Đi & Ở

Đi “thăm” Frida Kahlo và bảo tàng Arken, lại nghĩ đến “ta”… 12. 11. 13 - 1:06 am

Bài & ảnh: Uyên Ly

Arken là bảo tàng mỹ thuật đương đại nằm bên rìa thành phố Copenhagen – thủ đô đất nước Đan Mạch. Tôi đến bảo tàng để được tiếp cận gần hơn nữa người nữ họa sỹ có ria mép và đôi lông mày giao nhau người Mexico Frida Kahlo. Những tác phẩm của bà vừa mới được trưng bày tại đây. Bên cạnh đó, bảo tàng có một gian dành cho Ai Weiwei và một gian khá lớn dành cho Damien Hirst, những tên tuổi “hấp dẫn”.

Một bức li-tô cho thấy một nhân vật lưỡng tính độc đáo, một bức rất hiếm thấy của Frida. Rất tiếc là do sơ ý thế nào tôi không chụp lại tên bức này. Xin lỗi độc giả!

(Bạn đọc lưu ý: Ngoại trừ bức li-tô nhân vật lưỡng tính và bức vẽ giải phẫu cơ thể đàn ông hiếm thấy của Frida Kahlo, có thể tìm xem thêm ảnh tác phẩm của Frida với chất lượng tạm ổn trên internet. Ảnh trong bài này do tôi chụp lại từ tranh treo trên tường nên chất lượng hình ảnh không được cao lắm. Mong thứ lỗi.)

Arken là một công trình kiến trúc hiện đại và thoáng đãng cao hai tầng bao gồm một quán cà phê tuyệt đẹp có những tấm kính lớn trong suốt nhìn ra biển.  

Ảnh: Website bảo tàng Arken

Trong khi đi thăm bảo tàng (tháng 9. 2013), tôi nhận thấy một số điều thú vị như sau:

1. Điều thú vị thứ nhất – Triển lãm Frida Kahlo (9. 2013 – 1. 2014)

Các poster triển lãm về Frida Kahlo hiện ra ở những vị trí dễ thấy nhất trong thành phố Copenhagen. Dù không chủ tâm, bạn có thể nhận thấy những áp phích in gương mặt người phụ nữ mạnh mẽ có cái nhìn xoáy sâu trên những cột quảng cáo chạy dọc con đường từ sân bay về thành phố.

Trông người lại ngẫm đến ta, từ lúc tôi sinh ra đến giờ (trên ba mươi năm) chưa thấy có triển lãm nghệ thuật nào được quảng cáo khắp đọc đường từ sân bay về đến tận thành phố như vậy cả. (Chợt nhớ ra trước đây tôi có nhìn thấy biển quảng cáo sự kiện Nick Vujicic cạnh đường cao tốc – nhưng đó không phải là sự kiện nghệ thuật)

Khung cảnh nhộn nhịp tại triển lãm Frida – Một cuộc đời nghệ thuật

Bảo tàng rất đông đúc vào dịp cuối tuần (một phần nhờ vào việc quảng bá tốt), dù giá vé không rẻ  (95kr/người, tương đương với khoảng 17 USD hoặc gần 13 Euro, đắt hơn bảo tàng nghệ thuật hiện đại Berlin (giá vé 8 Euro), và bảo tàng nghệ thuật hiện đại Paris (miễn phí). Bảo tàng Arken nằm trên một khu đất cạnh bờ biển, cách trung tâm thành phố khoảng 25-30 phút ô tô.

Frida – riêng cái tên của người phụ nữ này đã đủ hấp dẫn để thu hút cả thế giới đến với bà. Cá nhân tôi có sự trông đợi lớn vì tôi muốn được xem những tác phẩm nổi tiếng nhất của bà, những tấm chân dung nhìn thẳng không khoan nhượng, những bức họa mô tả sự đau đớn cào xé,  những bức chân dung về tình yêu… Trông đợi của tôi đã được thỏa mãn, thậm chí còn hơn thế. Những tác phẩm nổi tiếng nhất của bà được trưng bày tại đây, những biến cố lớn trong cuộc đời của bà được kể, những đóng góp đáng kể của bà đối với nghệ thuật thế giới được diễn giải, và cả những chi tiết nhỏ ít biết – tôi đánh giá cao những chi tiết này – chẳng hạn như những bức tranh tĩnh vật, những bức in li-tô nhỏ bằng bàn tay của Frida. Kể cả bối cảnh lịch sử vào giai đoạn của bà, sự ảnh hưởng của nền văn hóa Mexico và văn hóa Mỹ đối với bà, những người quan trọng trong cuộc sống của bà cũng được giới thiệu tại bảo tàng. Thông qua các bức tranh, ảnh tư liệu, hình ảnh video, và những lời giới thiệu ngắn gọn, người xem có thể biết thêm về Frida sau chừng một tiếng rưỡi, hai tiếng đồng hồ.

Frida và sự kiện xảy thai, 1932. Bức li-tô nhỏ chỉ bằng bàn tay. (Các bạn bấm vào hình để xem bản to hơn).

Điều mà tôi không thích duy nhất là một số lời bình luận bên cạnh một số bức tranh của Frida. Người viết lời bình làm hộ luôn công việc của khán giả xem tranh, đó là diễn giải luôn ý nghĩa của bức tranh bên cạnh việc mô tả bối cảnh sáng tác, chất liệu tranh. Ví dụ: Lời bình về bức vẽ tĩnh vật hoa quả Mexico (ảnh dưới) cho rằng bức vẽ đầy tính nhục dục – hoa quả trông giống như bộ phận sinh dục. Đối với tôi, bức tranh đơn thuần là sự sống động, no đủ, rực rỡ của màu sắc của hoa quả chín, trong chúng có sự sinh sôi nảy nở và mãn nguyện của tự nhiên, không có hình dáng nào làm tôi trực tiếp nghĩ đến bộ phận sinh dục như trong lời bình nói đến. Đó là ý kiến riêng của người viết lời bình, đó cũng có thể là gợi ý cảm thụ tranh dành cho khán giả. Tuy nhiên, tôi cho rằng khi viết lời bình quá “kỹ lưỡng” như vậy, những người làm bảo tàng cần thận trọng kẻo thành ra áp đặt ý nghĩa.

Tĩnh vật với con vẹt và hoa quả, 1951


2. Điều thú vị thứ hai – Công trình kiến trúc Arken – chiến thắng thuộc về người trẻ

Chúng tôi đến Arken vào buổi chiều tháng chín. Mùa thu đẹp rực rỡ trong ánh nắng vàng. Công trình kiến trúc thú vị trải dài theo bề ngang, gần như trên một cùng một mặt phẳng, nhô cao lên ở một phía như mũi con tàu hướng ra biển. Những tấm kính lớn lấp loáng cho thấy bên trong là quán cà phê và khu ngắm cảnh. Lối vào không phải bậc thang mà là con đường được xây nhấc lên cao dần khỏi mặt đất, rất dễ chịu cho đôi chân. Quanh đó là những bụi cây thấp mọc tự nhiên, sau lưng bảo tàng là đường chân trời và màu biển xanh xám làm nền. Cảm giác thoáng đãng, mở rộng vẫn được tiếp tục duy trì khi tôi bước vào bên trong bảo tàng. Ánh sáng tự nhiên ngập tràn ở khu đón tiếp nối liền không vách ngăn với khu vực bán đồ lưu niệm, sách và quán cà phê. Mùi cà phê thơm bay khắp không gian.

Lối vào – Ảnh: Website bảo tàng

Để xem triển lãm, bạn không phải leo lên xuống nhiều bậc cầu thang hay đi ngoắt nghoéo vào các phòng để rồi bị lạc. Các căn phòng trải dài theo chiều ngang, chỉ cần đi từ đầu này tới đầu kia là xem được toàn bộ các tác phẩm ( Bị lạc hay bỏ sót tác phẩm là nỗi lo của tôi khi đi xem các bảo tàng nghệ thuật lớn hơn, ví dụ như bảo tàng Louvre).  Sự thoải mái, tiện dụng và cởi mở của bảo tàng tạo nên cảm giác dễ chịu và an toàn trong tôi.

Bảo tàng Arken là tác phẩm kiến trúc của một thanh niên Đan Mạch trẻ tuổi.  Soren Robert Lund sinh năm 1962, đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế bảo tàng Arken vào năm 1988 khi còn là một sinh viên ngành kiến trúc của trường Nghệ thuật Hoàng gia Đan Mạch. Ý tưởng con thuyền vươn ra biển đơn giản và mạnh mẽ của anh đã thuyết phục được các vị giám khảo cuộc thi. Đoạt giải từ khi còn trẻ, được biến ý tưởng thành hiện thực  – một công trình kiến trúc quan trọng tầm quốc tế – quả là một giấc mơ đẹp (không biết các kiến trúc sư Việt Nam nghĩ gì về điều này nhỉ?). Bảo tàng được được khánh thành và mở cửa năm 1996, được nới rộng hơn vào năm 2008 và 2009.

.


Thông tin về bảo tàng Arken:

Trong những năm đầu tiên, bảo tàng Arken thuộc về thành phố Copenhagen. Bảo tàng được xây dựng như một nhu cầu phát triển tự nhiên gắn với sự phát triển của thành phố, khi một lượng lớn các cư dân trước đây sống trong nội thành bắt đầu chuyển ra ngoại thành và Copenhagen được bổ sung bằng lượng người nhập cư từ các nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, và Kurdistan vào nửa sau thế kỷ 20. Văn hóa thành phố trở nên đa dạng, đa quốc tịch. Trước tình hình đó, chính quyền thành phố nhận thấy rằng cần phải xây dựng một cơ sở nghệ thuật để các cư dân có điều kiện tiếp cận với nghệ thuật Đan Mạch và quốc tế ở ngay trên chính mảnh đất của họ. Việc xây dựng bảo tàng vì thế mang tính chính trị, và nó đã trở thành một trong những khoản đầu tư văn hóa quan trọng nhất của Đan Mạch vào nửa sau thế kỷ 20.

Kể từ năm 1999, bảo tàng Arken “rời khỏi vòng tay” của thành phố để trở thành bảo tàng quốc gia.

Bảo tàng có diện tích 5000 mét vuông, cho đến năm 2007 đón nhận 2 triệu khách mỗi năm (bằng một nửa lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong cả năm 2007 – số liệu từ Tổng cục Du lịch)

Phòng sáng tạo dành cho trẻ em ở bảo tàng Arken

Với lòng yêu nghệ thuật, trông người lại ngẫm đến ta, tôi trộm nghĩ liệu đã đến lúc Việt Nam có ít ra là một khu trưng bày hiện đại ở bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hoặc ở một nơi thuận tiện nào đó được nhà nước bỏ tiền ra xây sửa để có chỗ cho video art, sắp đặt v.vv… chưa nhỉ? (Ở Tokyo cũng có bảo tàng nghệ thuật đương đại dành rất nhiều không gian chỉ riêng cho video art. Tôi đã có dịp đến đó và rồi quyến luyến không muốn rời vì biết là Việt Nam không có những nơi như vậy).

Tôi cũng nghĩ điều thú vị là dường như chính quyền Đan Mạch coi việc văn hóa thay đổi và làn sóng nhập cư như một cơ hội khẳng định và tạo dựng “vị thế Đan Mạch” bằng cách xây bảo tàng nghệ thuật hiện đại phục vụ người dân, còn các nhà quản lý ở ta thì vẫn cứ e dè trước cái mới đến từ bên ngoài, và ứng xử với cái mới bằng sự kiểm soát, kiểm tra hơn là coi đó như một cơ hội “ghi điểm”. Có khi nào các nhà quản lý Việt Nam nghĩ đến việc mình nên làm gì để “ghi điểm” với người dân không nhỉ? Tôi ước lối hành động “ghi điểm” với tinh thần phục vụ  không tùy thuộc vào lòng tốt của từng cá nhân, nó phải là tiêu chuẩn ứng xử của một chính quyền quốc gia và người dân có quyền giám sát và kiểm tra tiêu chuẩn đó. Ừm, nói đến đây lại thấy quen quen, hình như ở ta đã nói mãi về chuyện này rồi, cả nhân dân lẫn chính quyền đều nhất trí cao (thể hiện qua kết quả các kỳ họp quốc hội và các kỳ bầu cử), nhưng có làm hay không lại là chuyện khác. Tôi có nên sốt ruột không? Hay là cứ nhẩn nha chờ một ngày mai tươi sáng?

Trang web:
www.arken.dk

Và dưới đây là chùm ảnh về Triển lãm Frida Kahlo và những tác phẩm hiếm thấy; Chùm ảnh về gian trưng bày của Ai Weiwei và Damien Hirst.

Bức li-tô “Frida nude” của Diego Rivera, chồng Frida, 1930

 

Chân dung tự họa cùng với khỉ, 1943

 

Chân dung tự họa với tóc tết, 1941

 

Chân dung tự họa với vòng cổ gai, 1940, Frida Kahlo

 

Diego trong tôi (Frida Tehuana),1943. Bức này nhìn gần rất đẹp vì màu trắng ngà trên chiếc khăn trùm đầu này phát ánh sáng dịu như ngọc trai

 

Một bức vẽ giải phẫu học cơ thể đàn ông hiếm có của Frida (1944) được trưng bày tại bảo tàng

 

Một bức tĩnh vật tiếng Tây Ban Nha là La Novia que se Espanta de Ver la Vida Abierta, 1943. Bạn nào biết tiếng Tây Ban Nha dịch giúp với ạ

 

Tình yêu của vũ trụ, trái đất, Diego, và tôi, 1949

 

Trang phục của Frida – bà còn được coi là một biểu tượng thời trang, đã từng được mời chụp ảnh bìa cho tạp chí VOGUE

 

Trang phục của Frida Kahlo

 

Bức vẽ các chấm màu của Damien Hirst thực hiện riêng cho bảo tàng Arken

 

Tác phẩm 12 con giáp của Ai Weiwei. Xem thêm về ý nghĩa tác phẩm tại đây

 

Cận cảnh tác phẩm 12 con giáp của Ai Weiwei

 

Tác phẩm của Damien Hirst – Love’s Paradox (Surrender or Autonomy, Separateness as a Precondition for Connection.), 2007

 

Tạm dịch tên tác phẩm là “Nghịch lý của tình yêu” (Đầu hàng hay Tự trị, Sự chia cách như một điều kiện tiên quyết cho sự gắn kết)

 

Lục phủ ngũ tạng con bò xẻ đôi ngâm phoóc môn của Damien Hirst

 

“For the Love of God” – Tác phẩm nổi tiếng của Damien Hirst năm 2007. Nhưng đây là phiên bản hai chiều in trên giấy được phủ bằng bụi kim cương thật

 

Cận cảnh tác phẩm đầu lâu kim cương – nhìn thật gần mới thấy bụi kim cương, tiếc là ở trong ảnh không thấy rõ lắm. Tên nguyên văn là “For the love of God”

 

Ý kiến - Thảo luận

15:45 Wednesday,13.11.2013 Đăng bởi:  Tran Trong Linh

Đi thăm bảo tàng lớn cấp quốc gia được cái rất hay là thông thường người ta trưng bày những tác phẩm của những bậc "thước mét". Khi xem thì ít phải động não nhiều vì người ta đã chon trước cái hay nhất cho mình rồi chỉ việc chiêm ngưỡng thôi. Không biết các bác thế nào chứ em thì thích sục vô những cái Resident của các nghệ sỹ hay Biennale dành cho các nghệ s
...xem tiếp

15:45 Wednesday,13.11.2013 Đăng bởi:  Tran Trong Linh

Đi thăm bảo tàng lớn cấp quốc gia được cái rất hay là thông thường người ta trưng bày những tác phẩm của những bậc "thước mét". Khi xem thì ít phải động não nhiều vì người ta đã chon trước cái hay nhất cho mình rồi chỉ việc chiêm ngưỡng thôi. Không biết các bác thế nào chứ em thì thích sục vô những cái Resident của các nghệ sỹ hay Biennale dành cho các nghệ sỹ trẻ .Ở những nơi này em thường gọi là "mét tiềm năng". Vì các bậc "thước mét" dường như đã khẳng định được vị trí đứng còn cái loại "êke" hay"thước kẻ" thì đang trong quá trình tìm tòi nên nó mở ra những thử nghệm mới trong sáng tác cực thú vị. Ngược lại cũng cực nhiều "rác". Đến những nơi này không gian khá cởi mở, anh em có thể gặp được nghệ sỹ để chia sẻ, trao đổi hay cãi nhau cực dân chủ. Em có biết một vài địa chỉ kiểu như vậy. Chị Uyên Ly hay bác nào lang thang qua bên này bỏ tiền đổ xăng xe máy cho em, em sẽ đưa đi khám phá cùng. Linh.

 
13:09 Wednesday,13.11.2013 Đăng bởi:  Hoàng Luận

Phạm Huy Thông: Hôm qua khi viết cmt tôi đã định so sánh bài của Uyên Ly với bài của Thông, song lại nghĩ không nên làm thế, kẻo ảnh hưởng tới công việc của Thông với Quỹ Đan Mạch :-).

Nay Thông đã cmt, tôi xin viết ra luôn:

Tôi vẫn theo dõi các bài "nghệ trại", "đi hội chợ" của Thông, và thú thực lần nào tôi cũng rất thích, vì đấy mới đúng là
...xem tiếp

13:09 Wednesday,13.11.2013 Đăng bởi:  Hoàng Luận

Phạm Huy Thông: Hôm qua khi viết cmt tôi đã định so sánh bài của Uyên Ly với bài của Thông, song lại nghĩ không nên làm thế, kẻo ảnh hưởng tới công việc của Thông với Quỹ Đan Mạch :-).

Nay Thông đã cmt, tôi xin viết ra luôn:

Tôi vẫn theo dõi các bài "nghệ trại", "đi hội chợ" của Thông, và thú thực lần nào tôi cũng rất thích, vì đấy mới đúng là tinh thần của một người muốn anh em cùng mở mang với mình. Ngay với những nghệ sĩ nước ngoài, Thông cũng có một thái độ rất khiêm nhường và trọng tài, không như Uyên Ly, bình luận mà lúc nào cũng như có một cái cười nửa miệng, dù rằng những lời bình luận rất hời hợt.

Đi về và viết, tốt quá chứ. Ai cũng khư khư kinh nghiệm thì có gì hay. Nhưng viết ra thế nào, để người đọc thấy cái mình muốn họ thấy, hay là viết để khoe bản thân, tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều quan điểm khác nhau trước bài viết của Uyên Ly, và tôi xin phép không tranh luận nữa.

Mong trong tương lai được đọc thêm nhiều bài viết của bạn Thông.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

LẦN HỒI: Phương tiện hay đam mê của người trẻ?

An Bàng thực hiện (Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Dòng sông và đô thị

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả