Đi & Ở

Oman-Kazakhstan (bài 11): Qua Kazakhstan kìa ai tiễn rượu vừa tàn11. 05. 23 - 3:41 pm

Đặng Thái

(Tiếp theo bài 10)

Nhà ga Astana buổi tối không rực rỡ đèn đuốc như trong thành phố nhưng dòng người ùn ùn tiến về cửa tòa nhà từ mọi phía với hành lý, bao tải to nhỏ, tròn méo, mang vác khiêng xách đủ kiểu. Ga tàu hỏa lúc nào cũng mang lại cho ta cái cảm giác háo hức, nôn nao của người khách lữ hành nếu không muốn nói là sự hạnh phúc xuất hiện trên mọi khuôn mặt hành khách. Dù không thể hiện ra mặt, người ta vẫn có cái vui ẩn hiện, vì mua được vé, vui vì biết sẽ chắc chắn đến được điểm cuối hành trình, vui vì tranh thủ làm được đĩa cơm nóng trước khi lên tàu, vui vì sắp gặp được người cần gặp…

Sảnh chờ ga Astana. Các bức tranh gốm mosaic kiểu Liên Xô đang dần bị thay thế bởi màn hình điện tử quảng cáo. Ảnh: Đặng Thái

Cũng là di chuyển nhưng sân bay mang lại một cảm giác hoàn toàn khác, không ồn ào náo nhiệt, người thì vắt chân lên cổ, người thì ngáp ngắn ngáp dài, đi sớm thì đợi mà đi muộn thì lại tí nhỡ chuyến bay, ai cũng lo thiếu một thứ giấy tờ gì là hỏng việc, và ngàn vạn thứ có thể làm bạn từ một người bình thưởng tử tế chuyển sang phát rồ trong phút chốc. Vì thế nếu có thời gian thì cũng nên đi tàu, để nhìn cuộc sống của những người bình thường nhất trong xã hội ra sao.

“Sân ga chiều em đi/ Gạch dưới chân im lặng/ Bóng anh in thành tàu/ Tóc anh xoà ngang trán” (thơ Xuân Quỳnh) Cảm xúc chia tay bịn rịn sân ga này ngày nay đã phai nhạt rất nhiều vì… cái điện thoại. Dĩ nhiên khói tàu trên sân ga đêm thì vẫn lãng mạn! Ảnh: Đặng Thái

Một buồng trên tàu có bốn giường, khi mua, mình được/bị bán cho 2 giường vì trẻ em dưới… 16 tuổi không mất vé, đi cùng vé của người lớn là được, còn ngủ thế nào là việc của nhà các vị! Các buồng đủ người hết, đi đến sát nhà vệ sinh mới là buồng mua vé vét đĩa của nhà mình. Nhưng lại may vì chỉ có một anh Nga khác lấy 1 giường, 1 giường trống, thế là coi như mình mua 2 khuyến mãi 1. Lúc này không còn ngạc nhiên khi cả toa tàu chật kín đàn ông Nga, từ trẻ cho đến hơi không còn trẻ nữa, có cặp đồng tính nam, cũng có một đôi nam nữ trẻ măng. Mình nhận ra không phải vì họ nói tiếng Nga mà vì cách ăn mặc, kiểu cách hành lý khác hẳn người địa phương.

Một buồng trên tàu Kazakh. Ảnh: Đặng Thái

Toa tàu tối mò mò, chỉ có đèn vàng heo hắt ở hành lang. Trong các buồng phải ngồi tối om mà nói chuyện với nhau như thời mất điện. Đến lúc tàu chạy thì mới có đèn buồng nhưng lại phải tắt để thằng cu con và hàng xóm đi ngủ. Câu chuyện cả đêm của nhà mình với Yuri bắt đầu bằng việc mời anh cái cánh gà chiên mua ở ga tàu của quán CTR Chicken (một hãng franchise của Thổ Nhĩ Kỳ), trông y hệt KFC nhưng cay phồng miệng.

Yuri bảo từ khi tốt nghiệp đại học đến giờ hôm nay mới lại được nói tiếng Anh. Anh nghe hiểu khá tốt trừ những từ khó và trừu tượng. Anh cao to béo tốt, tầm ngoài 35 tuổi, có vợ và hai đứa con, làm buôn bán nhỏ, kinh doanh vật liệu xây dựng (hay đại loại thế!?). Tôi hỏi anh giờ đi đâu tiếp?

– Trước mắt là đến Almaty đã, tớ có tay bạn ở đó được hơn tuần rồi. Sau đó sẽ bay đi Thổ Nhĩ Kỳ, ở đấy 2 tháng, rồi có lẽ sẽ đi Việt Nam 1 tháng.

– Thế vợ con cậu thì thế nào?

– Vợ con tớ sẽ đặt một tour du lịch đi Thổ Nhĩ Kỳ rồi gặp nhau bên đó

Một lúc sau câu chuyện dần cởi mở hơn, Yuri nói:

– Cũng chẳng biết đi đến lúc nào, nào ai muốn ra trận đâu. Nhưng mà ngày xưa đánh nhau ở Afghanistan đến tận 10 năm.

– Nếu tính từ khi Euromaiden ở Ukraina nổ ra thì cũng đã 8 năm rồi chứ ít gì – Tôi nói.

Yuri lại trầm ngâm.

Chúng tôi nói đủ chuyện, về giá cả giữa Nga và Kazakhstan, về giá xăng dầu và ai ở Nga được lợi, về chuyện ông giám đốc công ty xăng dầu “ngã từ cửa sổ bệnh viện” ở Moskva, về khó khăn trong cuộc sống hằng ngày của người Nga, về việc cảnh sát có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm ở Kazakhstan… Cuối cùng tôi nói:

– Tớ cũng tiếp xúc với nhiều người Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả người Nga, người không có tiền thì có khổ nhưng tớ thấy người nhiều tiền ở những nước này cũng không hạnh phúc, mà còn khổ hơn thì có.

– Vấn đề ở chỗ phải biết bao nhiêu là đủ

– Vấn đề phải biết mình muốn gì mới đúng. Ví dụ bây giờ cậu muốn gì nhất?

Yuri nhìn thằng con mình nằm ngủ trên giường, nói:

– Giờ tớ chỉ muốn nhất là được thấy gia đình mình.

Tàu lạch cạch dừng ở một ga xép nào đó giữa đêm thảo nguyên lạnh buốt.

Bình minh trên những dải đất đen màu mỡ bỏ hoang giữa thảo nguyên mênh mông không bóng cây ở miền bắc Kazakhstan. Đây là nơi diễn ra Chiến dịch Khai hoang quy mô khổng lồ vào những năm 1950 ở Liên Xô, cày xới 25 triệu héc ta đất nông nghiệp mới ở Cộng hòa Kazakh nhưng đồng thời làm xói mòn và thoái hóa 9 triệu héc ta trong số đó. Ảnh: Đặng Thái

Đa phần khách đi tàu dậy muộn, có lẽ tàu hơi xóc, và dừng nhiều ga nên không ai ngủ được sâu giấc; vả lại 4h chiều tàu mới đến, dậy sớm mà làm gì, trong khi ngoài cửa sổ tuyệt nhiên không một bóng cây, có chỗ còn không một ngọn cỏ, chỉ có đồi là đồi và thảo nguyên phủ một màu vàng úa. Nếu làm căn nhà nhỏ trên thảo nguyên này thì toi, cạp đất cũng chết đói nói gì yêu nhau! Hai vợ chồng để lại thằng con vẫn đang ngủ thẳng cẳng để mò sang toa ăn.

Toa ăn khá đông khách, có hai người phục vụ trông có vẻ như hai mẹ con, luôn tay luôn chân, thêm một người đứng khuất nấu trong bếp, không thấy người nhưng cứ cảm giác cứ như là ông bố! Khách ngồi phần nhiều là người Kazakh còn hai người phụ nữ phục vụ là người Nga, nhưng bà mẹ Nga mới là người làm chủ ở đây thì phải! Mình đang lơ ngơ chỉ vào thực đơn định hỏi món này món gì, cố gắng chờ mãi cho bà phục vụ bớt bận và bớt bơ mình đi thì bà ấy xô luôn mình ra, ý là không tiếp. Mình đứng chặn lại bảo tôi không biết chữ, tôi gọi món này được không, thế là bà này làm ầm lên, nói liên hồi. Một anh người Nga thấy thế đứng dậy can, bảo là người ta không hiểu tiếng Nga và hỏi tại sao bà làm thế, bà ấy làm động tác là muốn ăn thì ngồi xuống, tao không phục vụ khách đứng. Bố ai mà biết được!

Nhân viên đường sắt thì mặc đồng phục mang đủ các sắc thái xanh lơ như mọi thứ khác ở Kazakhstan này nhưng riêng đội toa ăn lại mặc đồ xám đỏ, biểu tượng của đường sắt Nga. Ảnh: Đặng Thái

Vợ mình chưa bao giờ bị người phục vụ ở Úc quát như con (vì ở Úc làm gì có bồi bàn già) nên tức bỏ về toa. Mình đành ngồi lại đợi đến lượt được phục vụ. Mấy anh người Nga đang ngồi uống nước chè, vui vui hỏi chuyện: “Kitai? Kitai?”, “Niết niết, Việt-Nam-sờ-ki”. Anh lúc nãy đứng can là có vẻ biết nhiều tiếng Anh hơn cả, mặc áo phông hồng nhạt và quần bò kiểu nữ, nghe cách nói tiếng Anh thì biết là gay nhưng nếu nghe tiếng Nga và nhìn qua thì không thấy. Anh cười hề hề, răng vàng đậm: “Cậu thông cảm, họ không biết là khách du lịch nước ngoài, tưởng là dân Kazakh chen ngang”. Anh có vẻ rất tò mò muốn hỏi mình nhiều thứ nhưng… bà phục vụ đến.

Chỉ món gì cũng không có, thực đơn hóa ra để cho vui! Mình hỏi là có được mang thức ăn về toa không vì có em bé, thì bỗng nhiên thấy đổi thái độ, ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo được. Sau đó tận tình đập cánh để mô tả món gà, kêu be be cho món cừu, và còn hỏi có ăn khleb không nhưng mình thì sợ món bánh mì nguội khô như củi nên lắc đầu quầy quậy. Làm (quay lò vi sóng) thức ăn xong thì bà cho bát cháo, đĩa cơm, đĩa gà mỗi thứ vào một túi ni-lông rồi không cho mình cầm mà bắt dẫn đường rồi bà tay xách nách mang về đến tận buồng. “Ăn xong quay lại đây ngồi uống nước nhé!” Anh kia vẫn còn gọi với theo. Không biết có phải là bà đưa đến tận nơi để kiểm tra xem có em bé thật không, hay do không tin tưởng bàn tay thô kệch cục mịch của mình, hay là do “hối hận” vì đối xử tệ với khách. Lí do gì đi chăng nữa thì mình cũng thấy buồn cười hơn là thấy khó chịu, nhất là lúc bà đổi nét mặt khi thấy thằng cu con. Trẻ con ở Liên Xô vẫn là nhất.

Tàu dừng ở ga Shu, một thành phố nhỏ 35 nghìn dân, ga cuối trước khi đến Almaty. Yuri rủ mình xuống sân ga hít thở không khí, các bà đi bán quà rong nhộn nhịp trên ga. Mình mủi lòng lại mua một chùm nho hơi héo và bánh blini nhân pho mát ngọt.

Ga Shu khá to so với dân số. Tiếc rằng cột điện không chân. Ảnh: Đặng Thái

Almaty chào đón chúng mình bằng một buổi chiều nắng ấm vàng rực. Thành phố duyên dáng nằm dưới chân núi sừng sững, có thể thấy đỉnh núi phủ tuyết từ trong phố. Các tòa nhà kiến trúc Xô Viết nằm ẩn mình hài hòa sau những hàng cây xanh đang đổi màu vàng giòn tan dưới nắng thu. Người đi trên phố ăn mặc cũng thướt tha hơn mà đội trẻ phi xe trượt điện hai bánh vù vù trên vỉa hè cũng sôi động hơn.

Thành phố Almaty nhìn từ tầng 25 khách sạn Kazakhstan Hotel. Ảnh: Đặng Thái

Mình thuê một căn lều có giường, có điện, có toilet, chỉ cách thành phố chừng 30km nhưng cheo leo trên sườn núi, heo hút hơn Ba Vì. Khi mặt trời vừa lên thì dãy Thiên Sơn hùng vĩ hiện ra tầng tầng lớp lớp với tuyết phủ tráng lệ dưới bầu trời thu xanh trong ngăn ngắt. Mình ngồi nhấm từng ngụm trà nóng giữa khung cảnh đẹp nín thở ấy mà trong đầu không khỏi vang lên những nhịp điệu của nhạc sĩ Lê Thương:

“Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn,
Vui ca xang rồi đi tiến binh ngoài ngàn.
Người đi ngoài vạn lí quan sơn,
Người đứng chờ trong bóng cô đơn.”

Bình minh trên dãy Thiên Sơn, khu vực Vườn quốc gia Ile-Alatau. Ảnh: Đặng Thái

Hai tuần sau, Yuri cuối cùng cũng hạ cánh xuống Thổ Nhĩ Kỳ.

 

*

Oman-Kazakhstan:

- Oman-Kazakhstan (bài 1): Vừa đổ xăng, vừa chạy giấy lại vừa học tiếng Nga

- Oman-Kazakhstan (bài 2): Qua năm ải quan, đứng sáu tiếng

- Oman-Kazakhstan (bài 3): Nghìn dặm qua hoang mạc, không thấy lạc đà mà thấy… rùa

- Oman-Kazakhstan (bài 4): Chống Cộng sản thì làm thế nào? Thì xây điện, đường, trường, trạm!

- Oman-Kazakhstan (bài 5): Chợ mà không có phụ nữ, cũng chẳng có ruồi

- Oman-Kazakhstan (bài 6): Ăn lạc đà trong khói hương trầm tỏa

- Oman-Kazakhstan (bài 7): Ở Thủ đô, không ai tin tôi là khách du lịch

- Oman-Kazakhstan (bài 8): Bảo tàng, tượng thép dát vàng, khung to mà liệu đồ hàng có to?

- Oman-Kazakhstan (bài 9): Ở Astana mọi thứ đều to đến bất thường

- Oman-Kazakhstan (10): Nurbankgate hay hạnh phúc của một tang gia

- Oman-Kazakhstan (bài 11): Qua Kazakhstan kìa ai tiễn rượu vừa tàn

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp