLĐ

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp